Sử dụng mô hình VAR phân tích ảnh hưởng của nguồn vốn FDI đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

LÊ TÀI THU (Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu sử dụng mô hình VAR phân tích mối quan hệ giữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn 1995 -2019. Kết quả ước lượng thực nghiệm có những bằng chứng thống kê cho rằng sau một khoảng thời gian FDI sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và tác động mạnh nhất vào trung hạn và giảm dần về dài hạn. Ngoài ra, FDI có tác động tích cực tăng nguồn vốn đầu tư nhà nước và ngoài nhà nước và ngược lại tăng trưởng kinh tế, tăng vốn đầu tư khu vực nhà nước có tác động trực tiếp ngay và mạnh đến việc thu hút nguồn vốn FDI.

Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, FDI, VAR.

1. Mở đầu

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập và giảm nghèo ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển - UNCTAD (2008) cho rằng, FDI tạo ra cơ hội việc làm, chuyển giao kỹ năng và công nghệ, tăng năng suất và phát triển dài hạn ở các nước đang phát triển. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút chuyển giao công nghệ, phát triển các ngành nghề và kỹ năng quản lý, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững tại các quốc gia tiếp nhận vốn và từ đó tác động tích cực đến xóa đói giảm nghèo (Israel, 2014). Các nghiên cứu trong nước ở cấp độ vĩ mô thường xem xét tác động của nguồn vốn FDI đối với tăng trưởng, đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, xuất khẩu, công nghệ, năng suất. Các nghiên cứu này về cơ bản đều cho rằng nguồn vốn FDI đóng vai trò tích cực trong nền kinh tế Việt Nam. Hồ Đình Bảo, Lê Thanh Hà & Lê Quốc hội, 2020 cho rằng, FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả trong ngắn hạn và dài hạn. FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng ngay ở thời kỳ hiện tại nhưng có xu hướng tiêu cực ở thời kỳ kế tiếp trước khi phục hồi lại trạng thái tích cực.

Sự phát triển của khu vực FDI ở Việt Nam trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều điểm hạn chế như chủ yếu tập trung vào ngành thâm dụng lao động, tài nguyên, phụ thuộc đầu vào nhập khẩu, tận dụng ưu đãi chính sách, giá trị gia tăng thấp; sử dụng công nghệ lạc hậu; tác động lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước rất hạn chế; cũng gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô,…

Bài viết này đưa ra một góc nhìn đánh giá về vai trò của nguồn vốn FDI đối với tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua mô hình định lượng VAR trên cơ sở số liệu thống kê trong giai đoạn 1995-2019 của nền kinh tế Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết

Vai trò của FDI đối với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia được hệ thống hóa căn cứ trên 4 lý thuyết căn bản sau:

- Lý thuyết lợi nhuận cận biên: lý thuyết này cho rằng nguồn vốn đầu tư sẽ dịch chuyển từ nước có lãi suất thấp sang nước có lãi suất cao cho đến khi đạt được trạng thái cân bằng về lãi suất giữa hai nước. Nguồn vốn đầu tư sẽ tạo ra lợi nhuận cho cả hai quốc gia góp phần làm tăng sản lượng chung của toàn thế giới. Lý thuyết này được đông đảo các nhà kinh tế thừa nhận, tuy nhiên khi thực tiễn tại Mỹ cho thấy mặc dù tỷ suất lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài giảm đến thấp hơn tỷ suất lợi nhuận trong nước nhưng hoạt động FDI của Mỹ ra nước ngoài vẫn liên tục tăng. Lý thuyết này không giải thích được hiện tượng vì sao một số nước đồng thời có dòng vốn chảy vào, có dòng vốn chảy ra. Đây được coi là lý thuyết nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo về mối quan hệ giữa FDI và các yếu tố khác.

- Lý thuyết thương mại tân cổ điển: trong dòng lý thuyết này, mô hình Heckscher - Ohlin dự báo rằng quốc gia với lượng vốn dồi dào hơn tương đối sẽ xuất khẩu các hàng hóa thâm dụng vốn sang quốc gia khan hiếm về vốn. Trong trường hợp không có trao đổi hàng hóa, vốn sẽ luân chuyển tới nơi mà tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn và tỷ suất lợi nhuận trên lao động thấp hơn cho đến khi đạt được trạng thái cân bằng giá của yếu tố sản xuất. Mô hình MacDougall - Kemp (MacDougall, 1960; Kemp, 1964) cho rằng, vốn sẽ di chuyển tới nơi có tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn. Tuy nhiên, các quốc gia có thể điều chỉnh tỷ suất lợi nhuận trên vốn và dòng vốn bằng cách áp thuế đối với các dòng vốn vào ra. Aliber (1970) đã mở rộng quan điểm này qua việc bổ sung các yếu tố như chênh lệch nguồn vốn và rủi ro tiền tệ.

