Trong Bản tin thị trường Nông, Lâm, Thủy sản số ra ngày 21/9/2020, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa cho biết, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Thái Lan đã ban hành các quy định điều chỉnh việc giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với nhập khẩu nông sản tươi. Quy định có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Theo đó, thực phẩm tươi nhập khẩu vào Thái Lan sẽ được phân loại thành 3 nhóm dựa trên mức độ rủi ro. Cụ thể là “Nhóm rủi ro rất cao”, “Nhóm rủi ro cao” và “Nhóm rủi ro thấp”.

Các loại thực phẩm và tên các nhà sản xuất, người bán và các nhà xuất khẩu thuộc “Nhóm rủi ro rất cao” được định nghĩa là những bên không tuân thủ các quy định của Thái Lan liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Gần 30 mặt hàng, bao gồm cam, thanh long, lê, vải, táo, nho, quýt và chà là tươi từ 182 công ty của Trung Quốc, nằm trong danh sách này.

giảm sát thuốc bảo vệ thực vật
Gần 30 mặt hàng, bao gồm cam, thanh long, lê, vải, táo, nho, quýt và chà là tươi từ 182 công ty của Trung Quốc, nằm trong “Nhóm rủi ro rất cao” khi không tuân thủ các quy định của Thái Lan liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Theo Cục Xuất nhập khẩu, cơ quan Giám sát Xuất nhập khẩu của FDA Thái Lan đã tiến hành một chương trình xét nghiệm thuốc bảo vệ thực vật trên thực phẩm tươi trong năm tài khóa 2018/19.

Các loại trái cây tươi có tỷ lệ không tuân thủ quy định vượt quá 20% được phân vào “Nhóm rủi ro cao”. Các mặt hàng thuộc nhóm này bao gồm cherry, các loại trái cây có múi, dâu tây, nho, thanh long, đậu ngọt, cần tây, rau mùi, cải xanh Trung Quốc, súp lơ Trung Quốc và rau chân vịt.

Các sản phẩm thuộc “Nhóm rủi ro thấp” bao gồm các loại rau củ tươi có tỷ lệ không tuân thủ các quy định dưới 20% trong năm tài khóa 2018/19 và những loại rau quả không thuộc các “Nhóm rủi ro rất cao” và “Nhóm rủi ro cao”. Các mặt hàng rau quả tươi thuộc các mức độ rủi ro khác nhau sẽ là đối tượng của các quy trình kiểm tra khác nhau.

Riêng với các loại rau quả thuộc “Nhóm rủi ro rất cao”, các nhà chức trách FDA sẽ tiến hành lấy mẫu và trao cho nhà nhập khẩu để xét nghiệm tại một phòng thí nghiệm quốc gia, phòng thí nghiệm do chính phủ chỉ định và các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Các nhà nhập khẩu sẽ chịu trách nhiệm chi trả chi phí xét nghiệm và các lô hàng sẽ bị giữ tại cảng cho tới khi xét nghiệm hoàn tất.

Tuy nhiên, các nhà chức trách có quyền quyết định liệu lô hàng có thể được chuyển vào các kho có giấy phép nhập khẩu theo ủy quyền viết tay của nhà nhập khẩu hay không. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, lô hàng sẽ được đưa vào thị trường. Ngược lại, lô hàng sẽ không được phép lưu thông trên thị trường.

Đối với các loại rau quả thuộc “Nhóm rủi ro cao”, các nhà chức trách FDA Thái Lan sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở một phòng thí nghiệm quốc gia. Sau đó, các nhà nhập khẩu có thể tiến hành thủ tục thông quan để lưu thông hàng hóa.

Đối với các hàng hóa ở “Nhóm rủi ro thấp”, các nhà chức trách sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên, sử dụng các bộ thử GT-Pesticide và GPOTM/2. Nếu kết quả kiểm tra dương tính, các mẫu sẽ được chuyển tới phòng thí nghiệm quốc gia để kiểm tra thêm.