Tập đoàn Hoà Phát (HPG) bắt đầu “hưởng trái ngọt” từ mảng sản xuất container

Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG) vừa cho biết đã bàn giao lô vỏ container đầu tiên cho Vinafco. Đồng thời, hai bên đang xem xét triển khai nghiên cứu và phát triển loại vỏ container chở hàng đặc biệt.

Mảng container bắt đầu cho “trái ngọt”

Tập đoàn Hoà Phát
 Tập đoàn Hoà Phát bàn giao lô vỏ container đầu tiên cho VINAFCO.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) cho biết, vừa bàn giao lô vỏ container đầu tiên thuộc Dự án đầu tư đóng mới container của Công ty Cổ phần Vận tải biển VINAFCO (mã cổ phiếu VFC).

Lô hàng này được sản xuất tại Nhà máy Sản xuất Container Hòa Phát tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Nhà máy này có tổng công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container chở hàng phổ thông 20 và 40 feet.

Nhà máy hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 200.000 TEU/năm. Qua đó, Tập đoàn Hoà Phát trở thành nhà sản xuất thiết bị container đạt chuẩn ISO lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Ông Vũ Đức Sính, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất container Hòa Phát cho biết, với thiết bị và công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, vỏ container của Tập đoàn Hòa Phát được thiết kế, sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu kỹ thuật trong việc vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa. Sản phẩm container của Tập đoàn Hòa Phát đã được cơ quan đăng kiểm quốc tế Bureau Veritas chứng nhận.

Tại lễ bàn giao, đại diện VINAFCO bày tỏ sự hài lòng với chất lượng và hình thức của vỏ container của Tập đoàn Hòa Phát.

“Việc mua container mới là một phần trong chiến lược đầu tư trang thiết bị của công ty. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Hòa Phát để phát triển các loại container, trong đó có đề xuất của Tập đoàn Hòa Phát là hai bên cùng nghiên cứu và phát triển loại vỏ container chở hàng đặc biệt”, đại diện VINAFCO cho biết.

Dự kiến trong thời gian sắp tới, VINAFCO sẽ nghiên cứu thực hiện các Hợp đồng tiếp theo với Tập đoàn Hoà Phát.

Trước đó, tháng 10/2023, Tập đoàn Hoà Phát đã bàn giao lô hàng container cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và bàn giao các lô đặt hàng tiếp theo cho loạt doanh nghiệp vận tải biển như New Way Lines, Vietsun, Topaz Marine, Vsico…

Tạo sao Tập đoàn Hoà Phát quyết tâm làm container?

Tập đoàn Hoà Phát
Sản phẩm container của Tập đoàn Hoà Phát hiện thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác trong và ngoài nước.

Từ đầu năm 2021, một phần do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, câu chuyện về logistics đặc biệt là việc thiếu container khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên toàn thế giới phải đau đầu tìm lời giải. Đáng chú ý, trên 90% container trên toàn thế giới là được sản xuất tại Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, mảng sản xuất container từ lâu đã được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng do vị trí địa lý của Việt Nam thích hợp cho việc là địa điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam mạnh mẽ, cùng với đó là tăng trưởng xuất nhập khẩu cao, giúp nhu cầu vận tải đường biển tăn trưởng mạnh qua các năm.

Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam chưa có doanh nghiệp sản xuất container đầu tư bài bản. Trước đây, có nhà máy sản xuất container Vinashin-TGC với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 45.000 TEU/năm tuy nhiên đã ngừng hoạt động khi Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Nhận thấy tiềm năng kinh doanh, Tập đoàn Hoà Phát đã đã khởi công Nhà máy sản xuất container vào tháng 11/2021 và nhanh chóng thương mại hoá lô hàng đầu tiên vào tháng 8/2023.

Xem thêm: "Tiêu thụ phục hồi mạnh, lãi ròng quý 4/2023 của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) dự báo tăng 15%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát, tập đoàn đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi so với các nhà sản xuất hiện tại của Trung Quốc, đặc biệt về giá thành sản phẩm.

Thứ nhất, để sản xuất container, trên 60-70% giá thành phụ thuộc vào nguyên liệu thép. Và thép để sản xuất container là loại thép đặc biệt, kháng thời tiết, chịu được độ mặn của nước biển. Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất thành công loại thép này. Thứ hai, chi phí về lao động tại Việt Nam đang cạnh tranh hơn; ngoài ra, các chi phí về giá điện cũng đang thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, ông Trần Đình Long chia sẻ.

Trong chiến lược sản xuất container, ông Trần Đình Long cho biết thêm ban lãnh đạo tập đoàn đã đi đàm phán với các đối tác phụ trợ trong ngành để thỏa thuận cung cấp nguyên liệu với chi phí tương đương hoặc thấp hơn các nhà sản xuất khác.

Các yếu tố kể trên giúp container của Tập đoàn Hòa Phát sản xuất có chi phí thấp hơn, trong khi chất lượng tương đương với các hãng container hàng đầu trên thế giới. Đáng chú ý, khi nhà máy sản xuất container đi vào hoạt động đầy đủ sẽ giúp tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn thép/năm từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất.

Mạnh Hùng