Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Xác định rõ công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt, Ban cán sự đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện tốt các chỉ đạo, yêu cầu của Ban Bí thư tại Kết luận số 05- KL/TW và Chỉ thị số 04-CT/TW

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (Chỉ thị số 04-CT/TW) và Kết luận số 05- KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng (Kết luận số 05- KL/TW), Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 03-KH/BCSĐ ngày 12/8/2021 để lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương triển khai thực hiện.

Xác định rõ công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt, Ban cán sự đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện tốt các chỉ đạo, yêu cầu của Ban Bí thư tại Kết luận số 05- KL/TW và Chỉ thị số 04-CT/TW, cụ thể:

Một là, nâng cao nhận thức của các đơn vị và cá nhân cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương trong việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Ban cán sự đảng phối hợp với Đảng ủy Bộ chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05-KL/TW; tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; tiếp tục triển khai Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.

Yêu cầu các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các viện nghiên cứu, Trường, doanh nghiệp thuộc Bộ chủ động, trực tiếp phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị số 04-CT/TW, Kết luận số 05-KL/TW và Kế hoạch của Ban cán sự đảng đến toàn thể đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp với điều kiện, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.

Hai là, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, từ đó thực hiện đầy đủ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình. Người đứng đầu các đơn vị phải luôn gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý các vụ việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Ba là, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra.

Thực hiện tốt công tác phối hợp theo yêu cầu của các cơ quan Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tham mưu công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, thanh tra công vụ đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý kịp thời những vấn đề tồn đọng kéo dài.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát hiện và xử lý tham nhũng; bảo vệ người tích cực đấu tranh, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực

Giao Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát hiện và xử lý tham nhũng; chủ động cung cấp thông tin, công khai kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng và kết quả xử lý đến cán bộ, đảng viên, cơ quan báo chí. Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng, tiêu cực để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo số lượng, chất lượng

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo về số lượng, vững về nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ kiện toàn đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc về phòng, chống tham nhũng và thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc về phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các quy định của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

 

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương