Thách thức từ Hiệp định TPP đến hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam

ThS. ĐOÀN THỊ NGUYỆT (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Những quy định của Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) về lĩnh vực tài chính ngân hàng đã mang đến cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nhiều thời cơ và thách thức. Đối mặt với những thời cơ và thách thức đó, hệ thống ngân hàng thương mại cần  chuẩn bị các phương án ứng phó, đồng thời tận dụng tối đa thời cơ mà TPP mang lại để tạo sự thay đổi sâu rộng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng và cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Từ khóa: Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, ngân hàng thương mại, nền kinh tế, đầu tư nước ngoài.

I. Đặt vấn đề

Việt Nam đã và đang ngày càng tham gia tích cực, sâu rộng hơn vào tiến trình hội nhập quốc tế, thể hiện qua những hiệp định đã ký kết với một số nước. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi như là hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” đầy tham vọng và tiêu chuẩn cao, là một thỏa thuận mở rộng khu vực linh hoạt và toàn diện, với cam kết mở cửa thị trường mạnh và tham gia sâu của các bên, loại bỏ một số rào cản thuế quan, thuế xuất nhập khẩu đảm bảo thông thương giữa các quốc gia được thuận tiện nhất. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều điều lệ, quy tắc chung giữa các nước như sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm hay an toàn lao động,... Vì thế, TPP được đánh giá là cơ hội không thể bỏ qua.

Việc kí kết thành công Hiệp định TPP có thể coi là bước ngoặt lớn trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Tài chính - Ngân hàng nói riêng nhờ sự tăng cường tự do hóa lĩnh vực kinh tế - xã hội qua các cam kết mở cửa cao mà TPP đem lại. Quá trình này cũng đem lại những cơ hội tốt cho ngành Tài chính - Ngân hàng trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, Hiệp định này cũng sẽ tạo ra sức ép lớn đòi hỏi thay đổi trong chính sách quản lí vĩ mô, cũng như hoạt động của từng tổ chức tín dụng.

II. Thách thức của TPP tới hệ thống ngân hàng thương mại việt nam

1. Thực trạng hoạt động của ngành Ngân hàng hiện nay

Mặc dù, lợi nhuận sau thuế của ngành Ngân hàng những năm gần đây đã giảm, một phần do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vay vốn cũng đối mặt với nhiều thách thức, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ vay đến hạn, dẫn đến danh mục khoản vay bị suy giảm, nợ xấu gia tăng, các ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro nhiều hơn, trong khi chi phí hoạt động và chi phí quản lý tăng, dẫn đến thu nhập ròng từ lãi giảm. Điều này cũng phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế, của hệ thống ngân hàng. Các chỉ số hiệu quả kinh doanh ROE, ROA từ năm 2014 đến 2016 đều thấp hơn giai đoạn 2010 - 2014. Đặc biệt khối ngân hàng thương mại cổ phẩn (NHTMCP), tại thời điểm 31/12/2014 ROA, ROE lần lượt chỉ đạt 0,22% và 1,36%. Năm 2016, khối này có cải thiện chút ít, chỉ số ROA, ROE lần lượt là 0,43% và 4,01%. Nhưng đi sâu phân tích chỉ tiêu này ở một số ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn thì tỷ lệ này vẫn ở mức cao trong giai đoạn 2014 - 2016, đặc biệt 3 NHTM cổ phần có yếu tố Nhà nước chi phối. Đơn cử như, Vietinbank, tại thời điểm 2014, chỉ số ROA, ROE là 1,7% và 19,9%; năm 2015 là 1,4% và 13,7%; năm 2016 là 1,2% và 10,4%. Chỉ số ROA, ROE của NHTM cổ phần Quân đội là 1,97% và 27,5% năm 2014; 1,28% và 16,3% năm 2015; 1,3 và 14,7% năm 2016... Như vậy, nếu xem xét chỉ số hiệu quả kinh doanh của một số NHTM Việt Nam còn cao hơn cả các ngân hàng liên doanh và chi nhánh NHTM nước ngoài. Qua đó, có thể thấy, năng lực cạnh tranh và khả năng chiếm giữ thị phần của một số NHTM.

Việc kí kết Hiệp định TPP sẽ tạo triển vọng cho ngành Thương mại Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho các NHTM Việt Nam đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong tương lai. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ được mở rộng hơn theo các cam kết chung. Theo đó, Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành Ngân hàng - một ngành cần vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao. Hơn nữa, các NHTM Việt Nam có nhiều khả năng nới “room” thêm nữa cho các đối tác chiến lược nước ngoài. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa. Đây có thể là cơ sở để phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam trong tương lai. Nhưng bên cạnh đó để đạt được những cơ hội như mong đợi, ngành NHTM cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ do TPP mang lại.

2. Những thách thức mà NHTM phải đối mặt khi kí kết TPP

Với sự tham gia ngày càng sâu rộng của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt các định chế tài chính đến từ Mỹ, Nhật Bản và Australia thì áp lực cạnh tranh trong ngành sẽ ngày càng tăng lên. Các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực tài chính và khả năng quản trị chuyên nghiệp sẽ gia tăng sức ép đối với khối ngân hàng trong nước.

