Tận dụng EVFTA, doanh nghiệp điện tử tìm cơ hội trở thành “nhà cung cấp linh kiện” cho các đối tác ngay tại thị trường nội địa

Không như các ngành dệt may, da giày.., những cơ hội về thuế quan trong EVFTA không tạo nên phát triển đột phá cho ngành điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, ngành hàng này vẫn tìm thấy những cơ hội tiềm năng từ chuỗi cung ứng khi EVFTA được thực thi hiệu quả. Với góc nhìn của người trong cuộc, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với phóng viên Tạp chí Công Thương.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam

 

Phóng viên: Hiệp định thương mại tự do EVFTA đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục cuối cùng để thực thi.  Bà có thể cho biết, các doanh nghiệp điện tử đã đón nhậnHiệp định EVFTA này như thế nào?

Bà Đỗ Thị Thúy Hương:  Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp điện tử rất hưởng ứng và đặt nhiều hy vọng, đặc biệt là với các đối tác tiềm năng như Liên minh Châu Âu.  Bởi các Hiệp định này sẽ đem lại những cơ hội tốt hơn trong kinh doanh với các đối tác lớn, có nhiều kinh nghiệm.  

Với Hiệp định EVFTA, chúng tôi đã thấy rõ sự tích cực, chủ động của Bộ Công Thương trong việc đàm phán và nỗ lực trong quá trình thực thi Hiêp định. Bộ Công Thương cũng đã cũng tích cực phổ biến rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp về những cơ hội và thách thức từ EVFTA. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần thêm nữa những đánh giá dự báo chuyên sâu cho ngành điện tử để cảnh báo thách thức, cơ hội như những ngành dệt may, da giày, thuỷ sản, gỗ...

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất quan tâm đến các vấn đề sản xuất của doanh nghiệp điện tử và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn. Nhưng vẫn cần thêm sự vào cuộc đồng bộ của nhiều Bộ ngành, cơ quan khác nữa để giúp doanh nghiệp điện tử tìm hiểu tận dụng rõ hơn cơ hội từ những Hiệp định thương mại tự do này.

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam là một ngành vô cùng đặc thù. Trong khi mô hình ngành điện tử của các nước tiên tiến trên thế giới là tập trung vốn và công nghệ, ngành điện tử ở Việt Nam vừa tập trung vốn, vừa tập trung công nghệ, lại là ngành sử dụng nhiều lao động. Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam hầu như chưa có công nghệ lõi mà chủ yếu dựa vào sự tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu để cung cấp một phần linh kiện. Do đó, lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đối với các doanh nghiệp ngành điện tử trong chuỗi cung ứng hiện nay chưa nhiều, chỉ khoảng 10-30% tuỳ từng mặt hàng và lĩnh vực khác nhau, tuỳ sản phẩm. Đây sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp điện tử Việt Nam trong hội nhập.

doanh nghiệp điện tử
Thách thức lớn đối với các doanh nghiệp điện tử Việt Nam trong hội nhập là hầu như chưa có công nghệ lõi. Ảnh: Internet

 

Phóng viên: Cơ hội nào cũng đi kèm với thách thức, đó là quy luật của bất kỳ một thỏa thuận thương mại nào. Như bà nói ở trên, ngành điện tử có những đặc thù riêng trong việc thụ hưởng từ Hiệp định EVFTA. Vậy cơ hội và thách thức của ngành sẽ như thế nào, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Thúy Hương:  Khác với ngành dệt may, da giày, khi EVFTA có hiệu lực sẽ được giảm thuế mạnh cho hàng Việt Nam vào thị trường châu Âu. Còn với ngành điện tử tại thị trường này, thuế đã được giảm từ trước đó, nên việc tận dụng ưu đãi thuế quan sẽ không có nhiều đột biến.

Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực sẽ có thêm nhiều hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam, điều này sẽ mang đến cả những sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao với chất lượng vượt trội. Qua đó, các doanh nghiệp Việt sẽ có thêm cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh, thậm chí các doanh nghiệp Việt có thể trở thành đối tác cung cấp tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm thách thức. Đó là những thách thức cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa với những hàng hóa có chất lượng cao từ các nước EU.  

Khác với nông nghiệp, thuỷ sản có thể tự cấp, tự túc, ngành điện tử từ lâu đã tổ chức theo chuỗi sản xuất toàn cầu, nước này dựa vào các công đoạn sản xuất của nước kia. Doanh nghiệp điện tử Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu mà ngành điện tử thì có sự phân công vô cùng sâu sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu đó. Do đó, những cơ hội và thách thức của ngành điện tử có tính chất liên kết, xâu chuỗi, và phụ thuộc vào rất nhiều thị trường khác nữa.

Việt Nam được coi là thị trường có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào. Tuy nhiên, làm ở ngành điện tử thì lao động không dồi dào như chúng ta vẫn nghĩ, vì lao động ngành điện tử đòi hỏi phải có tay nghề cao. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp điện tử khi tuyển mới phải mất rất nhiều công đào tạo thì mới có thể bắt kịp được vào dây chuyền. Thời gian đào tạo để một người năng động thạo nghề phải mất khoảng 6 tháng đến một năm. Nhưng nếu có cơ hội họ sẽ nhảy việc rất nhanh, sự cạnh tranh lao động ngành điện tử trong khu công nghiệp rất gay gắt.  

Do vậy, doanh nghiệp điện tử Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ ở những hỗ trợ mềm như hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo người lao động. Đặc biệt, ngành điện tử rất cần được đầu tư một cách đột phá vào lĩnh vực công nghệ lõi để có thể bứt phá.

doanh nghiệp điện tử
Doanh nghiệp điện tử tìm cơ hội trở thành “nhà cung cấp linh kiện” cho các đối tác ngay tại thị trường nội địa. Ảnh: Samsung

 

Phóng viên: Là một mắt xích chặt chẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu, ắt hẳn ngành điện tử Việt Nam cũng phải luôn luôn đổi mới để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của chuỗi? Xin bà cho biết, dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã tác động thế nào đến ngành điện tử, và chúng ta đã rút ra được bài học gì từ “cuộc chiến” này.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Thực tế rõ ràng trong giai đoạn dịch bệnh dịch Covid vừa qua, một mắt xích dừng lại thì tất cả các mắt xích khác cũng dừng lại theo. Dịch bệnh đã khiến ngành công nghệ, nhất là ngành điện tử và những ngành mà tốc độ thay đổi công nghệ nhanh trở nên điêu đứng. Ngay cả đến Samsung và Apple hiện tại cũng phải hướng đến dòng điện thoại giá phù hợp, không còn quá xa xỉ như trước.

Xuất khẩu linh kiện điện tử của nước ta những tháng đầu năm chưa biến động lớn, do đó chưa ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp. Nhưng bắt đầu từ quý 2 sẽ rất ngấm và sau quý 2 còn ngấm nữa. Nguyên nhân không phải do sức sản xuất giảm, mà chính là sức tiêu dùng giảm mạnh.

Giai đoạn hậu Covid sẽ có sự chuyển dịch sản xuất cơ học của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử sang Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để trở thành các doanh nghiệp vệ tinh, cung cấp linh kiện, phụ kiện cho họ. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này cũng rất cần sự hỗ trợ. Chúng tôi mong muốn các dự án FDI trong ngành điện tử phải đáp ứng được tiêu chí mang lại hàm lượng công nghệ cao và có sức đột phá, lan toả để cuối cùng là doanh nghiệp Việt thực sự tạo được giá trị gia tăng nội địa, người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà.

Hồ Nga (thực hiện)