"Tất tần tật" về đường thủy nội địa Kênh - Âu tàu Nghĩa Hưng vừa được mở luồng tại Nam Định

Trước khi đổi tên, Kênh - Âu tàu Nghĩa Hưng vốn được biết đến là cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, khởi công từ năm 2020, khi đưa vào khai thác giúp "tiết kiệm" khoảng 100 km so với vận chuyển đường bộ, rút ngắn hơn 5 tiếng đồng hồ cho các chủ tàu.

Dự án cuối cùng trong WB6

Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ được thực hiện trên địa bàn xã Nghĩa Sơn và xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Cụm công trình thuộc tiểu hợp phần A2, cũng là công trình cuối cùng thuộc Dự án Phát triển Giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (Dự án WB6) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư tại Văn bản số 291/TTg-QHQT ngày 26/2/2008.

WB6 là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc, được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh/thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Bộ Giao thông vận tải đánh giá đây là bước đột phá trong cải tạo hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa khu vực đồng bằng Bắc Bộ, kết nối vận tải thủy nội địa khu vực với vận tải ven biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm gánh nặng cho đường bộ vốn đang quá tải, ô nhiễm, ùn tắc và nhiều tai nạn.

Dự án WB6 có tổng mức đầu tư 200 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới 170 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 30 triệu USD. Dự án gốc đã hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2016.

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, cuối năm 2019, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký Hiệp định bổ sung vốn cho dự án WB6 để đầu tư cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Hiệp định vay có hiệu lực tới ngày 30/6/2022.

Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ được khởi công cuối năm 2020, có tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD
Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ được khởi công cuối năm 2020, có tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD (Ảnh: Báo Xây dựng)

Ngày 19/11/2020, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ được khởi công, có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD.

Đại diện chủ đầu tư cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ là Ban Quản lý các dự án đường thủy. Tư vấn thiết kế là Liên danh Compagnie nationale du Rhône (Pháp) - Tractebel Engineering (Bỉ) và nhà thầu phụ VIPO.JSC (Việt Nam). Tư vấn giám sát thi công là Liên danh Compagnie nationale du Rhône (Pháp) - Egis structure and environment (Pháp) và VIPO.JSC (Việt Nam). 

Cụm công trình giao thông phức hợp

Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ gồm các hạng mục chính:

(i) Tuyến kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ với chiều dài khoảng 1km; chiều rộng đáy kênh 90-100m.

(ii) Âu tàu với kích thước trong buồng âu rộng 17m, dài 179m và độ sâu đáy 7m; hệ thống neo cố định 3 mức nước vận hành gồm 12 cụm neo; 2 khu chờ tàu đầu 2 sông, mỗi đầu có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành.

(iii) Cầu vượt kênh nối Đáy - Ninh Cơ với tĩnh không 15m, kết cấu bê tông cốt thép, chiều dài cầu 777,9m, bao gồm 18 nhịp dầm Super-T, chiều dài đường dẫn 1.497m. Điểm đầu cầu tại Km31+285, điểm cuối tại Km33+260 đường tỉnh 490C.

(iv) Một số hạng mục phụ trợ như: Hệ thống phao tiêu báo hiệu, trồng cây, đê hoàn trả, hệ thống thủy lợi, điện và thông tin liên lạc…

Cụm công trình gồm kênh nối, âu tàu, cầu vượt và một số hạng mục phụ trợ
Cụm công trình gồm kênh nối, âu tàu, cầu vượt và một số hạng mục phụ trợ (Ảnh: Tiền Phong)

Cụm công trình được thiết kế để tàu chở hàng trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông từ biển, qua cửa Lạch Giang vào sông Ninh Cơ, sang sông Đáy và ngược lại một cách thuận tiện.

Âu tàu được thiết kế như một “van đóng mở” để ngăn mặn, cân bằng mực nước giữa hai sông phục vụ giao thông thủy. Khi có tàu vào, một bên đóng kín, bên còn lại mở cho tới khi mực nước sông cân bằng với bên trong để tàu qua, và ngược lại. Mỗi chu kỳ một tàu qua kéo dài khoảng 15 phút, trong đó 2 phút bơm nước để cân bằng phía trong và ngoài sông.

Cầu vượt kênh nối được xây dựng để nối lại tỉnh lộ 490C của huyện Nghĩa Hưng bị kênh đào chia cắt.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang khẳng định, kênh nối Đáy - Ninh Cơ là công trình giao thông phức hợp nhất (có hạng mục giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, thủy lợi) mà Bộ Giao thông vận tải từng triển khai.

