Sóc Trăng tập trung phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững

Với vị trí thuận lợi, được ưu tiên phát triển hạ tầng như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, cảng nước sâu Trần Đề..., cùng với chiều dài 72 km bờ biển gắn với cửa sông Hậu, Sóc Trăng có thế mạnh về phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo và dịch vụ logistics.

Phát triển kinh tế biển theo hướng đa dạng

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển như: khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đê biển, cảng biển… trên địa bàn tỉnh.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng theo nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

phát triển kinh tế biển
Sóc Trăng nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ
2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 

Theo đó, trong giai đoạn 2020- 2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ ưu tiên hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý như: xác định ranh giới quản lý trên biển với các tỉnh lân cận đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về biển, đảo trên địa bàn tỉnh hiệu lực, hiệu quả, tránh các hành vi chồng lấn, tranh chấp trên biển; đồng thời, rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên các khu vực biển.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ chuyển đổi các mô hình nuôi thuỷ sản nhỏ lẻ công nghệ lạc hậu, hiện quả thấp sang nuôi thuỷ sản công nghiệp có quy mô lớn; chuyển dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ sang đánh bắt xa bờ; rà soát, điều chỉnh và phát triển các khu - cụm công nghiệp ven biển đảm bảo thuận lợi giao thông thủy bộ. Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch biển thông qua các tuyến du lịch Sóc Trăng - Côn Đảo; Cần Thơ - Sóc Trăng - Côn Đảo.

Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, nâng cao năng lực cán bộ quản lý biển, hải đảo đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo tại địa phương.

phát triển kinh tế biển
Sóc Trăng tập trung phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung phát triển theo hướng đa dạng về đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh và bảo vệ môi trường nuôi bền vững; đẩy mạnh khai thác thủy sản, hải sản ở những vùng biển xa bờ theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản; phát triển rừng ven biển và du lịch khu vực cửa sông, ven biển; phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất bãi bồi khu vực ven biển, khu vực biển; điều tra, khảo sát, đánh giá các tiềm năng khoáng sản biển; đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Trần Đề - Côn Đảo.

Khai thác lợi thế, đẩy mạnh phát triển điện gió

Theo số liệu khảo sát của Tập đoàn ENERCON là đơn vị chuyên về sản xuất thiết bị điện gió hàng đầu thế giới của Cộng hòa liên bang Đức, tại các vùng ven biển Sóc Trăng, việc đầu tư phát triển điện gió rất thuận lợi, do bờ biển ở đây dài và rộng. Sức gió nhiều và mạnh; điều kiện triển khai xây dựng điện gió cũng thuận lợi. Ở độ cao 60m, tốc độ gió trung bình là 6,3 m/s, theo số liệu tính toán, Sóc Trăng có thể phát triển nhiều cánh đồng điện gió với tổng công suất 1,55 GW, nếu huy động được lượng vốn đầu tư khoảng từ 3-4 tỷ USD.

phát triển kinh tế biển
Đến nay, Sóc Trăng đã có 5 dự án đã đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 286,4 MW

 

Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh có 3 vùng phát triển điện gió gồm trên đất liền, khu vực bãi bồi ven biển và ngoài khơi. Theo quy hoạch điện VII, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 20 dự án điện gió với tổng công suất 1.435 MW. Tính đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 19 dự án điện gió với tổng công suất 1.395 MW; đã triẻn khai khởi công và thi công xây dựng 11 dự án điện gió trong đó có 5 dự án đã đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 286,4 MW; 04 dự án đã thi công hoàn thành dụe kiến đưa vào vận hành cuối năm 2023, luỹ kế 09 dự án tổng công suất điện gió là 410 MW và 02 dự án đang triển khai thi công dự kiến đưa vào vận hành thương mại năm 2024-2025; 08 dự án đã cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 930.8 MW đang hoàn chỉnh thủ tục để triển khai thi công, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2025.

Việc quy hoạch, ưu tiên phát năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mà Sóc Trăng có lợi thế là tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn từ các thành phần kinh tế, khai thác lợi thế so sánh về tài nguyên gió, đất đai. Từ đó, góp phần đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió, điện mặt trời, tăng thêm nguồn điện góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ Vùng

Vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chưa phát triển đồng đều và thiếu mối liên kết giữa các phương thức vận tải; quy mô và năng lực vận tải đường thủy còn thấp; chưa có cảng đầu mối và các trung tâm logistics lớn.

Hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP.HCM, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa; đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.

Thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, quyết sách tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng ĐBSCL, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng, kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm nghẽn” bấy lâu nay của Vùng.

phát triển kinh tế biển
Dự án Cảng biển Trần Đề đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng phát triển thành cảng biển đặc biệt

Trong đó, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ Vùng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng.

Ngày 25/8/2023 Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Sóc Trăng. Trong đó hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại;

Với những định hướng và chủ trương nêu trên, đã khẳng định các cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để hình thành Cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL, là “mảnh ghép” hoàn hảo, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Để Sóc Trăng bứt phá vươn lên, tỉnh đã và đang có nhiều giải phát thiết thực tiêu biểu nhất chú trọng kêu gọi đầu tư nhiều dự án trọng điểm: Dự án Cảng biển Trần Đề đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng phát triển thành cảng biển đặc biệt. Đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng của vùng, như: Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (điểm cuối kết nối vào Quốc lộ Nam Sông Hậu tại huyện Trần Đề), nổi bật là tuyến động lực ven biển nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang). Đầu tư cầu Đại Ngãi kết nối tuyến Quốc lộ 60 đến các cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, các trung tâm kinh tế trong vùng, phát triển hành lang kinh tế ven biển gắn với dịch vụ logistics, các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá; đồng thời, bảo đảm an ninh, quốc phòng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguyên Vỵ