TH: Phát triển bền vững với nguồn điện từ năng lượng mặt trời và bã mía

Tận dụng diện tích trống trên những mái trang trại bò sữa, tập đoàn TH lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung ứng năng lượng xanh cho tổ hợp sản xuất sữa. Bên cạnh đó, tập đoàn TH cũng áp dụng mô hình đồng phát điện để tận dụng bã mía và các loại phụ phẩm để đảm bảo năng lượng cho quá trình hoạt động sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí năng lượng và giảm mạnh lượng khí CO2 phát thải ra môi trường.

Nguồn năng lượng tự nhiên từ mái nhà trang trại

Các nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo quốc tế đã chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn phát triển năng lượng mặt trời. Cường độ bức xa mặt trời tại Việt Nam ở mức khá cao so với các quốc gia khác trên thế giới, trung bình khoảng 4,6 kWh/m2/ngày và số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ.

Ngày 13/3/2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Trong đó, điện mặt trời áp mái được xem là mô hình phát triển năng lượng tái tạo đem lại nhiều lợi ích. Với người tiêu dùng và các doanh nghiệp, chi phí tiền điện hàng tháng sẽ giảm xuống, tăng thu nhập nhờ bán lại phần sản lượng điện không sử dụng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Với ngành điện, điện mặt trời áp mái có quy mô nhỏ, được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu nên giảm áp lực đầu tư lưới điện truyền tải. Đặc biệt, việc phát triển điện mặt trời áp mái không yêu cầu diện tích và vốn đầu tư nhiều, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện mô hình này, góp phần hiệu quả trong việc tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí CO­­2­ ­­. 

điện mặt trời
Việc tận dụng diện tích trống trên mái trang trại bò sữa để lắp đặt pin điện mặt trời giúp cung ứng nguồn năng lượng xanh cho hoạt động sản xuất của tập đoàn TH

Nhằm tiết giảm chi phí năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tập đoàn TH đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái các trang trại chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Nghệ An kể từ giữa năm 2020. Nguồn điện từ năng lượng mặt trời hiện đã đáp ứng từ 1/8, có thời điểm đạt 1/5 tổng nhu cầu điện năng của hệ thống trang trại TH.

Hiện tại có 03 trong số 09 trại của cụm trang trại chăn nuôi bò sữa của tập đoàn TH tại tỉnh Nghệ An được lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Dự kiến đến cuối năm nay, tập đoàn TH sẽ lắp đặt thêm hệ thống điện mặt trời áp mái cho ba trang trại và một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo tính toán, hệ thống điện mặt trời của tập đoàn TH có thể sản xuất ra được khoảng 4.281 MW/năm khi toàn bộ mái của các cụm trang trại được phủ kín bởi các tấm pin năng lượn mặt trời. Lượng điện năng này cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp tập đoàn TH không phải sử dụng nguồn điện từ năng lượng hoá thạch, góp phần giảm phát thải 2.100 tấn CO­­2 ­mỗi năm.

Không chỉ tạo ra nguồn năng lượng xanh, hệ thống điện mặt trời trên mái trang trại hoạt động như một lớp cản nhiệt, giúp làm mát khoảng không gian chăn nuôi của tập đoàn TH, góp phần cải thiện chất lượng sinh trưởng và năng suất sữa của đàn bò sữa.

Tận dụng phụ phẩm trong hoạt động sản xuất  

Trước khi phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, từ nhiều năm nay, tập đoàn TH đã tận dụng bã mía để sản xuất điện, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty TNHH Mía đường Nghệ An - một công ty thành viên của tập đoàn.

Cụ thể, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An đã tích hợp công nghệ đồng phát điện từ bã mía vào quy trình sản xuất nhằm tiết kiệm được chi phí mua điện bên ngoài và tận dụng được phụ phẩm do chính nhà máy sinh ra. Lượng bã mía từ quá trình ép mía lấy đường được sử dụng làm nhiên liệu đốt lò hơi, tạo ra hơi nước có áp suất và nhiệt độ cao. Hơi nước ra khỏi lò hơi được đưa vào sử dụng làm quay tuabin tạo ra điện. Phần hơi nước sau khi ra khỏi tuabin sẽ được đưa vào sử dụng trong sản xuất của nhà máy để thực hiện các công việc như sấy, sưởi, gia nhiệt…

Không chỉ có bã mía, bã bùn mía đường và nhiệt thải từ quá trình chế biến đường tinh luyện cũng được Công ty TNHH Mía đường Nghệ An tận dụng để tạo ra điện. Ngoài ra, tro của quá trình đốt bã mía phát điện được công ty tận dụng để trở thành phân bón ruộng mía.

Theo ước tính của Tổ chức Đường Thế giới (ISO), cứ mỗi tấn bã mía được tận dụng để phát điện sẽ giúp tiết giảm được 0,55 tấn CO­­2 ­­­phát thải. Việc sử dụng triệt để bã mía và các phụ phẩm trong quá trình tinh luyện đường để tạo ra điện cũng giúp tiết kiệm tài nguyên hoá thạch. Cứ một tấn bã mía chứa 50% độ ẩm sẽ tạo ra lượng điện tương đương việc sử dụng 0,213 tấn dầu thô, theo Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).

Trong quá trình thu hoạch mía đường, các phần không sử dụng của cây mía như lá và rễ được công ty giữ lại và để phân huỷ tự nhiên, tạo một lớp thảm phủ trên vùng đất canh tác. Với phương pháp này, đất được bảo vệ, giữ ẩm và bồi đắp dinh dưỡng một cách tự nhiên, không cần sử dụng phân bón hoá học, giảm thiểu tác động lên môi trường.

Ngoài ra, rỉ mật, một phụ phẩm từ quy trình ly tâm nước mía, được sử dụng trong quá trình chế biến thức ăn cho đàn bò sữa hoặc bán cho các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất khác như mì chính, rượu, bia, cồn.

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện năng tại Việt Nam ngày càng tăng, việc đẩy mạnh phát triển năng lượng điện mặt trời áp mái và tận dụng các phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tạo nguồn năng lượng được xem các giải pháp thiết thực, hiệu quả để giải bài toán thiếu hụt năng lượng. Đặc biệt, các giải pháp này giúp cung ứng nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời, giúp đa dạng hoá các nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Quang Đặng