Tác động của phương thức thanh toán trực tuyến đến ý định mua sắm của khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. NGUYỄN THỊ THU VÂN, ĐẶNG THỊ KIM ANH, NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG LINH, NGUYỄN TẤN PHONG (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Bài viết xác định các nhân tố tác động của phương thức thanh toán trực tuyến (PTTTTT) đến ý định mua sắm của khách hàng tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh). Từ đó, đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương thức thanh toán khi mua sắm của người tiêu dùng, đưa ra một số hàm ý quản trị nhằm nâng cao sự tác động của PTTTTT đến ý định mua sắm của người tiêu dùng. Nghiên cứu cho thấy, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thanh toán trực tuyến của khách hàng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh ngày càng tăng cao, phần nào cũng ảnh hưởng đến ý định mua sắm của khách hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 2 yếu tố của PTTTTT tác động mạnh nhất đến ý định mua sắm của khách hàng, đó là: nhận thức tính hữu ích và độ tin cậy.

Từ khóa: thanh toán trực tuyến, ý định mua sắm, mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Thương mại điện tử đang là xu xướng và tác động mạnh mẽ đến ý thức, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng. Sự tiện lợi PTTTTT đang dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt để giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Tại TP. Hồ Chí Minh, các cơ sở kinh doanh hay doanh nghiệp đã và đang xây dựng hệ thống thanh toán trực tuyến cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật. Người tiêu dùng có thể mua sắm trực tuyến hoặc trực tiếp nhưng thanh toán không dùng tiền mặt, bảo mật hơn việc dùng thẻ. Hơn thế nữa, ngày nay, khách hàng có thể truy cập internet dễ dàng với các thiết bị điện tử cá nhân. Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh do Covid-19 hiện nay, hình thức mua sắm và thanh toán không dùng tiền mặt càng được nhiều người lựa chọn. Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, thị trường thanh toán trực tuyến Landscape 2020 các giao dịch qua internet, điện thoại di động tăng trưởng đến 238%.

2. Cơ sở lý luận

2.1. Lý thuyết nền

          Thanh toán trực tuyến là dịch vụ trung gian giúp bạn chuyển tiền thật từ tài khoản ngân hàng thành một loại tiền ảo trên mạng để mua sắm và thanh toán các dịch vụ, sản phẩm được bán online (Nguyễn Linh An, 2017).

Năm 1989, Davis và cộng sự đã phát triển mô hình chấp nhận công nghệ (Technology Acceptance Model - Mô hình TAM), đây là mô hình được thiết kế đặc biệt để dự đoán việc sử dụng công nghệ, mô hình đề cập 2 yếu tố liên quan đến công nghệ: Cảm nhận về tính dễ sử dụngCảm nhận tính hữu ích (Venkatesh & cộng sự, 2003).

2.2. Mô hình nghiên cứu

Dựa trên tổng hợp các nghiên cứu của những mô hình nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như mô hình chấp nhận công nghệ TAM, nhóm tác giả đề xuất tác động của PTTTTT đến ý định mua sắm bao gồm các nhân tố: Cảm nhận tính dễ sử dụng, Cảm nhận tính hữu ích, Độ tin cậy, Giá phí dịch vụ. 

Hình 1: Mô hình nghiên cứu nhóm tác giả đề xuất

mo-hinh-nghien-cuu       + H1: Cảm nhận tính dễ sử dụng của PTTTTT ảnh hưởng đến ý định mua sắm.

          + H2: Cảm nhận tính hữu ích của PTTTTT ảnh hưởng đến ý định mua sắm.

          + H3: Độ tin cậy của PTTTTT ảnh hưởng đến ý định mua sắm.

