Sự cần thiết triển khai chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

MAI HỮU BỐN (Trưởng phòng quản lý Sau Đại học Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện tại Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trong tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia giữa bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay ở nước ta, thách thức lớn trên cả 3 mặt của nền hành chính là: Thể chế, tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức. Do đó, Quốc hội đã có Nghị quyết cho phép 3 thành phố được phép tổ chức chính quyền đô thị, gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết trao đổi về sự cần thiết, khác nhau và những kỳ vọng khi thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Chính quyền đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Sự cần thiết tổ chức chinh quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 16/11/2020, kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 14 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được xem là bước đi đột phá trong quá trình đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta. Xây dựng chính quyền đô thị để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của Thành phố Hồ Chí Minh đối với vùng và cả nước. Theo đó, chúng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững là cần thiết và hợp lý với những lý do chủ yếu như sau:

Thứ nhất, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Thành phố có quy mô và mật độ dân số cao nhất Việt Nam, theo thống kê năm 2020Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 9 triệu dân (thực tế có trên 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc), đóng góp gần 1/4 GDP cả nước. Với quy mô, cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính nhà nước của chính quyền thành phố phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp nhanh nhất, chính xác với thủ tục đơn giản, hợp lý nhất; được thi hành kịp thời, đồng bộ, hạn chế các cấp trung gian diễn đạt và hướng dẫn lại.

Thứ hai, hoạt động kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh có tính chất liên thông, liên kết. Việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng như điện, nước, thoát nước, xử lý rác, giao thông công cộng, y tế, giáo dục đòi hỏi phải được quy hoạch và thực hiện thống nhất, đồng bộ toàn thành phố, không phụ thuộc vào địa giới hành chính quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Theo đó, với những biến động về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, dân cư tăng nhanh sẽ cần một bộ máy chính quyền đô thị hiện đại và năng động.

Thứ ba, Thành phố Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm thí điểm thành công việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở tất cả các huyện, quận, phường trên địa bàn (từ năm 2009 - 2016). Đánh giá gần 7 năm thực hiện thí điểm đã cho thấy nhiều kết quả tích cực như: Tinh gọn bộ máy; khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp; tiết kiệm ngân sách; đảm bảo tính thống nhất, thông suốt; nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; phát huy được quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân. Do không phải thông qua nhiều cấp chính quyền nên thời gian triển khai các kế hoạch nhanh hơn, chính xác hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của một đô thị đông dân. Hoạt động giám sát tiếp tục được phát huy thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội,… Việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn vẫn được bảo đảm, một số mặt thực hiện dân chủ cơ sở được tăng cường, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh quốc phòng giữ vững, đời sống của người dân không ngừng tăng lên.

Thứ tư, thực tiễn cho thấy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc vào việc tổ chức Hội đồng nhân dân trải đều trên tất cả các cấp hành chính. Trong khi đó, khi tổ chức lại Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhân sự Hội đồng nhân dân tăng lên trên 8.300 người, ngân sách chi khoảng 47 tỷ đồng/năm.

Thứ năm, về cơ sở chính trị, pháp lý, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và sau đó là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) đã xác định “Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”. Theo Hiến pháp năm 2013: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019 đã có quy định cụ thể hơn về cấp chính quyền địa phương.

Như vậy, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới là yêu cầu cần thiết cả về lý luận và thực tiễn.

2. Mục tiêu và nội dung chủ yếu hoạt động của chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Để hình thành chính quyền đô thị phù hợp với sự phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đến mục tiêu, nội dung và những kỳ vọng về hoạt động của Chính quyền đô thị như sau:

Thứ nhất, về mục tiêu chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo đề án được trình nhằm tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh mạch trong quản lý của chính quyền thành phố; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch và hiệu quả.

