Tầm nhìn xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Tầm nhìn xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia của ThS. QUÁCH VĂN TOÀN (Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Kiên Giang)

TÓM TẮT:

Ngày nay, kinh tế biển chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế quốc dân và trở thành ngành mũi nhọn mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia. Nghiên cứu này phân tích thực trạng hoạt động kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua. Trên cơ sở quan điểm, định hướng tầm nhìn và đề xuất các giải pháp để xây dựng Kiên Giang phát triển thành trung tâm kinh tế biển của Việt Nam. 

Từ khóa: tầm nhìn, xây dựng, tỉnh Kiên Giang, kinh tế biển, quốc gia.

1. Đặt vấn đề

Thế kỷ XXI được đánh giá là “Thế kỷ của đại dương” (Baiqiong Liu và cộng sự, 2021). Các quốc gia có biển đã và đang xây dựng cho mình một chiến lược biển quốc gia với nhiều tham vọng. Năm 2000, Vương quốc Anh đã đề xuất chiến lược phát triển công nghệ biển trong 5 - 10 năm tới nhằm sử dụng bền vững tài nguyên biển và bảo vệ môi trường sinh thái. Tháng 9/2004, Ủy ban chính sách đại dương của Hoa Kỳ đã đệ trình “Kế hoạch chi tiết về đại dương thế kỷ 21”, nhấn mạnh việc sử dụng bền vững tài nguyên biển. Năm 2005, Ủy ban vùng biển của Nhật Bản đã ban hành "Khuyến nghị về chính sách biển và đại dương thế kỷ 21". Ngoài ra, Ấn Độ, Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã đưa ra các chiến lược phát triển biển và phấn đấu trở thành một trong những cường quốc biển lớn nhất thế giới (Song và cộng sự, 2020).

Thời gian qua, có nhiều tài liệu ở trong và ngoài nước nghiên cứu về kinh tế biển. Các nghiên cứu nước ngoài tập trung xem xét về mô hình tăng trưởng kinh tế biển của Trung Quốc (Ren Wenhan và cộng sự, 2018), tăng trưởng kinh tế biển và đổi mới công nghệ xử lý ô nhiễm biển (Shao Qinglong, 2020), đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế biển (Baiqiong Liu và cộng sự, 2021), bảo vệ môi trường sinh thái biển và phát triển kinh tế bền vững (Quian, 2023). Các tài liệu trong nước nghiên cứu về phát triển kinh tế biển Việt Nam - tiềm năng và thách thức (Hoàng Văn Khải, 2020), phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam dựa trên nền tảng kinh tế biển xanh (Nguyễn Đình Đáp và Đoàn Thị Hồng Hạnh, 2021), phát triển kinh tế biển xanh - cơ hội, thách thức và bài học cho Việt Nam (Bùi Thị Thủy và cộng sự, 2022). Nhìn chung, ở Việt Nam thời gian qua rất ít nghiên cứu về xây dựng trung tâm kinh tế biển quốc gia. Do vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp để xây dựng Kiên Giang phát triển thành trung tâm kinh tế biển của Việt Nam. 

2. Thực trạng kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Kinh tế biển (marine economics) được hiểu là hoạt động của ngành công nghiệp biển, liên quan đến các lĩnh vực khai thác, sử dụng và bảo vệ biển (Baiqiong Liu và cộng sự, 2021).

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo. Kinh tế biển là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành ở Việt Nam có biển, với hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Vùng biển Kiên Giang có diện tích 63.300 km2, bờ biển dài khoảng 200 km với hơn 140 đảo lớn, nhỏ tạo thành 05 quần đảo, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc. Nằm trong vịnh Thái Lan, Kiên Giang có điều kiện giao thương với các nước Đông Nam Á. Hiện nay Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện. Với vị trí, điều kiện tự nhiên đặc thù đã tạo cho Kiên Giang nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế biển, đảo.

Thời gian qua, kinh tế biển của Kiên Giang có bước phát triển khá toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 80% GRDP toàn tỉnh. Một số ngành kinh tế biển được xác định ưu tiên có bước phát triển mạnh như du lịch biển, đảo; khai thác và chế biến hải sản; phát triển các khu kinh tế ven biển; hệ thống giao thông của các địa phương ven biển (đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, cảng cá,...) đều được phát triển.

Tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đã triển khai đề án “Phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững đến năm 2030” và dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển trên địa bàn tỉnh”. Sắp xếp lại đội tàu cá nhằm hướng tới đánh bắt ở vùng lộng và vùng khơi, hạn chế khai thác gần bờ, góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản. Sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt 585.000 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác của cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng đồng bằng sông Cửu Long.Nuôi trồng thủy sản vùng ven biển phát triển khá nhanh và đa dạng. Diện tích nuôi trồng liên tục gia tăng (năm 2016 có 221.584 ha, đến năm 2020 là 270.590 ha). Hoạt động chế biến xuất khẩu thủy sản ngày càng tập trung theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 88 cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản với công nghệ sản xuất hiện đại, tổng công suất khoảng 250.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 700 triệu USD, tăng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là 11,88%/năm.

Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế biển ở Kiên Giang thời gian qua là tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống nhân dân. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã huy động hơn 111.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển vùng biển -  đảo; giai đoạn 2016 - 2020 huy động 140.000 tỷ đồng, chiếm 80% nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh (trong đó, nguồn vốn ngân sách chiếm 30% tổng vốn đầu tư). Nhiều dự án, công trình lớn đã được triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng, như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; cầu Cái Lớn - Cái Bé; lưới điện quốc gia đến các đảo Phú Quốc, Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải; đưa vào sử dụng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão Lình Huỳnh, Hòn Tre, Thổ Châu, An Thới, Xẻo Nhàu, đê chắn sóng Dương Đông, hệ thống cấp điện, nước các xã ven biển; đầu tư các tuyến đường ven biển và hệ thống đường giao thông trên các đảo Phú Quốc, Hòn Nghệ, Lại Sơn, Hòn Tre, Nam Du, An Sơn; hệ thống trường học, trạm y tế cho các xã ven biển và hải đảo,... Đặc biệt, huyện đảo Phú Quốc (nay là Thành phố Phú Quốc) được quan tâm đầu tư với nhiều dự án, công trình quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng Bãi Vòng, cảng An Thới, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước,... Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo điểm nhấn cho du lịch Phú Quốc, như khu Vinpearl, khu Safari, cáp treo An Thới - Hòn Thơm, khu vui chơi giải trí hàng đầu Đông Nam Á - Phú Quốc United Center (thành phố không ngủ), khu VinWonders Phú Quốc - Thiên đường vui chơi giải trí, Vinpearland, casino,... Nhờ đó, du lịch biển Kiên Giang những năm gần đây có bước phát triển khá mạnh, tổng lượng khách du lịch từ 2015 đến nay đạt 40,8 triệu lượt với tổng doanh thu trên 70.000 tỷ đồng.

Kiên Giang cũng đã hoàn thành nhiều công trình thủy lợi vùng ven biển phục vụ nuôi trồng thủy sản; các công trình gia cố đê biển; đầu tư phát triển hệ thống điện, nước, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện vùng ven biển, hải đảo đến nay đạt 99,1%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 81%; xây dựng 08 dự án mang tính cấp thiết ứng phó với biển đổi khí hậu, như nâng cấp đê biển từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa (An Minh), khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, quản lý tổng hợp vùng bờ,...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được nói trên, hoạt động kinh tế biển của Kiên Giang còn những mặt hạn chế như sau:

