Sự cần thiết áp dụng chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam và bài học kinh nghiệm từ quốc tế

THS. VŨ THỊ DIỆP (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT: 

Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi thông tin tài chính của quốc gia phải minh bạch. Việc xây dựng, ban hành và áp dụng các chuẩn mực kế toán công theo Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS) là rất cần thiết.

Bài viết phân tích sự cần thiết áp dụng chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu bài học kinh nghiệm từ quốc tế. Qua đó, Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để xây dựng đề án và ban hành chuẩn mực kế toán công theo lộ trình đưa ra.

Từ khóa: Kinh nghiệm quốc tế, chuẩn mực kế toán công, IPSASs.

1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế thị trường vận hành theo định hướng Xã hội chủ nghĩa luôn đòi hỏi kế toán nói chung, đặc biệt là kế toán trong lĩnh vực công nói riêng phải thừa nhận các nguyên tắc, thông lệ phổ biến của quốc tế, đồng thời phải có mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ. Việc tham gia các tổ chức kinh tế hay các hiệp định tự do thương mại như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, hay cam kết với các tổ chức tài chính như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… đòi hỏi Việt Nam phải cung cấp thông tin có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận. Việt Nam phải tuân thủ theo lộ trình đã thỏa thuận có cam kết về minh bạch hóa thông tin kế toán, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán công. Kinh nghiệm của một số nước hiện nay đang áp dụng chuẩn mực kế toán công sẽ giúp cho Việt Nam trong việc nghiên cứu xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công theo hướng hòa nhập với thông lệ quốc tế.

2. Sự cần thiết áp dụng chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam

Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS) là một hệ thống quy định và hướng dẫn về những nguyên tắc, nội dung, phương pháp và thủ tục kế toán cơ bản, chung nhất và đầy đủ, làm cơ sở ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính nhằm đạt được sự đánh giá trung thực, hợp lý, khách quan về thực trạng tài chính cũng như kết quả hoạt động của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công.

Chuẩn mực kế toán công được xây dựng và áp dụng ở các quốc gia có nền kinh tế hội nhập như là một nhu cầu khách quan tất yếu. Hệ thống chuẩn mực kế toán có thể được trình bày dưới các hình thức văn bản khác nhau, theo từng chuẩn mực riêng rẽ hoặc trình bày, quy định trong hệ thống kế toán chung, tùy theo đặc điểm của mỗi quốc gia.

Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế về lĩnh vực công (IPSASB) thuộc Liên đoàn Kế toán quốc tế đã soạn thảo chuẩn mực kế toán cho các đơn vị thuộc lĩnh vực công.

Hiện nay, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc nghiên cứu xây dựng các quy định trong lĩnh vực kế toán công theo hướng hòa nhập với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên vẫn còn khoảng cách nhất định giữa việc ghi nhận và trình bày các thông tin về thu chi ngân sách nhà nước, kế toán các quỹ tài chính, kế toán thuế và kế toán tại các đơn vị hành chính sự nghiệp với thông lệ quốc tế.

Trên cơ sở nền tảng hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế, nhiều quốc gia đã xây dựng và công bố các chuẩn mực kế toán công áp dụng trong quốc gia mình. Việt Nam đã tiến hành xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán trong lĩnh vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kế toán công từ trước đến nay mới chỉ xây dựng và ban hành các chế độ kế toán hướng dẫn công tác kế toán và tổ chức bộ máy kế toán, chưa có những quy định mang tính nguyên tắc, thống nhất một cách đầy đủ, đồng bộ phù hợp với thông lệ quốc tế. Như vậy, việc xây dựng và công bố các chuẩn mực kế toán công được đặt ra như một nhu cầu tất yếu khách quan.

3. Kinh nghiệm quốc tế

Theo IPSASB, có nhiều quốc gia đã và đang áp dụng chuẩn mực kế toán công (IPSASs), trong đó có thể kể đến các nước áp dụng hoàn toàn như: Azerbaidjan, Cambodia, Laos, Cyprus, Đông Timor, Israel, Maldives, Nepal, Uganda,… Với kinh nghiệm của một số nước đang áp dụng chuẩn mực kế toán công sẽ giúp cho Việt Nam có được bài học kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành chuẩn mực.

3.1. Kinh nghiệm của Canada

Canada là nước có quy trình ban hành chuẩn mực kế toán (CMKT) theo mô hình các nước Angloxacson. Các CMKT được ban hành theo một quy trình có tổ chức và do Hội đồng Kế toán khu vực công (CCSP) thừa nhận công bố. Các CMKT giúp cho việc cung cấp các thông tin nhận dạng, đánh giá, trình bày trong báo cáo tài chính của Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu ra quyết định. Bên cạnh đó, tài liệu hướng dẫn về kế toán công của Học viện Kế toán viên công chứng (ICCA) được áp dụng cho Chính phủ liên bang, các tỉnh và các cơ quan ở địa phương.

