Tác động của các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đến sự tin tưởng của khách hàng - Nghiên cứu trong các hệ thống siêu thị bán lẻ tại Việt Nam

NCS. Nguyễn Thị Dược (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)
Tóm tắt:
Nghiên cứu nhằm mục đích kiểm định tác động của các hoạt động TNXH DN đến sự tin tưởng của khách hàng tại các hệ thống siêu thị bán lẻ ở Việt Nam. Mối quan hệ này được kiểm định qua mẫu 512 khách hàng mua sắm tại các hệ thống siêu thị bán lẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy TNXH DN có tác động tích cực đến sự tin tưởng của khách hàng.
Từ khóa: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXH DN), doanh nghiệp (DN), thị trường bán lẻ (TTBL), khách hàng (KH), sự tin tưởng của khách hàng.

1. Giới thiệu
Đến thời điểm ngày 11/01/2015, thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho phép các DN nước ngoài đầu tư 100% vốn. Bên cạnh đó, năm 2015 là năm khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực cho phép dòng hàng hóa, tài nguyên vốn, nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Thực trạng này dẫn đến việc cạnh tranh rất khốc liệt giữa các hệ thống siêu thị bán lẻ tại thị trường Việt Nam.
Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại các hệ thống siêu thị ngoài lý do đây là một hình thức kinh doanh (KD) hiện đại mang lại nhiều tiện lợi cho khách hàng còn vì tin rằng đây là những tổ chức được quản lý chặt chẽ đảm bảo chất lượng, giá cả hàng hóa, KD tuân thủ quy định của luật pháp và KD có đạo đức, có trách nhiệm với NTD với XH. Do đó, TNXH DN được coi như là một trong những chiến lược kinh doanh của hệ thống siêu thị để tạo nên sự tin tưởng của khách hàng.
Lý thuyết TNXH DN theo mô hình Kim tự tháp của Carroll et al. (1991) được đánh giá là mô hình đầu tiên chỉ ra cách thức để DN thực hiện TNXH của mình. Mô hình Kim tự tháp được xây dựng trên bốn yếu tố: Kinh tế, Pháp lý; Đạo đức; Thiện nguyện là mô hình có giá trị đối với các hoạt động quản lý của DN.
Đã có một số mô hình nghiên cứu TNXH DN dựa trên lý thuyết Kim tự tháp như mô hình của Jongchul Park, Hanjoon Lee, Chankon Kim năm 2013, nghiên cứu mối quan hệ giữa hoạt động TNXH với sự Tin tưởng, và Uy tín của DN. Tuy nhiên, NC này không NC mối quan hệ TNXH DN đến sự trung thành của KH. Nghiên cứu của Beomjoon Choi & Suna La, 2013 về mối quan hệ giữa hoạt động TNXH với sự tin tưởng, sự hài lòng và sự trung thành của KH nhưng chỉ NC trên 2 yếu tố Luật pháp và Đạo đức của DN.
Do đó việc sử dụng lý thuyết TNXH DN theo mô hình Kim tự tháp của Carroll et al. (1991) làm lý thuyết nền NC của TNXH kết hợp với các thuộc tính cửa hàng tác động đến sự trung thành của NTD thông qua sự hài lòng và sự tin tưởng của họ có ý nghĩa bổ sung mô hình lý thuyết về TNXH DN, đồng thời đáp ứng nhu cầu xây dựng mô hình quản lý theo định hướng phát triển DN bền vững mà các DN đều muốn hướng đến.
Mặc dù trên thực tế khá nhiều các DN lớn ở Việt Nam đã áp dụng các mô hình TNXH DN trong hoạt động quản lý DN, nhưng các nghiên cứu về TNXH DN tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Trên khía cạnh nghiên cứu mối quan hệ TNXH DN và nhận thức của NTD đã có nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hồng Hà và Nguyễn Thị Tuyết Mai năm 2013 về tác động của TNXH DN và cảm nhận của khách hàng. Đây là một nghiên cứu định tính trong ngành Thức ăn chăn nuôi tại miền Bắc Việt Nam. Còn nghiên cứu của tác giả Bùi Thị Lan Hương năm 2010 về nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về TNXH DN cũng thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định tính.
