Tăng trưởng tín dụng thời Covid-19 và một số khuyến nghị

ThS. NGUYỄN THANH TÙNG - ThS. HOÀNG SƠN (Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung vào những điểm nhấn về tăng trưởng tín dụng giai đoạn đầu năm 2020, từ đó nhóm tác giả đưa ra khuyến nghị về hoạt động tín dụng giai đoạn những tháng cuối năm.

Từ khóa: Tăng trưởng tín dụng, nợ xấu, Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 03/1/2020 chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020, đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, NHNN cũng đã xây dựng các chỉ tiêu và giải pháp tăng trưởng tín dụng đảm bảo linh hoạt, phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ. Qua đó, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của Ngành năm 2020, bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Kết thúc tháng 5/2020, tín dụng toàn Ngành chỉ tăng được 1,96% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức 5,74% cùng kỳ năm 2019 và 6,16% năm 2018. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động đến toàn nền kinh tế. Điều này càng làm tăng thêm lo ngại về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 là 14% với chất lượng tín dụng được đảm bảo.

2. Những điểm nhấn về tăng trưởng tín dụng giai đoạn đầu năm 2020

2.1. Tốc độc tăng trưởng tín dụng 5 tháng thấp kỷ lục

Số liệu cập nhật của NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 29/5/2020 là 1,96% so với cuối năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tín dụng 5 tháng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu được lý giải là do tác động của dịch Covid-19 dẫn đến cầu tín dụng tăng thấp, đồng thời các tổ chức tín dụng cũng thực hiện chặt chẽ phương châm mở rộng tín dụng theo hướng thận trọng, gắn liền với đảm bảo an toàn nguồn vốn để bảo đảm an toàn nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh đại dịch.

Ở góc độ cân đối vĩ mô, tăng trưởng tín dụng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch đã tạo nên “hiện tượng” khi không còn thấy sự sốt ruột, yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong các phân tích, chỉ đạo điều hành nói chung để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế như những năm trước đó.

Bảng 1. Tăng trưởng M2, tín dụng: Chỉ tiêu và thực hiện (2015 - 2019)

Tăng trưởng M2

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bảng 1 cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành tín dụng của NHNN luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

Đầu năm 2020, Chỉ thị số 01/CT-NHNN nêu rõ cần đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, cung tiền M2 khoảng 13%; đồng thời chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như của từng tổ chức tín dụng (TCTD) phải theo đúng định hướng, mục tiêu đã đề ra cho năm 2020. Mặc dù, hoạt động tín dụng đã diễn biến phù hợp với định hướng đề ra, đảm bảo chất lượng tín dụng song do trong bối cảnh đầu năm 2020 có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan không thuận lợi - như đại dịch Covid-19, nên hoạt động tín dụng đã phát sinh một số yếu tố đáng lo ngại. Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2020 ở mức thấp hơn nhiều lần so với 2 năm liền trước khi chỉ đạt 1,96% so với mức tăng 5,74% và 6,16% cùng kỳ năm 2019 và 2018. Mức tăng trưởng này tương đương số dư nợ các TCTD giải ngân ra nền kinh tế sau 5 tháng đạt khoảng 160.600 tỷ đồng, tính bình quân các TCTD giải ngân ra nền kinh tế trên 1.000 tỷ đồng mỗi ngày.

Mức tăng trưởng tín dụng trên cũng phản ánh sự khó khăn chung của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp giai đoạn đầu năm, một loạt ngành hàng đã chịu ảnh hưởng tiêu cực như nông, lâm nghiệp thủy sản, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, dầu khí, du lịch, giáo dục,… dẫn đến sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và nhu cầu về vốn giảm mạnh. Ở góc độ vay cá nhân cũng rơi vào trạng thái tương tự, tỷ lệ không nhỏ lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến thu nhập giảm phải thắt chặt chi tiêu, dẫn đến nhu cầu vay tiêu dùng hay đầu tư giảm sút.

2.2. Chất lượng tín dụng được kiểm soát ở mức hợp lý

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm1, nhiều quốc gia tăng trưởng chậm, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU đều chứng kiến tình trạng GDP suy giảm đáng kể thì GDP quý I/2020 của Việt Nam ở mức 3,82% được đánh giá là đạt mức khá so với nhiều nền kinh tế khác. Đồng thời, nếu đặt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức thấp thì mức tăng trưởng GDP này chính là tín hiệu tích cực về chất lượng tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn vay và sức hấp thụ của nền kinh tế. Cụ thể:

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP của Việt Nam nhiều năm qua duy trì ở mức khá cao so với các quốc gia khác. Đặc biệt, từ giai đoạn năm 2010 trở đi thì con số này đạt mức 100 - 120%, năm 2018 tỷ lệ này đã tăng lên đến 133%. Đây là mức mà nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo tiềm ẩn rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính và ổn định vĩ mô. Do vậy, sự hạ nhiệt về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP của Việt Nam giai đoạn đầu năm 2020 cho thấy, Việt Nam đã khá thành công trong hoạt động kiểm soát tăng trưởng, cơ cấu và chất lượng tín dụng phù hợp.

Biểu đồ 1: Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP Việt Nam và một số quốc gia giai đoạn 1998 - 2018

tăng trưởng tín dụng/GDP Việt Nam

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

2.3. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động ở mức thấp nhất trong nhiều năm

Tổng tài sản hệ thống các TCTD tính đến thời điểm ngày 31/3/2020 đạt mức xấp xỉ gần 12,5 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ so với tháng trước đó nhưng lại giảm 0,71% so với cuối năm 2019. Cũng trong giai đoạn đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với tăng trưởng vốn huy động cho thấy, thanh khoản của hệ thống TCTD đầu năm 2020 duy trì ổn định. Xét toàn hệ thống, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) là 73,81%, đạt mức giới hạn trong quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN (tối đa 85% với tất cả các tổ chức tín dụng). Đồng thời, đây là mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Bảng 2. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động

Tỷ lệ cấp tín dụng

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2.4. Nợ xấu vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao

Ngay từ đầu năm 2020, việc kiểm soát và xử lý nợ xấu đã được triển khai quyết liệt, có hiệu quả, đảm bảo đúng lộ trình theo các giải pháp tại phương án tái cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến hết năm 2020 đã được phê duyệt, đặc biệt là các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các cơ quan quản lý cũng đã xác định chất lượng tài sản của các TCTD sẽ chịu tác động không tích cực, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao. Theo đánh giá của cơ quan điều hành, giai đoạn đầu năm 2020, quy mô tín dụng bị ảnh hưởng do Covid-19 có thể lên tới khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ, tương đương khoảng 23% dư nợ toàn ngành, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, ngành Ngân hàng đã sớm vào cuộc khi NHNN ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN để tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng. Đồng thời, trong điều hành tín dụng, NHNN luôn bám sát diễn biến dịch Covid-19 để thực hiện các biện pháp kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng. Đến ngày 8/6/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 978.529 tỷ đồng; cho vay 225.514 khách hàng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo của các cơ quan quản lý, các TCTD đã tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng, cấp tín dụng đi đôi với an toàn tín dụng, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất kinh doanh.

Biểu đồ 2: Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành Ngân hàng

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành Ngân hàng

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bên cạnh yếu tố tích cực, hoạt động tín dụng Ngân hàng giai đoạn đầu năm 2020 còn tồn đọng nhiều vấn đề đáng lo ngại như: Nguy cơ nợ xấu, nỗi lo về tăng trưởng tín dụng gắn kết chặt chẽ với kiểm soát chất lượng và cơ cấu tín dụng phù hợp, đảm bảo hỗ trợ hiệu quả nhất cho cá nhân doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, tập trung đẩy mạnh sản xuất, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển hoạt động kinh doanh.

3. Một số khuyến nghị

Chính phủ đã có Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó nhấn mạnh mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu là những nhiệm vụ trọng tâm. Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 3%. Để đạt mục tiêu trên, hoạt động tín dụng năm 2020 cần quan tâm những vấn đề sau:

Thứ nhất, NHNN hỗ trợ các TCTD quyết liệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

NHNN có giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại mà nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động. Tập trung xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Thứ hai, NHNN đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.

Xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ. Thúc đẩy áp dụng toàn diện Chuẩn mực an toàn Basel II. Đảm bảo hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng tuân thủ những quy định về an toàn, góp phần hạn chế tiêu cực và rủi ro tín dụng. Loại bỏ tình trạng phân biệt đối xử trong lĩnh vực tiền tệ, đảm bảo tính công bằng, chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng của các TCTD. Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện để các ngân hàng thực hiện nhiều hoạt động bán hàng, quản lý và tác nghiệp tín dụng tốt hơn. Nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng tốt và an toàn hơn.

Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động tín dụng, đưa tỷ trọng tín dụng/GDP về mức hợp lý.

Khi tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt, muốn duy trì được lợi nhuận hợp lý, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí hoạt động, đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ thu phí. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số các dịch vụ tài chính ngân hàng để giảm thiểu các chi phí về quản trị, quản lý, giảm thiểu nhân lực. Đây cũng chính là giải pháp đổi mới công nghệ số hóa hoạt động từ đào tạo nhân lực đến quản trị ngân hàng.

Thứ tư, tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng.

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng sẽ không dám vay vốn ngân hàng để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh phải thu hẹp quy mô sản xuất do dịch Covid-19 thời gian qua. Ngược lại, nếu doanh nghiệp có cơ hội mở rộng sản xuất mang lại hiệu quả cao thì nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng sẽ nhiều hơn. Do vậy, NHNN cần đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện triệt để các đề án tổng thể về tái cấu trúc nền kinh tế trong từng thời kỳ theo hướng tập trung vào đảm bảo chất lượng tín dụng, tái cơ cấu và hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, NHNN có biện pháp đồng bộ, quyết liệt để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Cần tổ chức triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng nhằm phục vụ sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và đời sống của người dân, doanh nghiệp, nhất là ở các khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tích cực phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Tháng 3/2020: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp hơn nhiều so với mức 2,9% của năm 2019 và cho rằng khó dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm sâu đến mức nào trong năm 2020. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã hạ mức dự báo thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 11/2019, xuống còn 2,4% cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 chỉ đạt 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu 2008 - 2009

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 01/2020/NQ-CP V/v nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, ngày 01/1/2020.
  2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), Chỉ thị số 01/CT-NHNN, về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019, ngày 03/1/2020.
  3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid - 19, ngày 13/3/2020.
  4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), Tài liệu họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020, ngày 16/6/2020.
  5. Các Tổ chức tín dụng (2017, 2018, 2019), Báo cáo tài chính năm 2017, 2018, 2019.
  6. Website: https://data.worldbank.org/indicator, https://www.sbv.gov.vn, https://www.bloomberg.com, www.scmp.com, https://www.cafef.vn, www.vietnambiz.vn, https://vov.vn, www.vietnamfinance.vn, www.tapchitaichinh.vn

THE CREDIT GROWTH AMID THE COVID-19 PANDEMIC

AND SOME RECOMMENDATIONS

• Master. NGUYEN THANH TUNG

• Master. HOANG SON

Faculty of Banking, Banking Academy

ABSTRACT:

This article presents the highlights of credit growth in the early period of 2020 and makes recommendations on credit performance for the rest of 2020.

Keywords: Credit growth, non-performing loans, Covid-19 pandemic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]