- Hội đồng kế toán khu vực công (CCSP):

Hội đồng kế toán khu vực công là tổ chức độc lập, có thẩm quyền xây dựng các chuẩn mực kế toán khu vực công. Nhiệm vụ của Hội đồng là vì lợi ích công cộng, thiết lập các chuẩn mực và cung cấp các chỉ dẫn liên quan đến thông tin tài chính và các thông tin khác về hiệu quả hoạt động do các đơn vị thuộc khu vực công trình bày. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Hội đồng xây dựng một cách hoàn toàn độc lập các chuẩn mực và chỉ dẫn dựa trên các nguyên tắc chung, có tham khảo các chuẩn mực kế toán được thừa nhận trên thế giới.

Theo quy định, 2/3 các thành viên của hội đồng là công chức và được lựa chọn trong số những người chịu trách nhiệm trình bày các thông tin tài chính và kiểm soát thông tin nhằm để các chuẩn mực được soạn thảo phù hợp với Chính phủ liên bang cũng như các chính quyền bang. Hiện nay, các thành viên của Hội đồng và của các nhóm công tác chủ yếu được lựa chọn trong số các công chức cao cấp hàm Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Tài chính hoặc của Bộ Nội vụ, các kiểm soát viên, người chịu trách nhiệm về ngân sách, đại diện kho bạc, đại diện các trường đại học, các hãng kiểm toán hệ số tín nhiệm và các chuyên gia về kế toán trong khu vực công.

Quy trình ban hành chuẩn mực công của Canada gồm: (1) thăm dò định kỳ, (2) nhận định dự án, (3) nghiên cứu, (4) đề xuất dự án, (5) phát biểu các nguyên tắc, (6) trình bày thăm dò, (7) thay đổi đáng kể, (8) công bố áp dụng. Điểm đáng lưu ý là lúc đầu thực hiện lộ trình có phần chậm trễ do liên quan đến nhiều chính sách tài chính, sau một thời gian việc triển khai đã được thông suốt và đúng lộ trình. Một số chuẩn mực được ban hành theo lộ trình như sau:

- Năm 2008 ban hành 4 chuẩn mực: Trình bày báo cáo tài chính; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Các chính sách tài chính, Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái.

- Năm 2009 ban hành 2 chuẩn mực: Chi phí đi vay, báo cáo tài chính hợp nhất; Kế toán các khoản đầu tư vào các đơn vị bị kiểm soát.

- Năm 2010 ban hành 9 chuẩn mực: Kế toán đầu tư vào công ty liên kết; Báo cáo tài chính đối với các khoản lợi ích từ việc hoạt động liên doanh; Hợp đồng xây dưng; Hàng tồn kho; Thuê tài sản; Báo cáo bộ phận; Các khoản dự phòng, nợ phải trả tiềm tàng và tài sản tiềm tàng; Tổn thất của tài sản không tạo tiền và Trình bày báo cáo tài chính trên cơ sở tiền mặt.

- Năm 2011 ban hành 3 chuẩn mực: Các sự kiện phát sinh sau ngày lập báo cáo tài chính; Bất động sản đầu tư; Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị.

3.2. Kinh nghiệm của Nam Phi

Năm 1995, Nam Phi đã tiến hành cải cách nền kinh tế nói chung và tài chính công nói riêng, ban hành Bộ luật về cải cách. Với Bộ luật cải cách này, năm 2000, Nam Phi đã tiến hành sáp nhập Bộ Tài chính và Bộ Chi tiêu thành Bộ Tài chính, hay còn gọi là Bộ Ngân khố. Cũng trong năm này, Nam Phi đã ban hành Luật Quản lý tài chính công với nội dung tăng cường quản lý hiệu quả tài chính công và minh bạch hệ thống báo cáo của Chính phủ. Đến nay, hiệu quả quản lý tài chính công và thực hiện chính sách tài khóa của Nam Phi được đánh giá là nằm trong số các nước hàng đầu thế giới.

Tại chương 11 Luật Quản lý tài chính công đã quy định về thành lập Ban Chuẩn mực kế toán công (ASB). Theo đó, ASB được thành lập theo Hiến pháp và là cơ quan công lập hưởng ngân sách trực tiếp từ Bộ Tài chính, hoạt động độc lập với Bộ Tài chính.

Phạm vi áp dụng chuẩn mực kế toán công: Hệ thống chuẩn mực kế toán công ở Nam Phi áp dụng cho các Bộ, ngành, các cơ quan công lập thuộc Bộ (trừ cơ quan công lập tự cân đối thu, chi), các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước (trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận)… thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý tài chính công.

Quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công Nam Phi (GRAP): Luật Quản lý tài chính công của Nam Phi quy định khi xây dựng GRAP phải dựa trên cơ sở IPSAS hoặc IFRS, phải đảm bảo nguyên tắc trên cơ sở những gì đã có của IPSAS hoặc IFRS để cụ thể hóa cho Nam Phi (không xây dựng mới tốn công sức và tiền của). Trường hợp IPSAS quy định nhiều phương pháp tính toán, Ban chuẩn mực sẽ quyết định lựa chọn một trong những phương án phù hợp nhất với Nam Phi. Việc xây dựng GRAP thực hiện qua các bước sau:

- Dự thảo chuẩn mực.

- Ban chuẩn mực thống nhất chung và lấy ý kiến rộng rãi bằng tổ chức hội thảo, đưa lên mạng thông tin đại chúng.

- Sau 6 tháng lấy ý kiến đánh giá, Ban chuẩn mực sẽ thu thập ý kiến, đánh giá, phân tích và tiếp thu ý kiến theo nguyên tắc đa số, những ý kiến không tiếp thu có giải trình cụ thể và hoàn chỉnh dự thảo xin ý kiến lần 2.

Đi kèm với việc công bố chuẩn mực, Ban chuẩn mực còn xây dựng các hướng dẫn liên quan đến việc chuyển đổi từ cơ chế cũ sang thực hiện chuẩn mực mới. Ban chuẩn mực và Tổng Kế toán có trách nhiệm hướng dẫn thực thi chuẩn mực mới bằng cách tập huấn cho các đơn vị, có ghi nhận ý kiến đóng góp để sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp vào các năm tiếp theo.

Tiến độ ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công tại Nam Phi:

Nam Phi đã xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán công từ năm 2003, cho đến nay đã ban hành tất cả các chuẩn mực mà IPSAS quy định. Ngoài ra, Nam Phi còn xây dựng thêm 3 chuẩn mực riêng, là: Chuẩn mực áp dụng cho các giao dịch hợp tác công tư; Chuẩn mực tài sản di sản; Chuẩn mực xử lý tài sản dừng hoạt động. Nam Phi đã và đang tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các chuẩn mực khác, như: Lợi ích người lao động; Thuyết minh về các bên liên quan; Xử lý tài nguyên quốc gia… Đây là những chuẩn mực riêng và rất phức tạp.

4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Kinh nghiệm xây dựng, ban hành chuẩn mực kế toán công tại Canada và Nam Phi cho thấy, mỗi quốc gia có sự khác nhau về quy mô, phạm vi, cách thức áp dụng IPSAS. Một số nội dung lưu ý để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm của Việt Nam có thể nhận thấy như sau:

Thứ nhất, việc ban hành chuẩn mực kế toán công cần gắn với mục tiêu cải cách tài chính công. Xây dựng hệ thống chuẩn mực trước hết phải đặt nó trong bối cảnh hiện tại, cũng như định hướng lâu dài về quản lý tài chính công của Việt Nam. Quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra, vận dụng cách thức quản lý của doanh nghiệp đang là xu hướng quản lý công hiện đại mà hiện nay nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng.

Thứ hai, việc ban hành chuẩn mực kế toán công cần phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Thứ ba, cần xác định mô hình phù hợp, kết hợp linh hoạt việc áp dụng đầy đủ nguyên mẫu đối với một số chuẩn mực, áp dụng hoặc tuyên bố không áp dụng đối với một số quy định trong từng chuẩn mực; bổ sung, sửa đổi một số nội dung để phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.

Thứ tư, cần tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ban hành phù hợp với thực tế tại Việt Nam, phù hợp với thực tế tổ chức hoạt động của Bộ Tài chính, các tổ chức nghề nghiệp và các cơ quan nhà nước khác.

Thứ năm, cần có sự chuyển dịch về cơ chế tài chính công, ngân sách nhà nước một cách phù hợp hài hòa.

Thứ sáu, cần triển khai đồng bộ các nội dung công việc thuộc quy trình ban hành chuẩn mực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2019), Hội thảo “Đề án xây dựng và ban hành chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam”.
  2. http: www. IPSASs.org
  3. https://www.ipsasb.org/publications/2018-handbook-international-public sectoraccountingpronouncements15utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A%20ifacpublications%20%28IFAC%20Publications%20and%20Resources%29

The necessity of applying public accounting standards in Vietnam

and international experiences 

Master. Vu Thi Diep

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

International economic integration requires national financial information to be transparent. It is necessary for Vietnam to develop, issue and apply the country’s public accounting standards in accordance with International Public Accounting Standards (IPSAS). This paper analyzes the need for applying public accounting standards in Vietnam and presents international experiences in this issue. Based on analysis and lessons from other countries, Vietnam needs to prepare sufficient resources to formulate and promulgate public accounting standards according to the given roadmap.

Keywords: International experience, public accounting standards, IPSAS.