TÓM TẮT:

Bài báo phân tích tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu tới các khía cạnh việc làm, số giờ làm việc, và thu nhập của người lao động tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, Covid-19  đã làm giảm giờ làm việc và thu nhập chủ yếu ở các nhóm ngành nghề như nghệ thuật, giải trí; dịch vụ; ăn uống; bán buôn, bán lẻ; vận tải; giúp việc gia đình;… Lao động trong các lĩnh vực có khả năng chuyển đổi hình thức làm việc sang trực tuyến thì vẫn duy trì được mức tăng trong thu nhập. Dịch bệnh tác động tiêu cực tới nhóm lao động có trình độ thấp hơn so với trình độ cao. Lao động nữ cũng chịu sự sụt giảm về giờ làm nhiều hơn nam giới, nhưng sự chuyển đổi linh hoạt trong công việc đã khiến cho mức thu nhập của nữ giới giảm hơn so với thu nhập của nam giới.

Từ khóa: thu nhập, số giờ làm, thất nghiệp, Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Dịch bệnh Covid-19 không còn là vấn đề của riêng một quốc gia, hay châu lục nào mà hầu như đã tác động tới toàn bộ các nền kinh tế lớn nhỏ trên toàn thế giới. Ảnh hưởng của đại dịch tới các nền kinh tế khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong cấu trúc nền kinh tế cũng như mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của nền kinh tế đó. Theo báo cáo của IMF và WB (10/2020), dự báo kinh tế thế giới năm 2020 rơi vào suy thoái nghiêm trọng chưa từng thấy trong suốt những thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế giảm từ -5,2% đến -4,4%.

Khủng hoảng Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2020, kéo dài không liên tục như các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, tuy nhiên vẫn gây tác động xấu tới nội tại nền kinh tế. Theo báo cáo Tổng cục Thống kê (2020), tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 3.82% trong quý I/2020 thấp nhất 10 năm gần đây. Bước sang quý II/2020, Việt Nam đánh dấu sự suy giảm tồi tệ trong tăng trưởng với con số chỉ 0.36%. Kéo theo đó là sự giảm xuống trong lực lượng lao động và thất nghiệp tăng lên.

Những nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về ảnh hưởng của Covid-19 đều đưa đến kết luận rằng, lao động chính là đối tượng dễ tổn thương nhất khi đại dịch xảy ra. Theo Beland và các cộng sự (2020), tác động ngắn hạn của Covid-19 tới nước Mỹ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cũng như số giờ làm việc bị giảm sút nhưng lại không có tác động rõ ràng tới tiền lương của lao động. Còn theo Pouliakas và Branka (2020), nhóm lao động như: nữ giới, người di cư, người làm công việc tạm thời, công việc tự kinh doanh, lao động phổ thông, lao động làm trong các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ,… sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi Covid xảy ra. Sự sụt giảm việc làm có nguyên nhân từ giãn cách xã hội ảnh hưởng nhiều nhất tới nhóm ngành nhà hàng, khách sạn; nghệ thuật, giải trí; nông nghiệp; dịch vụ; kinh doanh thực phẩm; bán sỉ-lẻ; và xây dựng. Nhóm hoạt động kinh tế ít ảnh hưởng nhất là nhóm thông tin, truyền thông; dịch vụ máy tính; tư vấn, nghiên cứu,… (Barrot và cộng sự, 2020).

Thực tế cho thấy, sự xuất hiện Covid-19 làm gián đoạn mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất và nghiêm trọng nhất chính là lao động. Do đó, bài báo sẽ tập trung xem xét tác động của Covid-19 tới việc làm, số giờ làm việc, và thu nhập của người lao động; từ đó đưa ra một số kiến nghị hướng tới làm giảm tác động tiêu cực của đại dịch này tới cuộc sống lao động Việt Nam.

