Theo khảo sát của hãng kiểm tra tuân thủ chuỗi cung ứng Qima (Hồng Kông, Trung Quốc) Việt Nam trở thành 1 trong 3 nhà cung cấp hàng lớn nhất của nhiều doanh nghiệp thế giới. Cụ thể, nguồn cung ứng hàng hoá từ Việt Nam, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có sự tăng trưởng bền vững về nhu cầu thu mua hàng hoá. Mức độ phổ biến của hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam đối với các doanh nghiệp châu Âu đã tăng mạnh trong vài năm trở lại đây.

Điều này đã khiến hoạt động kiểm toán và kiểm tra hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam trong các chuỗi cung ứng quốc tế trong quý 1 năm 2021 đã tăng tới 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý tăng thứ ba liên tiếp đối của chỉ số này đối với hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam. Cũng theo Qima, nhu cầu kiểm tra hàng hoá đi từ Việt Nam trong các chuỗi cung ứng quốc tế trong quý 1/2021 đã tăng gấp đôi so với hồi quý 1/2019.

Trên thực tế, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa đã trở thành vấn đề nóng  từ giữa năm 2018. Để ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa, bảo vệ sản xuất trong nước và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 119/NQ-CP “Về một số  biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp”.

Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ, Kế hoạch 441/KH-TCHQ chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện, nhằm tăng cường quản lý nhà nước về hải quan, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút dịch chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.

Đánh giá đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng Cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã chủ động nghiên cứu và thành lập tổ công tác đặc biệt tập trung nghiên cứu các quy định về xuất xứ và các điều kiện tiêu chuẩn xác định hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Đồng thời, lực lượng này kiểm tra làm rõ những nghi vấn, gian lận giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp. Từ đó, xác định những rủi ro về gian lận giả mạo xuất xứ, lấy xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu, những phương thức, thủ đoạn gian lận giả mạo xuất xứ.

Theo đó, Cục KTSTQ đã tổ chức xây dựng kế hoạch, đánh giá rủi ro đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng  hóa đi Mỹ, EU, Ấn Độ thành 3 giai đoạn. Kết thúc từng giai đoạn đều thực hiện đánh giá hoạt động kiểm tra; tổng hợp các tình huống, nội dung phát sinh mới, các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tìm biện pháp thực hiện.

Trong năm 2020, Cục KTSTQ đã kiểm tra hơn 100 doanh nghiệp có nghi vấn, phát hiện, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa của một số doanh nghiệp. Kết quả tính đến hết năm 2020, đã phát hiện 45 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ. Đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm… thu gần 78 tỷ đồng (bao  gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu). Đặc biệt, lực lượng KTSTQ còn  phát hiện hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu (chứng nhận xuất xứ) của cơ quan, tổ chức để các doanh nghiệp sử dụng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tham mưu Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về xuất xứ, ghi nhãn, như kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm sửa Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa.

Với sự triển khai đồng bộ, quyết liệt của lực lượng KTSTQ, bước đầu đã kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hiệp định thương mại và ưu đãi thuế quan Việt Nam ký kết với các nước để thực hiện hành vi vi phạm xuất xứ Việt Nam, làm ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với các nước. Về cơ bản đã kiểm soát được tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu của các nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến như xe đạp, pin năng lượng mặt trời, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ và nhiều mặt hàng khác, tránh ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam.

Cục KTSTQ cũng cho biết, để công tác kiểm tra sau thông quan năm 2021 trong chống gian lận xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa đạt hiệu quả, một trong những yếu tố quan trọng là cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong ngành tại các khâu trước, trong và sau thông quan; triển khai mạnh mẽ, đầy đủ, liên tục các biện pháp đấu tranh nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tổng hợp phân tích thông tin, kịp thời đưa ra cảnh báo chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra, chống các hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ, nhãn mác, chuyển tải bất hợp pháp có hiệu quả...

Cục KTSTQ xác định hoạt động kiểm tra sau thông quan, điều tra xác minh hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là hoạt động trọng tâm của ngành Hải quan trong năm 2020, 2021 và các năm tiếp theo. Từ kết quả trong các giai đoạn vừa qua, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai kế hoạch để mở rộng kiểm tra, xác minh hành vi gian lận xuất xứ đối với nhiều doanh nghiệp khác.

Cụ thể trong năm 2021, lực lượng KTSTQ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ, nhãn mác, chuyển tải bất hợp pháp có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, lực lượng sau thông quan tập trung thanh tra, kiểm tra vào các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào 3 thị trường là Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và có nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ kết quả đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng để hoàn thiện các chính sách, quy định của Nhà nước đối với xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.