Số liệu chính thức của Chính phủ Nhật Bản mới công bố cho thấy tăng trưởng GDP quý 4/2019 của nước này ở mức -7,1%, cao hơn nhiều so với mức ước tính -6,3% được công bố trước đó. Sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế quý 4/2019 cũng chấm dứt mạch tăng trưởng kinh tế yếu ớt kéo dài 4 quý trước đó của Nhật Bản.

Mức suy giảm này cũng là mức lớn nhất kể từ quý 2/2014 – thời điểm nước này tăng thuế tiêu dùng khiến tăng trưởng GDP suy giảm tới -7,4%. Nguyên nhân chủ yếu của suy giảm GDP của Nhật Bản trong quý 4/2019 chủ yếu do sụt giảm mạnh chi tiêu của người dân khi thuế tiêu dùng tại đây được nâng từ 8% lên 10%.

Cùng với đó, việc Nhật Bản trải qua mùa đông ấm hơn hàng năm khiến sức mua các sản phẩm mùa đông giảm mạnh. Số liệu cho thấy nhu cầu trong nước của Nhật Bản, bao gồm đầu tư và tiêu dùng đã giảm 2,4% trong quý 4/2019; trong khi đó, chi tiêu của Chính phủ Nhật Bản không thay đổi.

Nâng thuế tiêu dùng tại Nhật Bản
 Việc nâng thuế tiêu dùng lên 10% đã khiến sức mua tại Nhật Bản sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế quý 4/2019 của nước này

Mức sụt giảm chính thức cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu khiến giới phân tích càng lo ngại Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang tiến gần hơn đến bờ vực suy thoái kinh tế. Nhiều chuyên gia cảnh báo Nhật Bản sẽ rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật” khi tăng trưởng quý 1/2020 của nước này có thể tiếp tục ở mức âm do dịch virus Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản. “Suy thoái kỹ thuật” là thuật ngữ áp dụng khi một nền kinh tế ghi nhận hai quý liên tiếp có mức tăng trưởng âm.

Nhận định về số liệu tăng trưởng GDP mới được công bố của Nhật Bản, ông Yoshimasa Maruyama – chuyên gia phân tích tại hãng SMBC Nikko Securities, cho rằng đây là tình huống “nghiêm trọng” và cảnh báo Nhật Bản không đơn thuần đối mắt với một cuộc suy thoái “kỹ thuật” mà là một cuộc suy thoái kinh tế thực sự.