TÓM TẮT:

Nguyên tắc thận trọng có xu hướng làm giảm giá trị tài sản ròng trong kế toán. Trong khi, giá trị hợp lý giúp thông tin tài chính được phản ánh trung thực, hợp lý với độ tin cậy cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguyên tắc thận trọng trong kế toán làm tăng GTHL (Giá trị hợp lý) của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Và các yếu tố Tổng tài sản; Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản; Tỷ lệ chi trả cổ tức có tác động cùng chiều đến GTHL của công ty. Ngược lại, việc thay đổi chính sách kế toán ảnh hưởng ngược chiều đến GTHL. 

Từ khóa: giá trị hợp lý, lựa chọn chính sách kế toán, nguyên tắc thận trọng.

1. Giới thiệu

Nguyên tắc thận trọng (NTTT) góp phần đảm bảo các ước tính kế toán về giá trị nguồn lực công ty là hợp lý và không bị phóng đại. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng làm thiên lệch số liệu báo cáo tài chính (Lyimo, 2014) và ảnh hưởng xấu tới dự đoán lợi nhuận trong tương lai, giá cổ phần và giá trị chung của công ty (Putu, 2014). Bên cạnh, việc ghi nhận theo giá trị hợp lý (GTHL) góp phần làm cho thông tin tài chính được phản ánh trung thực, hợp lý với độ tin cậy cao, phù hợp với nhu cầu sử dụng thông tin của nhà đầu tư. Do vậy, hiểu rõ tác động của NTTT đến GTHL của các công ty niêm yết là vô cùng cần thiết.

2. Lý thuyết

2.1. Lý thuyết về nguyên tắc thận trọng

NTTT trong kế toán được định nghĩa là các chính sách kế toán hoặc các xu hướng làm giảm giá trị tài sản ròng trong kế toán so với nền kinh tế (Watts, 2003). Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01 (2002) xem: “Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn”. Theo đó, việc ghi nhận các ước tính kế toán theo NTTT gồm: (1) “Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn”; (2) “Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập”; (3) “Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí”; và (4) “Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí”.

2.2. Lý thuyết về giá trị hợp lý

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 13 về GTHL quy định “Giá trị sẽ nhận được khi bán một tài sản hoặc thanh toán một khoản nợ phải trả trong một giao dịch thị trường có trật tự giữa các bên tham gia thị trường tại ngày đo lường”. Khi xác định GTHL, IFRS quy định doanh nghiệp phải xác định được (Ngô Thị Thu Hồng, 2016): (1) Tài sản nợ phải trả cần xác định GTHL; (2) Đối với tài sản phi tài chính, cần tần suất sử dụng tài sản cao nhất và tốt nhất đối với tài sản và tài sản đó có được sử dụng chung với các tài sản khác không hay được sử dụng độc lập; (3) Thị trường giao dịch tự nguyện đối với tài sản hay nợ phải trả; và (4) Kỹ thuật định giá cần tối đa hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào có liên quan quan sát được và tối thiểu hóa các yếu tố đầu vào không quan sát được.

2.3. Lý thuyết về giá trị của công ty 

Giá trị của công ty đề cập đến mức giá hoặc giá trị của công ty, đó là số tiền hợp lý phải trả để mua những giá trị đó, vì vậy giá trị của công ty là giá thị trường hoặc GTHL tương đương với mỗi công ty trong trường hợp có sự thay đổi liên tục. Giá trị phải được xác định bằng tiền và hợp lý, vì nó được xác định trên cơ sở cung và cầu chấp nhận được cho tất cả các bên. GTHL phải thể hiện giá trị của toàn bộ công ty (Lyimo, 2014).

Lý thuyết cấu trúc vốn giả định về sự hoàn hảo của thị trường vốn làm cho cấu trúc vốn của công ty không hiệu quả trong việc tạo ra giá trị, nhưng nếu công ty bị đánh thuế, nó sẽ cố gắng sử dụng nhiều nợ hơn và do đó tăng giá trị của mình. Lý thuyết tín hiệu phản ánh khả năng sinh lợi cao, cho thấy tương lai tốt đẹp và khuyến khích các nhà đầu tư phản ứng tích cực, làm tăng giá trị của công ty (Lyimo, 2014).

