Những bài học rút ra từ khảo sát APCI năm nay được nêu ở dưới đây đặt trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có xu hướng chuyển dịch và đối mặt với các vấn đề phát sinh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để nhận thấy giá các giá trị từ cải cách TTHC.

Bài học thứ nhất, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ, và các bộ ngành.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định: “.APCI 2019 và APCI 2020 đều cho thấy những nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của doanh nghiệp cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử”.

Những yếu tố này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống.

Bài học thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, như một không gian mở cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Chi phí không chính thức được phản ánh nhiều ở các nhóm TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh như các nhóm TTHC về Kiểm tra chuyên ngành, Đất đai, Xây dựng, Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh.

Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh và cạnh tranh công bằng tại Việt Nam và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn nữa, để có thể “tăng liên kết giữa đầu tư nước và đầu tư trong nước”, nâng cao “sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu”, và hỗ trợ được doanh nghiệp trong nước “tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu” theo Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 85/NQ-QH14 của Quốc hội thì môi trường kinh doanh tại Việt Nam phải lành mạnh, minh bạch, công khai nhất quán và có tính cạnh tranh cao.

Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ “cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, đang là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước” như Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ đã nhận định.

Bài học thứ ba, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC.

Việc chuyển đổi này không chỉ đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với doanh nghiệp từ giai đoạn trước “cấp phép” sang sau “cấp phép” mà là thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cải cách cũng như là thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm kinh doanh của mình.

Khảo sát APCI tại các địa phương cho thấy doanh nghiệp mong mỏi cần có những quy định, khuôn khổ, phương thức cụ thể, rõ ràng và bảo đảm các tiêu chí giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong công tác hậu kiểm.

Doanh nghiệp mong muốn công tác này mang tính khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng tìm soát “lỗi” của doanh nghiệp để xử phạt.

Bài học thứ tư là APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội.

Phân tích các chỉ số thành phần của những địa phương đứng đầu về số điểm APCI 2019 và 2020 cho thấy thành công của các địa phương là nhờ các chỉ số về thời gian thực hiện TTHC, chi phí trực tiếp và tổng chi phí thấp.