 Chiến lược “bán lẻ” của các ngân hàng nước ngoài với những thế mạnh về sản phẩm dịch vụ, công nghệ, kỹ năng tiếp cận khách hàng chuyên sâu... có thể khiến ngân hàng nội địa mất dần các phân khúc thị trường quan trọng và là vấn đề mà các ngân hàng Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.

 Việc mở “room” tuy giúp các ngân hàng nội địa có thể tiếp nhận luồng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, nhưng sức ép bị thâu tóm và chi phối cũng tăng cao. Viễn cảnh các doanh nghiệm niêm yết trong lĩnh vực sản xuất - thương mại đã từng bị nhà đầu tư nước ngoài chi phối, thao túng có thể lặp lại đối với lĩnh vực ngân hàng. Và điều này càng có thể xảy ra khi vẫn chưa đưa ra được bài toán giải quyết rõ ràng cho vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng Việt Nam.

 Rủi ro từ việc phụ thuộc vào vốn ngoại sẽ tăng lên cho nền kinh tế Việt Nam. Với tỷ lệ nợ nước ngoài (cả nợ công và nợ tư nhân) ngày một tăng lên của Việt Nam, cộng với tầm quan trọng của tỷ trọng FDI trên cán cân thanh toán và sự mở cửa hơn nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào vốn ngoại. Trong bối cảnh đó, khi thị trường tài chính toàn cầu gặp những cú sốc lớn khiến dòng vốn quốc tế biến động mạnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng dễ tổn thương. Một cú sốc khiến vốn ngoại ngưng vào hoặc chảy ra sẽ tác động khó lường tới sức ép phá giá ngoại tệ và sự ổn định của hệ thống tài chính. Ngược lại, sự đổ vào nhanh chóng của vốn ngoại sẽ làm tăng bong bóng bất động sản, tài sản tài chính và đẩy giá VND lên như những gì đã diễn ra trong giai đoạn 2006-2008.

Bên cạnh đó cũng phải đề cập đến tình trạng dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao từ các NHTM trong nước sang các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và thậm chí là trong khu vực. Do đặc trưng nghề nghiệp, đội ngũ nhân lực ngành tài chính ngân hàng phải là nguồn nhân lực chất lượng cao với trình độ chuyên môn giỏi, kỹ năng ngoại ngữ và tin học tốt, khai thác và sử dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt. Trong số đó, các chuyên gia tài chính là những người có tầm nhìn chiến lược, có hành động quyết đoán và nguyên tắc như một người chỉ huy, đặc biệt là khi phải đối phó với những diễn biến phức tạp trong kinh doanh. Nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là yếu tố then chốt để đáp ứng yêu cầu khắt khe của hội nhập, một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo sự phát triển lành mạnh, hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh của các NHTM Việt Nam. Đây là một thách thức rất lớn của các NHTM Việt Nam hiện nay, bởi thực tế cho thấy, ngành tài chính ngân hàng của Việt Nam đang khan hiếm nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia tài chính có bằng cấp quốc tế. Mặt khác, các NHTM Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề chảy máu chất xám trong quá trình cạnh tranh thu hút nhân tài. Khu vực tài chính ngân hàng luôn diễn ra chu trình di chuyển lao động khá khắc nghiệt và trong chu trình đó tất yếu sẽ diễn ra việc dịch chuyển nhân lực chất lượng cao từ các NHTM trong nước sang ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và sang các nước trong khu vực nếu không có chính sách và biện pháp giữ chân nhân tài.

Những thách thức trên sẽ càng được nhân đôi khi hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng vẫn ở mức hạn chế. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực và trên thế giới nói chung thì khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại Viêt Nam còn chưa cao, mức độ phân bố các chi nhánh và phòng giao dịch chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điều này sẽ tăng cơ hội tiếp cận thị phần khách hàng trong nước cho các ngân hàng quốc tế của các nước, đe dọa thị trường tiềm năng của ngân hàng trong nước. Hơn nữa, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn thấp, đặc biệt một số ngân hàng có năng lực quản lý yếu kém, vi phạm các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro. Một điểm quan trọng khác là cơ cấu lợi nhuận kém bền vững, với 80% lợi nhuận của hệ thống NHTM Việt Nam là thu nhập từ lãi (cao hơn nhiều so với trung bình các nước trong khu vực Đông Nam Á) và tỷ lệ thu nhập phi lãi trên tổng thu nhập ở mức rất thấp, chỉ trên 15% vào cuối năm 2016 (đứng thứ 4 tính từ thấp đến cao trong 200 nước do WB tổng hợp). Thêm vào đó, khuôn khổ quản trị chưa được công khai, minh bạch với báo cáo công bố chủ yếu là báo cáo thường niên và báo cáo tài chính để kiểm toán, chứ không có báo cáo giao dịch nội bộ, giao dịch với các bên liên quan hoặc liên quan tới công ty con của ngân hàng. Những điểm yếu này của hệ thống ngân hàng có thể cản trở ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh gia nhập TPP.

