Tác động của hội nhập kinh tế đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tỉnh Khánh Hòa

TS. NGUYỄN THỊ TRÂM ANH - ThS. MAI THI LINH (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm phân tích các tác động khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản (DN XKTS) tỉnh Khánh Hòa. Tác giả bài viết đã khảo sát 25 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để tìm ra các tác động tích cực, tiêu cực và mức độ ảnh hưởng của các tác động, động thái của doanh nghiệp và những hỗ trợ từ phía chính phủ trước các tác động đó. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất khuyến nghị cho các DN XKTS Khánh Hòa một số giải pháp điều chỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Từ khóa: Hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu thủy sản, doanh nghiệp, tỉnh Khánh Hòa.

1. Đặt vấn đề

Hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của thế giới hiện nay. Để xác định được những cách thức ứng xử phù hợp trong môi trường kinh doanh mới, các doanh nghiệp cần phải hiểu biết rõ ràng về những tác động sẽ xảy ra khi Việt Nam đã gia nhập WTO, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Khánh Hòa là một tỉnh có lợi thế và tiềm năng để phát triển thủy sản, trọng tâm là công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Kim ngạch XKTS tỉnh Khánh Hòa chiếm tỷ trọng khoảng gần 6% so với tổng kim ngạch XKTS của cả nước, đóng góp một phần đáng kể trong tổng kim ngạch XKTS của cả nước kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Cụ thể, kim ngạch XKTS tỉnh Khánh Hòa liên tục tăng kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO: từ 230 triệu USD năm 2007 đến 466 triệu USD năm 2015. Do đó, việc nghiên cứu các tác động của hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO đến các doanh nghiệp XKTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thật sự cần thiết. Việc phân tích, đánh giá các tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO đến các DN XKTS tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu phản ứng của các doanh nghiệp trước các tác động, từ đó đưa ra một số giải pháp phù hợp cho các doanh nghiệp này trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu này nhằm phân tích các tác động khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO đến các DN XKTS tỉnh Khánh Hòa. Đối tượng nghiên cứu, khảo sát là các doanh nghiệp XKTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn từ 2008 - 2015.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu: Tác giả sử dụng cách tiếp cận dựa trên khảo sát trực tiếp các DN XKTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Sử dụng phương pháp thuận tiện, phát ra 25 và thu về 25 mẫu với 25 DN mang tính đại diện trong tổng thể 40 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Số liệu thứ cấp, sử dụng số liệu thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước như: Cục Thống kê Khánh Hòa, Sở Công Thương Khánh Hòa; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VASEP.

3.1. Khung lý thuyết nghiên cứu

Mô hình các tác động được nghiên cứu bài bản thuộc dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên giai đoạn II (MUTRAP II) giữa Bộ Công Thương phối hợp với Ủy Ban châu Âu (ASIE/2003/005711), hoạt động HOR - 9, khi “Đánh giá tác động tổng thể khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO đến thay đổi xuất nhập khẩu và thể chế” đã chỉ ra rằng: (1) Môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện; (2) Cơ hội xuất khẩu mới; (3) Tiếp cận các yếu tố đầu vào và chi phí thấp và công nghệ từ nước ngoài; (4) Đe dọa từ cạnh tranh nước ngoài; (5) Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Mục đích của nghiên cứu là tìm hiểu những tác động nào có lợi và bất lợi cho hoạt động kinh doanh của các DN sau khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Chính vì vậy, tác giả chọn mô hình nghiên cứu các tác động của việc gia nhập WTO đối với các DN XKTS của tỉnh Khánh Hòa theo 12 chỉ tiêu cơ bản (Lê Ngọc Thắng, 2007) là các tác động tích cực và tác động tiêu cực để tìm hiểu nhận định và phản ứng của các doanh nghiệp trước các tác động này (Hình 3.1).

                                                     Hình 3.1: Mô hình nghiên cứu các tác động

3.2. Phân tích các tác động của việc gia nhập WTO đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tỉnh Khánh Hòa

* Đánh giá về tác động của gia nhập WTO đến các doanh nghiệp khảo sát

Kết quả khảo sát cho thấy, nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc Việt Nam gia nhập WTO như sau: mức quan trọng bình thường có 4 DN lựa chọn, chiếm 16%; rất quan trọng có 13 DN lựa chọn, chiếm 52%; cực kỳ quan trọng có 7 DN lựa chọn, chiếm 28% tổng số DN được phỏng vấn. Như vậy, phần lớn các DN XKTS Khánh Hòa cho rằng, việc gia nhập WTO đối với Việt Nam có mức độ ảnh hưởng rất quan trọng.