          + H4: Giá phí dịch vụ của PTTTTT ảnh hưởng đến ý định mua sắm.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật thảo luận nhóm, tham khảo ý kiến chuyên gia, nhóm tác giả xác định mô hình nghiên cứu chính thức gồm có 4 nhân tố liên quan đến PTTTTT tác động đến ý định mua sắm của khách hàng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và xây dựng thang đo, xây dựng bảng hỏi, chọn kích thước mẫu khảo sát là 250 khách hàng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh đã hoặc đang mua sắm bằng PTTTTT và thu về được 207 phiếu hợp lệ. Theo Hair và Cộng sự (1998), kích thước mẫu tối thiểu là 50 và tốt hơn là 100 khi phân tích nhân tố khám phá. Ngoài ra, theo Tabacknick và Fidell (1996), để phân tích hồi quy tốt nhất, cỡ mẫu nên đảm bảo công thức sau: n ≥ 8m + 50 ≈ n ≥ 8*4+50 ≈ 82 (với n là cỡ mẫu, m là số biến độc lập của mô hình).

Nghiên cứu định lượng được thực hiện bằng phần mềm SPSS phiên bản 22.      

4. Thảo luận kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả dữ liệu

          Nghiên cứu đã thu thập được những đặc tính cơ bản của khách hàng, như: giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, tần suất sử dụng của khách hàng sử dụng PTTTTT. Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ giới tính nữ chiếm đa số 130 khách hàng trong tổng số 207 và chiếm 62.8% và nam giới chiếm 37.2%, cho thấy nữ giới hiện nay đang tiếp cận PTTTTT nhiều hơn nam giới. Điều này được giải thích là do phần lớn nam giới mua các sản phẩm đồ điện tử nên việc mua sắm trực tuyến không phải là sự lựa chọn ưu tiên. Đối với nữ giới sử dụng các loại hình dịch vụ như làm đẹp, mua sắm,… có thể dễ dàng mua các gói dịch vụ thông qua hình thức trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí. Khách hàng sử dụng PTTTTT đa số nằm trong độ tuổi từ 16 đến 30, chiếm 192 người trên tổng số 207 được hỏi (92.8%), cho thấy rằng những người trẻ thường muốn tiếp cận xu hướng thanh toán mới cũng như trải nghiệm phương thức thanh toán tiện lợi hơn.

4.2. Kiểm định độ tin cậy thang đo

          Để kiểm định độ tin cậy của thang đo, nhóm tác giả sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha để loại bỏ những biến quan sát không phù hợp trước khi tiến hành phân tích nhân tố.

Bảng 1. Cronbach’s Alpha của các biến độc lập trong nghiên cứu

cronbachs-alpha-cua-cac-bien-doc-lap-trong-nghien-cuu

 Nguồn: Nhóm tác giả phân tích SPSS

           Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha cho thấy rằng, thứ nhất, biến quan sát SD5 có hệ số Cronbach’s Alpha khi loại biến lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha (0.929 > 0.926), nên biến quan sát SD5 bị loại; thứ hai, biến quan sát HI7 bị loại do có hệ số Cronbach’s Alpha khi loại biến lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha (0.946 > 0.945). Cuối cùng, biến quan sát YD4 có hệ số Cronbach’s Alpha khi loại biến lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha (0.931 > 0.927), nên biến quan sát SD5 bị loại. Sau khi loại 3 biến quan sát trên, còn lại 26 biến quan sát được sử dụng cho bước phân tích tiếp theo.

4.3. Kiểm định mô hình hồi quy

Bảng 2. Kiểm định hệ số hồi quy

kiem-dinh-he-so-hoi-quy Nguồn: Nhóm tác giả phân tích SPSS

          Trong đó, HI (Nhận thức hữu ích) có quan hệ đồng biến với ý định mua sắm, tác động mạnh đến biến phụ thuộc (50.9%). Khách hàng thấy được những lợi ích từ việc thanh toán trực tuyến khi mua sắm, điều này sẽ tác động trực tiếp và tích cực đến ý đính mua sắm của người tiêu dùng. TC (Độ tin cậy của PTTTTT) có quan hệ đồng biến với ý định mua sắm, độ tin cậy của phương thức thanh toán này càng cao thì ý định mua sắm càng cao, tác động mạnh đến biến phụ thuộc (40.5%).

