Tác động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đến cam kết gắn bó với tổ chức của nhân viên tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Khảo sát trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

HUỲNH THỊ MỸ LINH (Trường Đại học Ngoại thương - Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu về tác động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đến cam kết gắn bó với tổ chức của nhân viên tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu sẽ mang lại giá trị thiết thực cho các SMEs trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng như cả nước trong việc vận dụng việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để quản trị tốt nguồn nhân lực trong tổ chức của mình.

Từ khóa: trách nhiệm xã hội, gắn bó với tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là đề tài được bắt đầu nghiên cứu trên thế giới từ những năm 1950s. Trong những năm gần đây, CSR đã trở thành một chủ đề quan trọng đối với các nhà nghiên cứu và cũng như là các doanh nghiệp (Grlek, Dzgn, & Meydan Uygur, 2017; Levy & Park, 2011).

Ở Việt Nam, số lượng đề tài nghiên cứu về CSR cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa CSR đến cam kết gắn bó với tổ chức (CKGBTC) của nhân viên tại các  SMEs. Một trong những vấn đề khó khăn của SMEs ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác là mức độ biến động về lao động cao, khó có thể cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như tại các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong quyết định sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp, bởi nó tác động trực tiếp đến hoạt động thiết lập và thực thi chiến lược kinh doanh của tổ chức. Đối với SMEs, sự CKGBTC nhân viên được coi là một trong những vấn đề quản lý khó khăn nhất, vì sự gắn bó của họ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của doanh nghiệp. Do đó, việc nghiên cứu về tác động của CSR đến CKGBTC của nhân viên tại SMEs trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là hoàn toàn cần thiết. Kết quả của nghiên cứu sẽ mang lại giá trị thiết thực cho các SMEs trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, cũng như cả nước trong việc vận dụng việc thực hiện CSR để quản trị tốt nguồn nhân lực trong tổ chức của mình.

2. Mô hình nghiên cứu đề xuất và các giả thuyết nghiên cứu

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Tác giả

Giả thuyết nghiên cứu:

H1.1.a: Cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với các bên liên quan đến xã hội và phi xã hội tác động tích cực đến CKGBTC.

H1.1.b: Cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với các bên liên quan đến xã hội và phi xã hội tác động tích cực đến CNTHTC.

H1.2.a: Cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với nhân viên tác động tích cực đến CKGBTC.

H1.2.b: Cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với nhân viên tác động tích cực đến CNTHTC.

H1.3.a: Cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với khách hàng tác động tích cực đến CKGBTC.

H1.3.b: Cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với khách hàng tác động tích cực đến CNTHTC.

H1.4.a: Cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với chính phủ tác động tích cực đến CKGBTC.

H1.4.b: Cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với chính phủ tác động tích cực đến CNTHTC.

H2a: CNTHTC là yếu tố trung gian trong mối quan hệ từ cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với các bên liên quan đến xã hội và phi xã hội đến CKGBTC.

H2b: CNTHTC là yếu tố trung gian trong mối quan hệ từ cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với nhân viên đến CKGBTC.

H2c: CNTHTC là yếu tố trung gian trong mối quan hệ từ cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với khách hàng đến CKGBTC.

H2d: CNTHTC là yếu tố trung gian trong mối quan hệ từ cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với chính phủ đến CKGBTC.

H3: CNTHTC có tác động tích cực đến CKGBTC.

