Tăng cường công tác quản lý thuế giá trị gia tăng tại Cục Thuế tỉnh Phú Yên

NGUYỄN THỊ KIM NGỌC (Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung)

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, cùng với tiến trình cải cách thuế cả nước, công tác quản lý thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại Cục Thuế tỉnh Phú Yên đã có những bước chuyển biến căn bản, tổ chức quản lý thuế nói chung và quản lý thuế GTGT nói riêng đã từng bước được cải cách, hiện đại hóa. Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết của Cục Thuế tỉnh Phú Yên từ năm 2016 đến năm 2019, số thuế GTGT thu được những năm gần đây chỉ khoảng 350-500 tỷ đồng; số thu có tăng qua các năm, tuy nhiên năm 2018, 2019 chưa hoàn thành dự toán Tỉnh giao. Bên cạnh đó, tình trạng trốn thuế, lách thuế GTGT vẫn còn diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh dưới nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện, số thuế GTGT bị thất thoát ngày càng lớn. Vì vậy, tăng cường công tác quản lý thuế GTGT là vấn đề cấp bách của ngành Thuế nói chung và Cục Thuế tỉnh Phú Yên nói riêng.

Từ khóa: Thuế GTGT, Cục Thuế Phú Yên, quản lý thuế.

1. Công tác quản lý thuế GTGT tại Cục Thuế tỉnh Phú Yên

Thanh tra, kiểm tra là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong các hoạt động quản lý thu thuế GTGT, đặc biệt trong cơ chế tự khai tự nộp và ý thức chấp hành pháp luật thuế của đối tượng nộp thuế còn thấp.

Công tác kiểm tra tại cơ quan thuế được Cục Thuế Phú Yên đặc biệt quan tâm, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho phòng kiểm tra thuế cử cán bộ phân tích hồ sơ, chịu trách nhiệm theo dõi, lập kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo từng tháng, từng quý. Số cuộc thanh tra, kiểm tra; số tiền thuế truy thu cũng tăng qua các năm. Cụ thể như sau:

+ Năm 2016: Thanh tra, kiểm tra 477 đơn vị tiền thuế GTGT, thu thêm 4.659.994 nghìn đồng.

+ Năm 2017: Thanh tra, kiểm tra 507 đơn vị, tăng 30 cuộc so với năm 2016, số tiền thuế GTGT thu thêm 4.108.691 nghìn đồng, đạt 88.19% so với năm 2016.

+ Năm 2018: Thanh tra, kiểm tra 530 đơn vị, tăng 23 cuộc so với năm 2017, số tiền thuế GTGT thu thêm 6.107.813 nghìn đồng, đạt 148.66% so với năm 2017.

+ Năm 2019: Thanh tra, kiểm tra 530 đơn vị, bằng năm 2018, số tiền thuế GTGT thu thêm 4.856.229 nghìn đồng, đạt 79.51% so với năm 2018.

Tuy nhiên, tình trạng gian lận thuế vẫn còn nhiều, tình trạng thất thu vẫn xảy ra. Nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm Luật Thuế để gian lận, trốn thuế. Một số doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm, chưa đúng quy định chế độ quản lý, sử dụng hóa đơn, báo cáo quyết toán thuế. Việc sử dụng hóa đơn ở một số doanh nghiệp còn tùy tiện, kê khai chưa chính xác. Việc hạch toán, kế toán báo cáo còn mang tính hình thức, đối phó, kê khai không trung thực, gian lận để trốn thuế, thậm chí còn có tình trạng bán hóa đơn trắng cho khách hàng, gây tốn thất rất lớn cho ngân sách nhà nước, gây thiệt hại cho những doanh nghiệp chân chính, trong khi công tác kiểm tra, thanh tra chưa phát hiện kịp thời và giải quyết triệt để.

2. Đánh giá công tác quản lý thuế GTGT tại Cục Thuế tỉnh Phú Yên

2.1. Kết quả đạt được

Giai đoạn 2016-2019, công tác quản lý thuế nói chung và công tác quản lý thuế GTGT tại Cục Thuế tỉnh Phú Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu nhất định, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra của công tác quản lý thuế. Với việc thực hiện quản lý thuế theo mô hình chức năng, người nộp thuế tiến hành tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm với kết quả kê khai của mình. Cơ quan thuế tiến hành kiểm tra, giám sát kết quả kê khai của người nộp thuế thông qua các bộ phận chức năng của cơ quan thuế. Thực hiện mô hình này, kết quả thu thuế GTGT của Cục Thuế tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2019 đã luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Ngành và Tỉnh giao.