Trong bối cảnh hiện nay còn rất ít các nghiên cứu định lượng về TNXH DN ở Việt Nam, đặc biệt là các nghiên cứu trong lĩnh vực bán lẻ - một lĩnh vực kinh doanh đặc biệt tác động đến một số lượng người tiêu dùng rất lớn, một nghiên cứu về tác động của TNXH DN đến sự trung thành của khách hàng là một nhu cầu tất yếu để các DN bán lẻ xây dựng chiến lược cạnh tranh.
Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm xác định nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về TNXH của các DN ở Việt Nam, cụ thể là các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị bán lẻ; đồng thời xác định mức độ tác động của TNXH DN đến sự tin tưởng của khách hàng, nhằm có giải pháp nâng cao sự tin tưởng của khách hàng thông qua hoạt động TNXH của các DN bán lẻ tại Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu này, cấu trúc bài viết gồm có 5 phần: Phần 1 giới thiệu tổng quan đề tài nghiên cứu; Phần 2 lược khảo lý thuyết về khái niệm và các mối quan hệ trong mô hình nghiên cứu; Phần 3 trình bày phương pháp nghiên cứu; Phần 4 phân tích kết quả nghiên cứu; Phần 4 đưa ra kết luận là các hàm ý quản trị đồng thời gợi ý hướng nghiên cứu trong tương lai.
2. Lược khảo cơ sở lý thuyết và các mô hình nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết về TNXH DN
2.1.1. Khái niệm TNXH DN
Trong quá trình phát triển nhận thức về các trách nhiệm của DN, khái niệm TNXH DN đã được hình thành và phát triển với nhiều trường phái quan điểm khác nhau theo từng giai đoạn. Trong một nghiên cứu năm 2006, Dahlsrud xác định và phân tích 37 định nghĩa khác nhau về TNXH DN (Dahlsrud, 2006). Nội dung khái niệm TNXH DN có thể đi từ quan điểm kinh tế rất hẹp, xem TNXH DN là việc tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông (Zenisek, 1979) cho đến một quan điểm xã hội rộng rãi xem TNXH DN bao gồm các hoạt động của công ty tôn trọng các nghĩa vụ của DN đối với xã hội hoặc ít nhất là nghĩa vụ đối với các bên liên quan (Brown and Dacin, 1997). Trong rất nhiều quan điểm khác nhau về TNXH DN, chuyên gia về TNXH DN, tiến sĩ Wayne Visser đã nói rằng: “Kim tự tháp TNXH của Carroll có lẽ là mô hình TNXH nổi tiếng nhất…” (Visser, 2006).
Mô hình bốn cấp bậc mang tên “Kim tự tháp TNXH DN” đã được Carroll (1991) đề xuất, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các doanh nghiệp phải đáp ứng mọi khía cạnh của môi trường xã hội, bao gồm: kinh tế, pháp luật, đạo đức và từ thiện. Đây là mô hình duy nhất chỉ ra cách thức quản lý các hoạt động TNXH DN nên rất có ý nghĩa đối với các nhà quản lý trong việc xây dựng các chiến lược TNXH DN nằm trong các chiến lược kinh doanh tổng thể của DN.
2.1.2. Nội dung lý thuyết TNXH của Carroll (1991)
Theo Carroll, mọi trách nhiệm của doanh nghiệp đều được xác định dựa trên sứ mệnh của doanh nghiệp, đó là tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông từ nguồn cung và cầu của xã hội (đã được đề cập bởi Friedman). Đây chính là trách nhiệm kinh tế của DN. Đặc điểm này của kim tự tháp nằm ở dưới đáy nên chỉ khi nó được thỏa mãn thì các trách nhiệm khác mới có thể có được thực hiện. Trách nhiệm pháp lý nằm ở bậc thứ hai, cho rằng mỗi công ty phải tuân thủ luật pháp, luật lệ và thủ tục được quy định để chắc rằng công ty sẽ duy trì trách nhiệm đối với các hành vi kinh doanh. Bậc thứ ba là trách nhiệm đạo đức, nghĩa là các công ty buộc phải làm những điều đúng, hợp lý và công bằng cho các bên liên quan và tránh tổn hại đến họ. Bậc cuối cùng là đóng góp từ thiện, tin rằng công ty nên trở thành một công dân tốt và cống hiến những nguồn lực cần thiết cho xã hội. Điều đó cũng được nhấn mạnh trong “thuyết hợp đồng xã hội” (the social contract theory) của TNXH DN. Kim tự tháp TNXH DN còn định nghĩa rằng sứ mệnh của một công ty là mục tiêu kinh tế, là đáy của kim tự tháp. Tất cả các trách nhiệm khác (pháp lý, đạo đức và từ thiện) đến sau trách nhiệm này, nghĩa là công ty chỉ trở nên có trách nhiệm xã hội khi nó đã đạt được mục tiêu kinh tế, là tối đa lợi nhuận.
