Sử dụng chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

ThS. PHẠM THỊ HẰNG - ThS. NGUYỄN PHƯƠNG ANH ( Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Ngày nay, lạm phát hầu như là một hiện tượng tất yếu ở các nước, song chỉ khác nhau ở mức độ (cao, thấp) và thời gian (một năm, nhiều năm). Lạm phát vừa phải và dự đoán được cần thiết phải được duy trì ở mức phù hợp để Nhà nước sử dụng nó như là một công cụ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cao cho xã hội. Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần phải có giải pháp kiềm chế, kiểm soát nó ở mức lạm phát vừa phải không để nó chuyển hóa thành lạm phát phi mã. Bài viết phân tích về tình hình sử dụng chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Lạm phát, chính sách tiền tệ quốc gia, đổi mới chính sách tiền tệ.

1. Đặt vấn đề

Lạm phát là một phạm trù vốn có của nền kinh tế thị trường, nó xuất hiện khi các yêu cầu của những quy luật kinh tế hàng hóa không được tôn trọng, nhất là quy luật lưu thông tiền tệ. Ở đâu còn sản xuất hàng hóa, còn tồn tại những quan hệ hàng hóa tiền tệ thì ở đó còn tiềm ẩn khả năng xảy ra lạm phát và lạm phát chỉ xuất hiện khi các quy luật của lưu thông tiền tệ bị vi phạm.

Lạm phát đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều người. Do đó, lạm phát được đề cập đến rất nhiều trong các công trình nghiêm cứu của các nhà kinh tế. Mỗi người đều đưa ra khái niệm về lạm phát theo quan điểm, phương hướng nghiên cứu của mình.

Trong Bộ tư bản nổi tiếng của mình, Các Mác viết: “Việc phát hành tiền giấy phải được giới hạn ở số lượng vàng hoặc bạc thực sự lưu thông nhờ các đại diện tiền giấy của mình”. Điều này có nghĩa, khi khối lượng tiền giấy do Nhà nước phát hành vào lưu thông vượt qua số lượng vàng mà nó đại diện thì giá trị của tiền giấy giảm xuống, giá cả tăng vọt và tình trạng lạm phát xuất hiện.

Từ đây, ông cho rằng lạm phát là “bạn đường “của chủ nghĩa tư bản. Không những chủ nghĩa tư bản bóc lột người lao động bằng giá trị thặng dư mà còn gây ra lạm phát giảm tiền lương của người lao động.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích thì: “Lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục và xăng dầu. Mức lạm phát cơ bản năm 2019 phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định”.

Theo ông Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với năm 2018 (đạt thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 4%). Đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua (2017 - 2019). Lạm phát cơ bản bình quân năm 2019 tăng 2,01% so với bình quân năm 2018.

PGS. Nguyễn Bá Minh và PGS. Ngô Trí Long nhấn mạnh: Công tác điều hành chính sách tiền tệ đạt được những kết quả đáng ghi nhận như tín dụng tăng trưởng phù hợp với chỉ tiêu định hướng từ đầu năm, bảo đảm đủ vốn cho tăng trưởng kinh tế, thị trường tiền tệ ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Mặt bằng lãi suất giảm tạo dư địa chống đỡ với các biến động phức tạp từ kinh tế - tài chính toàn cầu. Tín dụng được tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh, phức tạp.

Thành công trong việc chặn đứng lạm phát năm 1989 nhờ áp dụng công cụ lãi suất ngân hàng (đưa lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm lên cao vượt tốc độ lạm phát), đã cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ trong điều kiện kinh tế vĩ mô nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn ổn định thị trường. Trong nền kinh tế tăng trưởng nhanh của nước ta luôn thường trực nguy cơ tái lạm phát cao, do đó một công cụ điều tiết vĩ mô hiệu nghiệm như chính sách tiền tệ được tận dụng trước tiên với hiệu suất cao cũng là điều tất yếu. Tuy nhiên, gần đây ở Việt Nam có dấu hiệu lạm dụng các công cụ của chính sách tiền tệ trong nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Điều này thể hiện sự yếu kém trong quản lý và sử dụng chính sách tiền tệ của chúng ta. Vì vậy đứng trước nguy cơ tiềm ẩn của lạm phát, việc nghiên cứu chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát là vô cùng cần thiết.