Thứ hai, về nội dung chủ yếu tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung chủ yếu của chính quyền đô thị gồm 12 điều, với một số điểm chính:

Một là, quy định tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, năng động, sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố năng động nhất cả nước;

Hai là, chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm có HĐND Thành phố và UBND Thành phố;

Ba là, chính quyền địa phương tại quận, phường UBND quận, UBND phường;

Bốn là, tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác (huyện, thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, xã, thị trấn) thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương,

Năm là, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP, quận, thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh , phường… Để đảm bảo tính liên tục và không tạo khoảng trống trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền địa phương ở quận và phường, Nghị quyết đã quy định một số nội dung về điều khoản chuyển tiếp,

Thứ ba, những kỳ vọng về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng có sự thay đổi không chỉ là việc thay “chiếc áo đã quá chật” mà còn là sự chuyển động của mô hình mới sẽ gắn với đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo sự ổn định và phát triển trong tiến trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

3. Sự khác biệt giữa 3 mô hình chính quyền đô thị Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh

Quốc hội khóa 14, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14; Quốc hội quyết nghị Chính quyền địa phương ở TP Hà Nội và TP Đà Nẵng thí điểm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị. Theo đó, Quốc hội có Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019, cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 cho phép thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Sau đó, Quốc hội cho phép thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, có thể khái quát sự khác biệt giữa 3 mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở 3 thành phố như sau:

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý: Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được xây dựng khi chưa có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019. Do đó, việc không tổ chức HĐND ở các phường là trái pháp luật. Vì vậy, Quốc hội phải có Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 cho phép thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở phường. Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng được xây dựng khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019 chưa có hiệu lực thi hành. Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 còn có một số nội dung về chính sách khác quy định ở các luật pháp liên quan. Do đó, Nghị quyết 119 phải cho phép thí điểm việc không tổ chức HĐND quận, phường và các chính sách đặc thù. Trong khi đó, Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP. HCM được xây dựng sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực. Vì vậy, việc không tổ chức HĐND ở phường, quận đã được quy định ở luật khi Quốc hội cho phép.

Thứ hai, về cơ sở thực tiễn: Thành phố Hà Nội chưa thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội khóa 12. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng là hai nơi đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội. Thành phố Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm thực tiễn hơn 6 năm từ kết quả thành công của quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên diện rộng. Số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất cả nước (gồm tất cả 24 quận, huyện và 259 phường) từ năm 2009 đến năm 2016 theo Nghị quyết số 26 của Quốc hội và việc thí điểm đạt kết quả tốt.

Thứ ba, về tổ chức chính quyền đô thị: Tại TP Hà Nội, theo Nghị quyết số 97, chính quyền địa phương của thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở phường thuộc quận là UBND phường. Còn tại TP Đà Nẵng, theo Nghị quyết 119, chính quyền địa phương ở thành phố, huyện, xã là cấp chính quyền địa phương, gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận và phường thuộc quận tại thành phố là UBND quận, UBND phường. Trong khi đó tại Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh , thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ; huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở quận và phường tại Thành phố Hồ Chí Minh là UBND quận, UBND phường.

Mặt khác, việc tổ chức chính quyền đô thị không chỉ bao gồm quy định bộ máy chính quyền địa phương có tính đặc thù ở đô thị lớn mà có các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính để làm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cao hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn. Các nội dung này đối với Thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội quy định bằng Nghị quyết riêng -  Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh . Vì vậy, thực hiện chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh  theo Nghị quyết của Quốc hội mang tính đồng bộ, toàn diện, khác với TP Hà Nội và TP Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị.

Như vậy, có thể nhận thấy sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả cho các thành phố lớn phát triển bền vững, hiện đại, thông minh nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đây là một cơ hội và cũng là thử thách lớn với chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh  trong phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, thông minh trong thập niên tới, giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2017), Nghị quyết của Quốc hội số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
  2. Quốc hội (2019), Nghị quyết của Quốc hội số 97/2019/QH14 (ngày 27/11/2019) cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội.
  3. Quốc hội (2020), Nghị quyết của Quốc hội số 119/2020/QH14 (ngày 19/6/2020) cho phép thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
  4. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
  5. Quốc hội (2019), Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14.

The needs of implementing the model of urban administration

in Ho Chi Minh City

Ph.D Mai Huu Bon

Head, Department of Graduate Training Management

National Academy of Public Administration  

ABSTRACT:

In the process of national administrative reform in the context of Vietnam’s current international integration period, the big challenges on all three aspects of the public administration are institution, organizational structure and civil servants. Therefore, the National Assembly of Vietnam has issued a resolution allowing three municipalities, including Hanoi City, Da Nang City and Ho Chi Minh City. This paper presents the needs, differences and expectations when implementing the model of urban administration in Ho Chi Minh City.

Keywords: Urban administration, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]