bo truong
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh tham quan khu vực tiếp nhận năng lượng gió tại trụ tua-bin điện gió Bạc Liêu

Điện gió, điện mặt trời xuất hiện đúng lúc

Thời gian gần đây, mỗi năm Bộ Công Thương có hàng chục cuộc làm việc với các địa phương, tổ chức quốc tế và đối tác nước ngoài về phát triển năng lượng tái tạo. Nhìn lại lịch trình công tác, chúng ta cũng có thể cảm nhận phần nào nhịp độ khẩn trương, quy mô các nội dung và tính đa dạng của sự hợp tác ngày càng được đẩy lên cao.

Ngày 9/4/2016,Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới, gần 1 tuần sau đó, ngày 15/4, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Cao Quốc Hưngđã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động hỗ trợ Thừa Thiên Huếphát triển kinh tế sao cho hiệu quả, bền vững, trong đó có hỗ trợlập quy hoạch năng lượng tái tạo. Đây là sự khởi đầu cho hàng loạt cuộc làm việc với các địa phương và các tổ chức quốc tế với cùng chủ đề: Phát triển năng lượng tái tạo.

Tại buổi làm việc nói trên với lãnh đạo Thừa Thiên Huế, khi yêu cầu Tổng cục Năng lượng (nay là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo)chủ động hỗ trợ tỉnh lập quy hoạch năng lượng tái tạo, Bộ trưởng đã đưa ra cảnh báo, mặc dù mức dự phòng nguồn vẫn còn gần 20% nhưng nếu chỉ trông chờ vào nguồn điện truyền thống sẽ đến lúc gặp khó trong đáp ứng nhu cầu, nhất là khu vực miền Nam.

Cảnh báo “sẽ đến lúc gặp khó” đã xuất hiện từ mùa hè năm ngoái khiviệc huy động nguồn điện, đặc biệt là nguồn tại chỗcho miền Nam phải “đong đo” từng MW trong bối cảnh nắng nóng, công suất đỉnh đạt mức kỷ lục 35.110 MW vào những ngày đầu tháng 7 năm 2018. Một chuyên gia ngành điện cho biết, công suất của hệ thống điện xấp xỉ 45 ngàn MW, nhưng thực tế (công suất khả dụng) chỉhuy động đến trên 35.000 MW mà “lưới điện đã rung lên bần bật”.

Mùa hè năm nay, việc huy động nguồn điện truyền thống còn khó khăn hơn, nhất là nguồn tại chỗ cung ứng cho miền Nam. Nguồn khí của Nam Côn Sơn cung cấp cho các nhà máy điện bình quân khoảng 22 triệu m3 thì năm nay tối đa là 19 triệu m3/ngày; nguồn khí PM3 (Cà Mau) các năm trước thường ở mức 4,8 triệu m3/ngày, nay chỉ khoảng 4,1 - 4,4/ triệu m3/ngày. Với thủy điện, nguồn từ miền Trung, miền Nam chỉ huy độngđược 2 tỉ kWh, đủ cho khu vực này dùng trong 2 tuần.

Thật may, công suất nguồn điện đã có sự tiếp sức của gần 100 nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió đấu lưới tính đến 30/6 (tổng công suất lên đến 3.300 MW) nên việc thiếu nguồn điện tại chỗ của miền Nam đã được giải quyết một phần. Xét về nguồn huy động thêm, theo kế hoạch vận hành điện năm 2019, trong số gần 4.300 MWđưa vào hệ thống điện trong năm nay, điện mặt trời đóng góp 1.700 MW, và điện gió 197 MW. Nghĩa là năng lượng tái tạo đã đóng góp tới 44%.Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2020, dự kiến cấp phép 8.000MW năng lượng tái tạo. Đến nay, Chính phủ và Bộ Công Thương đã cấp phép cho 121 dự án với công suất đăng ký hơn 10.000MW, vượt xa so với công suất dự kiến trong sơ đồ điện VII sửa đổi; và hiện vẫn còn khoảng 220 dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch.

nang luong tai tao

Kỷ lục của những kỷ lục

Tốc độ đóng điện của các nhà máy điện mặt trời, điện gió trong những tháng gần đây có thể coi là một kỷ lục trong lịch sử ngành điện nước ta. Giữa tháng 4/2019mới có 4 nhà máy điện mặt trời thì hết tháng 5, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã đóng điện 34 nhà máy. Theo kế hoạch, đến ngày 30/6, A0 sẽ tiếp tục đóng điện 54 dự án còn lại. Tính ra trong vòng 11 tuần, A0 đóng điện 84 nhà máy, tức mỗi tuần gần 8 nhà máy!