2. Một số khái niệm

  • Các quan điểm về lạm phát

Đa số các nhà kinh tế đều đồng tình khi nhìn nhận hiện tượng lạm phát, song để đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh về lạm phát, thì vẫn chỉ có một sự thống nhất tương đối mà thôi.

Theo Paul A Samuelson, giáo sư kinh tế nổi tiếng người Mỹ trong thời đại ngày nay, cho rằng: “Lạm phát biểu thị một sự tăng lên trong mức giá cả chung”28 . Theo ông, trong các thời kỳ lạm phát thì mức giá chung tăng lên, được đo bằng chỉ số giá cả - tức là số trung bình của giá tiêu dùng hoặc giá sản xuất, trong đó, CPI được sử dụng rộng rãi nhất. Để xây dựng CPI ông cho rằng, không thể cộng tất cả các giá cả trong một nền kinh tế lại với nhau mà phải cân nhắc từng mặt hàng theo tầm quan trọng kinh tế để đưa vào rổ hàng tiêu dùng để tính toán.

Theo Milton Friendman người Mỹ, đại diện tiêu biểu cho trường phái hiện đại, cho rằng: “Lạm phát là sự gia tăng liên tục và nhanh chóng của mức giá cả”29. Quan điểm của Milton Friedman, F.S. Mishkin (2007) cho rằng: Lạm phát bao giờ và ở đâu cũng là một hiện tượng tiền tệ và những chuyển động tăng lên và kéo dài của mức giá cả chỉ có thể xảy ra nếu cung tiền tệ tăng lên kéo dài.

Ở Việt Nam, một số giáo trình kinh tế cũng đưa ra định nghĩa về lạm phát với nội dung như sau: Lạm phát là hiện tượng lượng tiền trong lưu thông vượt qua nhu cầu cần thiết, làm cho chúng bị mất giá, giá cả của hầu hết các loại hàng hóa tăng lên đồng loạt trong một thời gian dài.

Qua các định nghĩa trên, cho thấy: Bản chất của lạm phát là hiện tượng giá cả chung đồng loạt tăng lên liên tục trong một khoảng thời gian không ngắn. Bởi phải có một chuỗi liên hoàn, đồng loạt tăng giá trên phạm vi rộng lớn từ thời điểm này đến thời điểm khác, tổng thời gian dài mới đủ sức đẻ ra những “phản ứng”đặc thù của lạm phát đối với nền kinh tế.

  • Khái niệm về chính sách tiền tệ

Ở góc độ toàn cục và quản lý nền kinh tế, có thể hiểu: Chính sách tiền tệ là một bộ phận quan trọng trong hệ thống các chính sách kinh tế tài chính vĩ mô của Nhà nước, được Nhà nước giao cho Ngân hàng Trung ương thực thi để điều tiết, kiểm soát khối lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế nhằm đạt đến những mục tiêu kinh tế - xã hội nhất định trong từng thời kỳ.

Còn ở góc độ chuyên sâu và quản lý nền kinh tế thông qua kênh tiền tệ thì: Chính sách tiền tệ là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng nhất mà Ngân hàng Trung ương (được Nhà nước giao thực hiện) thông qua các công cụ có trong tay mình, sẽ tác động điều chỉnh khối lượng tiền cung ứng hay lãi suất (lãi suất liên ngân hàng mục tiêu) nhằm đạt được mục tiêu cơ bản là: Ổn định tiền tệ, ổn định giá cả hàng hóa, qua đó hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong một thời kỳ nhất định.

3. Thực trạng của việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát hiện nay ở Việt Nam

Chính sách tiền tệ (CSTT) đã được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Điều hành chính sách tiền tệ là chính sách vĩ mô, trong đó, Ngân hàng Trung ương (NHTW) thông qua các công cụ của mình thực hiện kiểm soát và điều tiết lượng tiền cung ứng nhằm đạt được các mục tiêu: (i) Kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả, ổn định sức mua của nội tệ; (ii) Ổn định sức mua đối ngoại của đồng nội tệ; (iii) Tăng trưởng kinh tế; (iv) Tạo công ăn việc làm (Nguyễn Trọng Tài, 2016; Vũ Kim Dũng và các cộng sự, 2012). Tùy điều kiện mà chính sách tiền tệ có thể xác lập theo 2 hướng: Chính sách tiền tệ mở rộng hoặc Chính sách tiền tệ thắt chặt.

Chính sách tiền tệ thường chủ yếu hướng vào kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị của đồng nội tệ và NHTW chủ yếu thực thi CSTT bằng cách đặt ra một mục tiêu cho lãi suất qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng và điều chỉnh lượng cung tiền của NHTW. Để giảm thiểu tối đa rủi ro trên bảng cân đối của NHTW, tất cả các nghiệp vụ cung cấp thanh khoản được diễn ra dưới hình thức các giao dịch đối ứng trên cơ sở các tài sản thế chấp đủ tiêu chuẩn. Có thể hiểu, trong điều kiện bình thường, NHTW không có quan hệ cho vay trực tiếp với Chính phủ và khu vực tư nhân (NHTW không tiến hành việc mua đứt trái phiếu chính phủ hay nợ doanh nghiệp và các công cụ nợ khác) nhưng bằng cách điều chỉnh mức lãi suất chính sách, NHTW có khả năng kiểm soát khả năng thanh khoản trên thị trường tiện tệ một cách có hiệu quả. Biện pháp này giúp NHTW có thể đưa ra CSTT mở rộng phù hợp với nền kinh tế trong giai đoạn suy thoái, qua đó giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển năng động hơn. Cần lưu ý là CSTT chủ yếu phát huy tác động tích cực của nó trong ngắn hạn, nếu như sử dụng nó kéo dài thì có thể gây ra tình trạng lạm phát gia tăng bởi thực chất CSTT không tác động trực tiếp vào tổng cầu.

Năm 2019, lạm phát bình quân của Việt Nam ở mức khoảng 3%, đạt mục tiêu đề ra. Lạm phát được kiểm soát trong năm 2019 nhờ giá hàng hóa thế giới giảm, chính sách tín dụng thận trọng, tỷ giá ổn định và giá dịch vụ y tế không tăng nhiều. Tuy nhiên, sang năm 2020, mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ là một thách thức khi giá hàng hóa thế giới dự báo phục hồi và cầu trong nước tiếp tục có xu hướng tăng.

Để kiểm soát được lạm phát trong năm 2020, các chính sách vĩ mô cần cùng phối hợp, nhất quán hướng tới mục tiêu “tập trung ổn định kinh tế vĩ mô”. Tuy nhiên, việc mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không còn phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới. “Đáng chú ý là sau cú sốc giá thịt lợn tăng hơn 50% trong quý IV/2019, triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn khi CPI của tháng 12/2019 đã tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước”, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính phát biểu.

4. Giải pháp hoàn thiện chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát lạm phát

Để hoàn thiện chính sách tiền tệ chúng ta phải biết hoàn thiện các công cụ của chính sách tiền tệ cũng như phối hợp điều hành các công cụ đó.

Trong hệ thống các công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước thì chính sách tiền tệ là một trong những chính sách quan trọng nhất vì nó tác động trực tiếp vào lĩnh vực lưu thông tiền tệ. Song nó cũng có quan hệ chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách tài khóa, chính sách thu nhập, chính sách kinh tế đối ngoại. Đối với Ngân hàng Trung ương, việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ là hoạt động cơ bản nhất, mọi hoạt động của nó đều nhằm làm cho chính sách tiền tệ quốc gia được thực hiện hiệu quả hơn.

Điều hành CSTT góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Chính sách tỷ giá đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT trong từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, NHNN thực hiện công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020, kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh, phức tạp do tác động của dịch bệnh Covid-19,… nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu vẫn khá thuận lợi, thanh khoản thông suốt.

Đối với thị trường vàng, giai đoạn 2016 - 2020, với việc NHNN triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/ND-CP và các Thông tư hướng dẫn, thị trường vàng trong nước tiếp tục diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt. Tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế tiếp tục được hạn chế, một phần nguồn vốn bằng vàng được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, có thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ ra thị trường quốc tế để thu về ngoại tệ cho nền kinh tế.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ngay từ khâu xây dựng và hoạch định chính sách. Theo đó, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch tổng thể chính sách về tài chính - tiền tệ cho giai đoạn 2020 - 2025, trong đó, vấn đề về cân đối bội chi ngân sách, cân đối đầu tư công cần được tính toán, nghiên cứu trong mối quan hệ chặt chẽ tới các chỉ tiêu quan trọng của chính sách tiền tệ (gồm tổng phương tiện thanh toán và tăng tưởng tín dụng).

