Tăng cường liên kết để tạo các sản phẩm thương hiệu Việt có tính cạnh tranh cao

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục cùng các Bộ, ngành liên quan chủ động triển khai các Chương trình quốc gia theo hướng tăng cường liên kết, bổ trợ lẫn nhau nhằm nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực.

Đây là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia (Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, sau đây viết tắt là 3 Chương trình).

Thông báo kết luận nêu rõ: Trong điều kiện nguồn lực từ Ngân sách nhà nước còn hạn chế, một số cơ chế, chính sách lớn vẫn chưa được tháo gỡ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ, ngành liên quan đã cố gắng, chủ động triển khai các Chương trình quốc gia theo hướng tăng cường liên kết, bổ trợ lẫn nhau nhằm nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực trong nước và đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ thuộc các Chương trình quốc gia, một số sản phẩm có giá trị gia tăng và có khả năng cạnh tranh cao đã lần đầu tiên được làm chủ và sản xuất tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, các Chương trình quốc gia vẫn chưa thật sự thu hút được quan tâm của xã hội và của cộng đồng doanh nghiệp, chủ yếu do chưa đẩy mạnh hoạt động truyền thông về nội dung, kết quả và chưa có các cơ chế thông thoáng, hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia vào các Chương trình.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả 3 Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ phải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục triển khai có trọng tâm, tăng cường liên kết các Chương trình và nhiệm vụ thuộc các Chương trình theo chuỗi giá trị để tạo ra các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng tiêu chí và quy định về việc công nhận sản phẩm quốc gia; đề xuất cơ chế hỗ trợ các sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao trong việc thâm nhập thị trường trong nước và quảng bá thương hiệu ra nước ngoài để khuyến khích doanh nghiệp tham gia các Chương trình; đẩy mạnh truyền thông về nội dung, kết quả, sản phẩm của các Chương trình quốc gia, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ban Chỉ đạo đồng ý việc tiếp tục triển khai 3 Chương trình trong giai đoạn tiếp theo sau năm 2020. Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan đánh giá các kết quả đã đạt được, trên cơ sở đó xây dựng nội dung các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025 với tinh thần có trọng tâm, trọng điểm, xác định các mục tiêu khả thi và phù hợp với nguồn lực được giao, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2019, đảm bảo triển khai không gián đoạn và có hiệu quả các Chương trình.

 

T.Xuân