3. Phương pháp nghiên cứu

Trước tiên, tác giả tiến hành nghiên cứu định tính bằng phương pháp phỏng vấn chuyên gia để hiệu chỉnh thang đo và bảng hỏi cho phù hợp với vấn đề đối tượng nghiên cứu, đảm bảo độ tin cậy của thang đo và câu trả lời của người tham gia khảo sát. Sau khi hoàn thiện thang đo và bảng hỏi, tác giả tiến hành nghiên cứu chính thức bằng phương pháp khảo sát trực tuyến thông qua công cộng biểu mẫu Google Forms của Google và đăng tải trên nền tảng mạng xã hội Facebook và Zalo với số mẫu hợp lệ thu được cuối cùng là 254 mẫu. Tiếp đến, tác giả sử dụng phương pháp kiểm định mô hình đo lường, mô hình cấu trúc và phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính bình phương tối thiếu từng phần PLS-SEM.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả kiểm định mô hình đo lường

Kết quả kiểm định mô hình ước lượng và hệ số tải ngoài (outer loading) của các biến lần đầu cho thấy, trên các hệ số tải của biến quan sát đều trên 0.7, có 2 thang đo CSR31 và OC3 lần lượt có hệ số tải ngoài nhỏ hơn 0.6 nên bị loại. Sau khi loại bỏ 2 biến trên, mô hình được chạy lại để cho ra kết quả chính thức.

Kết quả kiểm định độ tin cậy nhất quán bên trong của các nhân tố và giá trị hội tụ cho thấy, các thang đo của khái niệm đều đạt yêu cầu về độ tin cậy và giá trị hội tụ. Cụ thể, các thang đo đều có hệ số tin cậy tổng hợp CR từ 0,868 - 0,969 cao hơn ngưỡng 0,7 và tổng phương sai trích AVE từ 0,708 - 0,912 lớn hơn nhiều so với ngưỡng chấp nhận 0,5.

Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy nhất quán bên trong và giá trị hội tụ (CA, CR, AVE)

Kết quả kiểm định độ tin cậy nhất quán bên trong và giá trị hội tụ

Nguồn: Tác giả tổng hợp kết quả xử lý qua SMARTPLS

Kiểm định kết quả chỉ số giá trị phân biệt (Discriminant Validity) cho thấy, tính phân biệt của thang đo rất tốt, có nghĩa tất cả các giá trị HTMT đều nhỏ hơn nhiều so với ngưỡng 0,85. Như vậy, các nhân tố đều đạt yêu cầu về giá trị phân biệt.

4.2. Kết quả kiểm định mô hình cấu trúc

Kết quả kiểm định về giả định vi phạm đa cộng tuyến cho thấy, giá trị của hệ số lạm phát phương sai (VIF) của tất cả các cấu trúc đều nằm trong khoảng chấp nhận (VIF = 1,197 - 3,295 < 5) dưới ngưỡng 5. Do đó, sự liên kết giữa các nhân tố dự đoán không vi phạm giả định về đa cộng tuyến nên mô hình không vi phạm hiện tượng này (Hair và cộng sự, 2014).

Bảng 2. Kết quả kiểm định về giả định vi phạm đa cộng tuyến

Kết quả kiểm định về giả định vi phạm đa cộng tuyến

Nguồn: Tác giả tổng hợp kết quả xử lý qua SMARTPLS

Kết quả kiểm định bootstrapping cho thấy, đa phần các mối quan hệ giả thuyết đều được hỗ trợ, ngoại trừ mối quan hệ CSR3 → OC và mối quan hệ CSR4 → OC. Do 2 mối quan hệ này có giá trị P values lần lượt là 0,146 và 0,365 lớn hơn ngưỡng chấp nhận 0,05.

Kết quả kiểm định sự phù hợp của mô hình cho thấy, giá trị R2 hiệu chỉnh của mô hình cam kết với tổ chức OC là 0,704 và giá trị R2 hiệu chỉnh của mô hình CNTHTC - POPA là 0,656, đạt tiêu chuẩn thống kê về sự phù hợp của mô hình. Thông qua kết quả R2 phân tích mức độ tác động của CSR đến CKGBTC tại các SMEs trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, các khía cạnh của CSR: CSR với các bên liên quan xã hội và phi xã hội, CSR với nhân viên, CSR với khách hàng, CSR với Chính phủ tham gia giải thích được 70,4% sự biến thiên mức độ CKGBTC của nhân viên tại mức ý nghĩa thống kê 5%. Chỉ số xác định này đánh giá mức độ ảnh hưởng tổng thể của mô hình cấu trúc (David Garson, 2016). Giá trị R2 lớn hơn 0,50 và nhỏ hơn 0,75 cho thấy giá trị vừa phải.

Bảng 3. Kết quả kiểm định giá trị R2

Kết quả kiểm định giá trị R2

Nguồn: Tác giả tổng hợp kết quả xử lý qua SMARTPLS

Kiểm định mức độ ảnh hưởng giữa các biến theo từng cấu trúc mô hình cho thấy, kích thước ảnh hưởng f2 đối với tác động của CSR với các bên liên quan xã hội và phi xã hội → CKGBTC của nhân viên nhỏ (0,047); đối với CSR với nhân viên → CKGBT của nhân viên thì f2 tương đối nhỏ là 0,077; đối với CSR với khách hàng → CKGBTC của nhân viên và CSR với Chính phủ → CKGBTC của nhân viên, thì f2 gần như không đáng kể với hệ số lần lượt là 0,008 và 0,005; khác với các khía cạnh của CSR, kích thước ảnh hưởng f2 lên ảnh hưởng của CNTHTC lên CKGBTC khá lớn là 0,281. Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy, tất cả 4 khía cạnh của CSR đều có mức độ ảnh hưởng đến CNTHTC với mức f2 tương đối dao động từ 0,031 - 0,347. Trong đó, ảnh hưởng của CSR với nhân viên đến CNTHTC có f2 khá lớn là 0,347. Dựa vào các giá trị trên, có thể kết luận mô hình được sử dụng thêm để dự đoán biến tiềm ẩn nội sinh - CKGBTC.

Bảng 4. Kết quả giá trị f2 và mức độ ảnh hưởng

Kết quả giá trị f2 và mức độ ảnh hưởng

Nguồn: Tác giả tổng hợp kết quả xử lý qua SMARTPLS

4.3. Kết quả kiểm định giả thuyết

Kết quả kiểm định giả thuyết cho thấy, ngoại trừ 2 mối quan hệ của CSR với khách hàng đối với CKGBTC (H1.3a có giá trị p = 0,146 > 0,05, giá trị t = 1,457 < 2) và CSR với Chính phủ với CKGBTC (H1.4a có giá trị p = 0,365 > 0,05, giá trị t = 0,906 < 2) là không được chấp nhận vì 2 mối quan hệ này không có ý nghĩa thống kê. Tất cả những mối quan hệ được giả định còn lại đều có ý nghĩa, điều này nhấn mạnh sự phù hợp của mô hình đề xuất. H1.1.a cho thấy, Cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với các bên liên quan đến xã hội và phi xã hội tác động tích cực đến CKGBTC và được chấp nhận có hệ số tác động β = 0,163, giá trị p = 0,002; H1.2.a khẳng định: Cảm nhận của nhân viên về hoạt động CSR đối với nhân viên có tác động tích cực đến CKGBTC và được ủng hộ cao với hệ số β = 0,271;  p = 0,000.

Đối với các giả thuyết về các mối quan hệ của các khía cạnh của CSR với CNTHTC đều được ủng hộ. So sánh mức độ tác động của khía cạnh của CSR lên biến phụ thuộc CNTHTC theo thứ tự giảm dần, ta thấy: H1.2.b với hệ số tác động β = 0,536; p = 0,000, tiếp theo là CSR với Chính phủ (H1.4.b: β = 0,171; p = 0,002), CSR với các bên liên quan đến xã hội và phi xã hội (H1.1.b: β = 0,157; p = 0,004) và cuối cùng là CSR với khách hàng (H.1.3.b: β = -0,112;  p = 0,014).