III. Đề xuất một số giải pháp

Để gia nhập TPP trong lĩnh vực tài chính ngân hàng một cách thành công, chỉ riêng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đảm nhận vai trò của mình là chưa đủ mà cần có một liên minh phối hợp sức mạnh của cả cơ quan chức năng và bản thân các NHTM Việt Nam để đảm bảo huy động được toàn bộ nguồn lực trong xã hội, xử lý được những thách thức phát sinh cũng như kịp thời nắm bắt thời cơ để hành động.

* Đối với các cơ quan chức năng:

- Cần tăng cường thông tin cho các NHTM Việt Nam thông qua nhiều kênh khác nhau. Qua đó nhấn mạnh vai trò của NHTM Việt Nam khi tham gia TPP;

- Xem xét các chính sách thu hút đầu tư cho phù hợp với tình hình mới;

- Chuẩn bị tốt quá trình cải cách thể chế.

* Đối với các NHTM Việt Nam:

- Chủ động theo dõi nắm bắt thông tin về TPP và cần phải hiểu rõ về những điều kiện tiếp cận thị trường đối với các đối tác đàm phán trong TPP sẽ dần được xóa bỏ để các NHTM Việt Nam có những bước chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh mới;

- Tích cực đóng góp ý kiến khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tham vấn;

- Tận dụng tốt các cơ hội về đầu tư;

- Cải thiện từng bước nhằm khắc phục những hạn chế từ chính bản thân các NHTM như:

+ Sắp xếp hệ thống mạng lưới và kênh phân phối một cách khoa học: Nâng cao khả năng tiêp cận dịch vụ ngân hàng cho toàn xã hội.

+ Tăng cường năng lực quản trị rủi ro: Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo, nghiên cứu thị trường phục vụ cho công tác quản trị, điều hành. Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị rủi ro thị trường và tác nghiệp theo thông lệ quốc tế. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và phát triển hệ thống công cụ, chương trình phần mềm phục vụ công tác quản lý rủi ro thị trường, tác nghiệp theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

+ Tăng cường năng lực tài chính và nâng cao chất lượng tài sản: Các NHTM cần chủ động nâng cao năng lực tài chính của mình, từng bước tăng vốn điều lệ bằng nhiều biện pháp, giải quyết các nợ xấu…

+ Cần chú trọng xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển. Để đáp ứng tốt yêu cầu cạnh tranh trong điều kiện hội nhập, cần phải có một đội ngũ nhân sự ổn định, đảm bảo cả về chất và lượng, nhất là nhân sự quản lý. Trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực ngày càng gay gắt và đứng trước tình trạng “chảy máu chất xám”, các NHTM Việt Nam cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất: Cơ cấu lại, sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tế phù hợp với yêu cầu hoạt động kinh doanh trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời trẻ hóa đội ngũ lao động qua tuyển dụng;

Thứ hai: Nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý sử dụng nhân lực có hiệu quả, đánh giá nhân viên gắn liền với tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, lấy hiệu quả công việc là thước đo chủ yếu, coi trọng sử dụng nhân tài và khuyến khích tài năng nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trong từng giai đoạn phát triển;

Thứ ba: Chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực một cách toàn diện, từng bước nâng cao chất lượng nhân lực một cách đồng đều và vững chắc theo hướng vừa chuyên sâu, vừa tổng hợp, có khả năng cạnh tranh cao, luôn hướng tới khách hàng;

Thứ tư: Có chính sách thu hút nhân tài thông qua chế độ đãi ngộ.

Tóm lại, đối mặt với những thời cơ và thách thức do TPP mang lại, hệ thống NHTM Việt Nam cần có thời gian chuẩn bị các phương án ứng phó của mình, tận dụng tối đa thời cơ mà TPP mang lại để tạo sự thay đổi sâu rộng và hiệu quả trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng và cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hiệp định thương mại TPP.

2. Nguyễn Hồng Sơn, Trần Thị Thanh Tú, (2014), Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam - kết quả sau 2 năm tái cấu trúc, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số tháng 3/2014.

3.  Phạm Huy Hùng, (2016), Vietinbank sau 6 năm gia nhập WTO - những vấn đề đặt ra.

4. Website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: htpp://www.sbv.gov.vn

CHALLENGES OF TPP FOR VIETNAMESE COMMERCIAL BANKING SECTOR

MA. DOAN THI NGUYET

Faculty of Banking and Finance, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

The provisions of Trans-Pacific Partnership (TPP) related to finance and banking sector could bring both opportunities and challenges to Vietnamese commercial banking sector. Therefore, it is important for the Vietnamese commercial banking sector to prepare plans to take advantages of TPP’s opportunities as well as this agreement’s challenges in order to improve the effectiveness of Vietnamese banking system in particular and Vietnamese economy in general. 

Keywords: Trans-Pacific Partnership (TPP), commercial banks, economy, foreign investment.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây