TÓM TẮT:

Bài báo này phân tích thực trạng Chính phủ điện tử và thuế điện tử tại Việt Nam, phân tích các vấn đề cần giải quyết trong triển khai thuế điện tử. Bài báo đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm tăng cường vai trò của thuế điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam giai đoạn tới bao gồm: Điều chỉnh Chương trình tổng thể phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam ưu tiên nội dung kết nối giữa thuế điện tử và các dịch vụ hành công khác; xây dựng và triển khai kế hoạch hàng năm về nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho dịch vụ thuế điện tử; thiết kế các chương trình giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ thuế về hành chính công hiện đại.

Từ khóa: Chính phủ điện tử, thuế điện tử, công nghệ thông tin.

1. Đặt vấn đề

Được bắt đầu triển khai từ năm 2003, tới nay đã 13 năm Việt Nam phát triển Chính phủ điện tử thông qua chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động cung cấp dịch vụ công và quản lý của các cơ quan nhà nước. Theo báo cáo về phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc công bố tháng 7/2016, Việt Nam xếp thứ 89 trên thế giới, tăng 10 bậc so với xếp hạng của năm 2014, xếp thứ 6 trong khối Đông Nam Á. Thuế điện tử là một thành phần của Chính phủ điện tử, đã góp phần quan trọng vào phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam. Tính đến hết năm 2016, khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử đã đạt kết quả cao, hơn 97% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế qua mạng và hoàn thành đăng ký nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, triển khai thuế điện tử tại Việt Nam còn gặp những khó khăn, thách thức và cần có các giải pháp từ Chính phủ và ngành Thuế nhằm tăng cường sự đóng góp của thuế điện tử vào phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

2. Thực trạng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam

Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ban hành một hệ thống pháp lý cho xây dựng những nền tảng cơ bản và phát triển Chính phủ điện tử như Luật Công nghệ thông tin ban hành 2006, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Quyết định số 1605/QĐ-TTg Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước đến năm 2015, Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử ban hành năm 2015 là cơ sở pháp lý cơ bản nhằm đẩy nhanh việc áp dụng chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Chính phủ điện tử ở Việt Nam hiện nay được xác định là một công cụ quan trọng đối với cơ quan chính phủ nhằm thực hiện nhiệm vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn, tiết kiệm chi phí và tránh nảy sinh tiêu cực giữa hoạt động của các cơ quan chính phủ với người dân và doanh nghiệp. Nhờ có Chính phủ điện tử mà trong vòng 3 năm qua, Việt Nam đã tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng (Baomoi.com, 2016).

Theo báo cáo về phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc công bố tháng 7/2016, Việt Nam xếp thứ 89 trên thế giới, tăng 10 bậc so với xếp hạng của năm 2014, xếp thứ 6 trong khối Đông Nam Á, đứng sau Singapore (thứ 4), Phillipines (thứ 71), Malaysia (thứ 60), Thái Lan (thứ 77), Brunei (thứ 83). Cũng theo báo cáo này, Việt Nam là một trong những nước đã có những tiến bộ về mức độ phát triển chính phủ điện tử (UNDP, 2016). Việt Nam đã từ nhóm các nước có chỉ số phát triển trung bình sang nhóm các nước có chỉ số phát triển cao (Văn phòng Chính phủ, 2017).

So với xếp hạng năm 2014, các chỉ số thành phần về phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2016 đã có sự thay đổi. Chỉ số dịch vụ công trực tuyến (0.5725 điểm) tăng cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (0.4623) và cao hơn so với mức trung bình của châu Á (0.5120), chỉ số hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực giảm điểm so với năm 2014 và thấp hơn mức trung bình của thế giới và châu Á.