Mô hình này là một trong số các ví dụ đầu tiên nói về việc làm thế nào để một công ty có trách nhiệm, và nó vẫn đang được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quản lý TNXH DN.

2.2. Sự tin tưởng của người tiêu dùng
Sự tin tưởng của người tiêu dùng luôn được xem là khái niệm được quan tâm trong rất nhiều nghiên cứu đặc biệt là các nghiên cứu marketing. Theo Baber (1983), sự tin tưởng là những kỳ vọng được xã hội biết đến và được xã hội công nhận mà con người có được từ những người khác hoặc các thực thể tổ chức. Sự tin tưởng được định nghĩa trên quan điểm của người tiêu dùng là doanh nghiệp sẽ luôn thực hiện các hoạt động của mình một cách chuyên nghiệp, đạo đức và thiện chí theo kỳ vọng của người tiêu dùng đối với họ (McKnight et al., 2002; Morgan & Hunt, 1994).
Sự tin tưởng có thể được xem như một khái niệm đa hướng: Multidimensional (Barber, 1983; Mayer at el., 1995), hoặc cũng có thể xem như là một biến đơn hướng: unidimensional (Castaldo et al., 2009; Pivato et al., 2008).
2.3. Giả thuyết nghiên cứu
NTD kỳ vọng công ty có những kỹ năng cần thiết để sản xuất và cung ứng các sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của NTD. Họ còn kỳ vọng công ty có được những kỹ năng cần thiết để kiếm đủ lợi nhuận cho việc tái đầu tư, đảm bảo sự tồn tại của mình, tạo nên việc làm và sáng tạo. Mối quan hệ giữa việc hoàn thành các trách nhiệm kinh tế và sự tin tưởng của NTD thể hiện trong các kết quả NC cho thấy sự chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh trong việc điều hành DN có tác động tích cực đến sự tin tưởng của NTD (Busch & Wilson, 1976; Sirdeshmukh et al., 2002).
Một số nghiên cứu lại chứng minh rằng hành vi kinh doanh có đạo đức chính là nhân tố tạo nên sự tin tưởng của khách hàng (Mayer et al., 1995; McKnight et al., 2002). Để KH tin tưởng về tính trung thực, các DN cần phải tuân thủ quy định pháp lý và đạo đức. Nếu KH biết việc tuân thủ quy định pháp lý của DN thông qua các phương tiện truyền thông, họ sẽ tin tưởng DN hơn, ngược lại, họ sẽ cho rằng DN thiếu trung thực, không đáng tin cậy (Elkins, 1976). Một số nghiên cứu khác chứng minh hành động thiện nguyện trong TNXH có tác động đến việc tin tưởng của khách hàng. Các KH cho rằng DN nào quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển an sinh xã hội (Mayer et al., 1995; McKnight et al., 2002) sẽ làm họ tin tưởng hơn. Dù phần lớn KH không hưởng lợi ích trực tiếp từ các hoạt động thiện nguyện của DN nhưng KH sẽ đánh giá cao các DN đã dành một phần nguồn tài chính và các nguồn khác cho một xã hội tốt đẹp hơn (Morales, 2005).
Từ những nghiên cứu thể hiện mối quan hệ giữa TNXH DN và sự tin tưởng của khách hàng, ta có giả thuyết:
H2: TNXH DN có tác động tích cực và đáng kể đến sự tin tưởng của khách hàng. (Hình 2)

3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp định tính, định lượng thể hiện trong các bước xây dựng thang đo, kiểm định thang đo và kiểm định các giả thuyết. Nghiên cứu sẽ được thực hiện qua 2 bước chính:
(1) Nghiên cứu định tính nhằm xây dựng thang đo
(2) Nghiên cứu định lượng bao gồm việc kiểm định thang đo.
