Tăng trưởng bao trùm và những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam hiện nay

ThS. TRƯƠNG THỊ HOÀNG YẾN (Học Viện Báo chí và tuyên truyền)

TÓM TẮT:

Tăng trưởng bao trùm là một khái niệm đa chiều, nhấn mạnh việc đảm bảo những lợi ích hay cơ hội kinh tế tạo ra từ quá trình tăng trưởng được chia sẻ một cách bình đẳng cho tất cả các thành viên trong xã hội. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu, rộng, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đem lại nhiều cơ hội phát triển. Những đổi mới về mặt chính sách là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm. Bài viết phân tích những thách thức và khó khăn Việt Nam phải đối mặt và những thành quả mà Việt Nam đã đạt được, từ đó góp phần định hướng cho các nhà nước có những giải pháp chính sách phù hợp để bảo đảm tính bền vững và bao trùm của tăng trưởng kinh tế.

Từ khóa: Tăng trưởng, kinh tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

1. Tăng trưởng bao trùm

Khái niệm tăng trưởng bao trùm hay tăng trưởng hài hoà (Inclusive Growth) được Acemoglu & cộng sự (2004) và Acemoglu & Robinson (2013) đề xuất [1-2]. Ý tưởng chính là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững là do có được hệ thống thể chế kinh tế và chính trị bao trùm, tức đảm bảo thành quả kinh tế được chia sẻ tương đối và công bằng cho các thành phần kinh tế và ngược lại những quốc gia không tăng trưởng, hoặc tăng trưởng kém bền vững là do áp dụng hệ thống thể chế không bao trùm, tức khiến cho thành quả kinh tế phân bổ bất công giữa các thành phần kinh tế .

Theo chuyên gia kinh tế Fulbright Việt Nam, cụm từ “tăng trưởng bao trùm” được nhắc đến đầu tiên trong các báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) [3]. Ý nghĩa nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững trên cơ sở tạo cơ hội cho tất cả đối tượng khác nhau, mọi thành phần kinh tế trong xã hội đều được tham gia và được nhận lại một cách tương xứng từ các đóng góp của mình.

Theo Ban thư ký APEC, tính “bền vững” và “bao trùm” của phát triển được nhấn mạnh nhằm góp phần thực hiện Chiến lược APEC về tăng trưởng chất lượng giai đoạn đến năm 2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc [4]. Năm 2015, hội nghị APEC tại Philippines cũng lấy chủ đề “Xây dựng các nền kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Những nỗ lực của APEC tập trung vào các động lực tăng trưởng bao trùm. Thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ hỗ trợ các cộng đồng bản địa hoặc vùng sâu, vùng xa tham gia vào các thị trường toàn cầu.

Tăng trưởng bao trùm là một khái niệm đa chiều, nhấn mạnh việc đảm bảo những lợi ích hay cơ hội kinh tế tạo ra từ quá trình tăng trưởng được chia sẻ một cách bình đẳng cho tất cả các thành viên trong xã hội, đặc biệt là cho những nhóm yếu thế.

Tuy nhiên, khác với tăng trưởng vì người nghèo, tăng trưởng bao trùm không chỉ dừng ở giảm đói nghèo và phân phối thu nhập, mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác trong xã hội như bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, vấn đề ô nhiễm môi trường, đổi mới sáng tạo, hay tiếng nói của các nhóm khác nhau trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội hay chính trị của một quốc gia. Tăng trưởng bao trùm cho phép tất cả mọi cá nhân, doanh nghiệp đều có thể đóng góp vào quá trình tăng trưởng và hưởng thành quả tăng trưởng đó.

2. Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam: Những thành tựu đạt được

Từ khi bắt đầu các biện pháp cải cách kinh tế triệt để theo chủ trương đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã duy trì được một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong một giai đoạn dài, đem lại lợi ích cho người dân nói chung. Trong 10 năm 1990-2000, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt 7,5%. Sang đến giai đoạn 2011-2020, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,8%/năm.

Riêng năm 2019, GDP tăng 7,02% và quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đã lên gần 2.800 USD [5]. Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao thuộc loại hàng đầu của khu vực và IMF đánh giá Việt Nam nằm trong Top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước năm 2019 giảm còn dưới 4% so với từ 53% năm 1993,... Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, tức nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới.

Chỉ trong vòng 2 thập kỷ, khoảng 30 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo. Các chỉ số bất bình đẳng, như hệ số GINI cho thấy Việt Nam đã giữ được mức bất bình đẳng trung bình (Hệ số Gini dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước). Hệ số GINI theo chi tiêu ở mức trung bình và dao động từ 0,424 đến 0,436 trong suốt thập kỷ qua (Tổng cục Thống kê). Gần đây nhất, Việt Nam được xếp ở giữa bảng xếp hạng về mức bất bình đẳng của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho các nước có mức thu nhập trung bình thấp, với bậc thứ 17 trong số 34 nước [6].