Cụ thể hơn, chính phủ điện tử trong các cơ quan nhà nước đã đạt được những kết quả khả quan, 90% cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc; 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ; 60% các bộ, ngành và 40% các tỉnh, thành phố có ứng dụng hoặc triển khai thí điểm chữ ký số. Mạng số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai xây dựng, hoàn thành triển khai xong giai đoạn 2, kết nối đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện. Bên cạnh đó, 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang/cổng thông tin điện tử. Hầu hết các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp mức độ 2. Nhiều hệ thống chuyên ngành phát huy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong lĩnh vực thuế điện tử (có 95% doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử), Hải quan điện tử (100% cơ quan Hải quan các tỉnh, thành phố đã thực hiện thủ tục Hải quan điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS). (Xuân La, 2016)

Tuy đã có những bước tiến đáng kể nhưng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết trong thời gian tới: (1) Hạ tầng kỹ thuật cho Chính phủ điện tử vẫn chưa đáp ứng; việc triển khai cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin quốc gia - vốn là nền tảng của Chính phủ điện tử - vẫn còn chậm; (2) Chính phủ điện tử ở Việt Nam chưa có sự liên thông, kết nối các cơ quan nhà nước; chưa gắn kết hữu cơ ứng dụng công nghệ thông tin với quá trình cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, chưa kết nối và chưa chia sẻ thông tin trên diện rộng; nhiều cơ quan triển khai các cơ sở dữ liệu không tính đến hệ thống đang có của các địa phương, dẫn đến tình trạng cơ sở dữ liệu đó không liên thông được giữa Bộ và địa phương (ví dụ như đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, hộ tịch, dân cư). Tỷ lệ các văn bản điện tử được trao đổi qua mạng còn khiêm tốn, việc điều hành, xử lý công việc qua mạng còn chưa phổ biến (Nguyễn Văn Phương, 2017). Trong khi đó, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, cụ thể các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3,4) chưa nhiều; (3) Ứng dụng công nghệ thông tin ở các tổ chức nói chung và doanh nghiệp nói riêng để thực hiện các thủ tục hành chính và sử dụng các dịch vụ công chưa phổ biến, việc ứng dụng còn mang tính tự phát, hạ tầng kỹ thuật tại các doanh nghiệp chưa phát triển.

Trong giai đoạn tới, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP là nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc, đồng thời công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Phấn đấu đến hết năm 2017, Việt Nam nằm trong nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EDGI) của Liên Hợp Quốc. Đến năm 2020, Chính phủ điện tử Việt Nam sẽ hướng tới cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế để giảm thời gian, số lần phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước cũng được đẩy mạnh để tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động; phát triển hạ tầng kỹ thuật tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia trên cơ sở Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

3. Vai trò thuế điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam

Trong các chính sách về Chính phủ điện tử, cùng với các quan điểm của lãnh đạo nhà nước, thuế điện tử là một phần quan trọng của Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển Chính phủ điện tử, thuế điện tử đang có sự phát triển khả quan tại Việt Nam. Đối với phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, thuế điện tử đóng vai trò quan trọng như sau:

- Thuế điện tử góp phần vào tăng cường tính hiệu quả và nhanh chóng trong việc giao dịch giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, lệ phí; góp phần giảm thiểu thời gian và chi phí trong giao dịch giữa Chính phủ với công chức ngành thuế liên quan đến quản lý nhà nước về thuế; là công cụ để Chính phủ Việt Nam giao dịch với các chính phủ khác trong lĩnh vực thuế và quản lý thuế.

- Phát triển hạ tầng kỹ thuật thông tin, hạ tầng pháp lý và nguồn nhân lực của các cơ quan thuế trung ương và địa phương hiện nay đã tạo cơ sở tạo nên hạ tầng kỹ thuật thông tin và nhân lực cho Chính phủ điện tử Việt Nam, hạ tầng thuế hội nhập vào hạ tầng chính phủ điện tử cả về kỹ thuật, pháp lý và con người.

- Thuế điện tử là nền tảng để chuyển từ nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ hiện nay ở Việt Nam, trong đó doanh nghiệp, người dân là khách hàng của cơ quan thuế, của Chính phủ. Cơ quan thuế và Chính phủ là cơ quan “cho” chuyển sang cơ quan phục vụ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, người dân.