Về thuận lợi và khó khăn trong kinh doanh của doanh nghiệp XKTS Khánh Hòa khi Việt Nam gia nhập WTO, có 1 DN lựa chọn rất khó khăn, chiếm 4%; có 5 DN lựa chọn khó khăn, chiếm 20%; có 11 DN lựa chọn thuận lợi và khó khăn ngang nhau, chiếm 44%; có 7 DN lựa chọn thuận lợi, chiếm 28% và có 1 DN lựa chọn thuận lợi rất nhiều, chiếm 4% tổng số DN được phỏng vấn. Kết quả này cho thấy, việc Việt Nam gia nhập WTO đã tạo ra nhiều thuận lợi và cũng nhiều khó khăn cho DN xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa.

Để có cơ sở phân tích sâu hơn mức độ ảnh hưởng khi Việt Nam gia nhập WTO đối với các DN XKTS Khánh Hòa cho từng vấn đề cụ thể, tác giả đã khảo sát và phân loại các tác động này và thu được kết quả như sau:

- Kết quả khảo sát đánh giá các tác động tích cực:

Qua khảo sát 25 DN XKTS Khánh Hòa cho thấy, có 6 tiêu chí đánh giá được các DN cho là có tác động tích cực và 6 tiêu chí tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh khi Việt Nam gia nhập WTO. Cụ thể:

Cơ hội xâm nhập thị trường nước ngoài, có 24 DN (chiếm 96%) cho rằng, việc gia nhập WTO có tác động tích cực từ mức trung bình trở lên.

Sự minh bạch về luật pháp trong kinh doanh, có 21 doanh nghiệp (chiếm 84% doanh nghiệp được khảo sát) cho rằng sự minh bạch về luật pháp trong kinh doanh có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

Cơ hội tiếp cận công nghệ mới, trình độ quản lý tiên tiến, có 25 DN (chiếm 100%) cho rằng việc gia nhập WTO có tác động tích cực đến cơ hội tiếp cận công nghệ mới, trình độ quản lý tiên tiến. Trong đó có19 DN (chiếm 76%) cho rằng mức ảnh hưởng từ trung bình trở lên.

Sự đối xử công bằng trong thương mại quốc tế, có 23 DN (chiếm 92%) cho rằng việc gia nhập WTO có tác động tích cực đến sự đối xử công bằng trong thương mại quốc tế. Có 22 DN (chiếm 76%) cho rằng mức ảnh hưởng từ trung bình trở lên.

Cơ hội tiếp cận với nguồn vốn nước ngoài, có 23 DN (chiếm 92%) cho rằng việc gia nhập WTO có tác động tích cực ở mức từ trung bình trở lên

Sự gắn kết thị trường trong nước với thị trường quốc tế, có 18 DN (chiếm 72%) cho rằng việc gia nhập WTO có tác động tích cực ở mức trung bình trở lên.

- Kết quả khảo sát các tác động tiêu cực:

Cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa, có 22 DN (chiếm 88%) cho rằng việc gia nhập WTO có tác động tiêu cực và 24 DN (chiếm 96%) cho rằng mức ảnh hưởng từ trung bình trở lên.

Tác động của việc cắt giảm sự hỗ trợ, bảo hộ của Nhà nước, có 20 DN (chiếm 80%) cho rằng khi gia nhập WTO các DN bị ảnh hưởng tiêu cực do việc cắt giảm sự hỗ trợ, bảo hộ của Nhà nước. Và có 16 DN (chiếm 64%) cho rằng mức ảnh hưởng từ trung bình trở lên.

Các doanh nghiệp nước ngoài lũng đoạn thị trường nội địa, có 22 DN (chiếm 88%) cho rằng việc gia nhập WTO làm cho các DN nước ngoài lũng đoạn thị trường nội địa và tác động tiêu cực đến các DN XKTS Khánh Hòa. Có 15 DN (chiếm 60%) cho rằng mức ảnh hưởng từ trung bình trở lên.

Sự phá sản hàng loạt, cả 25 DN (chiếm 100%) cho rằng việc gia nhập WTO có tác động tiêu cực đến sự phá sản hàng loạt của các DN Việt Nam. Trong đó 22 DN (chiếm 88%) cho rằng mức ảnh hưởng từ trung bình trở lên.