Đối tượng khảo sát là các khách hàng mua sắm ở các siêu thị bán lẻ. Đối tượng nghiên cứu là mối quan hệ của TNXH DN và sự tin tưởng của khách hàng.
Nghiên cứu định tính được thực hiện tại TP. HCM bằng phương pháp phỏng vấn sâu với 2 quản lý cấp cao tại siêu thị SatraMart Saigon và CoopMart; và phỏng vấn nhóm với 10 học viên lớp buổi tối thường đi siêu thị. Nghiên cứu này dùng để điều chỉnh, bổ sung thang đo các khái niệm nghiên cứu, đánh giá cách sử dụng thuật ngữ trong bảng câu hỏi để điều chỉnh một số thuật ngữ cho thích hợp trước khi tiến hành nghiên cứu sơ bộ định lượng. Thang đo khái niệm TNXH DN bao gồm 4 biến độc lập (trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức, thiện nguyện) được xây dựng trên cơ sở mô hình lý thuyết TNXH DN của Carroll & Shabana (2010); thang đo sự tin tưởng của khách hàng xây dựng theo thang đo của Gurviez & Kochia (2002).
Kết quả của nghiên cứu định tính, thang đo trách nhiệm kinh tế bao gồm 4 biến quan sát, trách nhiệm pháp lý bao gồm 4 biến quan sát, trách nhiệm đạo đức 4 biến quan sát, thang đo sự tin tưởng của khách hàng gồm 4 biến quan sát được giữ nguyên chỉ điều chỉnh theo văn phong tiếng Việt cho dễ hiểu. Thang đo trách nhiệm thiện nguyện được điều chỉnh lại theo các hoạt động thiện nguyện của các siêu thị ở Việt Nam bao gồm 4 biến quan sát.
Nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua việc phỏng vấn trực tiếp người tiêu dùng mua hàng tại các hệ thống siêu thị với số lượng 545 mẫu và thu về 512 mẫu hợp lệ. Việc lấy mẫu mang tính thuận tiện. Nghiên cứu này nhằm kiểm định lại mô hình nghiên cứu với các giả thuyết nghiên cứu.
Thang đo được kiểm tra tính nhất quán nội tại, giá trị phân biệt, giá trị hội tụ, bằng tương quan biến - tổng Cronbach alpha, phân tích yếu tố khẳng định CFA được tiếp tục sử dụng để đánh giá giá trị hội tụ, tính đơn hướng, và giá trị phân biệt của thang đo qua trọng số nhân tố CFA, độ tin cậy tổng hợp, phương sai trích. Sau khi kiểm định thang đo, các biến quan sát sẽ được sử dụng để kiểm định mô hình lý thuyết và giá trị liên hệ mô hình lý thuyết.
Mô hình mạng SEM được sử dụng để kiểm định các giả thuyết của mô hình nghiên cứu. SEM sử dụng để ước lượng các mô hình đo lường (Mesurement Model) và mô hình cấu trúc (Structure Model) của bài toán lý thuyết đa biến.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu
Mẫu khảo sát được triển khai khảo sát 512 khách hàng. Trong đó, nam chiếm 30,9% và nữ chiếm 69,1% (nữ có xu hướng tham gia các trung tâm thương mại nhiều hơn nam). Xét theo độ tuổi, đa phần mẫu khảo sát tập trung ở độ tuổi từ 21-30 tuổi. Hai nhóm tuổi tiệm cận gồm nhóm tuổi từ 15 - 20 và nhóm tuổi từ 30-35, mỗi nhóm chiếm 10%. Các nhóm còn lại chiếm tỷ lệ không đáng kể trong mẫu khảo sát.
Về tình trạng hôn nhân, nhóm chưa có gia đình tham gia các hoạt động tại các trung tâm thương mại chiếm đa số. Nhóm đã có gia đình (hiện có vợ hoặc chồng đang sống cùng nhau) chiếm tỷ lệ 32,2%. Các nhóm còn lại chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Về trình độ học vấn của nhóm người tham gia hoạt động tại các trung tâm thương mại, các khách hàng có học vấn trung học phổ thông, cao đẳng và đại học tham gia với tỷ lệ khá đông so với các nhóm còn lại.