- Kinh tế biển tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, giá trị khai thác và nuôi trồng thủy sản tuy có tăng trưởng nhưng chưa bảo đảm tính ổn định và bền vững. Nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo chưa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế biển của tỉnh; nguồn lợi ven biển còn lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả; ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thủy sản chưa nhiều; kết cấu hạ tầng du lịch biển, đảo còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa cao, sản phẩm du lịch nhìn chung còn đơn điệu, chưa thật hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

- Sự chuyển biến trong nhận thức về phát triển kinh tế biển ở một số bộ phận, cán bộ, đảng viên còn chậm; tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa được phát huy. Quản lý và điều hành thực hiện phát triển kinh tế biển có mặt chưa được quan tâm đúng mức, các nguồn vốn đầu tư các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được bảo đảm. Các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước chưa phát huy hiệu quả đồng bộ.

- Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thiếu đồng bộ để khai thác hiệu quả, nhất là các trục giao thông ven biển nội vùng, cảng nước sâu, dịch vụ logistics, hệ thống hạ tầng cảng biển, sân bay. Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo có mặt chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Nguy cơ ô nhiễm môi trường là một vấn đề thách thức, tình trạng chất thải từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ có nguy cơ bị ô nhiễm nặng. Các phương thức quản lý biển tiên tiến chưa được nghiên cứu áp dụng, như quản lý không gian biển, quy hoạch sử dụng biển. Các mô hình sản xuất, các ngành, nghề khai thác tiềm năng biển còn nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết cao.

3. Quan điểm xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo đó, phát triển mạnh kinh tế biển, chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

4. Tầm nhìn xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh, mang tầm quốc tế. Thực hiện thí điểm lập quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị cho thành phố Phú Quốc gắn với các trung tâm kinh tế biển theo phương pháp quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị mới với sự hỗ trợ của quốc tế. Xây dựng mô hình đô thị có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu và bền vững theo Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc hợp tác quốc tế, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

Thực hiện thí điểm dự án quy hoạch, chương trình ưu tiên trọng điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện các dự án nâng cấp và phát triển đô thị tại các đô thị được cảnh báo rủi ro cao bởi tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh như thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên thuộc danh mục hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn của đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 (theo Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

5. Giải pháp xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và quản lý của chính quyền các cấp trong phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Kiên Giang đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý của chính quyền trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển. Đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân, trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Hai là, tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo. Các cấp, các ngành, địa phương rà soát, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận. Tích cực phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương khẩn trương xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ trên địa bàn của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng biển và ven biển Tây Nam bộ trong xây dựng các mục tiêu, định hướng phát triển để bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bảo đảm tính liên kết vùng và giữa các địa phương.

Ba là, tập trung thực hiện các khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết của Đảng, tạo động lực phát triển kinh tế biển. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nhằm phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển; hạ tầng kỹ thuật các khu và cụm công nghiệp; hạ tầng viễn thông, điện và nước ngọt, nhất là ở địa phương có biển. Tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, chú trọng nguồn nhân lực trực tiếp trong các ngành kinh tế biển và trong cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa ở các địa phương có biển; quan tâm đào tạo nghề cho  lao động trong ngành du lịch, nuôi trồng và khai thác hải sản, ...

Bốn là, tập trung phát triển văn hóa - xã hội vùng biển, đảo và ven biển. Tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, quan tâm đời sống giáo viên, tạo điều kiện tốt để nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng biển, đảo. Quan tâm đầu tư xây dựng trường chất lượng cao ở các huyện đảo và vùng biển, đảo, nhất là trên địa bàn thành phố Phú Quốc. Tăng cường giáo dục nâng cao kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên ở tất cả các bậc học, cấp học. Tiếp tục củng cố và phát triển, mạng lưới y tế vùng biển, đảo; ưu tiên đầu tư xây dựng trạm y tế, trang thiết bị y tế và lực lượng cán bộ y tế ở các xã đảo phục vụ tốt cho việc chăm sóc, khám, chữa bệnh cho nhân dân; bảo đảm 100% số xãcó trạm y tế đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Y tế, trong đó số xã đảo đạt chuẩn về y tế từ 98,2% trở lên.