Qua kết quả phân tích hồi quy, nhóm tác giả rút ra được phương trình như sau:

YD = 0,509.HI + 0,405.TC

          Nhìn chung, cả 2 yếu tố này đều tác động mạnh mẽ đến ý định mua sắm của khách hàng khu vực TP. Hồ Chí Minh. Bất kỳ sự thay đổi nào đến từ 1 trong 2 yếu tố đều tác động đến ý định mua sắm của khách hàng. Ngoài ra, giá trị VIF < 10 chứng tỏ rằng phương trình hồi quy không bị đa cộng tuyến.

Trong bối cảnh thị trường công nghệ kỹ thuật số phát triển tại Việt Nam và những hạn chế của việc thanh toán bằng tiền mặt, nhu cầu mua sắm thanh toán trực tuyến của khách hàng vô cùng cấp thiết nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Trên thực tế, một nền kinh tế vững mạnh là một nền kinh tế cóhệ thống thanh toán hiện đại, giúp làm giảm được khoản chi phí lớn trong việc in ấn, vận chuyển, kiểm đếm và bảo quản. Trong tình trạng đại dịch Covid-19  đang diễn ra trên cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay, việc mua sắm không dùng tiền mặt đang là một lựa chọn hàng đầu vì sự tiện lợi, an toàn của phương thức thanh toán này.

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu này thực hiện hỗ trợ thông tin cho các nghiên cứu tiếp theo về các tác động của PTTTTT đến ý định mua sắm của khách hàng. Tuy nhiên, do thời gian nghiên cứu hạn chế và giới hạn về kinh phí, nên đề tài không tránh khỏi những sai sót nhất định, cần có hướng khắc phục cho những nghiên cứu tiếp theo.

5. Kết luận

Trên cơ sở nghiên cứu về các tác động của PTTTTT đến ý định mua sắm của người tiêu dùng, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, yếu tố nhận thức hữu ích và độ tin cậy của PTTTTT tác động đồng biến và gần như đều nhau đến ý định mua sắm của khách hàng. Từ đó, các nhà quản trị ngân hàng hay nhà quản trị cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến có thể dựa vào 2 yếu tố trên để đưa ra những chính sách phù hợp thu hút khách hàng hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Khaled Aldiabat. (2019). The impact of electronic payment on electronic shopping in Jordan. Indonesian Journal of Electrical Engineering and Computer Science, 14(2),
  2. Kim, C., Mirusmonov, M., & Lee, I. (2010). An empirical examination of factors influencing the intention to use mobile payment. Computers in human behavior26(3), 310-322.
  3. Lee, M. C. (2009). Factors influencing the adoption of internet banking: An integration of TAM and TPB with perceived risk and perceived benefit. Electronic Commerce Research and Applications, 8(3), 130-141.
  4. Venkatesh, V., & Bala, H. (2008). Technology acceptance model 3 and a research agenda on interventions. Decision Sciences, 39(2), 273-315.
  5. Yang, S., Lu, Y., Gupta, S., Cao, Y., & Zhang, R. (2012). Mobile payment services adoption across time: An empirical study of the effects of behavioral beliefs, social influences, and personal traits. Computers in Human Behavior28(1), 129-142.

 

IMPACTS OF ONLINE PAYMENT METHODS ON THE SHOPPING

INTENTION OF CONSUMERS IN HO CHI MINH CITY

Master. NGUYEN THI THU VAN1

DANG THI KIM ANH1

NGUYEN NGOC PHUONG LINH1

NGUYEN TAN PHONG1

1 Faculty of Accounting and Auditing, Van Lang University

ABSTRACT:

This study determines the impacts of online payment methods on the shopping intention of consumers in Ho Chi Minh City. The study also measures the factors affecting the consumers’ use of online payment methods and makes some managerial implications to strengthen the impact of online payment methods on the shopping intention of consumers. The study finds out that the demand for online payment services of consumers living in Ho Chi Minh City is increasing and it has partly affected the shopping intention of consumers. The study’s results show that there are two factors of online payment methods which have the strongest impact on customers' shopping intention, namely Perceived usefulness and Reliability.

Keywords: online payment, shopping intention, online shopping, consumer, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 19, tháng 8 năm 2021]