- Tăng trưởng nội sinh (Romer, 1993): lý thuyết này cho rằng đóng góp của FDI đối với tăng trưởng kinh tế ở quốc gia tiếp nhận không chỉ là tích lũy và chuyển giao công nghệ, mà còn là sự truyền đạt kỹ năng và đào tạo lao động. Quá trình chuyển giao công nghệ, cải thiện kiến thức đạt được thông qua đào tạo lao động. FDI dẫn đến tăng trưởng sản lượng thông qua tăng năng suất lao động từ chuyển giao lại công nghệ sản xuất, cơ cấu quản lý và khả năng tiếp cận thị trường (Blomstrom & cộng sự, 1996; Borensztein & cộng sự, 1998). Đồng thời, tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào điều kiện và đặc điểm của từng quốc gia như: thị trường tài chính, vốn nhân lực, độ mở thương mại, mối quan hệ giữa đầu tư trong - ngoài nước.

- Mô hình tiến bộ công nghệ (Hermes & Lensink, 2003): tăng trưởng kinh tế của một quốc gia phụ thuộc vào mức độ mà quốc gia này tiếp nhận và áp dụng công nghệ mới, trong đó FDI được xem là một kênh truyền tải quan trọng. FDI đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc chuyển giao các công nghệ mới, kỹ năng quản lý và vốn (Hermes & Lensink, 2003). Sự lan tỏa của FDI có thể thông qua sự bắt chước, cạnh tranh và các quan hệ kinh tế. Các doanh nghiệp nội địa bắt chước công nghệ của các doanh nghiệp FDI, từ đó làm tăng năng suất và tăng trưởng. Hiệu ứng lan tỏa do cạnh tranh xảy ra khi có sự gia nhập của các doanh nghiệp FDI tạo ra áp lực buộc các doanh nghiệp nội địa nâng cấp và cải tiến công nghệ, trình độ quản lý, để nâng cao năng lực cạnh tranh, do đó dẫn đến tăng trưởng. Hiệu ứng lan tỏa qua các quan hệ kinh tế là kết quả của sự chuyển giao công nghệ mới của các doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong nước thông qua các giao dịch kinh tế giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để đánh giá vai trò của FDI đối với tăng trưởng kinh tế, trong nghiên cứu này, bên cạnh biến quan trọng nhất là quy mô dòng vốn FDI thực hiện, chúng tôi sử dụng các biến như dòng vốn đầu tư khu vực nhà nước (I1) và khu vực ngoài nhà nước (I2) để phản ánh cơ cấu các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GGDP) của Việt Nam.

Để lượng hóa tác động của các biến số bao gồm FDI đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chúng tôi sử dụng mô hình ước lượng VAR cho số liệu chuỗi thời gian 1995-2019.

Mô hình VAR: chúng tôi sử dụng dạng rút gọn như sau:

CT1

Trong đó: GGDP là tốc độ tăng GDP của Việt Nam (%), FDI là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Tỷ đồng), I1 là vốn đầu tư khu vực nhà nước (Tỷ đồng), I2 là vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước (Tỷ đồng).

4. Kết quả thực nghiệm

4.1. Số liệu

Từ số liệu của Tổng cục Thống kê tác giả tính được trong giai đoạn 1995-2019, tốc độ tăng vốn FDI trung bình là 15,32%; trong đó năm 2007 vốn FDI có tốc độ tăng đột biến là 97,24% và năm 1998 vốn FDI có tốc độ giảm cao nhất là 19,8% so với năm trước. Trong giai đoạn này chỉ có 4 năm vốn FDI giảm là các năm 1998, 1999, 2009 và 2012; các năm còn lại đều có mức tăng trưởng dương. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trung bình 15,31%.