2.4. Các mô hình kế toán

- Mô hình chiết khấu cổ tức: Mô hình này dựa trên giá trị cổ phiếu liên quan đến các dòng tiền kỳ vọng từ đó, được trình bày bằng cách phân bổ. Theo đó, giá trị cổ phiếu hiện tại phụ thuộc vào sự phân bố kỳ vọng. Phân bổ có thể cố định, hoặc tăng lên hàng năm ở một tỷ lệ cố định, và có thể thay đổi. Theo đó, mô hình đã được xây dựng để định giá giá trị cổ phiếu gồm:

- Mô hình định giá thu nhập: đánh giá các cổ phiếu thường dựa trên khả năng sinh lời của chúng. Khả năng sinh lời của một cổ phiếu được tính bằng cách chia lợi nhuận thực hiện được cho số cổ phần phát hành. Cổ phiếu thường có thể được đánh giá thông qua việc tính toán giá trị hiện tại của toàn bộ lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai từ cổ phiếu.

- Nhân đôi giá thị trường của một cổ phiếu dựa vào khả năng sinh lời: Mô hình này dựa trên mối quan hệ giữa giá thị trường và lợi nhuận. Nếu mối quan hệ này đã được xác định và trình bày theo giá được nhân đôi thì giá trị cổ phiếu được tính bằng cách nhân đôi giá theo lợi nhuận cổ phiếu.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu

Dựa trên các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là nghiên cứu của Karthik Balakrishnan, Ross Watts, Luo Zuo (2016), tác giả đề xuất các giả thuyết:

- Giả thuyết H1: NTTT tác động cùng chiều đến GTHL doanh nghiệp.

- Giả thuyết H2: Tổng tài sản tác động cùng chiều đến GTHL doanh nghiệp.

- Giả thuyết H3: Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản có tác động cùng chiều đến GTHL doanh nghiệp.

- Giả thuyết H4: Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu có tác động ngược chiều đến GTHL doanh nghiệp.

- Giả thuyết H5: Tỷ lệ chi trả cổ tức có tác động cùng chiều đến GTHL doanh nghiệp.

- Giả thuyết H6: Tỷ suất tài sản cố định trên tổng tài sản có tác động cùng chiều đến GTHL doanh nghiệp.

- Giả thuyết H7: Sự thay đổi chế độ kế toán sẽ có tác động ngược chiều đến GTHL doanh nghiệp.

Tổng hợp từ các lý thuyết và để kiểm tra tác động của nguyên tắc thận trọng trong kế toán lên giá trị hợp lý của công ty, mô hình nghiên cứu được xây dựng:

MCAPit = β0 + β1*CONSit + β2*Zit + β3*Dit + εit

Trong đó:

- Biến phụ thuộc: Giá trị hợp lý của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (MCAP-Giá trị hợp lý), MCAPi,t

logarit chuẩn tắc của giá thị trường (giá trị hợp lý) của công ty trong giai đoạn t và CONSi,t là phép đo tính thận trọng trong kế toán của công ty (i) trong giai đoạn (t).

- Biến độc lập: Nguyên tắc thận trọng (CONS).

- Các biến kiểm soát Z bao gồm: Tổng tài sản (TA), Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E), Tỷ lệ chi trả cổ tức (DPO), Tỷ suất tài sản cố định (FA). Theo đó:

TAi,t là log chuẩn tắc của tổng TS công ty (i) trong kỳ (t)

ROAi,t là Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của công ty (i) trong kỳ ( t)

D/Ei,t là Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty (i) trong giai đoạn (t)

DPOi,t là Tỷ lệ chi trả cổ tức của công ty (i) trong (t)

FAi,t là Tỷ suất tài sản cố định với tổng tài sản của công ty (i) trong kỳ (t).

- Biến định tính D: Cập nhật chế độ kế toán.

β0: hằng số; ε: độ nhiễu; t đại diện cho năm nghiên cứu.

3.2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu gồm 50 công ty phi tài chính niêm yết tại TP. Hồ Chí Minh có vốn điều lệ từ 1.036 tỷ đến 5.000 tỷ từ năm 2012 đến 2016. Để phân tích, mô hình hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS), mô hình hồi quy tác động ngẫu nhiên (REM) và mô hình hồi quy tác động cố định (FEM) được áp dụng.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Kết quả thể hiện biến GTHL (MCAP) có giá trị thấp nhất và cao nhất là 6,95% và 11,64%. Điều này thể hiện GTHL của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tại TP. Hồ Chí Minh có sự khác biệt rõ ràng. Biến NTTT (CONS) có giá trị trung bình là 1,36%, cho thấy giá trị sổ sách lớn hơn giá trị hợp lý, do đó mức độ áp dụng NTTT trong kế toán bị suy giảm tại các công ty. Tỷ lệ giá trị sổ sách trên giá trị thị trường thấp nhất và cao nhất là 0,00068% và 7.12%, phản ánh sự khác biệt về mức độ áp dụng NTTT của các công ty theo thời gian.

Bảng 1. Thống kê mô tả dữ liệu nghiên cứu của mô hình

Thống kê mô tả dữ liệu nghiên cứu của mô hình

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu

Biến Tổng tài sản của công ty (TA) biến động trong khoảng từ 12,71 đơn vị đến 23,44 đơn vị cho thấy quy mô của các công ty chủ yếu là các công ty có quy mô nhỏ và vừa. Biến tỷ suất lợi nhận trên tổng tài sản (ROA) có giá trị lớn nhất và nhỏ nhất là 78,37% và -158,74% cho thấy sự khác biệt lớn về lợi nhuận của các công ty. Biến tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (DE) có giá trị lớn nhất và nhỏ nhất là 2614,57% và 0,62% phản ánh sự khác biệt về tỷ lệ nợ của công ty theo thời gian. Biến tỷ lệ chi trả cổ tức của công ty (DPO) biến động trong khoảng từ 0% đến 50%. Kết quả này cho thấy sự khác biệt về tỷ lệ và các chính sách chi trả cổ tức giữa các công ty. Biến Tỷ suất tài sản cố định trên tổng tài sản (FA) có giá trị lớn nhất và nhỏ nhất là 86,28% và 0,01% cho thấy có sự khác biệt trong tỷ lệ tài sản cố định và khả năng thanh toán.

Kết quả kiểm định F với Prob > F = 0.0000 < 5% cho thấy việc sử dựng mô hình FEM sẽ phù hợp hơn so với mô hình Pool OLS. Kết quả kiểm định Hausman có hệ số Prob>chi2 = 0.0930 > 0.05 cho thấy việc lựa chọn mô hình REM sẽ phù hợp hơn mô hình FEM. Tuy nhiên, mô hình REM vi phạm giả định phương sai sai số không đổi. Để khắc phục vấn đề này, mô hình FGLS được sử dụng. Qua đó:

Bảng 2. Kết quả kiểm định mô hình

Kết quả kiểm định mô hình

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu

- Tỷ lệ giá trị sổ sách trên giá thị trường (CONS) ảnh hưởng ngược chiều đến giá trị hợp lý của doanh nghiệp hay nói cách khác NTTT có ảnh hưởng cùng chiều đến GTHL. Điều này cho thấy tỷ lệ giá trị sổ sách trên GTHL tăng 1% sẽ làm GTHL của doanh nghiệp giảm 0.489 đơn vị. Kết quả này cho thấy sự sụt giảm giá trị sổ sách theo GTHL, và nếu tỷ lệ giá trị sổ sách trên giá thị trường càng cao thì GTHL của các công ty niêm yết càng thấp, do đó giá trị tài sản ròng và lợi nhuận ròng càng giảm. Kết quả này phù hợp với kết quả của Lyimo (2014).

- Tổng tài sản (TA): có ảnh hưởng cùng chiều đến GTHL của doanh nghiệp. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đây của Putu và cộng sự (2014). Khi logarit tự nhiên của tổng tài sản tăng 1 đơn vị sẽ làm GTHL của doanh nghiệp tăng 0.0659 đơn vị. Kết quả ước lượng này cho thấy sự gia tăng tài sản góp phần làm tăng quy mô, hoạt động sản xuất - kinh doanh được mở rộng, từ đó làm tăng doanh thu, lợi nhuận của công ty dẫn đến làm tăng GTHL của toàn công ty.

 - Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA): có ảnh hưởng cùng chiều đến GTHL của doanh nghiệp. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đây của Imelda (2011). Khi tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản tăng 1% sẽ làm GTHL của doanh nghiệp tăng 0.00353 đơn vị. Như vậy, sự gia tăng lợi nhuận phản ánh tình hình hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả, là điều kiện quan trọng đảm bảo cho khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Lợi nhuận công ty tăng do tăng vốn chủ sở hữu, giảm nợ vay làm giảm chi phí lãi vay từ đó tăng GTHL.

- Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (DE): có ảnh hưởng ngược chiều đến GTHL của doanh nghiệp. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Putu (2014). Khi tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tăng 1% sẽ làm GTHL của doanh nghiệp giảm 0.000622 đơn vị. Tỷ lệ nợ tăng nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, và hiện đang đối mặt với những rủi ro trong việc trả nợ, rủi ro biến động lãi suất ngân hàng từ đó làm giảm khả năng thanh toán.

- Tỷ lệ chi trả cổ tức (DPO): có ảnh hưởng cùng chiều đến GTHL của doanh nghiệp. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Putu (2014). Khi tỷ lệ chi trả cổ tức tăng 1% sẽ làm GTHL của doanh nghiệp tăng 0.0145 đơn vị. Công ty chi trả cổ tức cho cổ đông càng cao phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của công ty đạt hiệu quả, công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ từ đó doanh thu, lợi nhuận tăng, nhà đầu tư sẽ đánh giá cao khả năng hoạt động kinh doanh của công ty.

- Tỷ suất tài sản cố định trên tổng tài sản (FA): không có tác động đến GTHL của doanh nghiệp. Giá trị thị trường của một doanh nghiệp không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có tài sản cố định nhiều hay ít mà nó được quyết định bởi các yếu tố khác như năng lực cạnh tranh, giá trị thương hiệu, hiệu quả trong kinh doanh.

- Cập nhật chế độ kế toán (CDKT): có ảnh hưởng ngược chiều đến GTHL của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa khi chế độ kế toán thay đổi, một số tài khoản và điều kiện ghi nhận sẽ thay đổi, thêm vào đó trình độ nhân viên kế toán trong việc tiếp thu và vận dụng chế độ kế toán mới cũng còn nhiều bất cập và hạn chế do đó việc ghi nhận GTHL của công ty sẽ có những ảnh hưởng ngược chiều.

5. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy NTTT trong kế toán đóng vai trò quan trọng trong việc tăng GTHL của các công ty niêm yết tại TP. Hồ Chí Minh. Và các yếu tố Tổng tài sản, Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản, Tỷ lệ chi trả cổ tức là một trong những yếu tố quan trọng có tác động cùng chiều đến GTHL. Ngược lại, việc thay đổi chính sách kế toán ảnh hưởng ngược chiều đến GTHL của công ty.

Với kết quả trên, nghiên cứu đề xuất Bộ Tài chính cần nghiên cứu và ban hành các chuẩn mực liên quan đến kế toán GTHL đồng thời kiểm soát, giám sát việc thực hiện nguyên tắc kế toán nói chung và NTTT nói riêng trong việc ghi nhận và định giá doanh nghiệp. Và phía doanh nghiệp, cần vận dụng NTTT nói riêng và các nguyên tắc kế toán nói chung trong việc trình bày và ghi nhận thông tin trên báo cáo tài chính, đảm bảo tính trung thực, độ tin cậy và tính minh bạch.

Bên cạnh kết quả đạt được, nghiên cứu vẫn chưa đề cập đến các đánh giá khác về tính thận trọng gồm lập và ước tính các khoản dự phòng, tổn thất doanh nghiệp, đánh giá giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập cũng như các khoản nợ và chi phí của doanh nghiệp. Do vậy, nghiên cứu trong tương lai cần khắc phục vấn đề này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngô Thị Thu Hồng, Bùi Thị Hằng, (2016), Nguyên tắc giá trị hợp lý theo Luật kế toán: Lý luận và định hướng áp dụng ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính, kỳ I (644), 9-11.
  2. Imelda, W., (2011). Analisis Pengaruh Profitabilitas, Leverage, Ukuran Perusahaan, Divident Pay Out Ratio Terhadap Expected Earning Perusahaan Manufaktur Yang Go Publik di BEI. Jurnal Akuntansi dan Keuangan, hal. 140-152.
  3. Karthik Balakrishnan, Ross Watts, Luo Zuo (2016). The Effect of Accounting Conservatism on Corporate Investment during the Global Financial Crisis. Journal of Business Finance and Accounting, 43(5-6), 513-542.
  4. Lyimo. G., (2014). Conditional Conservatism and its Effect on Earnings Quality and Stock Prices in Indian Capital Market. European Journal of Business and Management, 6(22), 98-104.
  5. Putu, N., Moeljadi, Djumahir, and Djazuli, A., (2014). Factors Affecting Firms Value of Indonesia Public Manufacturing Firms. International Journal of Business and Management Invention, 3(2), 35-44.
  6. Watts, R. L. (2003). Conservatism in accounting part I: Explanations and implications. Accounting Horizons, 17(3), 207-221.

THE IMPACTS OF THE PRUDENCE CONCEPT

ON THE FAIR VALUE OF COMPANIES LISTED

ON THE HO CHI MINH CITY STOCK EXCHANGE

• Ph.D TANG TRI HUNG

Faculty of Accounting, Ton Duc Thang University

• TRAN QUOC DUNG

Can Tho University of Technology

• LAM HO PHUONG UYEN

Kimi Training Development Joint Stock Company

ABSTRACT:

The prudence concept in accouning makes sure that assets and income are not overstated. Meanwhile, the fair value principle uses current market values as the basis for recognizing certain assets and liabilities. This study’s findings indicate that the prudence concept helps to increase the fair value of companies listed on the Ho Chi Minh City Stock Exchange. The study also finds out that the factors of total assets, return on total assets and dividend payout ratio have positive impacts on the value of company. Meanwhile, the changes in accounting policies negatively affect the company’s fair value.

Keywords: fair value, choosing accounting policy, prudent concept.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 2 năm 2021]