- Thuế điện tử là một trong những cấu thành của một Chính phủ điện tử giảm thiểu sự tiếp xúc, nâng cao tính minh bạch, tính tín cậy, khuyến khích sự tham gia của người dân ở Việt Nam.

- Thuế điện tử được xác định là một bộ phận cấu thành trong hệ thống kết nối điện tử liên thông trong các cơ quan nhà nước trung ương, địa phương, doanh nghiệp và người dân ở Việt Nam. Bởi Chính phủ điện tử không chỉ là tập hợp những giải pháp đơn lẻ dựa trên các ứng dụng web, mà được kỳ vọng tạo ra một môi trường tương tác điện tử thống nhất giữa một bên là các tổ chức, cơ quan nhà nước và một bên là người dân.

4. Thực trạng thuế điện tử tại Việt Nam

4.1. Về khai thuế qua mạng

Sau giai đoạn thí điểm thuế điện tử là giai đoạn áp dụng đại trà 2014-2016. Trong giai đoạn này, tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế qua mạng luôn ở mức cao, trên 97% DN sử dụng dịch vụ này. Số lượng tờ khai thuế điện tử cũng có sự phát triển vượt bậc, năm 2014 có hơn 18 triệu tờ khai đã nhận vào hệ thống khai thuế qua mạng; con số này tăng gấp đôi vào năm 2016, đạt gần 36 triệu tờ khai. Năm 2016, hệ thống khai thuế điện tử đã hỗ trợ người nộp thuế khai hầu hết tất cả các tờ khai phát sinh, tờ khai bổ sung, tờ khai quyết toán, báo cáo tài chính, báo cáo hóa đơn phải nộp theo quy định (Nhật Minh, 2017).

Phân tích tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế qua mạng cho thấy đã có sự khởi sắc trong năm 2015 và 2016. Năm 2015, duy nhất có Cục Thuế Lạng Sơn chưa hoàn thành chỉ tiêu, một phần là do Cục Thuế Lạng Sơn có xuất phát điểm thấp, chỉ có 34% doanh nghiệp khai thuế qua mạng vào năm 2014. 19 cục thuế thuộc diện chưa hoàn thành chỉ tiêu 2014 đã có sự thay đổi rõ rệt, hoàn thành tốt chỉ tiêu năm 2016. Tuy nhiên, cũng có một số cục thuế mặc dù hoàn thành chỉ tiêu nhưng đã có sự sụt giảm về tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế qua mạng như Cục Thuế Bến Tre và Kiên Giang, thể hiện tính chưa bền vững về khai thuế qua mạng.

4.2. Về nộp thuế điện tử

Triển khai từ năm 2014 đến này, nộp thuế điện tử ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2014, có 18 Cục Thuế tham gia thí điểm triển khai nộp thuế điện tử, đến năm 2016 đã có 63 Cục Thuế triển khai hình thức này. Tuy nhiên, việc hoàn thành chỉ tiêu về nộp thuế điện tử của các Cục Thuế còn khiêm tốn. Năm 2014, có 12/18 Cục Thuế hoàn thành chỉ tiêu nộp thuế điện tử, năm 2015 là 42/63 Cục Thuế và năm 2016 là 26/63 Cục Thuế hoàn thành chỉ tiêu nộp thuế điện tử do Tổng Cục Thuế ban hành.

Số doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế tăng lên nhanh chóng, từ 18.835 doanh nghiệp của năm 2014 lên hơn 555.000 doanh nghiệp vào năm 2016 sau khi có chính sách bắt buộc nộp thuế điện tử của Bộ Tài chính. Tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành đăng ký tại cơ quan thuế và ngân hàng thương mại năm 2015 là 89.88% và năm 2016 là 97.06%. Tổng số tiền nộp thuế điện tử tăng nhanh, từ 8.524 tỷ đồng năm 2014, đạt gần 477.000 tỷ đồng vào năm. Số lượt giao dịch điện tử năm 2016 đạt 2,2 triệu lượt, tăng 1,8 triệu lượt so với năm 2015. Tỷ lệ chứng từ nộp thuế điện tử so với tổng số chứng từ nộp thuế năm 2016 là 83,12%, cao hơn nhiều so với con số 65,79% của năm 2015.

Việc triển khai nộp thuế điện tử được thông qua kênh chính là kênh ngân hàng thương mại. Tổng cục Thuế đã triển khai chính sách kết nối với các ngân hàng thương mại bắt đầu từ năm 2013. Đến năm 2014, Tổng cục Thuế đã kết nối với 5 ngân hàng thương mại, năm 2015 đã phát triển kết nối với 33 ngân hàng và năm 2016 là 43 ngân hàng thương mại.

4.3. Hoàn thuế điện tử

Hoàn thuế điện tử được áp dụng lần đầu tiên đối với thuế VAT được quy định theo Quyết định số 270/QĐ- BTC được ban hành ngày 27/12/2016 về việc áp dụng thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử. Quyết định đi kèm với Quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử. Thí điểm hoàn thuế điện tử được thực hiện vào tháng 12/2016 tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là những tỉnh có số hoàn thuế lớn: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Kon Tum, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Thái Nguyên (Bộ Tài chính, 2016). Ngày 24/04/2017, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 710/QĐ-BTC về việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế VAT bằng phương thức điện tử.

Trong giai đoạn đầu áp dụng thí điểm hoàn thuế điện tử, các Cục Thuế đã thực hiện những công việc liên quan đến triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử như: thành lập ban chỉ đạo, tổ triển khai, nhóm hỗ trợ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, lựa chọn người nộp thuế tham gia thí điểm, tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế… Để đảm bảo người nộp thuế tham gia thí điểm hoàn thuế điện tử thực hiện theo đúng quy trình, cơ quan thuế đã triển khai công tác tập huấn cho người nộp thuế và các cán bộ thuế. Bên cạnh đó, để việc triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử đạt hiệu quả cao, cơ quan thuế đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài ngành tuyên truyền sâu rộng trên các chuyên trang, chuyên mục thuế và các báo, đài địa phương.

Một số vướng mắc trong quá trình triển khai như người nộp thuế gặp khó khăn trong việc gửi hồ sơ giải trình, bổ sung qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế do dung lượng hồ sơ lớn; người nộp thuế vướng mắc trong quá trình thực hiện lập, gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử.

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm dịch vụ hoàn thuế điện tử tại 13 Cục Thuế địa phương, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Tài chính, từ ngày 1/5/2017, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Đối tượng áp dụng hoàn thuế điện tử là người nộp thuế đề nghị hoàn thuế VAT đối với trường hợp hoàn xuất khẩu và hoàn dự án đầu tư đáp ứng đúng, đủ điều kiện hoàn thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế GTGT (Bộ Tài chính, 2016).

5. Một số vấn đề và giải pháp tăng cường vai trò của thuế điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử

5.1. Một số vấn đề trong phát triển thuế điện tử tại Việt Nam

Với những kết quả trên đây, ngành Thuế đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Tuy vậy, nhìn tổng thể áp dụng thuế điện tử tại Việt Nam hiện nay cho thấy có 4 vấn đề chính cần giải quyết:

(1) Sự kết nối giữa thuế điện tử và tổng thể hệ thống Chính phủ điện tử còn yếu do mỗi cơ quan trong Chính phủ khá độc lập với những chức năng khác nhau. Bản thân hệ thống khai nộp thuế điện tử hiện nay chưa được kết nối với các dịch vụ công điện tử khác như dịch vụ đăng ký doanh nghiệp, phá sản và giải thể doanh nghiệp, dịch vụ hải quan điện tử…

(2) Nhận thức hạn chế về lợi ích thuế điện tử của doanh nghiệp và cán bộ triển khai thuế điện tử. Nghiên cứu khảo sát của tác giả đối với hơn 350 doanh nghiệp và hơn 300 công chức thuế cho thấy nhận thức về lợi ích thuế điện tử còn ở mức trung bình (Nguyễn Thị Lệ Thúy, 2017).