Các chỉ số phản ánh các chiều cạnh khác của cuộc sống người dân cũng cho thấy những cải thiện đáng kể, từ tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học và trung học tăng đến sức khỏe tốt hơn và tỷ suất tử vong giảm. Hầu hết người Việt Nam đã tham gia và thụ hưởng lợi ích từ quá trình tăng trưởng, thể hiện tăng trưởng mang tính bao trùm.

Tốc độ giảm nghèo nhanh chóng được nhìn nhận rộng rãi là một trong những thành tựu to lớn của Việt Nam. Việt Nam không chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao mà còn chuyển hóa tăng trưởng thành những lợi ích tích cực cho hầu hết các công dân của mình. Một thay đổi quan trọng nhưng ít được chú ý đến là sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu. Do tầm quan trọng của tầng lớp này ở tại nhiều quốc gia - xét về phương diện đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội thông qua cung cấp kỹ năng, cách thức tiêu dùng và mức độ tham gia cao vào đời sống xã hội, tầng lớp trung lưu thường được coi là xương sống của bất kỳ xã hội nào. Do đó, sự mở rộng của tầng lớp này ngày càng được nhiều chuyên gia sử dụng làm một thước đo về mức độ bình đẳng và tính bao trùm của tăng trưởng.

Đằng sau quá trình tăng trưởng mang tính bao trùm và có ý nghĩa biến đổi xã hội của Việt Nam là hơn 30 năm cải cách chính sách và thể chế, qua đó đưa nền kinh tế quốc dân từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, và nỗ lực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Những cải cách này có thể được tóm lược thành 4 quá trình tự do hóa kinh tế ở trong nước và mở cửa hội nhập.

Thứ nhất, quá trình tự do hóa giá cả và nội thương bắt đầu vào giữa những năm 80 của thế kỷ XX nhằm khắc phục những thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn cung của hầu hết các hàng hóa và dịch vụ. Quá trình tự do hóa này góp phần giảm thiểu những méo mó về giá cả và sự phân bổ sai lầm các nguồn lực.

Thứ hai, quá trình tự do hóa nông nghiệp bắt đầu năm 1986 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI nhằm khắc phục tình trạng sản xuất đình trệ, lúc đó được coi là nút thắt lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Quá trình này làm thay đổi một cách căn bản hệ thống khuyến khích ở nông thôn bằng cách lần đầu tiên chấp nhận hộ gia đình là đơn vị sản xuất căn bản của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam và trao cho hộ gia đình nhiều quyền tự chủ.

Thứ ba, quá trình tự do hóa khu vực phi nông nghiệp được đẩy mạnh trong những năm 90 của thế kỷ XX nhằm khuyến khích kinh tế tư nhân. Bước tiến quan trọng nhất là Luật Doanh nghiệp ra đời vào tháng 1 năm 2000, cho phép người dân được thành lập và vận hành doanh nghiệp tư nhân với sự can thiệp hạn chế của các quan chức chính phủ. Đã có những động thái đơn giản hóa các thủ tục đăng ký và loại bỏ được phần lớn giấy phép kinh doanh, từ đó cắt giảm đáng kể chi phí giao dịch và nâng cao lòng tin của doanh nghiệp. Song song với đó là việc thực hiện cải cách các doanh nghiệp nhà nước đã và đang diễn ra, giúp cắt giảm được số lượng các doanh nghiệp này, mặc dù tiến độ không đồng đều. Việt Nam đã trải qua những thay đổi cơ cấu sâu sắc, với tỷ trọng việc làm nông nghiệp giảm từ gần 80% tổng lực lượng lao động vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX xuống chỉ còn 47% vào năm 2014. Cơ cấu kinh tế đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Trong giai đoạn 2010-2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 xuống 13,1% năm 2020; các khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng tương ứng từ 81,1% lên 86,9%, vượt mục tiêu đề ra.

Cơ cấu lao động đã có sự chuyển đổi tích cực, gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ tốt hơn các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp đã giảm mạnh, tỷ trọng lao động ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tăng liên tục. Năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm. Xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Thứ tư, quá trình tự do hóa với bên ngoài được đẩy mạnh ở tất cả các cấp độ - đơn phương, song phương, khu vực và đa phương. Bắt đầu từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, các loại thuế quan đã được đơn phương cắt giảm, nhiều biện pháp hạn chế định lượng đối với buôn bán được hủy bỏ và các quy định về việc tham gia ngoại thương được nới lỏng. Việt Nam đã tham gia tích cực vào các thỏa thuận thương mại song phương và khu vực, như trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995 và gắn liền với nó là Khu vực thương mại tự do châu Á của khối ASEAN và Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ năm 2001.

Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những tác động có ý nghĩa đối với phát triển. Nhiều thay đổi lớn lao đã diễn ra tại biên giới, như cắt giảm các loại thuế nhập khẩu và gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại; bên ngoài biên giới, thông qua khả năng tiếp cận tốt hơn với các thị trường quốc tế và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO; đằng sau biên giới, thông qua việc mở cửa các ngành dịch vụ và các hệ thống phân phối; những thay đổi trong khuôn khổ pháp lý và điều tiết. Tính đến đầu năm 2020, Việt Nam có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế; 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Với 16 Hiệp định FTA đang thực thi và đàm phán, Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới.

Điểm sáng thành tựu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian gần đây là thúc đẩy ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 thúc đẩy triển khai Cộng đồng kinh tế ASEAN và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác, chủ động tham gia, đóng góp tích cực tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), hợp tác tiểu vùng Mekong,…

3. Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam: Những khó khăn thách thức

Kinh tế - xã hội Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Thu nhập, lao động, việc làm bị ảnh hưởng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Tất cả những thách thức đó ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các dòng chảy vốn khổng lồ vào Việt Nam đến từ đầu tư nước ngoài trực tiếp cũng như gián tiếp, dẫn đến tình trạng dư thừa tiền trong lưu thông gây lạm phát các tài sản như chứng khoán, bất động sản, vàng và ngoại tệ, làm nảy sinh rất nhiều hệ quả tiêu cực. Các nguồn lực về tài chính, con người và vật chất bị chuyển hướng sang mục đích đầu cơ thay vì được rót vào nền kinh tế thực để tăng cường năng lực sản xuất, nâng cấp năng lực công nghệ và kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

Đầu tư công bị dàn trải cho quá nhiều dự án, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong xây dựng và chi phí cao hơn. Tình trạng kém hiệu quả trở nên trầm trọng hơn do những yếu kém trong quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị, dẫn đến tăng chi phí và sự kết nối hạn chế trong kết cấu hạ tầng. Có quá nhiều tiền cũng làm gia tăng nạn tham nhũng và một nền kinh tế phát triển quá nóng đã tạo thêm sức ép lên các điểm nghẽn đối với tăng trưởng, như hạ tầng cơ sở, nguồn vốn con người,... Những yếu kém này của nền kinh tế đã không được nhận diện một cách kịp thời, dẫn đến những ứng phó chính sách một cách thụ động, thường không thích hợp đối với các cú sốc nội tại.

Các vấn đề toàn cầu và mất an ninh phi truyền thống sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam ngày một sâu sắc hơn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước bị tổn thương nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng. Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều khó khăn. Việc nâng cao năng lực “thích ứng” với biến đổi khí hậu, nhất là chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, thiên tai thường xuyên xảy ra, sẽ là thách thức lớn.

4. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động đến tăng trưởng bao trùm và phát triển con người ở Việt Nam

Trong tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có tác động mạnh đến Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, đặc biệt trong trung đến dài hạn. Tương tự như với nhiều nước trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động sâu rộng đến tiêu dùng, giá cả và môi trường ở Việt Nam. Cụ thể ở một số ngành cơ bản như sau:

Nhóm ngành công nghiệp chế tạo: Đây là nhóm ngành mà Việt Nam sẽ phải chịu tác động mạnh nhất vì 3 lý do: Thứ nhất, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến nhóm ngành này rất mạnh. Thứ hai, cơ chế lan truyền tác động của công nghệ trong kinh tế toàn cầu rất nhanh thông qua kênh xuất nhập khẩu do bản chất thương mại quốc tế cao của nhóm ngành này. Thứ ba, những đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa và công nghệ in 3D đang làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam, do làm giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ tại đây. Cụ thể, những tiến bộ vượt bậc trong quá trình tự động hóa và số hóa đã và đang giúp giảm mạnh chi phí chế tạo và vận hành người máy, do vậy, làm tăng khả năng công nghiệp chế tạo quay trở lại các nước phát triển để gần hơn với thị trường tiêu thụ lớn và các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) ở các nước này.