Bảng 1. Bảng thống kê mô tả

Bảng thống kê mô tả

Nguồn: Được tính bởi tác giả từ mô hình trên cơ sở số liệu từ GSO

4.2. Kết quả ước lượng

4.2.1. Kiểm tra tính dừng của các chuỗi số

Để kiểm tra tính dừng của các chuỗi số được sử dụng trong mô hình VAR, chúng tôi sử dụng các phương pháp khác nhau như Augmented Dickey Fuller (ADF) và Phillip-Perron (PP).

Kết quả kiểm định trong cho thấy rằng các biến GGDP dừng tại giá trị ban đầu của biến; FDI, I1 dừng tại sai phân cấp 1. Biến I2 dừng tại sai phân bậc 2. Do đó chúng tôi sử dụng các chuỗi gốc là GGDP, sai phân bậc 1 của các chuỗi FDI1, I1 và chuỗi sai phân bậc 2 của chuỗi I2.

4.2.2. Kết quả ước lượng từ mô hình VAR

Để xác định độ trễ của các biến đưa vào mô hình, chúng tôi sử dụng các phương pháp kiểm định sự tham gia của độ trễ, các tiêu chí FPE, AIC, SIC and HQ. Kết quả của các kiểm định này cho thấy mô hình VAR (4) là phù hợp cho số liệu của Việt Nam. Bên cạnh đó, kiểm định tính vững của mô hình cũng cho thấy tất cả các nghiệm của mô hình VAR (4) đều nằm trong vòng tròn đơn vị - hàm ý mô hình này là phù hợp.

- Kiểm định Granger:

Bảng 2. Kiểm định nhân quả Granger

Kiểm định nhân quả Granger

Nguồn: Được tính bởi tác giả từ mô hình

Bảng 2 cho thấy: (i) tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được giải thích bởi tăng trưởng của vốn đầu tư khu vực tư nhân; (ii) tốc độ tăng FDI cũng được giải thích bởi tăng trưởng GDP và của vốn đầu tư khu vực nhà nước và tư nhân; (iii) tốc độ tăng FDI thúc đẩy tăng vốn đầu tư nhà nước.

Hàm phản ứng (Hình 1):

Hình 1: Hàm phản ứng đẩy

Hàm phản ứng đẩy

Nguồn: Được tính bởi tác giả từ mô hình

Hàm phản ứng của các biến số trong mô hình đối với FDI cho thấy rằng sau 1,5 chu kỳ vốn FDI sẽ tác động mạnh dần lên đến tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên sự đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khá khiêm tốn; đến trung hạn sẽ tác động tác động mạnh nhất và giảm dần và đến dài hạn sự tác động đến tăng trưởng kinh tế tuy giảm dần, nhưng vẫn còn lớn hơn so với trong ngắn hạn; nói chung vốn FDI tăng có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, vốn đầu tư khu vực nhà nước và khu vực tư nhân tác động ngay lập tức và mạnh đến tăng trưởng kinh tế, sau đó tác động giảm dần và đến trung hạn tác động mạnh dần và giảm dần về dài hạn, trong đó tăng vốn đầu tư khu vực nhà nước luôn có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tác động của tăng trưởng kinh tế, vốn đầu tư khu vực nhà nước và vốn đầu tư khu vực tư nhân đến tăng vốn FDI có lúc tăng, giảm thất thường và không có xu hướng rõ rệt qua các thời kỳ; trong đó tác động của tăng trưởng kinh tế và vốn đầu tư khu vực nhà nước tác động ngay lập tức đến tăng trưởng FDI và rất mạnh trong ngắn hạn, sau đó giảm dần và tác động mạnh dần trở lại trước khi giảm dần trong dài hạn.

- Phân rã phương sai:

Bảng 3. Kết quả phân tích phân rã phương sai

Kết quả phân tích phân rã phương sai

Kết quả phân rã cho thấy:

(i) Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi tác động từ vốn đầu tư khu vực nhà nước từ chu kỳ thứ 6 trở đi, sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được giải thích xấp xỉ khoảng 11,5%; trong khi đó trong cùng chu kỳ vốn FDI chỉ giải thích xấp xỉ khoảng 7,8%. Điều này cho thấy, mức độ ảnh hưởng của vốn FDI đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 và khiêm tốn hơn so với đóng góp của vốn đầu tư trong nước. Nguồn vốn FDI đóng vai trò khá quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và có xu hướng tăng trong dài hạn.

(ii) Sự gia tăng FDI ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng vốn đầu tư khu vực nhà nước sự gia tăng vốn FDI từ chu kỳ thứ 3 trở đi giải thích xấp xỉ khoảng 32% sự thay đổi vốn đầu tư khu vực nhà nước. Tăng vốn FDI ngay lập tức có đóng góp lớn vào tăng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và giảm dần về khoảng 30%.

(iii) Sự gia tăng FDI phụ thuộc rất lớn vào thực trạng phát triển của đất nước. Tăng trưởng kinh tế giải thích cho khoảng 21,5% sự thay đổi của FDI trong chu kỳ 2 và 3; giảm dần cho tới chu kỳ thứ 8 giải thích cho khoảng 19,5% và tăng lên khoảng 20% trong chu kỳ thứ 9, 10. Điều này cho thấy sự tăng trưởng kinh tế đóng vai trò rất quan trong trong việc thu hút vốn FDI, là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm làm ăn và tăng thêm vốn FDI tại Việt Nam.

5. Kết luận

Qua việc phân tích tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong giai đoạn 1995-2019 bằng mô hình VAR. Kết quả ước lượng thực nghiệm cho thấy có những bằng chứng thống kê về tác động tích cực của FDI đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mạnh nhất là trong trung hạn và giảm dần về dài hạn. FDI ngay lập tức có tác động tiêu cực đến tăng trưởng, sau một khoảng thời gian dòng vốn FDI có tác động khá nhỏ và đến trung hạn có hưởng tích cực và giảm dần về dài hạn. Khái quát lại sau một khoảng thời gian, bằng chứng về tác động tích cực của FDI đối với tăng trưởng là rõ ràng. Có bằng chứng thống kê trong mô hình ước lượng cho thấy phản ứng của các biến số tăng trưởng kinh tế và vốn đầu tư khu vực nhà nước là mạnh đối với sự gia tăng vốn FDI vào Việt Nam. Điều này hàm ý về những ảnh hưởng của dòng vốn này đối với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước như một số các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra. Bên cạnh đó, kết quả thực nghiệm từ mô hình định lượng cũng cho thấy sự ảnh hưởng tích cực của dòng vốn FDI đối với vốn đầu tư nhà nước và ngoài nhà nước trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của nền kinh tế Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Anetor, F.O. (2016). Economic growth effect of private capital inflows: A structural VAR approach for Nigeria. Journal of Economics and Development, 21(1), 18-29.
  2. Balasubramanyam, V.N., Salisu, M. & Sapsford, D. (1996). Foreign direct investment and growth in EP and IS countries. Economic Journal, 106(434), 92-105.
  3. Israel, A.O. (2014). Impact of foreign direct investment on poverty reduction in Nigeria. Journal of Economics and Sustainable Development, 20(5), 1-12.
  4. Shan, J. (2002). A VAR approach to the economics of FDI in China. Applied Economics, 34(7), 885-893.
  5. UNCTAD. (2008). World Investment Report 208: Transnational Corporation and the Infrastructure Challenge. Paris: OECD Publishing.
  6. Nguyễn Thị Tuệ Anh (2015), ‘Nghiên cứu điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đến năm 2020’, Báo cáo nghiên cứu khoa học Mã số: KX.01.03/11-15 thuộc chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KX.01/11-15, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.
  7. Võ Trí Thành, Nguyễn Ánh Dương. (2011). Revisiting exports and foreign direct investment in Vietnam. Asian Economic Policy Review, 6, 112-131.
  8. Hồ Đình Bảo, Lê Thanh Hà và Lê Quốc Hội (2020), ‘Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam’, Tạp chí Kinh tế Phát triển, 279, 1-11.

USING THE VAR MODEL TO ANALYZE

THE IMPACT OF FDI ON VIETNAM’S ECONOMIC GROWTH

• LE TAI THU

Banking Academy 

ABSTRACT:

The VAR model was used in this study to analyze the relationship between the foreign direct investment (FDI) and the economic growth of Vietnam in the period from 1995 to 2019. The study’s empirical estimation results have statistical evidences that after a period of time, the FDI had a positive impact on Vietnam's economic growth and the country experienced the strongest impact in the medium term, then this impact decreased in the long term. In addition, this study finds out that the FDI has a positive effect on increasing the public and private investment and vice versa.

Keywords: economic growth, FDI, VAR.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]