Các vụ kiện tụng, tranh chấp trong thương mại, có 20 DN (chiếm 80%) cho rằng các vụ kiện tụng, tranh chấp trong thương mại có tác động tiêu cực đến DN khi Việt Nam gia nhập WTO. Có 23 DN (chiếm 92%) cho rằng mức ảnh hưởng từ trung bình trở lên.

Sự di chuyển nhân lực đến các doanh nghiệp nước ngoài, có 21 DN được khảo sát (chiếm 84%) cho rằng việc gia nhập WTO dẫn đến sự di chuyển nhân lực đến các doanh nghiệp nước ngoài và tác động tiêu cực đến các DN XKTS Khánh Hòa. Có 23 DN (chiếm 92%) cho rằng mức ảnh hưởng từ trung bình trở lên.

* Động thái của doanh nghiệp trước các tác động của việc gia nhập WTO

Qua khảo sát 25 DN XKTS Khánh Hòa, có 20 DN (chiếm 80%) đưa ra đối sách dự kiến đối với những tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình khi Việt Nam đã gia nhập WTO, cụ thể như sau:

Một là, nâng cao kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, tất cả các DN đều cho rằng động thái này là rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng đối với các DN xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa.

Hai là, về đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hệ thống máy móc, trang thiết bị, và xây dựng thương hiệu, tất cả các DN cũng đều cho rằng động thái này là rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng đối với các DN.

Ba là, tìm kiếm các đối tác chiến lược để nâng cao năng lực kinh doanh, có 14 DN (chiếm 56%) cho rằng động thái này quan trọng ở mức bình thường đối với các DN xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa; còn lại 11 DN cho rằng động thái này là rất quan trọng.

* Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ gì trước các tác động

Trước các tác động khi Việt Nam gia nhập WTO, sự hỗ trợ từ Nhà nước là rất quan trọng đối với các DN trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Qua khảo sát, các DN XKTS Khánh Hòa cần một số hỗ trợ sau từ Chính phủ nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với những quy định của WTO: (1) sự hỗ trợ về vốn; (2) sự hỗ trợ về tiếp cận thị trường; (3) sự hỗ trợ về xúc tiến thương mại; (4) và sự hỗ trợ về các chính sách của Nhà nước.

4. Một số giải pháp phát triển cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tỉnh Khánh Hòa

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đã xác định được các tác động tích cực và tiêu cực của WTO đến các DNXKTS Khánh Hòa, động thái của DN trước các tác động và những hỗ trợ cần thiết cho DN. Tác giả khuyến nghị các DN XKTS Khánh Hòa một số giải pháp điều chỉnh như sau:

4.1. Nâng cao năng lực cạnh tranh

- Thứ nhất, nâng cao năng suất lao động: Thông qua đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật; nâng cao tay nghề cho công nhân; tổ chức lại dây chuyền công nghệ; thực hiện tác phong lao động công nghiệp, chuyên nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

- Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp: Để tối đa hóa hiệu quả hoạt động và giá trị của DN, các nhà lãnh đạo DN cần tập trung nâng cao năng lực quản trị theo thông lệ quốc tế để đảm bảo khai thác các nguồn lực hiệu quả, tạo ra giá trị bền vững trong dài hạn, cụ thể: (1) Nâng cao nhận thức về vai trò của quản trị DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; (2) Áp dụng các công cụ quản lý để nâng cao chuẩn mực quản trị DN; (3) Quản trị DN phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; (4) Xây dựng và hoàn thiện quy chế nội bộ tạo động lực cho người lao động và người tài.

- Thứ ba, nâng cao khả năng hiểu biết luật pháp quốc tế: Để hạn chế các vụ kiện tụng, tranh chấp trong thương mại cho các DN XKTS Khánh Hòa, giảm các tác động tiêu cực, nâng cao khả năng hiểu biết luật pháp quốc tế thông qua các quy định và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ các lợi ích thương mại của DN trong quan hệ thương mại quốc tế.

- Thứ tư, giảm giá thành sản phẩm thông qua các giải pháp hạn chế lãng phí, thất thoát trong sản xuất nhằm tiết giảm chi phí sản xuất - kinh doanh. Các DN cần lựa chọn những mặt hàng chủ lực để tập trung phát triển, nâng cao tính cạnh tranh như các hải đặc sản tôm hùm, cua, ghẹ, cá mú, mực, tôm thẻ và tôm sú, bào ngư, ốc và các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ... Bên cạnh đó, các DN XKTS nên liên kết với các nông trại, DN đánh bắt, nuôi trồng thủy sản để giảm giá thành sản xuất.