4.2. Kiểm định thang đo
4.2.1. Phân tích Cronbachs Alpha (Bảng 1)
Kết quả phân tích cho thấy hệ số Cronbachs Alpha của 4 biến độc lập và biến phụ thuộc đều lớn hơn 0,8; thay đổi trong khoảng từ 0,819 đến 0,874. Biến có hệ Cronbach Alphas thấp nhất là biến trách nhiệm kinh tế với hệ số 0,819, biến có hệ số cao nhất là biến pháp lý với hệ số 0,874. Các thang đo đều đạt hệ số tương quan biến - tổng trên 0,3.

4.2.2. Phân tích nhân tố khẳng định CFA
Bảng 2 cho thấy kết quả kiểm định tính hội tụ thông qua trọng số CFA chuẩn hóa đa phần cho kết quả trên 0,5 và các trọng số chưa chuẩn hóa đều có ý nghĩa thống kê (p=0,000) với độ tin cậy 95% nên các biến quan sát dùng để đo lường các khái niệm đạt giá trị hội tụ. Tuy nhiên, biến trách nhiệm thiện nguyện chỉ đạt 0,199<0,5 nên phải loại biến này. Biến quan sát đạo đức 03 có giá trị là 0,484 (khá tiệm cận với tiêu chuẩn 0,5), đồng thời việc kiểm định trọng số chưa chuẩn hóa, tính bằng “0” của trọng số này có ý nghĩa thống kê. Vì vậy, nghiên cứu tiếp tục chấp nhận biến này tham gia vào quá trình đo lường cho nhân tố trách nhiệm đạo đức. (Bảng 2)

Sau khi loại bỏ biến trách nhiệm thiện nguyện, việc kiểm định tổng thể về tính phù hợp cho thấy mô hình này khá phù hợp (Hình 3) vì các chỉ số đều đạt yêu cầu.

Bảng 3 cho thấy kết quả kiểm định tính hội tụ thông qua trọng số CFA chuẩn hóa sau khi loại bỏ biến thiện nguyện đa phần cho kết quả trên 0,5 và các trọng số chưa chuẩn hóa đều có ý nghĩa thống kê (p=0,000) với độ tin cậy 95% nên các biến quan sát dùng để đo lường các khái niệm đạt giá trị hội tụ. Biến đạo đức 03 vẫn được tiếp tục đưa vào đo lường cho khái niệm trách nhiệm đạo đức.

4.3. Kiểm định mô hình nghiên cứu SEM
Kết quả kiểm định mô hình cấu trúc (hình 5) cho thấy mô hình có 115 bậc tự do với p-value = 0,000<0,05. Các chỉ số đều phù hợp với dữ liệu thị trường (Chi-square/df <3; CFI, GFI, TLI>0,9, RMSEA<0,08). (Xem hình 4, Bảng 4)


Kết quả ước lượng tham số chính của mô hình (Bảng 4) cho thấy các mối quan hệ trong mô hình đều có ý nghĩa thống kê vì có giá trị p-value <0,05. Vậy tồn tại giả thuyết TNXH DN tác động tích cực đến sự tin tưởng của khách hàng với hệ số hồi quy đã chuẩn hóa là 0,987.

5. Kết luận và gợi ý giải pháp
5.1. Kết luận
Kết quả kiểm định mô hình cho thấy, TNXH DN có tác động tích cực rõ rệt đến sự tin tưởng của khách hàng. Trong đó, khái niệm TNXH DN được người tiêu dùng đánh giá qua ba yếu tố: trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức. Trách nhiệm pháp lý có mức đóng góp cao nhất vào quan điểm của khách hàng về TNXH của các siêu thị bán lẻ (giá trị chuẩn hóa = 1), sau đó là yếu tố đạo đức, kinh tế. Yếu tố thiện nguyện bị loại bỏ vì có thể người tiêu dùng ở Việt Nam không biết đến hoặc không quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện của các siêu thị bán lẻ.
