Tóm tắt:

Tại Việt Nam hiện nay, cùng với sự phát triển của ngành Ngân hàng, đã xuất hiện những sản phẩm dịch vụ ngân hàng phức tạp, khiến ngay cả những người ở đô thị, có nền tảng kiến thức cũng gặp khó khăn trong việc nắm vững các kiến thức nói trên. Trong khi đó, bên cạnh hoạt động tín dụng chính thức thì tín dụng đen cũng chiếm tỷ trọng khá lớn. Thời gian vừa qua đã xảy ra hàng loạt các vụ đổ vỡ tín dụng đen gây hậu quả xấu cho nền kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam chưa có chương trình hỗ trợ người dân kiến thức về tài chính ngân hàng. Vì vậy, việc phổ biến kiến thức về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng tới người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn là rất cần thiết.

Từ khóa: Ngân hàng, phổ biến kiến thức, tài chính ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo…



1. Một số chương trình phổ biến kiến thức tài chính tại Việt Nam

1.1. Chương trình giáo dục tài chính của HSBC

* Chương trình JA More than Money cho học sinh tiểu học

Năm 2011, Ngân hàng HSBC Việt Nam phối hợpvới Junior Achievement - một tổ chức phi chính phủ có quy mô lớn trên thế giới trong lĩnh vực phổ cập kiến thức tài chính, triển khai thí điểm chương trình JA More than Money tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, giáo dục kỹ năng tài chính cho học sinh tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5. Đây là chương trình ngoại khóa, giảng dạy cho các em học sinh hiểu về các khoản thu nhập, chi tiêu, chia sẻ và tiết kiệm thông qua các tiết học bao gồm những trò chơi kinh doanh, giao tiếp cộng đồng và ứng xử tình huống.

Chương trình gồm 6 buổi học, tập trung giảng dạy cho các em học sinh kỹ năng ra quyết định, quan sát nghiên cứu thị trường, dự tính những khoản tiền đầu tư và tính toán chi phí hoạt động cho một hoạt động kinh doanh nhỏ. Kết thúc 6 buổi học, các em học sinh sẽ tham gia cuộc thi “Doanh nghiệp tí hon” để rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình, xây dựng kế hoạch kinh doanh có lợi nhuận và đạo đức trong kinh doanh. Các thành viên trong đội thắng cuộc sẽ nhận được một khoản tiền thưởng bằng tiền mặt để tham gia “Ngày cuối tuần thông minh”. Tại đây, các thành viên sẽ được đưa đến nhà sách và siêu thị để vận dụng những kỹ năng học được, lựa chọn hàng hóa và ra quyết định tiêu dùng, đồng thời tham gia hoạt động từ thiện để chia sẻ khoản tiền của mình cho quỹ hỗ trợ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cuối ngày, các em học sinh sẽ báo cáo lại các khoản đã chi và số dư còn lại cùng với lý do của các quyết định tiêu dùng của mình cho ban giám khảo.

* Thư viện tài chính trực tuyến

Năm 2012, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã chính thức ra mắt thư viện tài chính trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, được thiết kế giúp người Việt Nam nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và phổ biến kiến thức tài chính cho cộng đồng.

Thư viện tài chính trực tuyến của Ngân hàng HSBC hoàn toàn miễn phí và mọi người có thể truy cập vào thư viện khi có kết nối internet. Người tham gia không chỉ có cơ hội nâng cao kỹ năng tài chính cá nhân và học về hệ thống ngân hàng, mà còn có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm và dịch vụ ngân hàng.

Thư viện có tất cả mười học phần, bao gồm các khóa học về tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp. Những học phần trong thư viện bao gồm: tiết kiệm, thẻ tín dụng, vay mua nhà, vay tiêu dùng cá nhân, thương mại quốc tế, thị trường giao ngay, thị trường có hạn, quản lý vốn và kinh doanh tiền tệ, tín dụng doanh nghiệp. Những học phần này đều bao gồm các bài kiểm tra tiến độ nhằm giúp người học có thể đánh giá kiến thức đã thu nhận được.

