Tăng tỷ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước

Khi ra đời, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã hướng tới mục tiêu tổng quát: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào Chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị hưởng ứng Cuộc vận động nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.
Hàng Việt
Trải nghiệm kích cầu tiêu dùng tại Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam năm 2020

 

Thông qua việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ, mục tiêu này luôn được hướng tới xuyên suốt thời gian qua. Đến nay, các mục tiêu của Đề án hầu như đã được hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu đề ra, có thể kể đến một số điển hình cụ thể như sau:

- Đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Cuộc vận động; Đến năm 2018 trên 70% biết đến Chương trình quốc gia “Tự hào hàng Việt Nam”; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử) có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” thường xuyên tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động;

- Đến năm 2015, tăng thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống lên trên 70%; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai trên địa bàn chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt cố định, bền vững với tên gọi nhận diện “Tự hào hàng Việt Nam”; Phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80%; 

- Đến hết năm 2020, cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt và phục vụ công tác quản lý nhà nước;

- Đến năm 2018, tỷ lệ hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu chiếm từ 25-30%; đến 2020 là trên 50%.

hàng Việt
Hàng Việt chiếm tỷ trọng cao tại các siêu thị 

 

Khi Đề án ra đời khi công tác phát triển thị trường trong nước đang gặp phải những hạn chế như: hệ thống phân phối hàng Việt  vẫn chưa phủ khắp cả nước, hoạt động thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt bền vững, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn chưa nhiều cũng như hoạt động đưa hàng Việt về các khu vực trên vẫn thiếu tính ổn định;

Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của một số hàng Việt vẫn còn thấp; liên kết của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ chưa ổn định; hoạt động hỗ trợ giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt chưa thực sự đầy đủ; công tác truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chưa đạt hiệu quả cao…

Sau khi triển khai Đề án trong thời gian khoảng 6 năm, hệ thống phân phối hàng hóa đã được phát triển rộng khắp trên cả nước.

Trong thời gian qua đã thiết lập trên 100 Điểm bán hàng Việt Nam tại các địa phương trên cả nước, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam“.

hàng Việt
Điểm bán hàng Việt Nam tại BK Mart Bắc Kạn

 

Hiện trên toàn quốc có khoảng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó chủ yếu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và các hàng hóa thiết yếu Việt Nam.

Tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam nhanh:  Saigon Co.opmart mở được hơn 114 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 800 điểm; Vincommerce đã mở được hơn 100 siêu thị Vinmart và 2.000 cửa hàng Vinmart+...

Từ những kết quả nêu trên, Đề án đã là một trong những hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2015-2020 vừa qua.

Cụ thể. tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2014-2019 tăng khá ở mức 10-12% so với năm trước, trong đó mức tăng chủ yếu vẫn nhờ các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, du lịch...

hàng Việt
Trải nghiệm kích cầu tiêu dùng tại Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam năm 2020

 

Đồng thời, giúp duy trì, tăng tỷ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước. Hiện hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%.

Có thể kể: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (90%), BRG Retail (90%), hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh (95%),...

Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%. Cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng),...

Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại vẫn chiếm tỷ trọng cao (70-90%). Đây là con số ấn tượng sau 6 năm triển khai Đề án, vượt mức chỉ tiêu đề ra.

Trà Bồng