Tác động của trách nhiệm xã hội đến cơ cấu vốn doanh nghiệp niêm yết ngành sản xuất Việt Nam

THS. NGUYỄN THỊ LIÊN HƯƠNG (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá tác động của trách nhiệm xã hội đến hệ số nợ của doanh nghiệp niêm yết ngành sản xuất Việt Nam. Dữ liệu đưa vào nghiên cứu được thu thập từ 165 doanh nghiệp niêm yết ngành sản xuất trong thời gian 6 năm (2014 - 2019). Phương pháp định lượng với mô hình hồi quy OLS, REM và FEM đã được sử dụng. Kết quả cho thấy, TNXH có tác động ngược chiều đến hệ số nợ của doanh nghiệp. Từ đó, bài viết đưa ra các khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Từ khóa: trách nhiệm xã hội, cơ cấu vốn, ngành sản xuất.

1. Giới thiệu

Có thể nói trách nhiệm xã hội (TNXH) ngày càng quan trọng đối với hoạt động lâu dài của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bất chấp nhận thức về tầm quan trọng của TNXH ngày càng tăng lên, liệu TNXH có tạo ra giá trị cho doanh nghiệp hay không vẫn còn là vấn đề tranh luận. Hiện nay, các quan điểm nâng cao giá trị dự đoán rằng TNXH đóng vai trò quản lý rủi ro giúp giảm thiểu các hành động bất lợi của khách hàng và đối thủ cạnh tranh khi đối phó với đòn bẩy cao và do đó giảm chi phí của đòn bẩy cao (El Ghoul và cộng sự., 2011). Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, TNXH mới bắt đầu được các doanh nghiệp quan tâm và được một số doanh nghiệp lớn đưa vào chiến lược phát triển của mình. Tuy nhiên, còn rất ít nghiên cứu về TNXH doanh nghiệp nói chung và cụ thể về tác động của TNXH đến quyết định về cơ cấu vốn.

2. Tổng quan nghiên cứu

Một số nghiên cứu ước tính ảnh hưởng của TNXH đối với hoạt động tài chính chỉ ra rằng các công ty có công bố thông tin TNXH được hưởng chi phí tài chính thấp hơn (Goss và Roberts, 2011). Bởi vì thông tin TNXH cung cấp nhiều thông tin cho các bên liên quan, đặc biệt là các chủ nợ, khi đó, minh bạch thông tin có thể giảm thiểu sự bất cân xứng thông tin giữa ban quản lý và chủ nợ. Jang và Ardichvili (2020) ghi nhận rằng, hoạt động TNXH giúp cải thiện xếp hạng tín dụng và chi phí tài chính. Do đó, chúng ta có thể suy ra rằng các công ty có công bố TNXH ít bị hạn chế tài chính hơn, nên có mối quan hệ thuận chiều giữa công bố TNXH và hệ số nợ.

Một số nghiên cứu đưa ra bằng chứng thực nghiệm rằng TNXH làm giảm rủi ro đặc trưng của doanh nghiệp bằng cách giúp các công ty tạo ra danh tiếng và vốn đạo đức tích cực giữa các bên liên quan (Godfrey, 2005). Hơn nữa, TNXH khuyến khích duy trì các mối quan hệ ổn định lâu dài với các cộng đồng và chính phủ, hơn nữa tránh rủi ro kiện tụng và tăng cường giám sát (Dhaliwal và cộng sự, 2014). Theo đó, chiến lược TNXH được sử dụng để cải thiện môi trường kinh doanh và giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp.

Ngoài ra, báo cáo TNXH bổ sung cho báo cáo tài chính mà các công ty sử dụng để truyền đạt với các bên liên quan. Các công ty đã thực hiện các chiến lược TNXH có xu hướng tiết lộ nhiều thông tin hơn những công ty chưa thực hiện, để thể hiện một hình ảnh trách nhiệm (Dhaliwal và cộng sự, 2009). Hong và Kacperczyk (2009) gợi ý rằng các công ty có chiến lược TNXH nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà phân tích so với các công ty không có chiến lược đó. Báo cáo các tuyên bố về TNXH báo hiệu rằng một công ty cân nhắc lợi ích của các bên liên quan. Do đó, chiến lược TNXH ảnh hưởng đến cả thông tin tài chính và phi tài chính, chẳng hạn như sức mạnh của quản lý doanh nghiệp (Menz, 2010).

Động lực thứ hai là mối quan tâm của chủ nợ đối với rủi ro doanh nghiệp. Một số các nghiên cứu trước đây ((Raimo và cộng sự, 2020)) đã tìm thấy mối liên hệ tích cực giữa công bố TNXH của doanh nghiệp với chi phí vốn cổ phần và vốn nợ. Dưới góc độ lý thuyết, chiến lược doanh nghiệp xem xét đầy đủ các khía cạnh phi tài chính trong hoạt động kinh doanh cũng như sự xung đột giữa các bên liên quan có thể làm giảm rủi ro kinh doanh và giảm thiểu tình trạng thông tin bất cân xứng giữa người cho vay và các nhà đầu tư trên thị trường tài chính (Lopatta và cộng sự, 2016). Như vậy, hiệu quả xã hội của doanh nghiệp cao có thể làm giảm chi phí đại lý mà công ty phải chịu khi tìm kiếm các nguồn tài trợ. Trên thực tế, nhận thức của thị trường về hiệu quả xã hội của doanh nghiệp có thể thúc đẩy doanh nghiệp công bố các thông tin phi tài chính (Healy và Palepu, 2001). Ngoài nhận thức của thị trường, mục đích bảo vệ các bên liên quan cũng góp phần làm doanh nghiệp tích cực trong việc công bố các thông tin phát triển bền vững (Raimo và cộng sự 2020).

Yang và cộng sự (2017) cho thấy dựa trên việc TNXH làm giảm bất cân xứng thông tin giữa doanh nghiệp và các chủ nợ, doanh nghiệp thực hiện chiến lược về TNXH tốt hơn có đòn bẩy tài chính cao hơn so với các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, việc công bố thông tin về TNXH giúp giảm tốc độ điều chỉnh cơ cấu vốn của doanh nghiệp cũng như tốc độ điều chỉnh đòn bẩy trên mức mục tiêu có xu hướng chậm hơn so với đòn bẩy dưới mức mục tiêu. Các báo cáo TNXH cũng cung cấp cho chủ nợ dự báo dài hạn hơn về doanh nghiệp, vì thế những doanh nghiệp này duy trì đòn bẩy dài hạn cao hơn so với các doanh nghiệp không thực hiện TNXH.

Chang (2019) tìm thấy mối quan hệ giữa TNXH và cấu trúc nợ của doanh nghiệp, những doanh nghiệp có hiệu quả TNXH tốt hơn sẽ có tỷ lệ nợ công trên tổng nợ lớn hơn. Ảnh hưởng của TNXH trở nên yếu hơn với các doanh nghiệp trong những ngành kinh doanh “tội lỗi” (rượu bia, thuốc lá, cá độ,…) cũng như trong những lĩnh vực thiếu niềm tin. Trong trường hợp này, TNXH dường như để làm đẹp cho hình ảnh của doanh nghiệp hơn là có ý nghĩa thực tế.

Cũng với lập luận cho rằng khi doanh nghiệp quan tâm hơn đến các bên liên quan, minh bạch thông tin hơn thông qua việc thực hiện TNXH sẽ giảm được các hạn chế trong việc tiếp cận vốn (Cheng, 2017).  Dưới góc độ bất cân xứng thông tin, các nhà đầu tư tổ chức có thể ưa thích hơn các doanh nghiệp có hiệu quả xã hội cao để giảm chi phí thông tin, trong khi các ngân hàng có thể tích lũy các thông tin đặc biệt về doanh nghiệp dựa trên mối quan hệ cho vay hơn là đánh giá dựa trên hiệu quả xã hội. 

Kết hợp các lý thuyết tối đa hóa giá trị và cấu trúc vốn, Harjoto (2016) giả thuyết rằng TNXH là lựa chọn chiến lược của các công ty để nội bộ hóa chi phí từ các hợp đồng ngầm giữa các công ty và các bên liên quan không đầu tư của họ ảnh hưởng đến hoạt động và đòn bẩy tài chính của các công ty. Harjoto (2016) cũng ghi nhận rằng TNXH có liên quan tích cực đến chi phí hoạt động của công ty và tìm thấy bằng chứng cho thấy TNXH hoạt động như một sự thay thế cho lá chắn thuế nợ của công ty khi đòn bẩy tài chính của công ty thấp.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mẫu và dữ liệu

Mẫu nghiên cứu là 165 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam ngành sản xuất, giai đoạn 2014-2019. Dữ liệu thể hiện ở dạng bảng cân bằng với 909 quan sát.

Các dữ liệu về tài chính của doanh nghiệp được thu thập dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Dữ liệu về PTBV được lấy từ báo cáo PTBV và báo cáo thường niên trên trang www.Vietstock.com và trên website của doanh nghiệp. Bộ chỉ tiêu sử dụng để tính điểm PTBV là GRI tiêu chuẩn với 30 tiêu chí về môi trường và 34 tiêu chí về xã hội.

Điểm PTBV được tính toán như công thức sau (Dias và cộng sự , 2017)

3.2. Biến và mô hình nghiên cứu (Bảng 1)

Mô hình với biến phụ thuộc là đòn bẩy tài chính, biến giải thích là TNXH và các biến kiểm soát được đưa vào mô hình bao gồm quy mô doanh nghiệp, cấu trúc tài sản và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản.

LEVi,t = β0 + β1CSRi,t + β2 LNAi,t + β3 AST i,t + β4 ROAi,t  + Ɛi,t

Bảng 1. Đo lường các biến của mô hình

Biến

Ký hiệu

Định nghĩa

Đo lường

Biến phụ thuộc

LEV

Đòn bẩy tài chính

Nợ/ Tổng tài sản

Biến giải thích

CSR

TNXH

Điểm trung bình 64 tiêu chí về môi trường và xã hội

Biến kiểm soát

LNA

Quy mô doanh nghiệp

Logarit của tổng tài sản

AST

Cấu trúc tài sản

Tài sản cố định/ Tổng tài sản

ROA

Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản

Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản

 3.3. Phương pháp hồi quy dữ liệu bảng

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng dữ liệu bảng để phân tích hồi quy. Dữ liệu bảng có ưu điểm là xem xét cả về mặt chuỗi thời gian và cả theo không gian nên có thể xem xét dữ liệu phức tạp biến động theo cả hai chiều. Trong nghiên cứu này tác giả sử dụng các phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất (Pooled OLS), phương pháp hồi quy tác động cố định (FEM), phương pháp hồi quy tác động ngẫu nhiên (REM) để tìm ra mô hình phù hợp nhất cho dữ liệu nghiên cứu.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả

Dựa trên thống kê mô tả ở Bảng 2, có thể thấy một số đặc điểm của các biến như sau. Đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trung bình ở mức 0,4870 nghĩa là các doanh nghiệp phụ thuộc khá lớn vào các khoản nợ vay. Đòn bẩy tài chính cũng khác biệt rất lớn giữa các doanh nghiệp khác nhau, các ngành nghề khác nhau. Có một số doanh nghiệp xảy ra cá biệt tình trạng vốn chủ sở hữu âm, dẫn đến đòn bẩy tài chính lớn hơn 1.

Các biến đo lường TNXH được tính dựa trên điểm trung bình các chỉ số có công bố thông tin của doanh nghiệp về môi trường và xã hội. Nhìn chung, giá trị trung bình của tất cả doanh nghiệp niêm yết ở mức thấp so với bộ tiêu chuẩn GRI. Giá trị Min = 0, Max =1 nghĩa là có những doanh nghiệp công bố đầy đủ các thông tin theo hướng dẫn của GRI, có doanh nghiệp không có thông tin gì. (Bảng 2)

Bảng 2. Thống kê mô tả

Variable

Obs

Mean

Std.Dev

Min

Max

LEV

990

0.4666

0.2056

0.0027

1.2945

CSR

990

0.0757

0.1004

0.0000

1.0000

LNA

990

27.2832

1.4805

23.7076

32.2538

AST

990

0.3611

0.1898

0.0088

0.9774

ROA

990

0.0656

0.0736

-0.4673

0.7837

            Nguồn: Tác giả tự tính toán bằng phần mềm Stata

4.2. Ma trận tương quan

Bảng 3 về ma trận tương quan xem xét tương quan giữa các biến trong mô hình, có thể thấy các biến phụ thuộc có tương quan chặt với các biến giải thích và biến kiểm soát trong mô hình, thể hiện qua hệ số p-value thấp.

Bảng 3. Ma trận tương quan

 

LEV

CSR

LNA

AST

ROA

LEV

 1.0000

 

 

 

 

CSR

  -0.1468*

1.0000

 

 

 

LNA

0.2627*

  0.1751*

1.0000

 

 

AST

-0.0513

 0.0586

 0.2523*

1.0000

 

ROA

  -0.4083*

 0.1205*

 0.0498

 -0.0733*

1.0000

            Nguồn: Tác giả tự tính toán bằng phần mềm Stata

4.3. Kết quả hồi quy

Tác giả đã sử dụng mô hình OLS, FEM, REM để chạy hồi quy mô hình nghiên cứu.  Kết quả hồi quy được thể hiện trong các bảng từ Bảng 4. Dựa vào kết quả các bảng tổng hợp có thể thấy các biến đưa vào mô hình đều có ý nghĩa thống kê. Biến TNXH ký hiệu là CSR có tác động ngược chiều đến đòn bẩy tài chính ở mức có ý nghĩa thống kê trong cả 3 mô hình hồi quy Pooled OLS, REM và FEM cho thấy tác động này là vững.

Bảng 4. Kết quả hồi quy

LEV

Mô hình

Pooled OLS

REM

FEM

CSR

-.3031**

-.0864*

-.0876*

LNA

.0486**

.0714**

.1107**

AST

-.1752**

-.0817*

-.0533

ROA

-1.1725**

-.6661**

-.5863**

cons

-.6976**

-1.4028**

-2.4916**

Nguồn: tác giả tự tính toán bằng phần mềm Stata

5. Thảo luận và khuyến nghị

Có thể thấy điểm TNXH có tác động đến cơ cấu vốn theo hướng làm giảm đòn bẩy tài chính. Kết quả này ngược lại với phần lớn các nghiên cứu cho rằng TNXH làm tăng đòn bẩy tài chính (Harjoto,2016); Yang và cộng sự (2018); Hamrouni (2019). Việc công bố thông tin TNXH của các doanh nghiệp niêm yết ngành sản xuất ở Việt Nam không làm giảm mức độ cũng như chi phí bất cân xứng thông tin giữa các chủ nợ và doanh nghiệp. Kết quả này là do việc thực hiện TNXH ở Việt Nam mới được triển khai trong thời gian ngắn. Bắt đầu từ Thông tư số 155/2015-BTC về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp mới bắt đầu công bố thông tin về lĩnh vực này. Với thời gian ngắn, doanh nghiệp chưa có nhiều sự hiểu biết, cũng như chưa thực tế đầu tư, triển khai các hoạt động TNXH, dẫn đến thông tin công bố về TNXH không đủ tác động đến chủ nợ.

Thực tế tại các ngân hàng, người cho vay khi thực hiện các khoản cho vay doanh nghiệp sẽ dựa nhiều hơn vào việc doanh nghiệp thực hiện các dự án vay nợ có khả thi không, có khả năng trả nợ và lãi đúng hạn không, có tài sản đảm bảo cho khoản vay không hơn là dựa vào các thông tin công bố của doanh nghiệp về TNXH.

Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra hàm ý về mặt chính sách trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện TNXH từ phía ngân hàng, triển khai các gói tín dụng xanh để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện các hoạt động TNXH nhằm tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản nợ vay, với chi phí ưu đãi hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dhaliwal, D. et al. (2014). Corporate social responsibility disclosure and the cost of equity capital: The roles of stakeholder orientation and financial transparency. Journal of Accounting and Public Policy, 33(4), 328–355. doi: 10.1016/j.jaccpubpol.2014.04.006.
  2. El Ghoul, S. et al. (2011). Does corporate social responsibility affect the cost of capital? Journal of Banking and Finance, 35(9), 2388–2406. doi: 10.1016/j.jbankfin.2011.02.007.
  3. Godfrey, P. C. (2005). The relationship between corporate philanthropy and shareholder wealth: A risk management perspective. Academy of Management Review, 30(4), 777–798. doi: 10.5465/AMR.2005.18378878.
  4. Goss, A. and Roberts, G. S. (2011). The impact of corporate social responsibility on the cost of bank loans. Journal of Banking and Finance, 35(7), 1794–1810. doi: 10.1016/j.jbankfin.2010.12.002.
  5. Jang, S. and Ardichvili, A. (2020). The role of HRD in CSR and sustainability: a content analysis of corporate responsibility reports. European Journal of Training and Development.
  6. Raimo, N. et al. (2020). Non-financial information and cost of equity capital: an empirical analysis in the food and beverage industry. British Food Journal.

 Impact of corporate social responsibility on the debt ratio of Vietnamese listed manufacturing companies

Master. Nguyen Thi Lien Huong

Thuongmai University

ABSTRACT:

This article assesses the impact of corporate social responsibility on the debt ratio of Vietnamese listed manufacturing companies. This articel analyses the data sets collected from 165 listed manufacturing companies in Vietnam from 2011 to 2019 with the use of quantitative research methods including OLS, REM and FEM models. The paper’s results show that the corporate social responsibility and the debt ratio of Vietnamese listed manufacturing companies have a negative correlation. Based on the paper’s findings, some recommendations for state management agencies and companies are proposed.

Keywords: social responsibility, capital structure, manufacturing sector.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5, tháng 3 năm 2021]