Tận dụng Hiệp định EVFTA thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Italia

Nhằm thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Italia, hai bên đã cùng trao đổi, thống nhất tận dụng những lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế lên tầm cao mới theo nội dung tuyên bố chung của Chủ tịch nước trong chuyến thăm Italia vào tháng 7/2023.

Triển khai tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia và kế hoạch đã được hai bên thống nhất tại Khóa họp lần thứ VII của Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam - Italia, ngày 17 - 18/10/2023, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao & Hợp tác Quốc tế Italia đã tổ chức Khóa họp lần thứ VIII, Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế tại trụ sở Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Italia.

Tận dụng EVFTA thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Italia
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân và bà Maria Tripodi, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao & Hợp tác Quốc tế Italia đồng chủ trì Khoá họp.

Tham dự khóa họp phía Việt Nam có sự tham dự của đại diện các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Công Thương; đại diện các Bộ ngành của Việt Nam và một số Hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam. Phía Italia có sự tham dự của đoàn công tác thuộc Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Italia; các Bộ, ngành liên quan và các Hiệp hội, doanh nghiệp Italia.

Tận dụng EVFTA thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Italia
Tại Khoá họp, hai bên đã cùng nhau trao đổi, nhìn nhận, đánh giá lại các nội dung hợp tác kinh tế, thương mại chính, cụ thể trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, nông nghiệp, máy móc công nghiệp, dệt may, da giày, khai thác đá...

Tại Khoá họp, hai bên đã cùng nhau trao đổi, nhìn nhận, đánh giá lại các nội dung hợp tác kinh tế, thương mại chính, cụ thể trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, nông nghiệp, máy móc công nghiệp, dệt may, da giày, khai thác đá...; đề xuất và thống nhất các kế hoạch cần thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng trở lại sau thời gian gián đoạn tăng trưởng kể từ đầu năm đến nay.

Đồng thời, tận dụng những lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Italia lên tầm cao mới theo nội dung tuyên bố chung của Chủ tịch nước trong chuyến thăm Italia vào tháng 7/2023.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam - Italia đang ngày càng được củng cố và phát triển. Phía Việt Nam ghi nhận sự quan tâm dành cho Việt Nam trong chính sách hợp tác phát triển của Cộng hoà Italia trong thời gian qua.

Tận dụng EVFTA thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Italia
Hai bên ký kết Biên bản Khóa họp lần thứ VIII, Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao & Hợp tác Quốc tế Italia

Quốc vụ khanh Mari Tripodi nhìn nhận Việt Nam đang được xem là "điểm sáng" về tăng trưởng kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài đều ở mức cao, mặc dù Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như sụt giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên toàn cầu do tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới.

Nội dung Khóa họp đã nhận được sự đóng góp ý kiến của nhiều Bộ ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thông tin truyền thông, ... và các Hiệp hội như Da giày, Vật liệu xây dựng...

Tận dụng EVFTA thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Italia
Hai bên cũng thống nhất Khoá họp lần thứ IX của Uỷ ban hỗn hợp sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2024

Kết thúc Khóa họp, hai bên đã ký kết Biên bản Khóa họp lần thứ VIII, Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao & Hợp tác Quốc tế Italia và thống nhất Khoá họp lần thứ IX của Uỷ ban hỗn hợp sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2024.

Khóa họp Ủy ban hỗn hợp năm nay là sự kiện quan trọng của hai bên nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Italia trên lĩnh vực kinh tế, thương mại.

 

Huyền My