* Chương trình “Quản lý tài chính và hướng nghiệp” dành cho sinh viên

Năm 2013, HSBC triển khai chương trình “Quản lý tài chính và hướng nghiệp” dành cho đối tượng là hơn 3.500 sinh viên đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, và Cần Thơ. Chương trình nhằm định hướng nghề nghiệp và chia sẻ kiến thức tài chính, giúp cho giới trẻ, đặc biệt là sinh viên, có những quyết định tài chính đúng đắn sau khi ra trường và trang bị cho họ khả năng lập kế hoạch tài chính cho bản thân, được tư vấn nhiều kiến thức hữu ích về tài chính cá nhân như: tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm, đầu tư. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên còn được tham gia chương trình đào tạo hướng nghiệp mang tên“Trải nghiệm HSBC”, bao gồm 2 ngày tham gia những khóa huấn luyện phát triển kỹ năng mềm, như: viết hồ sơ xin việc, kỹ năng phỏng vấn thành công và thuyết trình hiệu quả.

Chương trình Quản lý tài chính và hướng nghiệp của HSBC là một giải pháp hữu hiệu về giáo dục tài chính cho sinh viên - đối tượng được coi là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp kiến thiết nền kinh tế Việt Nam.

1.2. Quỹ Citi Foundation - Chương trình “Giáo dục tài chính cho học sinh PTTH”

Dự án được triển khai với hàng loạt các hoạt động tập huấn, tư vấn cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh về kỹ năng quản lý tài chính hiệu quả, lập và theo dõi bảng ngân sách cá nhân, lập tài khoản tiết kiệm trích từ 5% tiền tiêu vặt cha mẹ cho, trao đổi giữa cha mẹ và con cái về vấn đề tiền bạc.

Trước khi triển khai dự án, Quỹ Citi Foundation đã tiến hành khảo sát học sinh ở 7 trường THPT và kết quả cho thấy: 17,2% học sinh sử dụng tiền được cho để tiết kiệm và chỉ tiêu rất ít, 8,8% chi tiêu vào những thứ theo sở thích và 12% không có kế hoạch chi tiêu. Do đó, có khoảng 1/3 học sinh cảm thấy rằng mình không có đủ tiền tiêu. Và khi số tiền chi tiêu không đủ thì các em có xu hướng tự cắt giảm chi tiêu bản thân (73,5%) hơn là những cách như kiếm việc làm thêm (21,9%) và tiết kiệm (34,2%).

Sau khi được giáo dục tài chính, kết quả cho thấy những chuyển biến rõ rệt: khoảng 73,6% học sinh đã biết chi tiêu hợp lý; chỉ còn 13,8% dành phần lớn tiền được cho để tiết kiệm và chi tiêu rất ít; 7,4% tiêu xài theo sở thích và chỉ còn 5,2% không có kế hoạch chi tiêu. Đáng kể là 31,1% rất tự tin về việc quản lý tài chính cá nhân và số học sinh biết quan tâm đến tài chính của gia đình tăng lên với tỉ lệ 43,3%.

Kết thúc năm 2013 và trong năm 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh sẽ đưa 6 tiết học về quản lý tài chính cá nhân vào các tiết hướng nghiệp cho Học sinh lớp 10 tại 182 trường THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý tiền bạc hiệu quả cho các em học sinh, giúp các em có nền tảng vững chắc cho các hoạt động quản lý tài chính cá nhân sau này.

1.3. Công ty Visa International - Chương trình “Giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho tất cả mọi người”

Theo kết quả khảo sát toàn cầu năm 2012 về quản lý tài chính giữa 28 quốc gia, Việt Nam là nước xếp thứ 26, đứng trên Indonesia và Pakistan. Kết quả cho thấy: 1/3 số người được hỏi (33%) ở Việt Nam không lập ngân sách gia đình để quản lý thu nhập và chi tiêu, trong đó các đối tượng ở độ tuổi 18- 24 có xu hướng ít lập kế hoạch ngân sách hơn so với những người ở độ tuổi lớn hơn.

Xác định ưu tiên đối tượng sinh viên sẽ là những đại diện cho tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam, Visa phối hợp với Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động về giáo dục tài chính và các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cụ thể là chương trình sáng tác video với chủ đề “Kỹ năng quản lý tài chính năm 2013”. Đây là một chương trình để các bạn sinh viên thể hiện hiểu biết về tài chính cũng như thử thách sức sáng tạo trong việc tuyên truyền các bí quyết chi tiêu cá nhân. Để tham dự cuộc thi, sinh viên chỉ cần tạo ra các đoạn phim ngắn từ 30 giây cho đến ba phút với nội dung thể hiện chủ đề quản lý tài chính có ý nghĩa như thế nào với họ và gửi về ban tổ chức chương trình.

1.4. Sacombank - Chương trình “Giáo dục con trẻ về tài chính”

Nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng tài chính cần được phổ cập rộng rãi cho trẻ ngay từ nhỏ, qua đó giúp các em có những hiểu biết nhất định về quản lý tài chính cá nhân để đưa ra những quyết định đúng đắn về tài chính trong cuộc sống, Ngân hàng Sacombank tổ chức chương trình “Giáo dục con trẻ về tài chính”. Nội dung chương trình tập trung vào việc giải đáp mọi thắc mắc của các giáo viên và phụ huynh về những phương pháp hiện đại trong việc dạy con trẻ làm chủ đồng tiền. Có 3 nội dung cơ bản của việc dạy trẻ quản lý tiền bạc trong nguyên tắc “S.O.S”: Saving ( Tiết kiệm) - hướng dẫn trẻ biết tiết kiệm phục vụ cho các mục đích ngắn và dài hạn; Offering (Ủng hộ) - trích một phần tiền để làm từ thiện hay hoặc ủng hộ người nghèo; Spending (Chi tiêu) - lập kế hoạch chi tiêu cá nhân).

Bên cạnh đó, hội thảo còn giới thiệu mô hình “4 chiếc bình”: bình 1 - tiền để làm từ thiện; bình 2 - tiền chi tiêu cho hằng ngày dưới sự giám sát của gia đình; bình 3 - tiền tiết kiệm trung hạn (sử dụng vào những việc trẻ đã lên trước kế hoạch); bình 4 - tiền tiết kiệm dài hạn (phục vụ các kế hoạch tương lai như: học đại học, kinh doanh, đi du lịch… Tỷ lệ phân chia tiền ở các bình như sau: bình 1 chiếm 10% tổng số tiền; 3 bình còn lại chiếm 30% tổng số tiền.

1.5. Home Credit Vietnam - Chương trình phổ cập kiến thức tài chính cho người tiêu dùng

Đối với thị trường tiêu dùng Việt Nam, vay trả góp vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ mặc dù hình thức này có thể giúp người dân giải quyết kịp thời nhu cầu về một món hàng cần thiết. Theo kết quả khảo sát được thực hiện trên 1.000 người tiêu dùng trong tháng 7/2013 của Home Credit Vietnam - một công ty tư vấn về tài chính: 51% số người được khảo sát có hiểu biết về vay trả góp, 42,5% chỉ hiểu sơ qua và 6,5% còn lại hoàn toàn không biết đến hình thức mua sắm này.

Dựa trên thực trạng trên, Home Credit đã triển khai một số chương trình tư vấn và phổ cập kiến thức về tài chính cho người tiêu dùng. Bên cạnh việc tổ chức chuỗi các chương trình tư vấn tại các siêu thị về vay tiêu dùng cá nhân, Home Credit còn phát miễn phí cẩm nang về các kiến thức tài chính cơ bản, một số lưu ý khi làm thủ tục vay trả góp, các điều khoản cần nghiên cứu kỹ khi ký hợp đồng, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên... Thông qua cách sử dụng ngôn từ đơn giản, có hình ảnh minh họa cụ thể, cuốn cẩm nang sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận và hiểu rõ về hình thức cho vay tiêu dùng tiện lợi và hiệu quả này.

2. Một số kiến nghị

2.1. Cơ sở pháp lý và các cơ quan tham gia

Cơ sở pháp lý: Chiến lược phổ biến kiến thức tài chính mang tầm quốc gia phải có cơ sở pháp lý vững chắc bởi tầm ảnh hưởng quan trọng của nó tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong ngắn hạn, một Chiến lược phổ biến kiến thức tài chính cho một giai đoạn cụ thể được ban hành kèm theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ sẽ làm nền tảng pháp lý ở cấp cao, có tác dụng chi phối toàn bộ các hoạt động chương trình cụ thể sau này, tạo điều kiện phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong quá trình thiết kế, triển khai và đánh giá, cập nhật…

Trong dài hạn, cần nâng cấp vai trò pháp lý của việc phổ biến kiến thức tài chính lên tầm nghị định của Chính phủ, trên cơ sở liên hệ chặt chẽ với Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật Ngân hàng Nhà nước nhằm mục tiêu nâng cao hiểu biết của người dân về tài chính ngân hàng một cách lâu dài.

