Sức sống của mô hình thương mại hai chiều

Mô hình thương mại hai chiều đã kích hoạt các hoạt động kết nối cung cầu; kết nối từ doanh nghiệp, hộ nông dân vùng sâu, vùng xa đến với các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại nhất trải dài khắp cả nước, góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại.

Sự lan tỏa mạnh mẽ

Kết quả kinh doanh những năm gần đây của Cửa hàng bán buôn, bán lẻ Hồng Hải tại phố Trần Phú, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang cho thấy một bức tranh khá thú vị. Trước đây, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 35kg chè búp khô, 15kg dược liệu, và hơn 4 lít mật ong.

Sau khi được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng cửa hàng thành Điểm bán hàng Việt Nam, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 65 kg chè búp khô; 20 kg dược liệu; 12 lít mật ong. Đây là 1 trong số hơn 100 mô hình thí điểm bán hàng Việt Nam được Bộ Công Thương hỗ trợ trong Chương trình xây dựng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.

Cho đến nay, Điểm bán hàng Việt Nam được đánh giá là một điểm phát luồng hàng hóa trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch. Các điểm này gắn kết một cách phù hợp việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Chương trình bình ổn thị trường, an toàn thực phẩm và các chương trình khác tại địa phương.

Đồng thời, đây cũng là mô hình thương mại hai chiều: đưa hàng hóa Việt có chất lượng từ các địa phương khác đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp khi tổ chức, xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam đã ưu tiên bố trí đặt tại vùng sâu, vùng xa hoặc khu công nghiệp; khu vực mà hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu tại chỗ vẫn còn mỏng, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng với giá bán cạnh tranh.

Tiêu chí hàng đầu là hàng hóa được bày bán tại Điểm bán hàng Việt Nam phải đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm... được thực hiện dưới sự giám sát của Sở Công Thương. Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tất cả các điểm bán hàng Việt Nam đều đã tăng doanh thu lên 10-15% sau khi được hỗ trợ.

Bên cạnh hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam được Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí triển khai, nhận thấy tầm quan trọng, hiệu quả và sức lan tỏa của các điểm bán này, các tỉnh, thành phố cũng đã bổ sung ngân sách địa phương để nhân rộng thêm hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam khác. Điển hình như Thanh Hóa đã tự xây dựng thêm 15 điểm bán tại 11 huyện miền núi phía Tây; Tây Ninh đã cấp kinh phí xây dựng thêm 9 điểm bán; Lâm Đồng đã nhân rộng thêm 2 điểm để quảng bá các đặc sản địa phương như cà phê, mác ca, sa chi, trà sâm đương quy...

sieu thi
Chưa bao giờ hoạt động kết nối cung cầu lại được phát triển mạnh mẽ như thời gian gần đây

Địa phương, doanh nghiệp cùng tham gia

Cùng với việc triển khai mô hình Điểm bán hàng Việt Nam, Bộ Công Thương huy động các doanh nghiệp, địa phương tham gia vào mô hình thương mại hai chiều này.

Hồ Chí Minh đã mở rộng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu với các địa phương trên cả nước, trở thành cầu nối để các doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ các địa phương đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar… Đến nay đã có 2.283 hợp đồng đã được ký kết.

Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị giao thương, kết nối cung- cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố khác. Đưa doanh nghiệp Hà Nội tham gia trên 50 hội nghị, hoạt động giao thương kết nối cung- cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Nam Định, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang…;

Bên cạnh các địa phương, Bộ Công Thương cũng huy động doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp phân phối tham gia vào mô hình thương mại hai chiều, điển hình là BigC.  Cuối năm 2017, BigC ra mắt Chương trình “Sinh kế cộng đồng”.

Chương trình hoạt động dưới sự hỗ trợ và điều hành của một Ban điều hành độc lập bao gồm các đại diện của Bộ Công Thương, Hiệp hội bán lẻ, Ngân hàng, Viện nghiên cứu, các tổ chức Phi chính phủ và các lãnh đạo của Central Retail.

Tham gia chương trình này, người nông dân được định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và canh tác bởi chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính ứng trước cho việc sản xuất, được bao tiêu sản phẩm.

Nỗ lực kết nối cung cầu địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hàng hóa được lưu thông thuận lợi theo hai chiều: mang hàng hóa tiêu dùng, công nghệ phẩm, hàng hóa thiết yếu lên miền ngược; đưa đặc sản của 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn về miền xuôi.

Có thể nói, với mô hình thương mại hai chiều, chưa bao giờ hoạt động kết nối cung cầu lại được phát triển mạnh mẽ như thời gian gần đây, kết nối từ doanh nghiệp, hộ nông dân vùng sâu, vùng xa đến với các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại nhất trải dài khắp cả nước, góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại.

[Quảng cáo]

Giang Châu