Tác động của chất lượng hệ thống thông tin kế toán đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh

TS. GVC. VŨ QUỐC THÔNG (Giảng viên, Khoa Kế toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) - HÀ THÙY THU TRANG (Trưởng nhóm đề tài NCKH) - NGUYỄN THỊ BÍCH TRÂM - NGUYỄN NGỌC HUYỀN TRANG - NGUYỄN PHƯƠNG ANH - NGÔ KIỀU THANH (Sinh viên, Khoa Đào tạo đặc biệt - ngành Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nhằm mục tiêu xác định các tác động của hệ thống thông tin kế toán đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu về các lý thuyết cũng như các phương pháp tiếp cận đề tài. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 26 biến chia thành các nhóm thành 5 nhân tố bao gồm: huấn luyện và đào tạo nhân viên, sự hỗ trợ của nhà quản lý, công nghệ thông tin, chất lượng hệ thống thông tin kế toán và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Kết luận này giúp cho các nhà quản trị về sự quan trọng của hệ thống thông tin kế toán đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và gợi ra các hướng nghiên cứu mới trong tương lai nhằm giúp xác định thêm các tác động khác đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

Từ khóa: chất lượng hệ thống thông tin kế toán, thông tin kế toán, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Trong thời đại CMNC 4.0 hiện nay, hệ thống thông tin có tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực kế toán. Việc xử lý thông tin trong lĩnh vực kế toán có nhiều thay đổi từ việc lưu trữ đến ghi chép các nghiệp vụ hay xử lý các số liệu, kết chuyển,… được vi tính hóa qua nhiều loại hình phần mềm hỗ trợ cho công tác kế toán. Việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ vào lĩnh vực kế toán đòi hỏi chất lượng thông tin phải đáng tin cậy, kịp thời và chính xác cả về nội dung lẫn hình thức để giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định thích hợp. Không chỉ dừng ở đó, các thông tin từ hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT) còn đảm bảo được các tiểu chuẩn cũng như liên quan đến vấn đề an toàn dữ liệu.

Tuy nhiên, đối chiếu với các tiêu chí và yêu cầu của cơ chế quản lý kinh tế, hệ thống kế toán Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều thiếu sót về phương diện chất lượng thông tin, cũng như khả năng tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ kế toán quốc tế, phát xuất là từ đầu vào là chất lượng ghi chép, lưu trữ xử lý số liệu - kế toán trên hệ thống (Phạm Anh Tuấn, 2017). Vì lẽ đó, các doanh nghiệp cần phải nâng cao hiểu biết về hiệu quả của HTTTKT tại doanh nghiệp của mình, cũng như nhận dạng rõ các tác động của hệ thống thông tin kế toán đến hiệu quả hoạt động của tổ chức. Với những lý do trên, nhóm chúng xin đề xuất đề tài nghiên cứu: “Tác động của chất lượng hệ thống thông tin kế toán đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh”.

2. Mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Qua lý thuyết nền và một số nghiên cứu liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Dựa theo mô hình đề xuất, nhóm tác giả xin trình bày giả thuyết cho nghiên cứu như sau:

Giả thuyết H1: Việc huấn luyện và đào tạo nhân viên có tác tác động cùng chiều (+) đến Chất lượng HTTTKT.

Giả thuyết H2: Sự hỗ trợ của nhà quản lý có tác tác động cùng chiều (+) đến Chất lượng HTTTKT.

Giả thuyết H3: Ứng dụng công nghệ thông tin có tác tác động cùng chiều (+) đến Chất lượng HTTTKT.

Giả thuyết H4: Chất lượng HTTTKT có tác động cùng chiều (+) đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Bước 1: Thu thập và tìm hiểu tài liệu lên quan đến đê tài NCKH của nhóm. Nhóm tác giả tìm hiểu những tài liệu lý thuyết cũng như những bài nghiên cứu có liên quan từ trong và ngoài nước để thu thập các thông tin, cơ sở cho đề tài của nhóm.

- Bước 2: Xây dựng mô hình, các giả thuyết nghiên cứu. Xây dựng mô hình, các giả thuyết nghiên cứu để tổng hợp, liệt kê các dữ liệu thu thập được từ các nghiên cứu có liên quan và tiến hành phác thảo khảo sát nháp các thông tin đó.

- Bước 3: Tiến hành nghuên cứu định tính - tham vấn ý kiến chuyên gia. Nhóm thu thập các thông tin và dữ liệu để có được các thông tin chi tiết về đối tượng nghiên cứu, khảo sát để phân tích và đánh giá chuyên sâu các đối tượng nghiên cứu. Giai đoạn này được chia thành 3 hoạt động chính để có thể tiến hành phân tích đầy đủ hơn cho giai đoạn này. Đầu tiên là định hình bảng hỏi và thang đo chính thức, sau đó là phát khảo sát đến các DN để thu thập dữ liệu (nhóm sẽ lên danh sách các DN và tiếp cận các DN đó để khảo sát các thông tin), cuối cùng là xử lý dữ liệu - nhóm tiến hành thống kê mô tả số liệu, đánh giá độ tin cậy của thang đo và phân tích EFA, CFA và phương pháp SEM để kiểm định giả thuyết nghiên cứu.

- Bước 4: Thực hiện nghiên cứu định lượng. Nhóm thu thập các thông tin và dữ liệu dưới dạng số học, số liệu có tính chất thống kê để có được những thông tin cơ bản, tổng quát về đối tượng nghiên cứu nhằm phục vụ mục đích thống kê, phân tích.

- Bước 5: Kết quả. Sau khi dữ liệu được xử lý, nhóm tác giả thu được kết quả về mức độ tác động của chất lượng HTTTKT đến hiệu quản hoạt động của các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

3. Kết quả

3.1. Thống kê mô tả

Nhóm nghiên cứu phát bảng khảo sát đến những nhân viên kế toán, các nhà quản lý tại các doanh nghiệp. Trong tổng số phiếu khảo sát phát ra 200 phiếu, nhóm nghiên cứu thu về 172 phiếu. Sau khi sàng lọc số phiếu không hợp lệ (loại 7 phiếu), cuối cùng số phiếu còn lại 165 phiếu chứa dữ liệu thu thập được dùng trong đề tài nghiên cứu này.

Theo thống kê cho thấy cấp độ CNTT mà doanh nghiệp đang ứng dụng để tổ chức HTTTKT được sử dụng nhiều nhất trong các doanh nghiệp được khảo sát là sử dụng phần mềm kế toán - 34,55%. Độ tuổi của nhóm đối tượng khảo sát phần nhiều dao động từ 25-30 tuổi chiếm 38,79% chủ yếu với chức vụ kế toán tổng hợp (27,27%) với số năm công tác dưới 5 năm chiếm đa số (58,18%). Các loại hình doanh nghiệp sản xuất tham gia khảo sát chiếm tỷ trọng lớn bao gồm sản xuất chế biến thực phẩm với 20%, sản xuất dệt may, thời trang 15,15% và các ngành nghề sản xuất nhựa, sản xuất da với tỷ lệ 11,52%. Và hầu hết loại hình sở hữu doanh nghiệp trên khảo sát là loại hình doanh nghiệp TNHH (49,7%).

Theo thang đo Likert, các biến quan sát đều có giá trị nhỏ nhất (min) là 1.0 và giá trị lớn nhất (max) là 5.0. Giá trị trung bình giao động từ biến quan sát có giá trị trung bình nhỏ nhất là 3.13 đến biến quan sát có giá trị trung bình lớn nhất là 3.62.

3.2. Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Trọng và Mộng Ngọc (2008), tiêu chuẩn chọn thang đo là khi có độ tin cậy Cronbach Alpha lớn hơn (>) 0.6. Đồng thời, hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đo lường cho nhân tố đạt sẽ lớn hơn (>) 0.3 (Hair et al., 2005).

Bảng 1. Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Bảng 1 cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của Huấn luyện và đạo tạo nhân viên (0.725), Sự hỗ trợ của nhà quản lý (0.819), Công nghệ thông tin (0.803), Chất lượng HTTTKT (0.807), Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (0.881) đều lớn hơn 0.6. Hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đo lường cho các nhân tố đa phần đều lớn hơn 0.3, đạt tiêu chuẩn cho phép.

3.3. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Sau khi thực hiện đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s alpha thì thang đo các biến quan sát trong mô hình của nhóm còn giữ lại 26 biến quan sát của các nhân tố được đưa vào phân tích.

Kết quả kiểm định EFA (theo Kaiser, 1974; Hair et al., 2005) cho thấy hệ số KMO = 0.883 thỏa mãn điều kiện 0.5 < 0.883 < 1. Kết quả kiểm định Bartletts có p-value = 0.000 < 0.05 cho thấy các biến quan sát đưa vào phân tích có mối quan hệ với nhau và việc phân tích EFA là phù hợp với mẫu dữ liệu thu thập.

Bảng 2. Kiểm định KMO và Bartletts Test

Kiểm định KMO và Bartletts Test

* Phương pháp xoay: nhóm áp dụng phương pháp xoay nhân tố phổ biến là Varimax thông qua việc xoay nguyên góc các nhân tố thành phần nhằm để tối thiểu hóa số lượng biến quan sát có hệ số lớn tại cùng một thành phần và làm tăng khả năng giải thích các nhân tố thành phần (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008)

3.4. Phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM)

Mô hình cấu trúc tuyến tính SEM cho thấy rằng các chỉ số là phù hợp với dữ liệu được nhóm thu thập và đưa vào xử lý (tham số Chi-square = 1.544; hệ số CFI = 0.940 và RMSEA = 0.05).

Bảng 3. Kết quả kiểm định mô hình SEM

Kết quả kiểm định mô hình SEM

Kết quả kiểm định ở Bảng 3 chỉ ra rằng các mối quan hệ đều mang ý nghĩa thống kê. Trong các mối quan hệ theo mô hình nghiên cứu đề xuất, chúng ta nhận thấy về ước lượng trung bình, mức độ tác động của Chất lượng HTTTKT (AIS-Q) đến Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (FiPer) là lớn nhất (0.258) và mức độ tác động của Công nghệ thông tin (InTe) đến Chất lượng HTTTKT (AIS-Q) là nhỏ nhất (0.115).

4. Kết luận

Dựa trên những kết luận về kết quả nghiên cứu vừa được trình bày, nhóm nghiên cứu đưa ra các kiến nghị dựa trên 3 nhóm nhân tố được xác định là có tác động đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, nhóm nghiên cứu cũng làm rõ những đóng góp về mặt kinh tế - xã hội từ kết quả của đề tài đã thực hiện.

Bảng 4. Vị trí quan trọng của các nhân tố độc lập

Vị trí quan trọng của các nhân tố độc lập

- Về sự hỗ trợ của nhà quản lý: Để doanh nghiệp có thể vận hành HTTTKT một cách hiệu quả thì cần có sự hỗ trợ của nhà quản lý. Do đó, nhân tố sự hỗ trợ của nhà quản lý là nhân tố quan trọng nhất trong các nhân tố độc lập (hệ số của MgSu là 0.192, chiếm tỷ lệ cao nhất với 44.55%). Nhà quản lý cần xác định nhu cầu thông tin để xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp và có đủ năng lực, ý thức về trách nhiệm của mình để có thể đưa ra các quyết định một cách đúng đắn. Nhà quản lý cần tham gia tích cực vào việc lập kế hoạch vận hành và tham gia trực tiếp điều hành và giải quyết triệt để các vấn đề trong quá trình triển khai HTTTKT. Phải thường xuyên lập kế hoạch thực hiện hệ thống thông tin dự phòng khi có những thông tin không chính xác, chưa kịp thời hoặc thông tin không được bảo mật,...

- Huấn luyện và đào tạo nhân viên: Dựa vào kết quả phân tích Bảng 4, cho thấy nhân tố huấn luyện và đào tạo nhân viên là nhân tố tác động mạnh thứ hai đến chất lượng HTTTKT tại TP. Hồ Chí Minh (với kết quả phân tích từ Bảng 4, hệ số của huấn luyện và đào tạo nhân viên là 0.124, chiếm tỷ lệ 28.77% trên tổng 3 nhân tố độc lập). Do đó, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn của nhân viên mới tuyển dụng và đào tạo nội bộ nhằm cập nhật cho nhân viên về HTTTKT định kỳ. Để khai thác chất lượng HTTTKT một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần tổ chức tư vấn, cung cấp các khóa đào tạo, cuộc họp bên ngoài cho nhân viên tăng cường khả năng phân tích, rút trích các thông tin cần thiết góp phần mang lại thành công cho doanh nghiệp. Huấn luyện và đào tạo nhân viên sử dụng thành thạo những thao tác của hệ thống thì khả năng xảy ra sai sót và nhầm lẫn sẽ giảm, thông tin được đáp ứng kịp thời và chính xác.

-  Ứng dụng CNTT: Trong thời đại 4.0 hiện nay, công nghệ thông tin là một nhân tố tác động mạnh đến mọi khía cạnh đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Sự kết hợp trong đào tạo huấn luyện nhân viên với sự hỗ trợ của nhà quản lý giúp tăng sự hiểu biết và nhạy bén của nhân viên trong việc sử dụng CNTT để xử lý các thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời để đảm bảo cung cấp thông tin nhanh chóng và tốt nhất cho doanh nghiệp. Qua đó, cho thấy rằng, doanh nghiệp rất chú trong trong việc áp dụng CNTT trong hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (với kết quả định lượng từ Bảng 4, hệ số ứng dụng CNTT là 0.115 chiếm tỷ lệ 26.68% trên tổng các nhân tố độc lập, có ảnh hưởng mạnh thứ 3 đến Chất lượng HTTTKT của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh). Việc ứng dụng CNTT tác động mạnh đến việc đưa ra các quyết định liên quan đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ghi chú: Nội dung bài báo công bố dựa trên kết quả nghiên cứu thuộc đề tài “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường năm học 2021 - 2022” của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Wan Ahmad Wan Omar (2016). Accounting information system (AIS) and organizational performance: Moderating effect of organizational culture. International Accounting Information Jounral, 4 (2), 45-52.
  2. Mohamed Triki, Hazar Daoud (2013). Accounting Information Systems in an ERP Environment and Tunisian Firm Performance. International Accounting Information Jounral, 2(1), 16-22.
  3. Siyanbola, Trimisiu Tunji; Maduemem, Nkemjika Salome; Ogbebor, Peter Ifeanyi & Sanyaolu, Wasiu Abiodun (2019). Accounting information systems and small/medium scale enterprises (SMES) performance. Journal of Information Systems, 3(1), 5-12.
  4. Narasimhaiah Gorla, Toni M. Somers, Betty Wong (2010). Organizational impact of system quality, information quality, and service quality. Journal of Information Systems, 4 (3), 17-21.
  5. Adel Mohammed Qatawneh (2020). Quality of accounting information systems and their impact on improving the non-financial performance of Jordanian Isamic Banks. Accounting Journal, 1(3), 18-26.
  6. Azmi Fitriati (2019). Factors that affect accounting information system success and its implication on accounting information quality. Accounting Journal, 5(1), 45-52.
  7. Romney M. B., Steinbart P. J., Summers S. L. and Wood D. A. (2021). Accounting Information Systems, 15th edition, Global version. USA: Pearson Education Limited.
  8. Rom A. and Rohde C., (2007). Management accounting and integrated information systems: A literature review. International Journal of Accounting Information Systems, 8(10), 40-68.
  9. Vũ Thị Thanh Bình, Trần Minh Nhật, Đỗ Minh Thành, Nguyễn Thị Hồng Nga (2020). Quy mô doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh và chất lượng hệ thống thông tin kế toán: Bằng chứng từ Việt Nam. Tạp chí Tài chính, 1(3), 57-63.
  10. Nguyễn Quỳnh Trang (2020). Nghiên cứu tác động của chất lượng thông tin kế toán đến quá trình ra quyết định của doanh nghiệp Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  11. Trương Thị Cẩm Tuyết (2016). Các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống thông tin kế toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  12. Lê Thị Ni (2014). Những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả của hệ thống thông tin kế toán trong các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh.

IMPACTS OF THE ACCOUNTING INFORMATION

SYSTEM ON THE PERFORMANCE OF ENTERPRISES

IN HO CHI MINH CITY

• Ph.D VU QUOC THONG1

• HA THUY THU TRANG2

• NGUYEN THI BICH TRAM2

• NGUYEN NGOC HUYEN TRANG2

• NGUYEN PHUONG ANH2

• NGO KIEU THANH2

1Lecturer, Faculty of Accounting, Ho Chi Minh City Open University

2Student, Faculty of Accounting and Auditing, Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

In order to determine the impact of the accounting information system on the performance of enterprises in Ho Chi Minh City, this research examines theories and approaches to this topic. This research finds out that there are 26 variables which can be divided into 5 groups, namely staff training, support from manager, information technology, quality of accounting information system and business performance. This research’s results are expected to help managers recognize the importance of accounting information system to business performance. The research also proposes new research directions in the future to help identify other impacts on business performance of enterprises.

Keywords: quality of accounting information system, accounting information, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]