Đoàn Thanh niên ngành Công Thương đăng ký, tham gia hiến máu, sẻ chia khó khăn với người bệnh
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tham gia hiến máu, sẻ chia khó khăn với người bệnh

Công tác dân vận luôn gắn chặt với công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền nhà nước. Làm tốt công tác dân vận ở các cơ quan nhà nước và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ mở rộng và phát huy hiệu quả quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị. Với sự quan tâm, chú trọng của Đảng, Nhà nước, công tác dân vận hiện đang có những chuyển biến quan trọng, bước đầu khắc phục được tư tưởng coi nhẹ công tác dân vận của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Các cán bộ, đảng viên đã hiểu rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận và xác định trách nhiệm cá nhân đối với công tác dân vận trong tình hình mới, từ đó đã có nhiều tiến bộ về phương thức và phong cách làm việc, về tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, về thái độ ứng xử trong giao tiếp, trao đổi, giải quyết công việc.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo chỉ đạo tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, công tác tuyên truyền, phổ biến được chú trọng

Ban cán sự đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ phối hợp cùng cấp ủy cùng cấp tổ chức quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020 là “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, xác định ý nghĩa quan trọng của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Thông qua việc quán triệt nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành về việc thực hiện Chương trình công tác dân vận gắn với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.  

Căn cứ Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự đảng và Đảng ủy Bộ tổ chức quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Đảng ủy Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 569-CT/ĐUB về tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị định số 98/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương với những nội dung trọng tâm: (1) Yêu cầu cấp ủy các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc tăng cường lãnh đạo một số nhiệm vụ trọng tâm khi Nghị định mới có nhiều bổ sung, chỉnh lý, tác động lớn đến số lượng lớn các đơn vị, nhiều cán bộ, đảng viên; (2) tập trung cho công tác kiện toàn tổ chức, cán bộ, nhanh chóng đưa cơ quan đơn vị vào hoạt động ổn định; (3) phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Nghị định mới; (4) tăng cường thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ được giao và tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy chế, quy định nội bộ, nhằm công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Hai là, đẩy mạnh các mô hình “Dân vận khéo” lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước

 Triển khai thực hiện phong trào “dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và Đảng ủy Bộ Công Thương luôn xác định công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành.

Định kỳ hàng năm, Đảng ủy Bộ yêu cầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra đánh giá hoạt động công tác dân vận; thường xuyên giám sát các nội dung và hình thức triển khai, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập. Đưa phong trào thi đua “dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước đi vào chiều sâu, thiết thực; chú trọng việc lựa chọn lĩnh vực cụ thể, trọng tâm để phát động, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua nhiều đơn vị thuộc Bộ đã xây dựng và triển khai các mô hình như: "Dân vận khéo" trong giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; "Dân vận khéo" trong chuyên mục "Trả lời kiến nghị của công dân và doanh nghiệp" trên Cổng thông tin điện tử; "Dân vận khéo" trong việc nâng cao chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính; "Dân vận khéo" trong việc tổ chức sắp xếp bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng cán bộ, công chức; "Dân vận khéo" trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân vận có trình độ, có năng lực, nhiệt tình, gương mẫu, có uy tín; "Dân vận khéo" trong việc tư vấn hướng dẫn, tuyển sinh để nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị…

Ba là, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Tổ chức tốt công tác tiếp dân, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong việc đối thoại với cán bộ, đảng viên và người lao động; lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm đơn thư, khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, không để phát sinh điểm nóng.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục thu được nhiều kết quả. Hàng năm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đều tổ chức Hội nghị cán bộ công nhân viên chức, Hội nghị người lao động để đánh giá tình hình thực hiện Quy chế dân chủ ở đơn vị. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Ngoài ra, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nhiều cơ quan, đơn vị đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm xây dựng và thực hiện gắn với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh, từ đó tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết, hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch trong sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường, công tác phối hợp, tạo điều kiện các tổ chức chính trị xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Ban Thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị được thành lập và hoạt động tốt đã kịp thời tham gia, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động đảm bảo  thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Bốn là, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn được phát huy tối đa vai trò trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề đối thoại giữa người sử dụng lao động với tập thể người lao động.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã nêu cao vai trò, trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức công đoàn trực thuộc. Tổ chức đối thoại cấp trên trực tiếp cơ sở, đối thoại giữa Chủ tịch Công đoàn với đoàn viên và người lao động để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động phục vụ cho các cuộc đối thoại với người sử dụng lao động. Hàng năm, 490 doanh nghiệp trong Ngành đã tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với người lao động (đạt tỷ lệ 86,27% so với tổng số doanh nghiệp). 513 đơn vị có quy chế dân chủ (đạt tỷ lệ 95,4%). Công đoàn cơ sở tích cực xây dựng quy chế đối thoại, thành lập tổ, ban đối thoại và tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc đạt trên 70%, trong đó các cuộc đối thoại từ phân xưởng, nhà máy, xí nghiệp, chi nhánh đạt khoảng 75%, trong đó có xấp xỉ 10% là đối thoại đột xuất.

Hầu hết các đơn vị áp dụng hình thức đối thoại mới rất hiệu quả, đó là đối thoại gián tiếp (chủ yếu là từ người lao động gửi đến người sử dụng lao động) bằng cách đặt thùng thư tại cổng đơn vị để thu thập ý kiến của mọi người. Loại hình đối thoại này diễn ra hằng ngày tại nơi làm việc, rất dễ dàng và thuận lợi cho người lao động tham gia, đồng thời cũng thu thập được nhiều kiến nghị về chế độ, chính sách để đến khi đối thoại trực tiếp sẽ trả lời cho người lao động thật xác đáng.

Tổ chức đối thoại đột xuất để giải quyết những vấn đề nóng tăng lên, giúp nội dung đối thoại ngày càng đi vào thực chất. Đồng thời, việc quản lý thực hiện quy chế dân chủ, trong đó có đối thoại tại nơi làm việc được đưa vào chỉ tiêu thi đua hàng năm để các đơn vị thực sự có trách nhiệm triển khai.

Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể

Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội (Công đoàn, Thanh niên, Hội cựu chiến binh) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, các tổ chức đoàn thể đã tích cực đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt công tác thu hút, tập hợp các tầng lớp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động tham gia cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Nổi bật, trong thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo”, các hoạt động do Công đoàn và tổ chức thanh niên tổ chức, phát động như: Ngày hội hiến máu tình nguyện, quyên góp, hỗ trợ cho đồng bào vùng bão lũ, vùng sâu, vùng xa, các chương trình xây nhà tình nghĩa,…

Các tổ chức đoàn thể tại cơ quan Bộ Công Thương đã phát huy vai trò làm chủ của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động tích cực tham gia giám sát các cơ quan chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tham gia phản biện, đóng góp xây dựng những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Ngành liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động. Đồng thời ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là tổ chức đại diện cho các tầng lớp người lao động, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và người lao động.