ảnh 1
Phóng viên Tạp chí đang trao đổi với Ông Bùi Quang Hưng – Phó giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình

Để giải quyết những khó khăn trong hoạt động sản xuất và thương mại, Sở Công Thương Ninh Bình đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thực hiện việc cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài; vận hành hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách lưu thông bình thường trong điều kiện mới.

Song song với đó, Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thủ tục hành chính để duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng.

Đến nay tình hình dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát tốt, nền kinh tế của Tỉnh từng bước phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 toàn tỉnh ước đạt 71.404,6 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Bùi Quang Hưng – Phó giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình cho biết: Ngành Công Thương đã chủ động cung cấp thông tin thị trường, quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử; xây dựng chuỗi liên kết vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản.

Sở cũng đã chỉ đạo thực thực hiện việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư; nâng cấp hạ tầng, kho bãi và hạ tầng chế biến, lưu thông, tiêu thụ nông sản; chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản…Nhờ đó, bán lẻ duy trì ổn định với mức tiêu thụ tốt, lũy kế trong 9 tháng năm 2021 doanh thu bán lẻ ước thực hiện trên 25.152,1 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong hoạt động hợp tác quốc tế, Sở Công Thương Ninh Bình là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh, luôn chủ động trong công tác tham mưu về triển khai các kế hoạch hành động nhằm tận dụng những lợi thế khi nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA) nói riêng và giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của tỉnh.

Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các khóa tập huấn, hội nghị trực tuyến do các Bộ, Ngành trung ương tổ chức nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đăng ký chương trình bán hàng miễn phí trên các nền tảng Thương mại điện tử Việt Nam như sendo, tiki, lazada…

Phòng Xuất nhập khẩu khu vực Ninh Bình được ủy quyền của Bộ Công Thương từ đầu năm đến nay đã tiến hành thẩm định và cấp hơn 5.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong đó có 400 bộ C/O sang thị trường các nước thuộc liên minh Châu Âu (EU) tạo điều kiện thuận lợi về thuế quan cho các mặt hàng xuất khẩu. Kết quả giá trị xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2021 tăng trên 16% so với cùng kỳ năm 2020.

ảnh2
Giá trị xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2021 tăng trên 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Hàng năm Sở Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đề án thuộc Chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ,... để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở doanh nhân nâng cao năng lực sản xuất, sản xuất các sản phẩm mới, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở cả trong và ngoài tỉnh, Sở Công Thương Ninh Bình quyết tâm thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động công nghiệp và thương mại, phấn đấu vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra trong năm 2021.

Trên cơ sở các kết quả đạt được và mục tiêu đề ra của Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ  XXII (2020-2025) Sở Công Thương tập trụng vào các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phương án phát triển các cụm công nghiệp, phương án phát triển mạng lưới cấp điện để tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phân bố không gian lãnh thổ và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo định hướng và phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xây dựng Đề án lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng và giá trị sản xuất công nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động trên địa bàn. 

Sở cũng tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đã và đang thực hiện các dự án trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và công nghiệp hỗ trợ đẩy nhanh thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai đầu tư xây dựng và đưa dự án vào hoạt động, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp tại địa phương; Xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025.