Bài báo sử dụng phương pháp thống kê mô tả để thực hiện so sánh, phân tích sự thay đổi về thu nhập, việc làm, số giờ làm việc của lao động trong thời gian từ 2018-2020. Dữ liệu được sử dụng trong bài được thu thập từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

2. Ảnh hưởng của Covid-19 tới thu nhập, việc làm của lao động

2.1. Đối với việc làm

Đại dịch Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng lớn trên thị trường lao động. Theo báo cáo của ILO, trong năm 2020, trên toàn cầu đã mất đi khoảng 114 triệu việc làm so với năm 2019. Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê năm 2020 có khoảng 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch với nhiều người trong số đó bị mất việc làm, giãn việc/nghỉ luân phiên. Tỉ lệ lao động có việc làm tại Việt Nam ở quý I/2020 bắt đầu sụt giảm 1.5%, quý II/2020 ghi nhận giảm sâu kỉ lục ở mức 3.9% so với cùng kì 2019. Đến quý III và quý IV/2020 có sự phục hồi đáng kể về chỉ số việc làm tuy vẫn thấp hơn tỉ lệ của cùng kì năm trước.

Tác động của Covid-19 không những khiến cho việc làm giảm sút, mà còn kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là 2.4%, tăng 0.4 điểm phần trăm so với năm 2019, trong đó khu vực nông thôn là 1.8% và thành thị là 3.5%. Cụ thể trong quý I/2020, vào giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, tỉ lệ thất nghiệp vẫn đạt mức gần tương đương với cùng kì năm 2019 là 2.1%. Tuy nhiên, sang quý II/2020, vào giai đoạn bùng phát của đại dịch, việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg khiến cho tỉ lệ thất nghiệp tăng lên đến 2.6%, trong đó khu vực thành thị bị ảnh hưởng nặng nề hơn do đặc thù là nơi tập trung nhiều công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp,… với tỉ lệ thất nghiệp tăng 1.4% so với cùng kì năm trước. Quý III/2020, Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực của đợt bùng phát dịch Covid lần thứ 2 nên tỉ lệ thất nghiệp trong cả nước đã giảm 0.1% so với quý II và tiếp tục giảm 0.1% trong quý IV. Đáng chú ý là tỉ lệ này giảm đáng kể ở khu vực thành thị, lần lượt còn 3.7% và 3.4% trong quý III và quý IV/2020.

Tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam là hơn 70%, chiếm gần một nửa lực lượng lao động. Năm 2020, tỉ lệ thất nghiệp đối với lao động nữ tăng đáng kể so với năm 2019 trong khi tỉ lệ này giảm đối với lao động nam.

Ngoài lao động nữ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 thì lao động trẻ cũng là đối tượng cần quan tâm. Tỉ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ tuổi (15 đến 24 tuổi) năm 2020 là 7.6%, tăng 0.7 điểm phần trăm; trong khi đó tỉ lệ này đối với lao động tuổi trưởng thành (25 tuổi trở lên) là 1.8%, tăng 0.2 điểm phần trăm so với năm 2019. Nguyên nhân một phần do lao động trẻ tuổi đa số làm việc trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch như dịch vụ lưu trú và ăn uống, kinh doanh, thương mại bán buôn bán lẻ và sản xuất,…

2.2. Đối với số giờ làm việc

Theo tính toán ILO, năm 2020, trong khu vực Đông Nam Á lao động của quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch này là Phillipine với số giờ làm việc giảm 13.6%, Myanmar với 13.4%, Malaysia với 11.1%,... so với quý IV/2019. Số giờ làm của Việt Nam cũng bị sụt giảm 5.2% so với quý IV/2019.

Biểu đồ 1: Số giờ làm của lao động giai đoạn 2018-2020

Đơn vị: Nghìn giờ

Số giờ làm của lao động giai đoạn 2018-2020

Nguồn: Số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế

Biểu đồ 1 cho thấy tổng số giờ làm việc của lao động trong 1 tuần năm 2020 giảm so với năm 2019 (113.170 nghìn giờ/tuần) và 2018 (121.873 nghìn giờ/tuần). Theo khảo sát của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2020), chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2020 số doanh nghiệp phải giải thể tăng 16.5% so với cùng kỳ năm trước, đến tháng 2/2020 thì 10% doanh nghiệp phải cắt giảm qui mô sản xuất, sang tháng 3/2020 con số này là 15% doanh nghiệp.

Năm 2020 lao động nữ giảm 2% giờ làm so với 2019, trong khi nam giới chỉ giảm 1% giờ làm. Tính chung năm 2020, cứ 1 tuần làm việc 6 ngày thì lao động phải nghỉ 1 ngày. Các nhóm ngành công nghiệp nặng phù hợp với nam giới như khai khoáng, chế tạo, sản xuất điện khí đốt, điều hòa,… thì sự giảm đi về số giờ làm việc ít hơn so với các nhóm ngành khác. Thành thị - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, và cùng với sự phát triển mạnh của các hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng ghi nhận chịu ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng dịch bệnh hơn so với khu vực nông thôn. So sánh năm 2020 với năm 2019 ở thành thị giảm 3% số giờ làm việc, trong khi nông thôn chỉ ghi nhận sụt giảm 1%.

2.3. Đối với thu nhập

Nhìn chung, tổng thu nhập bình quân theo tháng của lao động Việt Nam có xu hướng tăng từ giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng có sự chênh lệch đáng kể trong giai đoạn này. Từ 2018-2019, thu nhập bình quân tháng của lao động tăng 15%, bước sang năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam thì chỉ tăng 3% so với năm 2019. Quý 2 năm 2020 được ghi nhận là chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh Covid-19 khi thu nhập của lao động sụt giảm đáng kể so với quý I cùng năm: giảm 13% so với quý I, tương đương với 988.084 đồng/người/tháng.

Một điểm nổi bật đáng lưu ý khi đánh giá về biến động thu nhập bình quân tháng của lao động đó là: Mặc dù, thu nhập của lao động quý II năm 2020 được ghi nhận chịu ảnh hưởng nhiều nhất với dịch bệnh Covid so với các quý còn lại của năm. Nhưng khi thực hiện so sánh đối chiếu với cùng kỳ năm 2019 thì mức sụt giảm này là không đáng kể chỉ 0.2% tương đương 13.803 đồng/người/tháng, tăng so với cùng kỳ 2018 là 14.4% (Biểu đồ 2). Đánh giá chung về tác động của khủng hoảng dịch bệnh làm giảm tốc độ tăng thu nhập lao động trong nước, có thể hiểu đơn giản là sự trì hoãn/kéo dài thời gian nâng cao đời sống của người lao động.

Biểu đồ 2: Thu nhập lao động trong quý 2 năm 2018, 2019, 2020

Đơn vị: VNĐ/tháng

Thu nhập lao động trong quý 2 năm 2018, 2019, 2020

Nguồn: Số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế

Ở góc nhìn tổng thể thì tác động Covid tới thu nhập của người lao động là không rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng tới những đối tượng lao động khác nhau ở các nhóm ngành nghề là khác nhau. Tính riêng quý II/2020, hầu hết thu nhập của lao động ở các nhóm ngành kinh tế đều sụt giảm. Đáng kể nhất là thu nhập của lao động ở nhóm hoạt động nghệ thuật, giải trí giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là nhóm lao động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 11% so với quý II/2019. Ngoài ra các hoạt động vận tải, kho bãi giảm 5%, giúp việc nhà giảm 4%, bán buôn bán lẻ, sửa chữa giảm 3%,… Bên cạnh đó, những nhóm ngành vẫn duy trì được tốc độ tăng về thu nhập lao động dương như y tế (tăng 8%), giáo dục (tăng 7%), thông tin truyền thông (tăng 5%), khai khoáng (tăng 9%)... so với cùng kỳ năm trước. Đa số những ngành kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trong thu nhập là do có thể chuyển đổi hình thức làm việc sang trực tuyến khi xảy ra dịch bệnh. Việc chuyển đổi phương thức làm việc này cho phép người lao động duy trì được hoạt động nghề nghiệp và đảm bảo thu nhập ngay cả khi những biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt nhất được đưa ra. Tuy nhiên, không phải tất cả lao động đều được hưởng lợi từ hình thức làm việc này.

Bảng 1. Thu nhập lao động theo trình độ học vấn

Đơn vị: Nghìn đồng

Thu nhập lao động theo trình độ học vấn

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xem xét ảnh hưởng của Covid-19 tới thu nhập lao động ở các nhóm trình độ lao động khác nhau kết quả ở Bảng 1 cho thấy từ quý III/2019 đến quý I/2020 thu nhập bình quân tháng của lao động đều có xu hướng tăng lên ở tất cả trình độ. Tuy nhiên, bước sang quý II/2020, khi đại dịch Covid-19 đã tác động tới hầu hết hoạt động kinh tế của đất nước thì sự giảm xuống trong thu nhập của lao động là không thể tránh khỏi. Nhóm lao động có trình độ đào tạo nghề từ 3 tháng được ghi nhận bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ quý I/2020 sang quý II/2020, thu nhập của nhóm lao động này giảm 1.410.000 đồng/người/tháng, tiếp theo là nhóm lao động có trình độ trung cấp (giảm 1.032.000 đồng/người/tháng) và trình độ cao đẳng (giảm 1.064.000 đồng/người/tháng). Nhóm lao động có trình độ cao thì chỉ giảm 632.000 đồng/người/tháng.

Bảng 2. Thu nhập lao động theo giới tính

Đơn vị: Nghìn đồng

 Thu nhập lao động theo giới tính

Nguồn: Số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế

Sự chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ luôn tồn tại, mặc dù ngày nay đã có sự thu hẹp về trình độ giữa 2 đối tượng này. Bảng 2 cho thấy, thu nhập bình quân tháng của nam giới cao hơn so với nữ giới suốt 4 quý của năm 2019 và 2020. Xu thế này tồn tại trong nhiều năm bởi sự phân công không đồng đều trong việc chăm sóc gia đình giữa nam và nữ. Với áp lực về trách nhiệm chăm lo gia đình, lao động nữ dễ dàng chấp nhận làm các công việc khác nhau để duy trì thu nhập. Ngoài ra, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của phụ nữ là linh hoạt hơn so với giới tính còn lại. Điều này lý giải vì sao khi Covid -19 xảy ra mức lương bình quân tháng của nam giới ở quý II/2020 và quý I/2020 sụt giảm khoảng 1 triệu đồng/người/tháng, trong khi nữ giới giảm 970.593 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, khoảng cách sự chênh lệch trong sụt giảm thu nhập ở hai giới tính là khá ít. Kết quả có được tương tự khi so sánh cùng kỳ giữa 2 năm.

3. Kết luận và kiến nghị

3.1. Kết luận

Đại dịch Covid-19 là cú sốc cầu đồng thời cũng là cú sốc cung bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu tới đến hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp, từ đó làm tác động tiêu cực đến cầu và cung lao động. Cuộc khủng hoảng đã làm ảnh hưởng đến người lao động trên 3 khía cạnh chính: (i) Thất nghiệp và thiếu việc làm); (ii) Thu nhập; (iii) Số giờ làm việc. Bằng việc so sánh, đối chiếu từ nguồn số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bài báo đã chỉ ra một số tác động tiêu cực của Covid-19 tới lao động ở Việt Nam như sau.

Thứ nhất, tác động của dịch bệnh tới các ngành nghề kinh tế là có sự khác biệt lớn. Các ngành nghề chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh như du lịch, dịch vụ; khách sạn, nhà hàng; hoạt động vận tải; công việc dịch vụ tại nhà,… kéo theo sự sụt giảm trong thu nhập và việc làm của người lao động so với các ngành nghề khác. Những ngành nghề có khả năng chuyển đổi hình thức làm việc sang trực tuyến ít chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng này.

Thứ hai, lao động có trình độ thấp, lao động trẻ tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương hơn khi dịch bệnh xảy ra.

Thứ ba, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới tăng cao, và sự sụt giảm đáng kể trong số giờ làm việc so với nam giới. Nhưng xu hướng lựa chọn công việc có tính ổn định cũng như khả năng chuyển đổi công việc dễ dàng, linh hoạt, khiến cho mức thu nhập của nữ giới giảm ít hơn so với nam giới. Tuy nhiên, mức chênh lệch về giảm trong thu nhập của 2 đối tượng này là không nhiều.

Thứ tư, khi so sánh sự chênh lệch trong sụt giảm giờ làm cũng như tỷ lệ thất nghiệp ở 2 khu vực thì thành thị là nơi gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 nhiều hơn so với nông thôn.

Thứ năm, kết quả nghiên cứu chỉ ra tác động của Covid-19 là không rõ ràng tới tổng thu nhập của người lao động trên thị trường nhưng lại có sự phân hóa đáng kể giữa các nhóm lao động khác nhau. Kết quả này tương tự như các nghiên cứu trước đó ở thị trường lao động các nước như Mỹ, châu Âu.

3.2. Một số kiến nghị

- Do tác động Covid tới những lao động ở những ngành nghề là khác nhau, do đó cần có những chính sách hỗ trợ khác nhau với lao động ở các ngành nghề khác nhau.

- Cần tập trung ưu tiên hỗ trợ vào nhóm lao động có trình độ thấp, lao động nữ. Việc hỗ trợ không chỉ nên dừng lại ở tài chính, mà nên hỗ trợ lao động chuyển đổi công việc phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh để giúp lao động có thể tự ổn định cuộc sống nếu dịch bệnh kéo dài.

- Lao động mất việc kéo theo số lao động nộp đơn xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp gia tăng. Cần hỗ trợ về thủ tục giải quyết nhanh kịp thời cho lao động thì có thể kéo dài thời gian hưởng chế độ bảo hiểm này. Ngoài ra, cần nới lỏng, linh hoạt qui định hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho các đối tượng chưa đủ 12 tháng đóng theo qui định của pháp luật.

- Cần đặc biệt quan tâm đến nhóm lao động làm việc ở khu vực phi chính thức bị nằm ngoài vùng phủ của bảo hiểm thất nghiệp.

- Đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin việc làm, hỗ trợ lao động tìm việc khi lao động khó khăn trong việc bắt nhịp lại với thị trường lao động sau dịch bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Barrot, J.-N., Basile, G., & Sauvagnat, J. (2020). Sectoral efects of social distancing. Covid Economics, Centre for Economic Policy Research, 3, 85-102.
  2. Béland, L.-P., Brodeur, A., & Wright, T. (2020). The short-term economic consequences of COVID-19: exposure to disease, remote work and government response. IZA Discussion Paper Series (13159).
  3. Pouliakas, K., & Branka, J. (2020). EU jobs at highest risk of COVID-19 social distancing: is the pandemic exacerbating the labour market divide? Cedefop- Working Paper Series.
  4. Các website: https://ilostat.ilo.org/, https://www.gso.gov.vn/en/homepage/

THE IMPACTS OF COVID-19 PANDEMIC ON THE INCOME

AND WORKING HOURS OF LABOURS IN VIETNAM

• Ph.D DANG THI TO NHU

• Master. DANG THI HONG DAN

Faculty of Economics, University of Economics, Da Nang University

ABSTRACT:

The paper analyzes the Covid-19 pandemic’s impacts on different aspects of employement in Vietnam including the number of working hours and the income. The paper finds out that the number of working hours and the income of labours working for fields of arts, entertainment, recreation, catering service, accommodation, wholesale and retail trade, transportation, housekeeping service, etc. have significantly being lowered. Meanwhile, employees working in fields in which they can shift from tradditional working methods to online working methods still maintain their number of working hours and experience an increase in their income. The Covid-19 pandemic has caused more adverse impacts on the income of low-skilled workers than that of high-skilled workers. The paper also finds out that the number of working numbers of female workers is lower than that of male workers during the Covid-19 pandemic. However, the flexible shift in works has lowered the pandemic’s consequences on the income of female workers.

Keywords: income, working hours, unempoyment, Covid-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2021]