Tốc độ đóng điện lịch sử đã sinh ra hàng loạt các kỷ lục rất vui và rất thực, thuộc loại có một không hai:

- Mỗi ngày, A0 phải tiếp nhận, trao đổi khoảng 5.000 - 6.000 tin nhắn với các chủ đầu tư nhà máy điện, liên tục từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm;

- Năm 2018 Trung tâm Điều độ điện miền Nam (A2) đóng điện cho 21 trạm, dự án, nhưng vừa qua, có đêm liên tục đóng điện cho 3 dự án khiến A2 gần như quá tải;

- A0 chia 3 ca và 5 kíp mỗi ngày vẫn không đủ nhân lực;

- Ngoài việc điều chuyển tạm thời các nhân sự ở các bộ phận phía Bắc vào miền Nam và miền Trung thì A0 phải ký một số hợp đồng ngắn hạn với các cán bộnghỉ hưu tăng cường nhân sự cho A0 và A2;

- A0 phải triệu hồi một số cán bộ đang được cử đi đào tạo nước ngoài về…

Những kỷ lục này xuất phát từ những chuyến đi thực tế địa phương của đoàn công tác Bộ Công Thương. Kết quả của những chuyến đi này là tham mưu, trình Thủ tướng ban hành Quyết định 11 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời; Quyết định số 39 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió; ban hành Thông tư số 16 quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời; Thông tư 02 về phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.

Các văn bản nói trên không chỉ ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo về huy động vốn, thuế (với thiết bị, vật tư nhập khẩu), thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, giá bán điện… mà còn phân cấp cho UBND cấp tỉnh được lập quy hoạch điện; tạo ra sự chủ động của địa phương. Chưa đầy 2 năm, Bình Phước quy hoạch trên 30 dự án điện mặt trời; Ninh Thuận quy hoạch 29 dự án điện mặt trời, 12 dự án điện gió; Đăk Lăk có hơn 30 dự án điện mặt trời, điện gió…

Thêm ngành công nghiệp mới?

Tháng 4/2019, trong chuyến làm việc với tỉnh Bình Phước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Công nghiệp rà soát phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, đón các dòng đầu tư vào điện tử, dệt may, da giày… và ngành công nghiệp mới như chế tạo thiết bị cho năng lượng tái tạo; yêu cầu Cục XNK đưa vào chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Bộ Năng lượng CHLB Đức trong hợp tác chuyển giao công nghệ của Siemens trong chế tạo thiết bị cho năng lượng tái tạo.

Điều này không có gì quá xa vời. Trên thực tế, từ năm 2018, Viện nghiên cứu Cơ khí đã sản xuất một số thiết bị cho nhà máy điện mặt trời nổi như hệ thống phao nổi, hệ thống neo, vật liệu chế tạo phao nổi, các tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra độ bền cơ lý hoá…

Hơn thế nữa, Việt Nam cũng nhận được nhiều sự hợp tác quốc tế. Tháng 3 năm 2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Công nghiệp UAE. Hai bên thống nhất hợp tác nghiên cứu phát triển sản xuất tuốc-bin năng lượng gió, pin mặt trời... Tháng 5/2019, Tập đoàn Scatec Solar của Na Uy không chỉ ký với đối tác Việt Nam xây dựng 3 nhà máy điện mặt trời mà còn muốn xây dựng phòng thí nghiệm giúp Việt Nam chuyển giao, tiến đến xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo ra khu vực.Tháng 4/2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùngTập đoàn Siemens - nhà sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới - ký Thoả thuận khung về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng. Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp cận công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực và thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp mới: chế tạo thiết bị cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo.

Lịch trình làm việc dồn dập của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương với các địa phương, tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài về cùng một chủ đề năng lượng tái tạo không chỉ cho thấy tính cấp bách của an ninh năng lượng mà còn phản ánh sự thay đổi căn bản trong tiếp cận với các nguồn năng lượng mới, thân thiện với môi trường.