Ngành tài chính - ngân hàng: Trên thế giới, dưới tác động của công nghệ, nhiều ngân hàng phải đóng cửa một số chi nhánh và chuyển sang hệ thống sử dụng ít nhân lực hơn. Các ngân hàng tập trung mạnh vào các sản phẩm và dịch vụ kết hợp kỹ thuật mới như ngân hàng điện tử (Internet Banking) và ngân hàng qua điện thoại di động (Mobile Banking), những sản phẩm/dịch vụ không đòi hỏi phát triển mạng lưới khách hàng thông qua các chi nhánh. Sự phát triển của các dịch vụ trực tuyến đang ngày càng phổ biến khiến nhu cầu nhân lực ngành ngân hàng giảm, và dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới.

Ở Việt Nam, theo số liệu của Điều tra Lao động việc làm, số lượng nhân viên của các ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm vừa qua tuy có phần chậm lại. Điều này hoàn toàn đi ngược lại xu hướng thế giới. Một số ngân hàng đã phải cắt giảm nhân lực, nhưng số người nghỉ việc vẫn chưa đáng kể. Các sản phẩm ngân hàng kết hợp với kỹ thuật mới đã và đang được đầu tư triển khai nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Lượng khách hàng sử dụng các sản phẩm này vẫn chiếm phần nhỏ. Thói quen dùng tiền mặt cũng như tâm lý e ngại việc bảo mật thông tin cá nhân và lo sợ bị mất cắp thông tin tài khoản khi sử dụng của người dân khiến các loại hình dịch vụ này chưa phát triển mạnh.

Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới. Một số ngân hàng thương mại lớn như Vietinbank, VP Bank,... đang khuyến khích sử dụng các dịch vụ của Internet banking bằng việc thưởng thêm lãi suất cho những người gửi tiết kiệm sử dụng dịch vụ này. Sự nhập cuộc của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và những người trẻ tuổi dễ dàng tiếp thu, sử dụng công nghệ mới cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình này phát triển nhanh chóng.

Ngành giáo dục và đào tạo: Ngành giáo dục đào tạo không chỉ chịu sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng và tiến bộ công nghệ nói chung mà còn có tác động ngược lại. Công nghệ và vốn con người là 2 yếu tố then chốt nhất trong các mô hình tăng trưởng. Khác với các yếu tố đầu vào khác (vốn, lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên) luôn bị ràng buộc bởi trần giới hạn thì 2 yếu tố này có thể tăng lên không bị chặn bởi trần và do vậy, là chìa khóa để các quốc gia có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chính vì vậy, đây là những nội dung quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của các quốc gia thành công.

Ở Việt Nam, giáo dục và đào tạo luôn có được vị trí quan trọng trong các chính sách của Nhà nước và trong đầu tư của các gia đình. Chi phí cho giáo dục và đào tạo bởi Nhà nước và bởi các gia đình của Việt Nam tính bằng % GDP luôn ở mức cao so với các nước có trình độ phát triển tương đồng và cả các nước ở trong khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam còn có nhiều bất cập so với yêu cầu.

Thứ nhất, trong một thế giới hiện đại do công nghệ dẫn dắt, chính phủ của nhiều nước trên thế giới đã có chính sách ưu tiên rõ rệt cho các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (Science, Technology, Engineering and Mathematics, viết tắt là STEM). Kết quả là những sinh viên mới, đặc biệt là sinh viên nước ngoài chuyển hướng mạnh sang học các ngành STEM để tìm kiếm cơ hội ở lại làm việc tại Mỹ. Trong khi đó, ở Việt Nam không có những định hướng rõ nét, dẫn đến tình trạng những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng,... Bản thân số trường đào tạo các ngành công nghệ và kỹ thuật cũng không nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và tự động hóa, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin.

Thứ hai, sự kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp hiện nay còn yếu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như việc hỗ trợ sinh viên thực tập để có kiến thức thực tế để qua đó dễ dàng xin việc sau khi tốt nghiệp. Kết quả là sinh viên khi ra trường thiếu nhiều kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Thực tập tại công ty để có các kinh nghiệm thực tiễn phù hợp càng quan trọng hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra này càng mạnh mẽ. Các công việc đơn giản mà sinh viên mới ra trường trước đây làm trong những năm đầu sự nghiệp đã bị tự động hóa và do vậy sinh viên mới ra trường phải làm những việc phức tạp hơn - điều không khả thi nếu những sinh viên này không được thực tập với công ty ngay trong những năm học đại học.

5. Kiến nghị giải pháp

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra với tốc độ nhanh theo cấp số nhân đang làm thay đổi bối cảnh toàn cầu và có tác động ngày một gia tăng đến Việt Nam, cả tác động tích cực cũng như bất lợi: Với tư cách người tiêu dùng, tất cả người dân đều được hưởng lợi do hàng hóa và dịch vụ sẽ phong phú hơn và giá cả hợp lý hơn. Tuy nhiên, trong trung hạn nhiều lao động có thể sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là lao động ít kỹ năng nên phải chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hóa đang tăng tốc ở các nước phát triển.

Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến hơn, và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước được công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Muốn vậy, cần:

Một là, cần tăng cường nâng cao nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách cũng như khu vực doanh nghiệp (nhất là đối với các doanh nghiệp trong ngành năng lượng, khai thác tài nguyên, công nghiệp chế tạo do các ngành này có khả năng chịu nhiều tác động) và khu vực ngân hàng về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giúp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư nhằm tránh các khoản đầu tư sai, qua đó giúp ngăn ngừa các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Hai là, cần đưa những cơ hội và thách thách thức liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào như là một nội dung bắt buộc của việc phân tích bối cảnh để điều chỉnh những thông số của các kế hoạch phát triển trung và dài hạn, đặc biệt là chương trình đầu tư hạ tầng lớn, trước hết là internet, thông tin, truyền thông.

Ba là, cần thêm nguồn ngân sách dành cho an sinh xã hội, đặc biệt là dùng để hỗ trợ lao động có thể bị mất việc trong các ngành chịu tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bốn là, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo: thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành; dành ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tính kết nối; phát triển thị trường vốn dài hạn, và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo.

Năm là, thực hiện chính sách công nghiệp phù hợp để, tăng cường mối liên kết chặt chẽ hơn giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI, đặc biệt là có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghiệp phụ trợ gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy một sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, khu vực doanh nghiệp và các trường đại học công nghệ để thúc đẩy sự phát triển một số ngành chọn lọc, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Sáu là, thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng: Tăng cường quảng bá để nâng cao nhận thức lớp trẻ, hướng sinh viên vào học các ngành công nghệ. Nuôi dưỡng các kỹ năng công nghệ từ nhỏ, lập trình vào chương trình học từ những lớp cấp dưới như tiểu học, phổ thông; Hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành khoa học và công nghệ bằng các thể chế và chính sách hiệu quả; Có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục đào tạo gắn kết với nhau để thu hẹp khoảng cách kỹ năng của sinh viên mới ra trường, qua đó giúp họ rút ngắn thời gian tìm việc phù hợp với chuyên môn và các doanh nghiệp rút ngắn thời gian và giảm chi phí tuyển dụng; Khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, học tập liên tục trên cơ sở tận dụng những công nghệ học tập mới nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Acemoglu, D., Johnson, S. & Robinson, J. (2004). Institutions As the Fundamental Cause of Long-Run Economic Growth”, in Aghion, P. & Durlauf, S. (eds.), Handbook of Economic Growth.
  2. Acemoglu, D. & Robinson, J. (2013), Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh Vượng và nghèo đói, Nhà xuất bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
  3. Phùng Đức Tùng (2017). Bài toán tăng trưởng bao trùm và bất bình đẳng. Truy cập tại https://tuoitre.vn/bai-toan-tang-truong-bao-trum-va-bat-binh-dang-20171107101723724.htm, ngày 15/8/2020.
  4. Nguyễn Thắng (2016). Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghệ. Truy cập tại https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/nghien-cuu-trao-doi?p_p_id=101&p_p_lifecycle=0&p_p_state =pop_up&p_p_mode=view&_101_struts_action=%2Fasset_publisher%2Fview_content&_101_assetEntryId=786612&_101_type=content&_101_urlTitle=tang-truong-bao-trum-o-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-va-cach-mang-cong-nghe, ngày 15/8/2020.
  5. Tổng cục Thống kê (2020). Niên giám Thống kê năm 2019. NXB Thống kê.
  6. Website cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. https://data.worldbank.org/country/vietnam?locale=vi.

THE INCLUSIVE GROWTH AND CURRENT IMPACTS

OF THE INDUSTRY 4.0 ON VIETNAM’S DEVELOPMENT

• Master. TRUONG THI HOANG YEN

Academy of Journalism and Communication

ABSTRACT:

Inclusive growth is a multidimensional concept that emphasizes the ensurance of economic benefits or opportunities generated by the growth are shared equally among all members of society. Vietnam is in the process of deeply integration and the Industry 4.0 has brought many development opportunities to the country. Policy reforms are critical for Vietnam to ensure a sustainable and inclusive economic growth. This paper analyzes the challenges and difficulties that Vietnam has to face and the country’s achievements, thereby helping the state to have appropriate policy solutions to ensure the national sustainable and inclusive economic growth.

Keywords: Growth, economic, the Industry 4.0.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 9 năm 2020]