Công tác lập dự toán, thực hiện dự toán thu thuế GTGT: Công tác lập dự toán thời gian qua ở Cục Thuế tỉnh Phú Yên được xây dựng và thực hiện theo đúng quy trình, quy định, phù hợp, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước về thuế GTGT thời gian qua cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều năm hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách của Tỉnh giao.

Công tác quản lý kê khai và kế toán thuế: Được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ. Các quy trình quản lý kê khai thuế được triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc và kịp thời, qua đó cho phép kiểm tra chặt chẽ tờ khai thuế hàng tháng. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp thực hiện việc kê khai thuế trên phần mềm hỗ trợ kê khai thuế, kê khai thuế điện tử. Việc tiếp nhận và xử lý tờ khai thuế đã thực hiện theo hình thức tự động, giúp giảm thiểu tối đa các sai sót trong việc nhập số liệu kê khai thuế của cán bộ thuế.

Công tác thanh kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế: Được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, tránh gây phiền hà sách nhiễu cho người nộp thuế. Các cuộc thanh kiểm tra đều có kết luận và đều có kết quả xử lý truy thu thuế góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước và có tính răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi gian lận thuế của người nộp thuế cao.

Công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế: Từng bước đã đi vào nề nếp, Cục Thuế đã có phòng quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế để chuyên môn hóa sâu công tác này. Hiện nay nợ thuế được Cục Thuế phân loại và theo dõi thành nhiều nhóm khác nhau như nợ khó thu, nợ chờ xử lý, nợ có khả năng thu hay nhóm nợ thuế mới phát sinh dưới 30 ngày, nợ thuế từ 30 đến 90 ngày và nhóm nợ trên 90 ngày. Trên cơ sở phân loại nợ để tiến hành các biện pháp tổ chức thu nợ phù hợp với từng nhóm nợ đạt hiệu quả cao. Công tác cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp có nợ thuế trên 90 ngày được tiến hành, đã mang lại những kết quả nhất định, qua đó có tác dụng răn đe các nợ thuế nghiêm túc chấp hành luật thuế.

Công tác hoàn thuế GTGT: Cục Thuế đã thực hiện tốt việc hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo chặt chẽ và đúng quy định, hạn chế tình trạng gian lận làm thất thoát thuế.

2.2. Những hạn chế

Qua đánh giá, phân tích thực trạng việc chấp hành công tác kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp; công tác quản lý thuế thuế GTGT tại Cục Thuế tỉnh Phú Yên cho thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục.

Công tác quản lý đăng ký thuế, kê khai thuế: Hiện nay, một số doanh nghiệp khi thay đổi thông tin thuộc loại bắt buộc phải kê khai bổ sung theo quy định, nhưng không kê khai, làm cho các thông tin, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp tại cơ quan thuế trên hệ thống quản lý thuế chưa thực sự chính xác. Cơ chế liên thông một cửa giữa cơ quan thuế với Sở Kế hoạch đầu tư hoạt động chưa thực sự thông suốt, dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh đã đi vào hoạt động nhưng chậm đến cơ quan thuế đăng ký, kê khai nộp thuế theo quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra thuế GTGT: Công tác thanh kiểm tra thuế mới chỉ đáp ứng được một phần với yêu cầu quản lý mới. Việc phân tích thông tin mới chỉ dừng lại ở các thông tin trên các hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Công tác phối hợp với các cơ quan chức năng khác như Công an, Quản lý thị trường, Ngân hàng thương mại, Thanh tra... chưa có hiệu quả. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ thanh kiểm tra còn hạn chế, đặc biệt là kiến thức về chuyên ngành, kỹ năng khai thác thông tin, xử lý thông tin trong quá trình tác nghiệp cũng làm hạn chế hiệu quả của công tác thanh kiểm tra trong yêu cầu quản lý thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp.

Công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế GTGT: Trên thực tế, số thuế nợ vẫn còn ở mức rất cao. Tỷ lệ nợ trên tổng số thu có chiều hướng gia tăng, có nguy cơ vượt trên tỷ lệ 5% do Tổng cục Thuế đề ra. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do cơ quan Thuế chưa áp dụng triệt để các biện pháp thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế. Công tác cưỡng chế nợ thuế thực hiện còn rất hạn chế, không ứng phó kịp với tình hình kinh tế suy thoái, dẫn đến nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, không có tiền để nộp thuế.

Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế: Hình thức tuyên truyền qua thông báo niêm yết tại trụ sở cơ quan Thuế  chưa thu hút được người nộp thuế quan tâm, donội dung thể hiện nhiều thông tin, nhưng hình thức trình bày không sinh động, ấn tượng. Do thiếu phân loại nhóm người nộp thuế và xác định nội dung, hình thức tuyên truyền cho các nhóm đối tượng người nộp thuế, nên thông tin cần phổ biến đến người nộp thuế thường chung chung, dàn trải. Các buổi đối thoại theo chuyên đề hoặc theo từng nhóm người nộp thuế còn ít so với nhu cầu cần được đáp ứng của người nộp thuế.

3. Một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế GTGT tại Cục thuế tỉnh Phú Yên

Một là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế GTGT: Giải pháp này được đưa ra từ nguyên nhân ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế còn thấp, họ đã vì lợi nhuận mà gian lận thuế, trốn thuế. Để hoàn thiện công tác quản lý thu thuế GTGT, cần phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế: Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền; Đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế; Công khai doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nhất là những doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Ba là, tăng cường công tác quản lý đăng ký, kê khai thuế: Đây là giải pháp quan trọng, nhằm đưa các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các hộ kinh doanh vào diện quản lý của cơ quan thuế. Trước thực tế các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau được thành lập ngày càng nhiều,  việc tăng cường công tác quản lý đăng ký, kê khai thuế sẽ góp phần không nhỏ để chống thất thu thuế.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thu nợ thuế GTGT: Triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, trong đó tập trung bám sát những doanh nghiệp nợ thuế lớn; kiểm tra, giám sát chặt chẽ kết quả thu nợ thuế, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời những đơn vị có tỷ lệ nợ thuế tăng cao; thành lập các đoàn công tác kiểm tra tình hình thu, nộp của các ngành nghề, lĩnh vực có số nợ lớn để đôn đốc thu nộp kịp thời số tiền nợ thuế vào ngân sách… Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng… trong công tác thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách, cụ thể các chính sách.

Năm là, tăng cường quản lý hoàn thuế GTGT: Thực hiện hoàn thuế theo đúng quy trình, quy định:. Tất cả các hồ sơ hoàn thuế GTGT ở Chi cục đều do Cục Thuế thực hiện, ngoài khâu thanh tra, kiểm tra còn có khâu thẩm định hồ sơ và giám sát của Tổng cục Thuế; kiểm tra rõ điều kiện hoàn thuế của DN; xác minh chặt chẽ và cụ thể từng loại hóa đơn đầu vào, đầu ra nếu có hóa đơn khác tỉnh thì phải nhanh chóng gửi đi xin đề nghị xác minh đến cục Thuế của tỉnh đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2011), Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 -2015, NXB Tài chính, Hà Nội.
  2. Cục Thuế tỉnh Phú Yên (2016), Báo cáo tổng kết Cục Thuế tỉnh Phú Yên năm 2016.
  3. Cục Thuế tỉnh Phú Yên (2017), Báo cáo tổng kết Cục Thuế tỉnh Phú Yênnăm 2017.
  4. Cục Thuế tỉnh Phú Yên (2018), Báo cáo tổng kết Cục Thuế tỉnh Phú Yên năm 2018.
  5. Cục Thuế tỉnh Phú Yên (2019), Báo cáo tổng kết Cục Thuế tỉnh Phú Yênnăm 2019.

Enhancing the value added tax management of the Tax Department of Phu Yen Province

 Ph.D Nguyen Thi Kim Ngoc

Mien Trung Industry and Trade College

 ABSTRACT:

In the past years, in parallel with Vietnam’s national tax reform, the value added tax management carried out by the Tax Department of Phu Yen Province has proved radical changes. The tax management in general and value added tax management in particular conducted by the provincial Tax Department has been gradually reformed and modernized. However, the value added tax of Phu Yen Province from 2016 to 2019 was quite low, ranging from VND 350 to 500 billion, according to the Tax Department of Phu Yen Province’s finnal reports. Although the value added tax collected by Phu Yen Province increases year by year, the province still fails to achieve the set goal of tax collection. In addition, the value added tax evasion and fraud have occured commonly in Phu Yen Province in complicated and hard-to-discover ways, resulting in a high tax loss in Phu Yen Province. Therefore, enhancing the value added tax management is an urgent tax of the tax authorities in general and the Tax Department of Phu Yen Province in particular.

Key words: Value added tax, Tax Department of Phu Yen Province, tax management.