Chạy đua với tiến độ mới

Theo kế hoạch, cụm công trình sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022, cùng thời điểm Hiệp định vay vốn ODA với Ngân hàng Thế giới hết hạn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trong đó có ảnh hưởng của dịch Covid-19 và vướng mắc trong công tác di dời đường ống cấp nước đi qua công trình, dự án đã rơi vào tình trạng chậm tiến độ. Đến hết tháng 3/2022, tiến độ của cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ mới chỉ đạt sản lượng lũy kế 40%. Việc hoàn thành đúng kế hoạch là bất khả thi.

Kênh nối Đáy - Ninh Cơ là công trình giao thông phức hợp nhất (có hạng mục giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, thủy lợi) mà Bộ Giao thông vận tải từng triển khai
Kênh nối Đáy - Ninh Cơ là công trình giao thông phức hợp nhất (có hạng mục giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, thủy lợi) mà Bộ Giao thông vận tải từng triển khai (Ảnh: Tiền Phong)

Trước tình hình này, tháng 5/2022, nhà thầu, tư vấn giám sát, Ban Quản lý các dự án đường thủy đã tính toán đề xuất điều chỉnh tiến độ tổng thể của công trình và gửi Tờ trình lên Bộ Giao thông vận tải đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và Hiệp định vay vốn đến 30/6/2023 (kéo dài thêm 12 tháng).

Đề xuất này sau đó được Ngân hàng Thế giới đồng ý và chính thức gia hạn Hiệp định vay vốn ODA cho dự án thêm 12 tháng, với điều kiện hoàn thành di dời đường ống cấp nước đi qua dự án và dự án phải kết thúc trước ngày 30/6/2023.

Để “về đích” đúng thời hạn mới, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy chỉ đạo nhà thầu tăng mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân.

Sau gần 3 năm xây dựng, tháng 6/2023, cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ đã cơ bản hoàn thành và thực hiện các thủ tục nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng. 

“Nhờ sự tích cực của các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Thế giới và đặc biệt là sự phối hợp, tạo điều kiện tối đa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban ngành của tỉnh Nam Định, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hưng, công trình đã hoàn thành đảm bảo tiến độ”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chia sẻ.

Rút ngắn 5 tiếng vận chuyển

Ngày 23/6/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 6625/BGTVT-KCHT gửi UBND tỉnh Nam Định về việc đặt tên cụm công trình kết nối sông Đáy và sông Ninh Cơ, theo đó Bộ Giao thông vận tải dự kiến công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia từ tháng 7/2023 và dự kiến đặt tên công trình là “Kênh Nghĩa Hưng”, âu tàu nằm trên kênh là “Âu tàu Nghĩa Hưng”. UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản đồng ý với việc đặt tên này.

Ngày 25/7/2023, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-BGTVT chính thức công bố mở luồng thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng với chiều dài 1,18km (điểm khởi đầu tại km8+300 sông Ninh Cơ, thuộc địa phận xã Nghĩa Lạc; điểm kết thúc tại km35+450 sông Đáy, thuộc địa phận xã Nghĩa Sơn).

Cấp kỹ thuật của luồng là cấp đặc biệt (phía sông Đáy có bề rộng đáy 90m, cao trình đáy -6,3m; phía sông Ninh Cơ có bề rộng đáy 100m, cao trình đáy -6,7m); chiều cao tĩnh không thuyền 15m. 

Ngày 25/7/2023, Bộ Giao thông vận tải chính thức công bố mở luồng nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng có chiều dài 1,18km (Ảnh: Báo Nhân dân)
Ngày 25/7/2023, Bộ Giao thông vận tải chính thức công bố mở luồng nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng có chiều dài 1,18km (Ảnh: Báo Nhân dân)

Ban Quản lý các dự án đường thủy thông tin, sáng 25/7, tàu trọng tải 1.000 tấn mang số hiệu NĐ-4002 từ sông Ninh Cơ đã lưu thông an toàn qua luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng để tiếp tục hành trình tới cụm cảng Ninh Bình trên sông Đáy. Toàn bộ hành trình, gồm cả việc qua âu tàu Nghĩa Hưng, chỉ mất khoảng 40 phút, rút ngắn được hơn 5 giờ so với lộ trình trước đây.

Khi các chủ tàu quen thuộc với phương thức vận hành của âu tàu Nghĩa Hưng thì thời gian qua luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng sẽ chỉ còn khoảng 30 phút.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, công trình hoàn thành và đưa vào khai thác đã góp phần giảm thiểu khoảng cách vận chuyển khoảng 100km so với đường bộ, giảm chi phí vận tải hàng hóa so với trước đây, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cụ thể, cụm Kênh - Âu tàu Nghĩa Hưng sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016), giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đủ tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc, đặc biệt là cụm công nghiệp điện, đạm, qua đó giảm chi phí logistics và giảm ô nhiễm môi trường.

Phương Chi