Đối với các giả thuyết về mối quan hệ các khía cạnh của CSR lên biến phụ thuộc CKGBTC thông qua yếu tố trung gian CNTHTC đều được chấp nhận. 4 khía cạnh của CSR đều ảnh hưởng gián tiếp đến CKGBTC của nhân viên với mức tác động từ cao đến thấp. Cụ thể như sau: CSR với nhân viên → CNTHTC → CKGBTC có hệ số tác động cao nhất với β = 0,263, p = 0,000; kế đến là mối quan hệ CSR với Chính phủ → CNTHTC → CKGBTC (β = 0,084; p = 0,005); tiếp theo là mối quan hệ CSR với các bên liên quan xã hội và phi xã hội → CNTHTC → CKGBT (β = 0,077; p = 0,010); cuối cùng là mối quan hệ CSR với khách hàng → CNTHTC → CKGBTC (β = - 0,055; p = 0,023).

Đồng thời, kết quả kiểm định giả thuyết cũng cho thấy giả thuyết H3 hoàn toàn được ủng hộ với hệ số tác động khá cao β = 0,157, giá trị p = 0,000, giá trị kiểm định t = 6,406 so với ngưỡng chấp nhận là t = 2.

Tóm lại, từ kết quả kiểm định giả thuyết cho thấy các giả thuyết nghiên cứu đưa ra đều được chấp nhận ở độ tin cậy 95% và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, ngoại trừ 2 giả thuyết H1.3.a và H1.4.a. Điều này thể hiện: CSR với các bên liên quan xã hội và phi xã hội, CSR với nhân viên, CSR với khách hàng, CSR với Chính phủ đều có tác động đến CNTHTC. Và CNTHTC tác động tích cực đến CKGBTC của nhân viên. Tuy nhiên trong đó, sự tác động của CSR với khách hàng đến CNTHTC là mối tác động ngược chiều (β =

-0,112); đồng thời tác động của CSR với khách hàng  → CNTHTC → CKGBTC (β = - 0,055) cũng là ngược chiều. Bên cạnh đó, kết quả phân tích cũng cho thấy 4 khía cạnh của CSR đều có tác động trực tiếp đến CKGBTC. Tuy nhiên trong đó chỉ có 2 khía cạnh: CSR với các bên liên quan xã hội và phi xã hội, CSR với nhân viên là có tác động tích cực trực tiếp đến CKGBTC và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Còn lại, CSR với khách hàng và CSR với Chính phủ lại có tác động trực tiếp ngược chiều đến CKGBTC và có giá trị p > 0,05 nên 2 sự tác động này không có ý nghĩa thống kê trong nghiên cứu này.

5. Kết luận

Từ những đánh giá, phân tích, thảo luận về kết quả nghiên cứu, bài viết đưa ra kết luận và một số hàm ý cho các Nhà quản trị của các SMEs trong việc nâng cao thực hiện CSR nhằm nâng cao tính CKGBT của nhân viên như sau:

Giả thuyết H1.1.a và H2.a được ủng hộ cho thấy, nhân viên tại SMEs trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cảm nhận được CSR với các bên liên quan xã hội và phi xã hội đối với xã hội, môi trường tự nhiên, thế hệ tương lai và các tổ chức phi chính phủ có tác động tích cực đến CKGBTC của nhân viên. Đồng thời, CSR với các bên liên quan xã hội và phi xã hội tác động tích cực đến CNTHTC, theo sau đó là CNGBTC. Kết quả này đưa ra hàm ý quản trị: Việc thực hiện các hoạt động CSR bằng cách thức thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và bảo vệ chất lượng môi trường, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, đầu tư vào các chiến dịch và dự án thúc đẩy phúc lợi của xã hội, nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững và tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai sẽ làm cho nhân viên cảm thấy tự hào về tổ chức và làm nâng cao tính CKGBTC của nhân viên tại SMEs.

Giả thuyết H1.2.a và H2.b được chấp nhận, với kết quả kiểm định giả thuyết này ở trên có thể khẳng định CSR đối với nhân viên có tác động tích cực lớn nhất đến CKGBTC của nhân viên, đồng thời cũng tác động tích cực đến CNTHTC, từ đó tác động đến CKGBTC của nhân viên. Điều này cho thấy, SMEs cần quan tâm đến việc thực hiện các chính sách, chế độ của doanh nghiệp đáp ứng tốt điều kiện sống của nhân viên; quan tâm đến nguyện vọng mong muốn của nhân viên; chính sách đào tạo phát triển kỹ năng, nghề nghiệp cho nhân viên; tạo sự công bằng trong công việc và cân bằng giữa đời sống và công việc cho nhân viên; quan tâm đến nhân viên và người thân trong gia đình của nhân viên… Việc này sẽ làm cho nhân viên cảm nhận được sự tự hào về tổ chức của mình, từ đó càng có tính cam kết gắn bó hơn với doanh nghiệp.

Kết quả nghiên cứu khẳng định CSR đối với các bên liên quan xã hội và phi xã hội, đối với nhân viên và đối với Chính phủ có tác động tích cực đến CNTHTC của nhân viên; và CNTHTC của nhân viên lại có ảnh hưởng tích cực lớn đến CKGBTC của nhân viên tại SMEs. Khi nhân viên cảm nhận tốt về các hoạt động CSR, họ sẽ cảm thấy tự hào nhiều hơn về tổ chức của mình và ngày càng nâng cao tính CKGBTC.

Vì vậy, các nhà quản trị SMEs cần quan tâm và có thể triển khai một số giải pháp:

- Xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện CSR một cách đầy đủ và chuẩn mực;

- Xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện các hoạt động CSR đối với các bên liên quan xã hội và phi xã hội, đối với nhân viên và đối với Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên về sự tự hào đối với tổ chức;

- Xây dựng chính sách tổ chức, đặc biệt là các chính sách đối với nhân viên nhằm nâng cao CKGBTC của nhân viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Turker, D. (2009). How corporate social responsibility influences organizational commitment. Journal of Business ethics, 89(2), 189-204.
  2. Farooq, O., Payaud, M., Merunka, D. and Valette-Florence, P. (2014). The impact of corporate social responsibility on organizational commitment: Exploring multiple mediation mechanisms. Journal of Business Ethics, 125(4), 563-580.
  3. Brammer, S., Millington, A. and Rayton, B. (2007). The contribution of corporate social responsibility to organizational commitment. The International Journal of Human Resource Management, 18(10), 1701-1719.
  4. Ali, I., Rehman, K.U., Ali, S.I., Yousaf, J. and Zia, M. (2010). Corporate social responsibility influences, employee commitment and organizational performance. African journal of Business management, 4(13), 2796-2801.
  5. Greening, D.W. and Turban, D.B. (2000). Corporate social performance as a competitive advantage in attracting a quality workforce. Business & society, 39(3), 254-280.
  6. Albinger, H.S. and Freeman, S.J. (2000). Corporate social performance and attractiveness as an employer to different job seeking populations. Journal of Business Ethics, 28(3), 243-253.
  7. Hofman, P.S. and Newman, A. (2014). The impact of perceived corporate social responsibility on organizational commitment and the moderating role of collectivism and masculinity: Evidence from China. The International Journal of Human Resource Management, 25(5), 631-652.
  8. Peterson, D. K. (2004). The Relationship Between Perceptions of Corporate Citizenship and Organizational Commitment. Business & Society, 43(3), 296-319.

IMPACTS OF THE CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY

 ON THE ORGANIZATIONAL COMMITMENT OF EMPLOYEES

 AT SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES:

SURVEYING SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES

IN HO CHI MINH CITY

• HUYNH THI MY LINH

Foreign Trade University - Ho Chi Minh City Campus 

ABSTRACT:

This study investigates the impact of the corporate social responsibility on the organizational commitment of employees at small and medium-sized enterprises (SMEs) in Ho Chi Minh City. This study’s results are expected to help SMEs in Ho Chi Minh City in particular and across the country in general to use their corporate social responsibilities to better manage their human resources.

Keywords: social responsibility, organizational commitment, small and medium-sized enterprises, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]