- Thứ năm, liên kết để tăng khả năng cạnh tranh: Liên kết để tăng khả năng về tài chính, nhân sự, hỗ trợ và trao đổi những yếu tố sản xuất, kinh doanh cần thiết tạo nên chuỗi cung ứng sản phẩm hoàn chỉnh, bền vững, tăng khả năng bảo vệ lẫn nhau khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

4.2. Thu hút, giữ chân nguồn lao động có chất lượng

- Thu hút và đào tạo nguồn nhân lực có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn về kinh doanh xuất nhập khẩu trong lĩnh vực thủy sản.

- Các DN cần có chính sách đãi ngộ phù hợp; thay đổi phong cách quản trị theo hướng quản trị “dân chủ”; mạnh dạn giao “quyền” tương xứng với “trách nhiệm”; tạo nhiều cơ hội thăng tiến cho nhân viên và có chế độ đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn của người lao động.

4.3. Thay đổi quan điểm kinh doanh để phù hợp với bối cảnh hội nhập

- Các DN nên chú trọng công tác nghiên cứu thị trường và marketing một cách bài bản, xây dựng cơ sở dữ liệu riêng về thị trường, khách hàng, đối thủ với những thông tin chi tiết và được cập nhật thường.

- Liên tục nghiên cứu phát triển và mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào một số ít thị trường lớn. Cần chủ động hơn trong kinh doanh quốc tế bằng chiến lược kinh doanh và chính sách phát triển thị trường và phải chuẩn bị nền tảng vững chắc cho những thay đổi về rào cản phi thuế đặc thù với ngành Thủy sản.

4.5. Quan tâm thích đáng đến thị trường nội địa

Sự gắn kết chặt chẽ giữa thị trường trong nước với thị trường quốc tế sẽ giảm thiểu những ảnh hưởng của thị trường quốc tế đến hoạt động kinh doanh của DN. Khả năng phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt của các DN trước những ảnh hưởng đó là rất thấp. Vì vậy, nguy cơ các doanh nghiệp nước ngoài lũng đoạn thị trường nội địa đang có tác động tiêu cực đến các DN XKTS Khánh Hòa. Các DN nên quan tâm thích đáng hơn đến thị trường nội địa đã bị bỏ quên trong thời gian dài hướng vào xuất khẩu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay thì thị trường trong nước cũng bao gồm một phần của xuất khẩu tại chỗ khi khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng.

5. Các kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước liên quan

Ngoài những nỗ lực tự thân, các DN XKTS tỉnh Khánh Hòa cũng cần những hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, ban ngành. Cụ thể, tác giả mạnh dạn kiến nghị một số vấn đề sau đây:

5.1. Hỗ trợ của tỉnh Khánh Hòa

- Để khắc phục dần tình trạng thiếu vốn hoạt động của DN, tỉnh nên tiếp tục có chính sách tạo điều kiện tốt hơn nữa, tạo cầu nối để các DN được tiếp cận với các nguồn vốn đặc thù theo thời vụ hay đơn hàng qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

- Tỉnh Khánh Hòa nên kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tiễn kinh doanh (cụ thể là trong vấn đề định giá tài sản thế chấp, cầm cố, tín chấp...) để tạo sự thuận lợi cho DN vay vốn kinh doanh.

5.2. Hỗ trợ của cơ quan Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ

Trong thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức của Chính phủ cũng như tổ chức Hiệp hội các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và chương trình, hoạt động hỗ trợ hữu hiệu cho các DN XKTS của Việt Nam nói chung và của Khánh Hòa nói riêngnhư hỗ trợ thông tin kinh tế, xã hội, thương mại, đầu tư, luật pháp... tại các quốc gia nhập khẩu; hỗ trợ về vốn vay ưu đãi cho các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực thủy sản giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý; trao đổi thông tin thị trường và các nguồn lực cho sản xuất và xuất khẩu; cung cấp kiến thức về khoa học, công nghệ trong ngành hàng; cổ động cho hoạt động của các doanh nghiệp thành viên..., mở các lớp tập huấn và đào tạo chuyên môn về thương mại thủy sản quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn cần rất nhiều các hỗ trợ chuyên nghiệp và thiết thực hơn nữa như đơn giản hóa thủ tục giấy tờ trong thương mại thủy sản, hỗ trợ dịch vụ hậu cần nghề cá, khuyến khích phát triển khoa học công nghệ trong nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản.

