Tác động của đại dịch Covid - 19 đến thị trường tài chính Việt Nam và một số giải pháp cần thực hiện

ThS. NGUYỄN NGỌC TÚ VÂN (Khoa Tài chính ngân hàng - Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Hiện nay, đại dịch Covid - 19 đã và đang gây ra một cuộc suy thoái lan rộng và kéo dài trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, đại dịch này đã gây xáo trộn lớn trong đời sống kinh - xã hội, tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường tài chính (TTTC). Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở tổng quan bức tranh kinh tế và TTTC Việt Nam trong quý I/2020, đánh giá những tác động tiêu cực từ dịch Covid - 19, tác giả đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm ổn định TTTC Việt Nam trong bối cảnh dịch bênh còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Từ khóa: Covid - 19, thị trường tài chính, tác động, kinh tế, giải pháp.

1. Bức tranh kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam quý I năm 2020

Tăng trưởng GDP quý I/2020 của Việt Nam ước đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất từ năm 2011 đến nay, nhưng so ở tầm khu vực và với nhiều nền kinh tế khác, kết quả này đạt mức khá. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% [4].

Trên thị trường tài chính, tính đến thời điểm ngày 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% (cùng kỳ năm 2019 tăng 2,54%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%). Tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,9%). Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh [4].

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 đạt mức tăng cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8% [4]. Nguyên nhân do các công ty bảo hiểm nhân thọ đã cung cấp nhiều gói sản phẩm linh hoạt mang tính thời điểm, tăng các gói hỗ trợ nhằm thu thút khách hàng sở hữu các hợp đồng bảo hiểm phù hợp.

Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán trong quý I/2020 chỉ đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 23/3/2020, chỉ số VNIndex đạt 657,43 điểm, giảm 25,5% so với cuối tháng trước và giảm 31,6% so với cuối năm 2019. Mức vốn hóa thị trường đạt 3.302 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cuối năm 2019; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 4.676 tỷ đồng/phiên, tăng 0,04% so với bình quân năm 2019. Trên thị trường trái phiếu, hiện có 483 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.163 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cuối năm 2019. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính chung quý I/2020, khối lượng giao dịch bình quân đạt 122.436 hợp đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm trước [4].

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31% GDP. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước [4].

Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2020 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới, do các nhà đầu tư trong nước có xu hướng nắm giữ vàng trong thời điểm thị trường chứng khoán, bất động sản không ổn định. Chỉ số giá vàng tháng 3/2020 tăng 3,87% so với tháng trước; tăng 11,37% so với tháng 12/2019 và tăng 25,31% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2020 tăng 0,17% so với tháng trước; tăng 0,51% so với tháng 12/2019 và tăng 0,17% so với cùng kỳ năm 2019 [4].

Những số liệu trên phần nào đã phản ánh bức tranh của nền kinh tế nói chung, của TTTC Việt Nam trong quý I năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid - 19 đã và đang tác động tiêu cực đến các khu vực nông nghiệp, công nghiệp lắp ráp, hàng không, du lịch và một số ngành dịch vụ.

2. Tác động tiêu cực của dịch Covid - 19 đến thị trường tài chính Việt Nam

Dịch Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra đã và đang trở thành mối nguy hiểm hàng đầu của toàn nhân loại. Kể từ khi được phát hiện lần đầu vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay, Covid-19 đã nhanh chóng lây lan ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với tốc độ kinh khủng, nhiều nơi không thể kiểm soát [6]. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Những con số được cập nhật liên tục, hàng ngày về số người bị nhiễm, bị chết vì dịch bệnh đã dấy lên sự lo lắng, tâm trạng bất an đối với toàn nhân loại. Covid-19 không chỉ còn là mối quan tâm của mỗi một cá nhân, tổ chức, hay một cộng đồng, quốc gia, mà đã trở thành mối quan tâm chung của toàn thế giới. Với TTTC Việt Nam, đại dịch covid - 19 đã tác động tiêu cực, gây nên nhiều nguy cơ bất ổn.

Thứ nhất, với sự bùng phát của dịch bệnh làm cho thị trường hàng hóa, tiêu thụ thu hẹp, do sản xuất của doanh nghiệp, thu nhập người dân giảm mạnh. Đây là tác động rõ nét và cơ bản nhất đối với kinh tế đất nước. Hoạt động sản xuất - kinh doanh xuất khẩu chịu tác động lớn nhất. Khó khăn này càng gia tăng, khi tổng giá trị xuất khẩu của nước ta chiếm thường xuyên tới 60% - 70% GDP. Những diễn biến này đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng, đặc biệt là trong hoạt động tín dụng ngân hàng. Tín dụng tăng trưởng chậm, một mặt do các ngân hàng thương mại thận trọng trong cho vay vì thị trường biến động mạnh. Mặt khác, chính các doanh nghiệp đã và đang hạn chế mở rộng sản xuất - kinh doanh do khó khăn về thị trường, tiêu thụ và ký kết hợp đồng. Chất lượng tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi quá trình luân chuyển vốn chậm của nền kinh tế, của doanh nghiệp (do sản xuất kinh doanh tăng trưởng chậm, hàng hóa khó tiêu thụ...), dẫn đến khả năng thanh toán bị hạn chế. Nhiều doanh nghiệp bị ứ đọng hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản tín dụng có liên quan. Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản luân chuyển chậm, đặc biệt là các khoản nợ cho vay kinh doanh bất động sản.

