Hội thảo Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, bước đầu đạt được những thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang theo hướng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm còn chưa được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. 

Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng, các chương trình, hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm như Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2022 và Ngày An toàn thực phẩm Thế giới - 07/6/2022 đã trở thành điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông về việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn. 

Đồng thời, gắn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả của sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thời gian qua Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.

Mặt khác, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm bảo đảm công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Thực hiện nghiêm các công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước; Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tập huấn phổ biến kiến thức và nâng cao ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh năm 2020-2021, việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bình ổn thị trường giá cả và bảo đảm lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ sản xuất, xuất nhập khẩu là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thực hiện và thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan triển khai. 

Trong đó, Vụ Thị trường trong nước đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh lưu thông hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản; hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch; đề nghị các địa phương, bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông, xuất khẩu và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã kết nối với Tập đoàn Berli Jucker Pcl (BJC) sở hữu chuỗi siêu thị Big C, MM Mega Market…, và một số địa phương gồm Hồ Chí Minh, Bình Dương triển khai gói hỗ trợ gồm 3.000.000 gói nhu yếu phẩm trị giá 900 triệu đồng, đối tượng là những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… 

Thời gian sau khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. 

Bộ Công Thương đã chú trọng phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong kinh doanh thực phẩm an toàn như tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa an toàn thực phẩm, bảo đảm chất lượng vào hệ thống phân phối với nhiều phương thức khác nhau như trực tiếp, trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp trực tiếp để thích ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh cũng như sự phát triển của khoa học và công nghệ như các Hội nghị kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Giang… 

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Theo Sách Trắng thương mại điện tử, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của tử thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô khoảng 15 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online. Điều này cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 trong khu vực Ðông Nam Á.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường cho rằng, chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày càng lớn, thương mại điện tử đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử nói riêng. Nhất là thương mại điện tử về thực phẩm.

Trước tình trạng này, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tổ chức theo dõi thông tin, nắm tình hình địa bàn, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, đôn đốc việc tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử của các thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử; chủ trì, phối hợp xử lý các vụ việc hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thương mại điện tử.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng thực phẩm chịu nhiều ảnh hưởng đột ngột một cách trực tiếp và gián tiếp từ tình hình dịch bệnh, các biến động về chính trị, giá nhiên liệu tăng cao, v.v. các biện pháp đảm bảo đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm một cách đồng bộ và linh hoạt đang ngày càng trở nên quan trọng. 

Nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi, từ đó đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu, ví dụ như cam kết của doanh nghiệp, hoạt động thẩm xét và xác nhận của các cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu, sự tham gia của mạng lưới đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước, v.v. 

“Các yêu cầu này không chỉ phức tạp về cơ chế phối hợp mà còn hết sức đa dạng do đặc thù quản lý và năng lực kỹ thuật của nước nhập khẩu”, ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương nhận định.

Ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương
Ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin, khẩn trương thống nhất phương án triển khai đáp ứng các quy định, ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện hoạt động tuyên truyền, giải đáp. 

Đơn cử, để ừng phó với yêu cầu của Liên minh Châu Âu đối với chứng nhận dư lượng ethylene oxide trong các sản phẩm mỳ ăn liền và yêu cầu của Trung Quốc về quản lý doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248 và Lệnh 249, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc đối thoại với Ủy ban châu Âu cũng như Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm triển khai các quy định, hài hòa hóa phương thức quản lý của hai bên và đơn giản hóa các thủ tục. 

Kết quả bước đầu, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam được giản lược thủ tục đăng ký với phía Trung Quốc thông qua quy trình đánh giá nhanh và được tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Ủy ban châu Âu đã đưa các mặt hàng chế biến bột không kèm gia vị của Việt Nam như mì khô, miến khô, phở khô, bánh đa, v.v. ra khỏi diện yêu cầu chứng thư và kiểm tra tần suất cao về dư lượng EO, từ đó giảm thiểu đáng kể số lượng mặt hàng và lô hàng của doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng. Hai bên cũng thống nhất phối hợp rà soát số liệu thống kê để giảm tần suất hoặc huỷ kiểm tra sản phẩm của Việt Nam.