Sức hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Tại sự kiện ấn nút khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam ngày 2/2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu nâng hạn mức gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Thị trường tiềm năng

Với cam kết "Chính phủ sẽ đồng hành để doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng và thành viên Chính phủ cũng sẽ trực tiếp giới thiệu nông sản sạch của Việt Nam ra thế giới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản phẩm sạch và thân thiện môi trường.

Khi gói 100.000 tỉ đồng được khởi động, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao sẽ là một thị trường đầy tiềm năng. Do đó, nó sẽ thu hút sự chú ý của cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trả lời phỏng vấn Báo NTNN mới đây, ông Abe Masayuki – Cố vấn các vấn đề chung Việt Nam – Nhật Bản đánh giá, nhu cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam đang tăng mạnh và đây là điểm mấu chốt khiến doanh nghiệp Nhật Bản đang dốc vốn vào đầu tư các dự án nông sản sạch tại Việt Nam. Chỉ tính riêng tại Đà Lạt đã có khoảng 10 công ty đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, cho thấy sức hút đầu tư nước ngoài vào thị trường nông sản sạch đang tăng nhanh.

Tại Việt Nam, từ năm 2012, Chính phủ đã bắt đầu tạo điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao qua việc ban hành Quyết định số 1895/QĐ - TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Từ đó đến nay, đã có một số mô hình khá thành công được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận là nông nghiệp công nghệ cao như mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã thu được kết quả tại đồng bằng sông Cửu Long; mô hình “chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững” của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang; mô hình “nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính” của Tập đoàn Việt - Úc; mô hình “trang trại bò sữa tập trung lớn nhất ứng dụng công nghệ cao” của Công ty CP Sữa TH True milk; các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau hoa…

Sử dụng ánh sáng thích hợp trong nuôi cấy mô giúp tăng nhanh quá trình sinh trưởng của cây giống

Tuy nhiên, vừa có tiềm lực kinh tế, vừa đầu tư một cách bài bản với một tư duy hoàn toàn mới phải kể đến là Tập đoàn Vingroup mà dự án tại Hà Nam là một điển hình. Theo Tập đoàn Vingroup, dự kiến cuối năm 2017, toàn bộ diện tích 180 ha của dự án sản xuất nông nghiệp sạch tại Hà Nam sẽ được hoàn thiện và đưa vào sản xuất. Khu nông nghiệp công nghệ cao này với các sản phẩm rau sạch trong nhà màng, nhà có mái che sẽ được sản xuất chủ yếu bằng cơ giới hóa, tự động hóa. Xa hơn, Tập đoàn Vingroup còn dành 5 ha đất trong dự án này để khảo nghiệm các loại giống mới chất lượng, phù hợp thổ nhưỡng đồng bằng sông Hồng với mục đích cung ứng ra thị trường sản phẩm an toàn, từng bước xuất khẩu, đánh dấu vị trí nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới. Sự bài bản của Vingroup còn ở chỗ, Tập đoàn này đã xây dựng thương hiệu rau sạch VinEco được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị VinMart “phủ sóng” khắp toàn quốc, đảm bảo hoàn toàn đầu ra cho sản phẩm.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Với những động thái mạnh mẽ từ chính phủ , việc triển khai thế nào để chuyển từ một nền nông nghiệp manh mún nặng về lượng hơn về chất sang một nền nông nghiệp công nghệ cao là một bài toán không hề đơn giản và không thể làm ngay trong một sớm một chiều.

Ngay trong cách tiếp cận rằng ai là người thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của chúng ta cũng đang có vấn đề. Các đề tài, dự án từ trước đến nay chủ yếu là thực hiện các mô hình trình diễn với vai trò chủ đạo của nhà nước. Theo TS.Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thì đây là cách tiếp cận không đúng. Đối tác chủ lực trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao phải là doanh nghiệp. Vì chính doanh nghiệp mới có tầm nhìn về thị trường, về sản xuất, về công nghệ để mời nhà khoa học phù hợp hỗ trợ cho các dự án của họ.

Tiếp đến là muốn phát triển thì cần định hướng xem chọn sản phẩm nào, thị trường tiêu thụ ra sao, sau đó mới xét đến công nghệ. Dùng công nghệ nào để sản xuất được sản phẩm có hiệu quả cao, năng lực cạnh tranh cao.

Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao cũng đồng nghĩa với chịu nhiều rủi ro, đặc biệt là thị trường. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, thậm chí bảo hiểm cho những doanh nghiệp đi đầu trong nông nghiệp công nghệ cao, coi đó là những điểm sáng cần nhân rộng. Đồng thời nên khuyến khích mô hình hợp tác xã thay vì các hộ cá thể nhỏ lẻ, manh mún.

Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, điều kiện tiên quyết là mặt bằng. Hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thuê diện tích đất để triển khai dự án. Tâm lý bao đời nay của người dân là phải sở hữu đất đã cản trở việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ở đây, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Không thể sản xuất công nghệ cao với qui mô nhỏ lẻ. Nhưng doanh nghiệp đi đàm phán người dân thì rất khó, nếu chính quyền không đứng ra bảo lãnh thì không bao giờ có thể thuê được diện tích phù hợp, nên trong chính sách đất đai, cần sự cam kết của chính quyền địa phương dưới sự bảo trợ của chính phủ.

Một yếu tố nữa cũng cần được giải quyết là nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp đang rất thiếu và yếu. Nếu như không sự hợp tác điều phối vĩ mô giữa các trường đại học đào tạo về nông nghiệp tích hợp cùng với các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ khác để chuẩn bị nhân lực lãnh đạo quản lý, khoa học kỹ thuật thì cũng sẽ không có ai quản lý, ai chuyển giao công nghệ và thậm chí không có cả lao động trong lĩnh vực này.

Nhìn lại 5 năm qua, kể từ khi có Quyết định số 1895, Việt Nam có khá nhiều hội thảo, hội nghị về phát triển công nghệ cao. Tuy nhiên thường chỉ giới thiệu thành tựu chung chung mà chưa nhìn thẳng vào những thất bại để rút ra bài học kinh nghiệm cho những người đi sau. Sẽ rất khó để triển khai rộng khắp hay nhân rộng mô hình, trong khi chúng ta chưa tổng kết được một cách bài bản đâu là thành công, đâu là thất bại.

Và ở đây, cần vai trò điều phối của một “nhạc trưởng” chính là Chính phủ điều hành các bộ, ngành, địa phương phối hợp giải quyết mọi nút thắt trên tinh thần vì doanh nghiệp, vì người nông dân, vì một nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao.

4 hướng giải bài toán nông nghiệp công nghệ cao của Thủ tướng Chính phủ:

+ Cần có sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam;

+ Khi quy hoạch đất phải theo hướng mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Nơi nào được quy hoạch để phát triển nông nghiệp cao thì cần có hệ thống nước tưới, kênh mương, đường, điện...

+ Nâng hạn mức gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để làm vấn đề này;

+ Tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao. Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.