Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Charoen Laothamatas vừa mới lên tiếng cảnh báo Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh chi phí sản xuất lúa gạo của Thái Lan đang tăng cao hơn các đối thủ, biến động tỷ giá mạnh và hạn hán tại nước này lan rộng.

Ông Charoen Laothamatas cũng chỉ ra việc Thái Lan chỉ xuất khẩu những mặt hàng gạo giống hết nhạu trong 30 năm qua mà thiếu đi việc phát triển các loại gạo mới để đáp ứng thay đổi của thị trường đang khiến sức cạnh tranh của Thái Lan dần yếu đi trên thị trường gạo quốc tế.

Trước đó, Chủ tịch danh dự TREA Chookiat Opgaswongse chỉ ra rằng hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan đang chịu nhiều rủi ro gồm việc đồng Bath Thái tăng giá, hạn hán lan rộng, lượng dự trữ gạo của Trung Quốc hiện ở mức cao và Việt Nam liên tục phát triển các giống gạo mới, đặt biệt là dòng gạo thơm và gạo trắng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã vượt Thái Lan về cạnh tranh giá đối với các sản phẩm gạo cùng phân khúc và gạo của Việt Nam đang thâm nhập vào nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Philippines và Malaysia.

Các rủi ro khác đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan gồm có việc Việt Nam đạt được Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt NamHiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các hiệp định thương mại tự do này có thể giúp Việt Nam mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu gạo.

Ông Chookiat Opgaswongse cũng cho biết chất lượng gạo của Thái Lan đã giảm do biến đổi khí hậu cũng như việc thay đổi phương thức canh tác. Do thiếu lao động, nông dân lựa chọn sử dụng máy móc và hóa chất, và điều này tác động đến hương vị của gạo Thái Lan.

Hạn hán lan rộng tại Thái Lan ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu gạo
Tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây đang tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan

TREA hiện đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo với tổng kim ngạch ước đạt 4,2 tỷ USD trong năm 2020, theo ông Charoen Laothamatas. Đây là mức xuất khẩu thấp nhất của Thái Lan trong 7 năm trở lại đây. Trong năm 2019, xuất khẩu gạo của Thái Lan chỉ đạt 7,58 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 11,2 triệu tấn của năm 2018. Đây là năm thứ hai liên tiếp, xuất khẩu gạo của Thái Lan sụt giảm kể từ khi nước này xuất khẩu kỷ lục 11,6 triệu tấn gạo vào năm 2017.

Theo ông Chookiat Opgaswongse, sự bùng phát của dịch virus Corona (Covid-19) có thể khiến gia tăng nhu cầu dự trữ gạo, đặc biệt là tại các nước Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore. Indonesia hiện cũng lên kế hoạch nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong năm 2020, tăng mạnh so với mức 300.000 tấn trong năm ngoái. Tuy nhiên, ông Chookiat Opgaswongse thừa nhận ngay cả khi nhu cầu về gạo tăng lên, Thái Lan vẫn khó có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo của năm nay.

Đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan là Benin (nhập khẩu 1,07 triệu tấn), sau đó đến Nam Phi (nhập khẩu 725.461 tấn), Hoa Kỳ (nhập khẩu 559.957 tấn) và Trung Quốc (nhập khẩu 471.339 tấn). Gạo Hom Mali hiện được coi là sản phẩm chủ lực của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan trong bối cảnh gạo trắng Thái chịu cạnh tranh mạnh mẽ với gạo trắng Việt Nam.