Phối hợp đồng bộ hơn trong triển khai lịch đấu thầu trái phiếu chính phủ và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Lãi suất phát hành trái phiếu cũng cần được nghiên cứu, tính toán phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động chung của hệ thống ngân hàng thương mại, hạn chế các ngân hàng thương mại sử dụng vốn huy động để mua trái phiếu chính phủ. Phối hợp phát triển thị trường tiền tệ và thị trường trái phiếu: Các cơ quan quản lý cần phát triển đa dạng các sản phẩm, tạo thêm cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể đầu tư và gia tăng cơ chế phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, cần có các biện pháp hỗ trợ thị trường, như: Phát triển hệ thống đại lý cấp I và đảm bảo các quyền lợi của thành viên hệ thống; Xây dựng cơ chế hỗ trợ thanh khoản và hỗ trợ chứng khoán dành riêng cho các đại lý cấp I để thực hiện được chức năng, nghĩa vụ tạo lập thị trường; Đưa đường cong lãi suất chuẩn vào thực tế, trên cơ sở thông tin phát hành trái phiếu sơ cấp, thông tin giao dịch trái phiếu thứ cấp và yết giá của các thành viên hệ thống đại lý cấp I; Xây dựng đường cong lãi suất trái phiếu chính phủ làm cơ sở cho việc định giá các loại trái phiếu, giúp sự điều hành, quản lý của Nhà nước ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Điều hành tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát

NHNN cũng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp căn cơ, cụ thể, nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy lùi tín dụng đen như: Ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế tín dụng đen; Rà soát sửa đổi các quy định về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay,…

Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngành Ngân hàng đã chủ động vào cuộc kịp thời để triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp bách nhằm ứng phó và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. NHNN đã khẩn trương ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/20220, Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020,... Thực hiện điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất kể từ ngày 17/3/2020. Cũng như có chính sách miễn, giảm phí thanh toán, như: Miễn, giảm phí chuyển mạch, giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng. Trong bối cảnh số dư ngân quỹ nhà nước cao, giải ngân vốn đầu tư công chậm, Kho bạc Nhà nước đã báo cáo Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ và sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách trung ương vay, qua đó tiết kiệm chi phí lãi vay, đồng thời gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý nợ.

5. Kết luận

Chính sách tiền tệ là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách kinh tế tài chính vĩ mô của Nhà nước bao gồm: Chính sách tài khóa, chính sách phân phối thu nhập, chính sách kinh tế đối ngoại,… Do vậy, nó luôn luôn tương tác qua lại với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Vì thế, để chính sách tiền tệ phát huy được hiệu quả cao nhất, không thể triển khai nó một cách đơn lẻ mà phải được triển khai đồng bộ, có sự phối hợp nhịp nhàng với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là với chính sách tài khóa trong việc kiểm soát lạm phát trong giai đoạn hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện thị trường tiền tệ nói chung và thị trường mở nói riêng. Cụ thể, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với thực tế các quy định về giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, quy định về việc sử dụng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước và sử dụng vốn huy động trên thị trường đối với các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tham gia thị trường mở.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2011-2019), Số liệu thống kê tài chính, tin tức tài chính, thị trường chứng khoán; www.mof.gov.vn;
  2. Nguyễn Trí Dĩnh và các cộng sự (2010), Kinh tế Việt Nam, NXB Đại học Kinh tế quốc dân; Hà Nội.
  3. Ngân hàng Nhà nước (2011-2019), Số liệu về hoạt động ngân hàng, thông tin hoạt động ngân hàng, công bố trong các thời điểm tương ứng; www.sbv.gov.vn;
  4. Quốc hội (2019). Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020;
  5. Nguyễn Trọng Tài (2018), Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong kiểm soát thị trường tài chính, Tạp chí Ngân hàng, số 24/2018;

 

THE USE OF MONETARY POLICY TO CONTROL THE INFLATION

IN VIETNAM IN THE CURRENT PERIOD

Master. PHAM THI HANG

Master. NGUYEN PHUONG ANH

Dong Nai University of Technology

ABSTRACT:

Today, inflation is almost an inevitable phenomenon in many countries but the inflation rate is different in different countries in terms of rate (high or low) and length (one or several years). A moderate and predictable inflation rate should be maintained as the government could use the moderate inflation rate as a tool to support the economic growth and create jobs. The government and policymakers need to have solutions to curb and control the inflation rate in order to prevent the hyperinflation. This article analyzes the use of monetary policy to control the inflation in Vietnam in the current period.

Keywords: Inflation, national monetary policy, monetary policy reform.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 19, tháng 8 năm 2020]