6. Kết luận

Gia nhập WTO là một thành tựu lớn của công cuộc đổi mới ở nước ta. Việc tham gia và thích ứng với sân chơi toàn cầu là vấn đề khó khăn cho cả Chính phủ và các DN. Những tác động chung cho cả nền kinh tế Việt Nam đã được trình bày qua khá nhiều hội thảo, hội nghị khoa học, các công trình nghiên cứu... nhưng những tác động cho các doanh nghiệp trên một địa bàn cụ thể thì ít được đề cập đến.

Qua kết quả khảo sát cho thấy, một số tác động tích cực đối với các DN XKTS Khánh Hòa khi Việt Nam gia nhập WTO như cơ hội xâm nhập thị trường nước ngoài; sự minh bạch về luật pháp trong kinh doanh; cơ hội tiếp cận công nghệ mới, trình độ quản lý tiên tiến; sự đối xử công bằng trong thương mại quốc tế; cơ hội tiếp cận với nguồn vốn nước ngoài và sự gắn kết thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc trở thành thành viên WTO cũng cho thấy một số tác động tiêu cực đối với các DN XKTS tỉnh Khánh Hòa như: cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa; sự cắt giảm các biện pháp bảo hộ của Nhà nước; các doanh nghiệp nước ngoài lũng đoạn thị trường nội địa; sự phá sản hàng loạt; các vụ kiện tụng, tranh chấp trong thương mại; và sự di chuyển nhân lực đến các doanh nghiệp nước ngoài. Trên cơ sở đó, tác giả đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp phát triển cho các DN XKTS Khánh Hòa như sau: nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN; thu hút, giữ chân nguồn lao động có chất lượng; nâng cao khả năng hiểu biết luật pháp quốc tế; thay đổi quan điểm kinh doanh để phù hợp với thời kỳ kinh tế hội nhập; và quan tâm thích đáng thị trường nội địa. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã đưa ra một số kiến nghị đối với tỉnh Khánh Hòa, Chính phủ và các tổ chức có liên quan trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên giai đoạn II (MUTRAP II) giữa Bộ Công Thương phối hợp với Ủy Ban châu Âu (2008) (ASIE/2003/005711), hoạt động HOR -– 9, Đánh giá tác động tổng thể khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO đến thay đổi xuất nhập khẩu và thể chế.

2. Đỗ Hoài Nam và các tác giả (2005), Các doanh nghiệp Việt Nam với việc gia nhập WTO, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Lê Ngọc Thắng (2007), Những tác động đến doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm đầu tiên sau khi Việt Nam gia nhập WTO, luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

4. Nguyễn Tiến Hưng (2015), Thực trạng kim ngạch xuất khẩu thủy sản giai đoạn 1995-2014 và dự báo năm 2015, http://www.vifep.com.vn/hoat-dong-nghien-cuu/1030/Thuc-trang-kim-ngach-xuat-khau-thuy-san-giai-doan-1995-2014-va-du-bao-nam-2015.html, truy cập ngày 07/10/2015.

5. Beghin, John C. & Roland-Holst, David & Van der Mensbrugghe, Dominique, (2002), "Globalisation and the Environment from a Development Perspective," Staff General Research Papers 5384, Iowa State University, Department of Economics.

6. Emiko Fukase& L. Alan Winters (2003), "Possible Dynamic Effects of AFTA for the New Member Countries," The World Economy, Wiley Blackwell, vol. 26(6), pages 853-871, 06.

http://www.khso.gov.vn/

http://khanhhoa.gdt.gov.vn/

http://www.khanhhoa.gov.vn/

http://www.vasep.com.vn/

http:// snnptnt.khanhhoa.gov.vn/

http://www.fistenet.gov.vn/

THE IMPACTS OF INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION TO THE ENTERPRISES EXPORTING AQUATIC PRODUCTS IN KHANH HOA PROVINCE

PhD. NGUYEN THI TRAM ANH

MA. MAI THI LINH

Faculty of Economics, Nha Trang University

ABSTRACT:

This study aims at analyzing the impacts of Vietnam's accession to the World Trade Organization (WTO) on seafood exporters in Khanh Hoa. Through a survey of 25 seafood processing and exporting enterprises in Khanh Hoa province the author has pointed out the impacts, the level of infulence of these impacts as well as enterprises' reaction and the necessary support from the government. Hence, the author suggestes some suitable solutions for Khanh Hoa export enterprises in the context of international integration.

Keywords: Khanh Hoa Aquaculture, international economic integration, seafood exporters.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây