Tập đoàn Hoà Phát (HPG) nhận ghi nhớ đầu tư cho loạt dự án quy mô 5 tỷ USD tại Phú Yên

UBND tỉnh Phú Yên đã trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho 03 dự án có tổng quy mô 5 tỷ USD của Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG) vào địa phương này.
UBND Phú Yên
UBND tỉnh Phú Yên đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 128.800 tỷ đồng.

Ngày 3/3, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024 và trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 06 nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên tới 128.800 tỷ đồng.

Trong đó, riêng Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) đăng ký tìm hiểu cơ hội đầu tư 03 dự án với tổng quy mô đầu tư dự kiến trên 120.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD), gồm: Dự án Cảng Bãi Gốc (dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng); Dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (dự kiến khoảng 13.300 tỷ đồng); và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (dự kiến khoảng 86.000 tỷ đồng). Cả 03 dự án này dự kiến sẽ được triển khai tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên.

Tập đoàn Hoà Phát
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát, cho biết, tỉnh Phú Yên sở hữu những điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp luyện kim quy mô lớn. Dự kiến các dự án trên khi đi vào hoạt động sẽ sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 lao động tại Phú Yên; đóng góp ngân sách mỗi năm trên dưới 10.000 tỷ đồng cho địa phương.

Như vậy, Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại tỉnh Phú Yên có quy mô đầu tư tương đương với Dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hoà Phát - Giai đoạn 2 đang được Tập đoàn Hoà Phát triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án Dung Quất 2 có công suất 5,6 triệu tấn thép/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Dự kiến dự án này sẽ có mẻ thép thương mại đầu tiên vào quý 1/2025 và được kỳ vọng sẽ đóng góp thêm từ 4 - 5 tỷ USD doanh thu hàng năm cho Tập đoàn Hoà Phát khi đạt công suất tối đa.

Theo ước tính của Tập đoàn Hoà Phát, riêng dự án gang thép sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 12.000 lao động, với nguồn lao động địa phương chiếm 80% - 90%.

Về công nghệ, Tập đoàn Hòa Phát cho biết sẽ đầu tư trang thiết bị công nghệ, hệ thống công trình bảo vệ môi trường (hệ thống quan trắc môi trường tự động, xử lý nước, lọc bụi, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn,…) theo tiêu chuẩn châu Âu, G7, G20 và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của Việt Nam tại các dự án trên.

Hồi tháng 5/2023, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, tập đoàn này sẽ đầu tư các dự án tại Phú Yên bằng 50% vốn tự có, 50% còn lại là vốn vay từ các tổ chức tài chính khác.

Xem thêm: "Nhu cầu lẫn giá thép hồi phục tích cực - Ngành thép bước vào chu kỳ tăng trưởng mới" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với Dự án Cảng Bãi Gốc, theo Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, Cảng Bãi Gốc được quy hoạch để phát triển Khu công nghiệp Hoà Tâm thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên với các nhóm ngành nghề là liên hiệp lọc dầu, luyện kim và ngành năng lượng/

Cảng Bãi Gốc có diện tích 220 ha, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, và định hướng có bến chuyên dùng tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 tấn.

Cuối tháng 9/2023, Tập đoàn Hoà Phát đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên và các đơn vị có liên quan để trình bày các các phương án bố trí mặt bằng quy hoạch Cảng Bãi Gốc. Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh hỗ trợ, tạo các điều kiện tốt nhất để Tập đoàn Hoà Phát tiến hành các thủ tục tiếp theo, đảm bảo đúng quy định.

Mạnh Hùng