2.2. Các cơ quan tham gia

Cơ quan chủ trì:

Ở Việt Nam, nền kinh tế và hệ thống ngân hàng phát triển ở mức độ sơ khai và đang tăng trưởng chủ yếu về số lượng, cơ chế chính sách đang trong quá trình hoàn thiện và riêng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, có thể nói Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò đầu mối trong hầu hết các lĩnh vực, từ ban hành chính sách cho tới quản lý giám sát hệ thống tài chính ngân hàng. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng nhà Nước Việt Nam là cơ quan phù hợp nhất trong vai trò “chủ trì” chiến lược phổ biến kiến thức tài chính cho người dân. Bên cạnh đó, ngoài quyền hạn và chuyên môn, Ngân hàng Nhà nước còn có một mạng lưới chi nhánh rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước nên rất thuận tiện cho việc quản lý, điều phối các hoạt động thực thi chiến lược. Ngân hàng Nhà nước có thể giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược phổ biến kiến thức tài chính cho Viện chiến lược ngân hàng, trên cơ sở có sự tham gia ý kiến xây dựng từ các cơ quan liên quan.

Về việc thực thi chiến lược, Ngân hàng Nhà nước thành lập một Ủy ban Chiến lược quốc gia về phổ biến kiến thức tài chính. Ủy ban này có nhiệm vụ điều phối mọi hoạt động triển khai chiến lược và báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở thường kỳ. Thành phần nhân sự của Ủy ban có đại diện của các cơ quan tham gia phối hợp trong quá trình thực thi chiến lược như đề xuất ở phần dưới đây. Ủy ban họp mặt các thành viên định kỳ, tối thiểu là mỗi tháng một lần để báo cáo cập nhật tình hình và thống nhất các nội dung làm việc.

Các cơ quan phối hợp:

Các cơ quan phối hợp là các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, các ngân hàng… liên quan trong quá trình thực thi chính sách. Bao gồm:

- Bộ Tài chính.

- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

- Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

- Các ngân hàng thương mại.

- Các tổ chức tài chính - ngân hàng - bảo hiểm khác.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vai trò, nhiệm vụ và sự phối hợp giữa các cơ quan này trong quá trình triển khai chiến lược nói chung cần phải được chính thức hóa trong nội dung của chiến lược. Đối với từng chương trình cụ thể sau này, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, sự phối hợp của các cơ quan, trách nhiệm báo cáo giải trình… cần phải được quy định cụ thể trong các biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các bên liên quan trong riêng chương trình đó.

2.4. Nội dung và phương pháp triển khai

Quá trình phổ biến kiến thức với tầm chiến lược quốc gia có thể được chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn chuẩn bị:

Trước tiên, cơ quan chủ trì là Ngân hàng Nhà nước thực hiện một cuộc khảo sát toàn dân về hiểu biết tài chính nhằm xác định:

- Hiểu biết về tài chính của người dân, từ những vấn đề như giá trị của tiền cho tới việc hiểu biết về các sản phẩm và dịch vụ mà ngân hàng đang cung cấp.

- Mức độ tin tưởng của người dân với hệ thống ngân hàng, bao gồm cả lí do vì sao người dân tin hoặc không đủ tin tưởng để trở thành khách hàng của ngân hàng.

- Hành vi của người tiêu dùng dịch vụ tài chính, từ việc họ tra cứu thông tin cho tới các yếu tố ảnh hưởng tới việc ra quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng của họ, vấn đề lập kế hoạch và quản lý tài chính cá nhân.

Khảo sát toàn dân về hiểu biết tài chính được khuyến cáo thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với những nội dung, phương pháp đánh giá và so sánh chuẩn giữa các quốc gia, có thể dùng kết quả cho các chương trình hay dự án quốc tế khác nhau.

Từ kết quả khảo sát này, Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định được nhu cầu phổ biến kiến thức của người dân nói chung và của từng nhóm đối tượng cụ thể nói riêng để xây dựng Chiến lược phổ biến kiến thức tài chính mang tầm quốc gia và xa hơn là các chương trình riêng cho phù hợp. Các chương trình theo sau chiến lược sẽ tập trung hiện thực hóa được mục tiêu của chiến lược quốc gia. Việc khảo sát cũng cần được thực hiện định kỳ nhằm cập nhật những thay đổi về nhu cầu của người dân về hiểu biết tài chính, từ đó điều chỉnh chiến lược cho hợp lý.

