Duy trì kết quả khả quan

Giai đoạn 2018 - 2020, ngành Hóa chất hoạt động trong bối cảnh có nhiều thuận lợi khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thuận lợi và thách thức đan xen, cơ hội đầu tư và phát triển thị trường xuất khẩu được mở rộng. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, lạm phát được kiểm soát; lãi suất ngân hàng ở mức hợp lý; cơ chế chính sách ngày một thông thoáng, minh bạch hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển nâng cao sức cạnh tranh. Chưa kể, các sản phẩm của Tập đoàn có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Giá nguyên vật liệu đầu vào của nhóm ngành cao su, chất tẩy rửa, pin ắc quy tương đối ổn định… là cơ sở để các đơn vị thuộc nhóm này triển khai tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh trong kỳ.

phan bon
Các doanh nghiệp phân bón thuộc Tập đoàn gặp không ít khó khăn trong giai đoạn 2018-2020

Tuy nhiên, ông Phùng Quang Hiệp – Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chỉ rõ, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế thế giới và do tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón của Tập đoàn. Từ đầu năm 2020, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, gây tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề, việc gián đoạn các chuỗi cung ứng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến đến mọi mặt của hoạt động đời sống và sản xuất kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, Luật số 71/2014/QH13 tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Các năm 2018, 2019, 2020 giá điện và than đều tăng, trong khi đó giá phân bón giảm, cầu trong thị trường yếu, dẫn đến việc phân bón trong nước cạnh rất gay gắt với hàng nhập khẩu. Việc khai thác quặng và công tác tuyển quặng của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam gặp khó khăn do chậm được cấp phép/cấp phép lại cho các khai trường và kho lưu quặng 3.

Đặc biệt, các đơn vị thuộc “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương” thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam gồm: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP - Vinachem và Công ty CP DAP số 2 - Vinachem tiếp tục gặp khó khăn khi chi phí lãi vay đầu tư tăng mạnh do phải hạch toán lãi phạt trên lãi chậm trả; rất khó khăn trong việc vay vốn lưu động, lãi suất vay vốn lưu động tiếp tục phải chịu cao hơn mặt bằng thị trường lãi suất từ 1% đến 2,5%.

Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm phân bón, cao su, pin-ắc quy, chất tẩy rửa trong nước tiếp tục cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan và một số nước Asean. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu và hiện tượng xâm nhập mặn đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp dẫn đến nhiều khó khăn trong tiêu thụ phân bón - sản phẩm chính của Tập đoàn.

Trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đồng loạt triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư các dự án mới. Đồng thời tìm kiếm mở rộng thị trường, tăng thêm các đơn hàng. Đơn cử, từ năm 2018 đến năm 2020, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động một số dự án quan trọng như: Dự án lốp radial công suất 600.000 lốp/năm – Giai đoạn 2 của Công ty CP Cao su Đà Nẵng; Dự án Đầu tư thay thế hệ thống công nghệ và thiết bị để sản xuất xút của Công ty CP Hóa chất Việt Trì…

Nhờ đó, trong 3 năm 2018-2020, lợi nhuận của các đơn vị không thuộc đề án 1468 đồng đạt 5.352 tỷ đồng, các doanh nghiệp thuộc đề án 1468 vẫn đảm bảo duy trì việc làm và thu nhập ổn đinh cho người lao động. Việc chỉ đạo điều hành quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn  vừa đảm bảo phòng chống dịch covid 19, vừa nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh.

cao su
Dây chuyền lốp radial công suất 600.000 lốp/năm – Giai đoạn 2 của Công ty CP Cao su Đà Nẵng

Tiếp tục phát huy vai trò trong nền kinh tế

 Ông Phùng Quang Hiệp cho biết, xác định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế nhà nước, trong thời gian tới, Vinachem sẽ tiếp tục sắp xếp, tái cơ cấu Tập đoàn và các đơn vị thành viên phù hợp với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính và ngành nghề sản xuất kinh doanh liên quan đến ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính. Bên cạnh đó, đảm bảo quy mô và vai trò, vị trí pháp lý của Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trong mô hình tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con, giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp Hóa chất.

Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa công ty mẹ để phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước; thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, công nghệ và quản trị điều hành trong trong lĩnh vực hóa chất; là cơ hội để tái cấu trúc tài chính của Công ty mẹ. Thực hiện cổ phần hóa đối với Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, xây dựng mô hình cơ cấu tổ chức của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam phù hợp tình hình thực tiễn và chiến lược phát triển của Tập đoàn. Tập đoàn cũng sẽ rà soát, sắp xếp, thoái vốn  các đơn vị theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trên nguyên tắc phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới.

“Đặc biệt, Tập đoàn sẽ căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cấp có thẩm quyền, triển khai công tác  sắp xếp, tái cơ cấu 3 doanh nghiệp dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg dứt điểm, mang tính khả thi, phù hợp với quy định pháp luật” – ông Hiệp nhấn mạnh.