Năm là, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai. Xác định rõ các khu vực cần bảo vệ, bảo tồn, khu vực hạn chế khai thác tài nguyên khoáng sản, khu vực nuôi trồng thủy hải sản ở biển và vùng bờ, ... Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, nhất là các hệ sinh thái biển quan trọng; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển. Kiểm soát nghiêm các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao ở khu vực biển đảo theo tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật quốc gia và quốc tế; bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố ô nhiễm môi trường. Nâng cao năng lực quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển, năng lực ứng phó sự cố môi trường, hóa chất độc trên biển; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường vùng biển, đảo của tỉnh.

Sáu là, bảo đảm quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác quốc tế. Tiếp tục xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biển, đảo của tỉnh; triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, đảo. Tăng cường quản lý nhà nước trên biển, đảo, nhất là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng chức năng trên biển trong bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, an toàn vùng biển, đảo. Tích cực tuyên truyền tới ngư dân về chủ quyền biên giới biển, đảo và chấp hành những quy định của Nhà nước trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Tóm lại, Kiên Giang là địa phương có “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để phát triển kinh tế biển và hải đảo. Phát huy được những lợi thế về điều kiện tự nhiên, về sự ưu tiên phát triển của Nhà nước để đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển và hải đảo là mục tiêu hàng đầu của tỉnh trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức, rào cản trên con đường tiến ra biển, làm giàu từ biển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Thị Thủy, Hoàng Trưởng, Nguyễn Công Minh, Nguyễn Thục Anh, Trần Thị Liên, Vũ Hồng Hà (2022). Phát triển kinh tế biển xanh - Cơ hội, thách thức và bài học áp dụng cho Việt Nam. Tạp chí Môi trường.
  2. Hoàng Văn Khải (2020). Phát triển kinh tế biển Việt Nam - Tiềm năng và thách thức. Tạp chí Cộng sản.
  3. Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 16/8/2022 của Chính phủ.
  4. Nguyễn Đình Đáp và Đoàn Thị Hồng Hạnh (2021). Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam dựa trên nền tảng kinh tế biển xanh. Tạp chí Cộng sản.
  5. Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
  6. Quyết định số 438/QĐ-TTg, ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
  7. Baiqiong Liu, Min Xu, Jing Wang, Zaifeng Wang, Lin Zhao (2021). Evaluation of China's marine economic growth quality based on set pair analysis. Marine Policy, 1-9.
  8. Qian Xilu (2023). Research on the coordinated development model of marine ecological environment protection and economic sustainable development. Journal of Sea Research, 193, 102377.
  9. Ren Wenhan, Wang Qi, Ji Jianyue (2018). Research on China's marine economic growth pattern: An empirical analysis of China's eleven coastal regions. Marine Policy, 87, 158-166.
  10. Shao Qinglong (2020). Nonlinear effects of marine economic growth and technological innovation on marine pollution: Panel threshold analysis for China's 11 coastal regions. Marine Policy, 104110.
  11. Song, Y., Chen, B., Tao, R., su, chi-wei, & Umar, M. (2020). Too much or less? Financial development in Chinese marine economic growth. Regional Studies in Marine Science, 101324.

VISION TO BUILD KIEN GIANG TO BECOME

THE NATIONAL MARINE ECONOMIC CENTER

Master. QUACH VAN TOAN

Department of Natural Resources and Environment

of Kien Giang province   

ABSTRACT:

Today, the marine economy occupies an increasing proportion in the national economy and becomes a new spearhead industry in the economic development of countries. This study analyzes the current status of marine economic activities in Kien Giang province over the past time. On the basis of viewpoints, this study proposes some vision orientations and solutions to build Kien Giang to develop into the marine economic center of Vietnam.

Keywords: vision, build, Kien Giang, marine economy, nation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2023]

TCCT