Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trực tiếp chỉ đạo Vinatex làm việc với Ban chỉ đạo Trung ướng về kết quả công tác thực hiện phòng chống tham nhũng tại đơn vị

Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu Nhà nước quản lý toàn diện các mặt hoạt động của Công ty Mẹ - Tập đoàn thông qua người đại diện phần vốn (trước cổ phần hóa là thông qua Hội đồng thành viên Tập đoàn). Sự kết hợp giữa vai trò quản lý Nhà nước và vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng đảm bảo hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng tại đơn vị.

Trong gần 6.000 doanh nghiệp dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam là đơn vị tiên phong, nòng cốt trong Hiệp hội Dệt May Việt Nam, chủ động tham gia, tham mưu, xây dựng các quy hoạch phát triển ngành và tham vấn đàm phán các Hiệp định thương mại quốc tế, vì lợi ích và sự phát triển của cả ngành.

Từ các chủ trương đường lối của Đảng, thể hiện tại các Nghị quyết, chỉ thị kết luận của Đảng và Luật phòng, chống tham nhũng… các chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và các Nghị quyết của Đảng ủy Khối DNTW đã được Đảng ủy Vinatex cụ thể hóa bẳng các văn bản phù hợp với đặc thù ngành để chỉ đạo quyết liệt tại các đơn vị thành viên. Cụ thể Vinatex đã tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành mới các quy chế, định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý điều hành. Trong năm 2012, Hội đồng thành viên Vinatex đã ban hành 6 Quyết định về các Quy chế, trong đó có Quy chế Quản lý người đại diện phần vốn đầu tư; Quy chế Quản lý đầu tư; Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm cán bộ thuộc diện Tập đoàn; Quy chế tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thuộc Tập đoàn…

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn tại Vinatex

Trên cơ sở đó, Cơ quan Văn phòng Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện thỏa ước lao động tập thể ngành; công khai minh bạch về các hoạt động mua sắm, sử dụng tài sản công; rà soát xây dựng lại các định mức kinh tế, kỹ thuật; chế độ công tác phí; các chi tiêu thường xuyên; rà soát quy trình thẩm định, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư và đánh giá hiệu quả sau đầu tư. Đặc biệt là việc xây dựng tiêu chí đánh giá người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp làm cơ sở để đánh giá cán bộ quản lý vốn của Tập đoàn theo từng năm. Hàng năm, Vinatex tổ chức thường xuyên Hội nghị người quản lý vốn của Tập đoàn tại các đơn vị, tiến hành đánh giá người đại diện vốn theo quy chế của đơn vị, đồng thời có thư đánh giá cụ thể từng người quản lý vốn. Cùng với đó là việc xây dựng biểu mẫy báo cáo thống kê và ban hành thống nhất trong Tập đoàn, giúp việc hạch toán tài chính rõ ràng, chính xác; công khai chính sách tiền lương và thu nhập…

Nhằm nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng và phòng ngừa tham nhũng trong giai đoạn từ tháng 1/2013 đến 31/3/2015 Vinatex đã chuyển đổi vị trí công tác và bổ nhiệm, thay đổi, điều chuyển cán bộ quản lý, người đại diện vốn, kiểm soát viên tại các đơn vị thành viên. Cụ thể đã Bổ nhiệm mới 17 cán bộ (năm 2013), 16 cán bộ (năm 2014), 11 cán bộ (năm 2015); Bộ nhiệm lại 3 cán bộ (năm 2013), 1 cán bộ (năm 2014) và có tới 36 cán bộ được bổ nhiệm lại (năm 2015). Đặc biệt cho thôi nhiệm vụ 3 cán bộ (năm 2014) và thôi tham gia Ban kiểm doát 15 cán bộ, thôi đại diện vốn 22 cán bộ trong năm 2015. Trong năm 2014, Vinatex đã cử đại diện quản lý vốn 24 cán bộ tại các đơn vị và cử 3 cán bộ tham gia Ban kiểm soát; năm 2015, cử thêm 13 cán bộ tham gia Ban kiểm soát tại các đơn vị.

Kết quả bước đầu: Chưa có dấu hiệu tham nhũng

Với những việc làm trên, công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua của Vinatex đã đạt được những kết quả đáng được nghi nhận. ông Lê Tiến Trường, Tông giám đốc Vinatex cho biết: Đến thời điểm hiện nay, đơn vị chưa phát hiện thấy có dấu hiệu tham nhũng hoặc tham nhũng, kết quả này có được là nhờ sự hoạt động đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền sâu rộng Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật khiếu nại tố cáo… tới từng cán bộ đảng viên, công nhân viên. Thực hiện một cách nghiêm túc các quuy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và tổ chức có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa.

Ông Hà Ngọc Chiến, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đánh giá cao kết quả đạt được của Vinatex trong việc thực hiện phòng chống tham nhũng của đơn vị

Hiện nay Hệ thống Đảng bộ Vinatex đã phát triển được 22 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó có 12 Đảng bộ cơ sở và 10 Chi bộ cơ sở, với tổng số 9.000 đảng viên, trong đó có 2.000 đảng viên sinh hoạt tại Vinatex, còn lại là tại các đơn vị thành viên. Trong những năm qua, Đảng bộ Vinatex đã phối hợp chặt chẽ với các Đảng bộ địa phương để làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị, tư tưởng trong phạm vị toàn Vinatex với 59 tổ chức cơ sở đảng tại các đơn vị thành viên, các đơn vị liên doanh, liên kết có góp vốn của đơn vị. Hầu hết các đơn vị thành viên của Vinatex đều là những công ty cổ phần, chịu sự giám sát của đại hội đồng cổ đông, trong đó Vinatex cũng là một cổ đông thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thông qua người đại diện phần vốn, bình đăng với các cổ đông khác, vì lợi ích chung của công ty; việc minh bạch hóa thông tin và trách nhiệm giải trình thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật liên quan

Trong những năm qua, Vinatex đã thực hiện tốt việc kê khai tài sản theo quy định hàng năm nhằm minh bạch tài sản và thu nhập. Năm 2013, đã thực hiện kê khai tài sản 100 % cán bộ quản lý từ cấp Chính phủ tới Bộ, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, cấp Thủ tướng Chính phủ: 5 người; cấp Bộ Công Thương: 8 người và cấp Tập đoàn là 18 người; các đơn vị thành viên quản lý 262 người và 57 người đại diện phần vốn của Tập đoàn. Năm 2014, Vinatex đã tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập đối với đối tượng kê khai hoàn thành 100% với 102 bản kê khai tài sản. Kết quả đạt được là không có trường hợp nào phải thực hiện xác minh tài sản, thu nhập; hoặc vi phạm các quy định minh bạch tài sản, thu nhập. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, trong kỳ không có trường hợp nào phải xem xét, xử lý.

Bên cạnh đó, Thanh tra đơn vị cũng đã luôn tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng trong toàn đơn vị. Trong các năm 2013, 2014, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy đã phối hợp với Thanh tra của Vinatex, Ban kiểm soát nội bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra thường niên 19 đơn vị, qua kiểm tra, các đơn vị đều thực hiện đúng các quy định về quản lý kinh tế, không có dấu hiệu vi phạm tham nhũng. Từ năm 2013 đến nay, Vinatex luôn duy trì lịch tiếp cán bộ công nhân vào ngày thứ 5 tuần đầu hàng tháng và giải quyết kịp thời các chế độ chính sách liên quan đến người lao động.

Hạn chế, khó khăn và những kiên nghị đề xuất

Mặc dù công tác Phòng, chống tham nhũng tại Vinatex đã được Bộ Công Thương Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đánh giá cao về những kết quả đạt dược, tuy nhiên theo ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐTV Vinatex đã cho rằng: Hiện nay nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng của một số đơn vị chưa thật đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức do quá tập trung vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, do đặc thù ngành Dệt May, người đứng đầu vị trí lãnh đạo từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên chịu áp lực công việc lớn, từ đó kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế. Công tác triển khai, phối hợp tại một số đơn vị còn mang tính hình thức, chưa chủ động phòng ngừa. Đặc biệt là việc chuyển đổi vị trí công tác ở một số đơn vị còn chưa triệt để do khó khăn về biên chế, đặc thù công việc… Bên cạnh đó, công tác tự thanh tra, kiểm tra, năng lực phát hiện các hành vi tham nhũng còn hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Để Công tác Phòng, chống tham nhũng tại Vinatex được thực hiện tốt trong các kỳ tiếp theo, đơn vị sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức thanh tra, trong đó có ban thanh tra nhân dân, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của đơn vị, làm rõ việc phân công trách nhiệm cho từng thành viên, tổ chức từng cấp; chú trọng công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực, những khâu dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng như: đầu tư xây dựng, kinh doanh, đấu thầu để làm tốt công tác phòng ngừa. Đồng thời phối hợp chặt chẽ công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp dân và các tổ chức, đoàn thể trong công tác phòng chống tham nhũng. Cũng tại buổi làm việc này, Vinatex cũng đã đề xuất, kiến nghị với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng cho cán bộ doanh nghiệp vì hiện nay Vinatex chưa có lực lượng chuyên nghiệp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Để các dự án Dệt May đầu tư có hiệu quả, rất cần Nhà nước và Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính ở các địa phương để nâng cao việc phòng chống tham nhũng ngay từ khâu đầu tư.