Giai đoạn triển khai:

Các chương trình phổ biến kiến thức có thể thực hiện trên diện rộng với mọi nhóm đối tượng, ví dụ như một chiến dịch quốc gia về phổ cập kiến thức tài chính cơ bản, tạo thói quen đến ngân hàng, sau đó có thể nâng cao với chương trình phổ biến về những vấn đề lợi ích, rủi ro và chi phí liên quan tới các dịch vụ ngân hàng, hình thành tư duy tiết kiệm… Các chương trình cụ thể hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể được thực hiện ở quy mô hẹp hơn, ví dụ các chương trình tích hợp hiểu biết tài chính trong trường học cho học sinh/sinh viên, các đối tượng hưởng lợi từ tài chính vi mô ở nông thôn, người gửi tiền tại ngân hàng, kiến thức đầu tư cho các nhà đầu tư chứng khoán… Các chương trình hẹp có thể do các tổ chức tham gia chủ trì thực hiện trên cơ sở khảo sát nhu cầu cụ thể của đối tượng hưởng lợi. Ví dụ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chủ trì một chương trình về hiểu biết tài chính của người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, với nội dung tập trung vào cải thiện hiểu biết của người gửi tiền về các vấn đề như giá trị của tiền, cách tính lãi đơn/lãi gộp, lạm phát, kỳ hạn của các khoản tiết kiệm, cơ chế bảo vệ người gửi tiền của bảo hiểm tiền gửi… Hình thức triển khai từng chương trình cũng được áp dụng phù hợp với mục tiêu cụ thể, từ các hình thức đài báo, truyền hình, internet, đến hình thức hội chợ, khóa đào tạo, môn học tại trường học…

Cho tổng thể chiến lược, cần có một website chính thức về phổ biến kiến thức tài chính để người dân có thể truy cập tìm hiểu những thông tin cần thiết cho bản thân họ. Bên cạnh đó, website cũng là nơi giao tiếp của người dân và các cơ quan phụ trách vấn đề phổ biến kiến thức tài chính, trong đó người dân có thể đề đạt những nhu cầu, nêu ra những thắc mắc của mình và các cơ quan giải đáp, công bố tiến trình cũng như kết quả của từng giai đoạn triển khai Chiến lược phổ biến kiến thức tài chính. Điều này sẽ góp phần tạo nên hiệu quả tích cực cho Chiến lược nói chung và các chương trình nói riêng.

Giai đoạn đánh giá:

Đánh giá hiệu quả là quá trình thu thập thông tin để xác định Chiến lược phổ biến kiến thức tài chính có tạo nên sự khác biệt hay không. Việc đánh giá hiệu quả cần thu thập thông tin để trả lời những câu hỏi phục vụ cho quá trình cải thiện chất lượng các chương trình trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

1. Abreu, Margarida, and Victor Mendes. 2010. Financial Literacy and Portfolio Diversification. Quantitative Finance 10, no. 5. Quantitative Finance (2010): 515-528.

2. Asian Productivity Organizaiton (2012) Apro Productivity Data Book 2012

3. Bernheim, D., and D. Garrett, 2003, The effect s of financial education in the workplace: Evidence from a survey of households, Journal of Public Economics , 87, 1487-1519.

4. Bernheim, D., D. Garrett, and D. Maki, 2001, Education and saving: The long-term effects of high school financial curriculum mandates, Journal of Public Economics , 85, 435-565.

5. Brachinger, H.W. (2008). A new index of perceived inflation: Assumptions, method, and application to Germany. Journal of Economic Psychology, 29, 433-457.

6. Phan Thị Thanh Bình (2014). Phổ biến kiến thức tài chính và bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ người gửi tiền, đề tài nghiên cứu ứng dụng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Ngày nhận bài: 12/12/2015

Ngày chấp nhận đăng bài: 12/01/2016

Thông tin tác giả:

TS. Phan Diên Vỹ

Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh



The essential of knowledge dissemination program about finance and banking in Vietnam

Ph.D. Phan Dien Vy

Banking University of Ho Chi Minh City

Abstract:

Nowadays, there are many complex banking products and services in Vietnam which are created along with the development of the banking sector. These complex banking products and services are quite hard for Vietnamese to understand, espcially, who are living in rural areas. Besides the expanding of official financial system, the black financial system also broadens in Vietnam. In recent years, there are some credit crunches involved in black financial system which cause negative consequences for the economy. In fact, Vietnam has no programs to support people knowledge about banking and finance. Therefore, the dissemination of knowledge about the banking products and services to people, especially, who are living in rural areas is essential.

Keywords: Bank, knowledge dissemination, finance and banking, the State bank of Vietnam, Ministry of Education and Training.