Thứ hai, dịch Covid - 19 bùng phát trên toàn cầu tác động gián tiếp đến TTTC và hoạt động ngân hàng, trên các phương diện sau:

Dòng vốn đầu tư gián tiếp biến động mạnh. Thời gian qua, thị trường chứng khoán trong nước phải liên tục điều chỉnh, giảm điểm do việc bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Các tổ chức tài chính - chi nhánh hoặc công ty con đang hoạt động ở Việt Nam rút vốn về nước nhằm cứu nguy hoặc đảm bảo an toàn cho các công ty mẹ. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tạo tâm lý bảo toàn vốn, tâm lý nắm giữ tiền mặt hơn là cổ phiếu của các nhà đầu tư. Những hoạt động này tạo hiệu ứng tâm lý tiêu cực khiến cho thị trường chứng khoán trong nước gặp nhiều khó khăn.

Các hoạt động đầu tư, liên kết góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược vào hệ thống ngân hàng trong nước giảm và hạn chế hơn. Tác động mang tính gián tiếp này chủ yếu ảnh hưởng đến chiến lược tăng trưởng vốn điều lệ của một số ngân hàng thương mại cổ phần. Các ngân hàng này khó đạt được theo kế hoạch kỳ vọng. Qua đó ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chiến lược đổi mới công nghệ; phát triển dịch vụ cũng như tiếp cận và học tập kinh nghiệm quản trị, quản lý ngân hàng hiện đại của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tác động này mang tính tạm thời, ngắn hạn.

Những biến động của lãi suất, của giá vàng, của đồng dolla Mỹ... trên các thị trường tiền tệ thế giới trong điều kiện khủng hoảng do dịch bệnh thường biến động nhanh, liên tục và khó dự báo. Điều này tạo môi trường cho các hoạt động đầu cơ, gây tác động tiêu cực nhất định đến thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối...

3. Một số giải pháp cấp bách để ổn định thị trường tài chính Việt Nam hiện nay

Một là, Ngân hàng Nhà nước Trung ương thường xuyên nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế; bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để cập nhật, điều chỉnh các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, khối lượng, lãi suất hợp lý và chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Hai là, các tổ chức tín dụng phải chủ động cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Căn cứ vào tình hình thực tiễn kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).

Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; xem xét thời điểm đóng kinh phí công đoàn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bốn là, trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cơ quan chức năng phải tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán, củng cố niềm tin cho các bên tham gia thị trường. Theo đó, cần có những hướng dẫn, quy định để cụ thể hoá gói hỗ trợ kép của Chính phủ bao gồm cả tài khóa và tín dụng trị giá 280 nghìn tỷ đồng, theo cơ chế tác động san sẻ rủi ro giữa các thành phần kinh tế, không bơm thêm tiền. Ðiều đó sẽ tạo cơ sở cho các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ cũng như sức bền của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm là, tích cực, chủ động tháo gỡ các rào cản, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đại dịch, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn, khi 2 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện giảm 5% (đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020); vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận khía cạnh tích cực từ bối cảnh hiện tại, khi Việt Nam vẫn đang được coi là đất nước an toàn. Một số nhà đầu tư đã và có ý định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, điển hình như mới đây, Samsung quyết định chuyển dây chuyền sản xuất “một số smartphone cao cấp” tới Việt Nam. Do vậy, cần coi đây là một cơ hội trong hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2020), Thông báo số 172-TB/TW, ngày 21/3/2020 về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Hà Nội.
  2. Nguyễn Đại Lai (2020), “Thị trường tài chính Việt Nam đầu năm 2020 và những giải pháp đề xuất”, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, số tháng 02/2020.
  3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), Chỉ thị số 02/CT-NHNN, ngày 31/3/2020, Về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Hà Nội.
  4. Tổng cục Thống kê (2020), Thông cáo báo chí và Infographics về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020, https://www.gso.gov.vn.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020, Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Hà Nội.
  6. Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương (2020),“Covid-19: Những tác động, hệ lụy và giải pháp ứng phó”, Tài liệu tuyên truyền tháng 2/2020.
  7. ISS Research anh Advisory Center (2020), Vietnam financial & monetary market moniror, 10 March 2020.

 

IMPACTS OF THE COVID-19 PANDEMIC ON VIETNAM’S FINANCIAL MARKET AND SOLUTIONS

Master. NGUYEN NGOC TU VAN

Faculty of Finance and Banking, Van Lang University 

ABSTRACT:

The Covid-19 pandemic has triggered a widespread and prolonged recession worldwide. In Vietnam, this pandemic has caused a great disturbance in the socio-economic life, negatively impacting the development of the country’s financial market. By generally analyzing Vietnam’s econmy and financial market in the first quarter of 2020 and assessing the impacts of the Covid-19 pandemic, this article proposes some urgent solutions to stabilize Vietnam’s financial markets amid the ongoing Covid-19 spread.

Keywords: Covid - 19, financial market, impact, economy, solution.