5.2. Hàm ý quản trị
Nghiên cứu này đóng góp vào những hiểu biết tổng quát về nhận thức của người tiêu dùng đối với hoạt động TNXH DN tại Việt Nam, cụ thể là trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị bán lẻ bằng việc kiểm tra mối quan hệ tác động của TNXH đến sự tin tưởng của khách hàng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tại thị trường Việt Nam khi mà lòng tin NTD hiện tại bị sói mòn rất nhiều bởi cách làm ăn không đạo đức của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, thì những DN có TNXH sẽ tạo nên lòng tin rất lớn ở NTD. Trách nhiệm pháp lý được người tiêu dùng nhận thức là yếu tố quan trọng nhất, sau đó là trách nhiệm đạo đức và kinh tế. Điều này có thể lý giải do Việt Nam vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa tuân thủ pháp luật và thiếu đạo đức kinh doanh, dẫn đến thiệt hại cho NTD và XH. Do đó, yêu cầu của TNXH DN tại Việt Nam còn ở mức tối thiểu là DN tuân thủ luật pháp, có đạo đức trong kinh doanh và kinh doanh có hiệu quả.
Kết quả này còn cho thấy bên cạnh việc xây dựng hệ thống siêu thị với những thuộc tính cạnh tranh về hàng hóa giá cả hay chất lượng dịch vụ, các nhà quản lý siêu thị cần xây dựng hình ảnh siêu thị có TNXH, luôn tuân thủ luật pháp, là một siêu thị kinh doanh có đạo đức và hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Các DN siêu thị bán lẻ cần dành 1 phần nguồn lực của mình cho việc xây dựng và thực hành các chiến lược TNXH một cách hiệu quả. Việc loại bỏ yếu tố trách nhiệm thiện nguyện cho thấy có thể người tiêu dùng còn ít tiếp cận với các thông tin TNXH DN đã thực hiện. Vì vậy, các hệ thống siêu thị bán lẻ cần tăng cường hoạt động truyền thông TNXH để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hình ảnh TNXH của DN, từ đó phát triển hệ thống cơ sở khách hàng trung thành.
5.3. Giới hạn nghiên cứu
Tương tự như bất kì dự án nghiên cứu nào, nghiên cứu này đang có nhiều hạn chế. Thứ nhất là, nghiên cứu này chỉ thực hiện tại các siêu thị tại TP. HCM. Khả năng tổng quát hóa kết quả sẽ cao hơn nếu nó được lặp lại tại các thành phố khác tại Việt Nam. Và xa hơn nữa, là lặp lại tại thị trường các nước khác để có thể so sánh và xây dựng hệ thống thang đo cho các khái niệm thành phần của TNXH DN của siêu thị. Đây là một hướng cho các nghiên cứu tiếp theo.
Thứ hai, nghiên cứu này được thực hiện là các TNXH DN trong lĩnh vực ngành kinh doanh siêu thị bán lẻ tại Việt Nam. Cần có những nghiên cứu tương tự ở những ngành khác nhau tại thị trường Việt Nam để bổ sung cho hoàn chỉnh khái niệm TNXH DN ở Việt Nam.
Nghiên cứu định lượng chỉ cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về một xu hướng các mối quan hệ, cần có những nghiên cứu định tính để giải thích cho các mối quan hệ này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ailawadi, K.L., et al. (2013), Does retailer CSR enhance behavioral loyalty? A case for benefit segmentation, Intern. J. of Research in Marketing.
2. Barber, B. (1983). The logic and limits of trust. New Brunswick, NJ: Rutgers University Press.
3. Bowen H. (1953), Social Responsibilities of Businessman, Newyork Haper Publishing.
4. Brown & Dacin (1997), The Company and the Product: Corporate Associations and Consumer 5. Product Responses, Journal of Marketing, Vol. 61, No. 1 (Jan., 1997), pp. 68-84.
5. Busch, P., & Wilson, D. (1976). An experimental analysis of a salesman's expert and referent bases of social power in the buyer-seller dyad. Journal of Marketing Research, 13, 3-11.
6. Bui, L.H. (2010), The Vietnamese consumer perception on corporate social responsibilities, Journal of International business research.
7. Carroll, D. (1991), The pyramid of coporate social responsibility: Toward the moral management of organizational stakeholders, Business Horizons, Vol. 34 No. 4.
8. Carroll & Shabana (2010), The Business Case for Corporate Social Responsibility: A Review of Concepts, Research and Practice, International Journal of Management Reviews (2010) DOI: 10.1111/j.1468-2370.2009.00275.
9. Castaldo, S., Perrini, F., Misani, N., & Tencati, A. (2009). The missing link between corporate social responsibility and consumer trust: The case of fair trade products. Journal of Business Ethics, 84(1), 1-15.
10. Chaudhuri, A.,Holbrook, M.,2001. The chain of effects from brand trust and brand affect to brand performance: The role of brand loyalty. Journal of Marketing 65(2), 81-93.
11. Dick, A. and Basu, K.(1994), Customer loyalty: toward an integrated conceptual framework, Journal of Academic of integrated conceptual framework, Marketing Science, Vol.22 No.2, pp.99-113.
12. Dahlsrud A. (2008) How Corporate Social Responsibility is defined: an analysis of 37 definitions, Published by Willey Interscience, Corp. Soc. Responsib. Environ. Mgmt. 15, 1-13.
13. Elkins, J. R. (1976). Corporations and the criminal law: An uneasy alliance. Kentucky.
14. Law Journal, 65, 73-129.
15. Gurvitz & Korchia (2002), Test of a Consumer-Brand Relationship Model Including Trust and Three Consequences, 30th International Research Seminar in Marketing La Londe les Maures, France - 11th-13th JUNE 2003.
16. Le T. H. (2009), Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Khoa học - Kỹ thuật.
17. Mayer, R. C., Davis, J. H., & Schoorman, D. F. (1995). An integrativemodel of organizational trust. Academy of Management Review, 20(3), 709-734.
18. McKnight, D. H., Choudhury, V., & Kacmar, C. (2002). Developing and validating trust measures for e-commerce: An integrative typology. Information Systems Research,3(3), 334-359.
19. Morgan, R.M. and Hunt, S.D. (1994). “The commitment trust theory of relationships marketing”. Journal of Marketing, Vol. 58, July, pp. 20-38.
20. Nguyen. H.H. et. al. (2013), Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và cảm nhận của khách hàng- Nghiên cứu định tính trong ngành Thức ăn chăn nuôi tại miền Bắc, Tạp chí Kinh tế phát triển, số 195.
21. Nguyen N. B.et. al. Association between Corporate Social Responsibility Disclosures and Firm Value - Empirical Evidence from Vietnam, International Journal of Accounting and Financial Reporting, Vol.5.
22. Oliver, R (1999), Whence consumer loyalty, Journal of Marketing, Vol. 63, pp.33-44.
23. Pivato, S., Misani, N., & Tencati, A. (2008). The impact of corporate social responsibility on consumer trust: The case of organic food. Business Ethics: A European Review,
17 (1), 3-12.
25. Sirdeshmukh, D., Singh, J., & Sabol, B. (2002). Consumer trust, value, and loyalty in relational exchanges. Journal of Marketing, 66(1), 15-37.
26. Visser, W. (2010), The age of responsibility csr 2.0 and the new dna of business, Journal of Business Systems, Governance and Ethics, Vol. 5, No. 3, p. 7, 2010.
27. Zenisek T. (1979) Corporate Social Responsibility: A Conceptualization Based On Organizational Literature, Journal of The Academy of Management Review, Vol.4, No3.
28. Corporate social responsibility in health... (PDF Download Available). Available from:  https://www.researchgate.net/publication/324075737_Corporate_social_responsibility_in_health_sector_a_case_study_in_the_government_hospitals_in_Medan_Indonesia [accessed Apr 24 2018].

THE IMPACT OF CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY
ACTIVITIES ON CUSTOMERS' TRUST - RESEARCH
IN RETAIL SUPERMARKETS IN VIETNAM

Post Graduate Student. Nguyen Thi Duoc
University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:
The research aims to test the impact of corporate social responsibility activities on the trust of customers in retail supermarket chains in Vietnam. This relationship is verified through a sample of 512 customers shopping at retail supermarkets. Research results show that CSR has a positive impact on the trust of customers.
Keywords: Corporate Social Responsibility (CSR), Enterprise, Retail (TTBL), customer (KH), trust of customers.