(3) Chất lượng dịch vụ thuế điện tử chưa đáp ứng nhu cầu của người nộp thuế do sự thông suốt của dịch vụ khai thuế qua mạng, dịch vụ nộp thuế điện tử.

(4) Năng lực công nghệ thông tin của doanh nghiệp và cán bộ thuế chưa tương thích với yêu cầu vận hành thuế điện tử hiện tại.

5.2. Giải pháp tăng cường vai trò của thuế điện tử tại Việt Nam

Để tăng cường vai trò của thuế điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, ngành Thuế cần những nỗ lực trong thời gian tới để khắc phục những vấn đề trên.

Thứ nhất, Chương trình tổng thể phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam ưu tiên nội dung kết nối giữa thuế điện tử và các cơ quan khác trong Bộ Tài chính nói riêng và Chính phủ nói chung, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng dịch vụ thuế điện tử thông qua kiến trúc tích hợp chung vào hạ tầng dịch vụ công.

Thứ hai, ngành Thuế cần có kế hoạch hàng năm về nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho dịch vụ thuế điện tử và cần được công khai trên website của ngành nhằm đảm bảo sự chủ động của người nộp thuế và cán bộ thuế trong các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực vận hành dịch vụ nhằm đảm bảo sự thông suốt, giải pháp có thể mở rộng hình thức hợp tác công tư trong vận hành dịch vụ trong bối cảnh nhân lực công nghệ thông tin của Ngành hạn chế.

Thứ ba, thiết kế các chương trình nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ thuế về hành chính công hiện đại, công nghệ thông tin và Chính phủ điện tử, vai trò của thuế điện tử với phát triển chính phủ điện tử, vận hành các dịch vụ thuế điện tử. Với người nộp thuế, cần ưu tiên truyền thông về thuế điện tử trong kế hoạch truyền thông Chính phủ điện tử hàng năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính (2016), Quyết định số 2790 ngày 27/12/2016 của Bộ Tài chính về việc áp dụng thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử.

2. Chính phủ điện tử tại Việt Nam, https://www.baomoi.com/chinh-phu-dien-tu-tai-viet-nam-buoc-tien-moi/c/6653100.epi.

3. Nguyễn Thị Lệ Thúy (2017), Bản thảo Đề tài cấp bộ về “Đánh giá nhận thức và thái độ ủng hộ của công chức thuế và doanh nghiệp đối với áp dụng thuế điện tử tại Việt Nam”.

4. Nguyễn Văn Phương, (2017), Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới Chính phủ điện tử, Tạp chí Tổ chức nhà nước.

5. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số1605/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

6. UNDP (2003-2016), E Government Survey, ST/ESA/PAS/SER.

7. Văn phòng Chính phủ (2017), Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 30a/NQ-CP về Chính phủ điện tử năm 2016.

8. Xuân Lan (2016), Xây dựng Chính phủ điện tử: Dễ nói, khó làm, http://viettimes.vn/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-de-noi-kho-lam-82863.html.

9. Nhật Minh (2017), ơn 476 nghìn tỷ đồng nộp thuế bằng phương thức điện tử, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2017-01-09/hon-476-nghin-ty-dong-nop-thue-bang-phuong-thuc-dien-tu-39718.aspx

ENHANCING THE ROLE OF E-TAX IN E-GOVERNMENT

DEVELOPMENT IN VIETNAM:

CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATIONS

● NGUYEN THI LE THUY

National Economics University

ABSTRACT:

This paper investigated the current situation of of e-Government and e-tax development in Vietnam. The paper proposed three groups of solutions to enhance the role of e-tax in e-Government development in Vietnam in the coming time, including: adjusting the comprehensive program of e-Government development in Vietnam, especially, the association between e-tax and other public administration services; formulating and implementing annual plans on upgrading information technology infrastructure for e-tax services; designing education and training programs to raise awareness and capability of tax officials on the modern public administration.

Keywords: E-government, electronic tax, information technology.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây