Thẩm định tài liệu giảng dạy kỹ năng nghe cho sinh viên chương trình chất lượng cao tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân

NGUYỄN THỊ HẰNG (Khoa Ngoại ngữ - Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá giáo trình giảng dạy kỹ năng nghe Collin English for Business cho sinh viên K53 và K54 chương trình chất lượng cao (CLC) tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Mục đích nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong chương trình CLC tại Trường, giúp Bộ môn ngoại ngữ không chuyên đưa ra quyết định đúng đắn nhất trong lựa chọn giáo trình nghe.

Từ khóa: Giáo trình giảng dạy, kỹ năng nghe, chương trình chất lượng cao, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

1. Đặt vấn đề

Chương trình Chất lượng cao (CLC) đang được áp dụng giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, từ khóa đầu tiên (K53) đến nay ngày càng thu hút được đông đảo sinh viên, cho dù tiêu chí tuyển chọn về điểm đầu vào cũng như về trình độ tiếng Anh khá cao. Sau khi đỗ vào Trường và đủ điểm thi vào chương trình, sinh viên bắt buộc phải tham gia kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh để được phân lớp phù hợp.

Môn Tiếng Anh được chia thành 4 kỹ năng và là môn học bắt buộc trong 3 học kỳ đầu tiên. Đây là môn học vô cùng quan trọng, là điều kiện cần có để giúp sinh viên thích ứng tốt với môi trường học tập tiếp theo. Do đó, việc lựa chọn giáo trình hay, đáp ứng được mục tiêu và định hướng tập trung vào các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và trang bị kiến thức cơ bản về kinh tế là vô cùng khó khăn.

Trong học kỳ II của các khóa K53 và K54, bộ môn Ngoại ngữ không chuyên đã quyết định lựa chọn giáo trình Collin English for Business - Listening để giảng dạy nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên ngôn ngữ cần thiết, trong môi trường kinh doanh, có sử dụng tiếng Anh ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, sau 2 năm áp dụng vào giảng dạy cho sinh viên khóa K53 và K54, giáo trình cho thấy nhiều điểm còn hạn chế và chưa hợp lý.

Vì vậy, nghiên cứu đánh giá giáo trình Collin English for Business - Listening, nhằm tìm ra điểm chưa thích hợp của giáo trình, từ đó giúp Bộ môn tiếng Anh lựa chọn giáo trình thích hợp, giúp nâng cao khả năng dạy và học của giảng viên - sinh viên.

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Giáo trình giảng dạy kỹ năng Nghe - Collin English for Business của Ian Badger, xuất bản năm 2011, nhà xuất bản HarperCollins.

Nghiên áp dụng mô hình của Hutchinson và Water (1993) với 3 tiêu chí gồm: Mục tiêu của giáo trình và khóa học; Nội dung (gồm lượng đặc điểm ngôn ngữ, kỹ năng lớn, kỹ năng nhỏ, dạng bài khóa và chủ đề); Phương pháp (bao gồm các dạng bài tập, kỹ năng giảng dạy và học tập).

Phạm vi nghiên cứu: Sinh viên khóa K53 và K54, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

3. Cơ sở lý thuyết

Richards (2001) nhấn mạnh vai trò của tài liệu: “Tài liệu giảng dạy có thể xem như cơ sở cho đầu vào ngôn ngữ mà người học tiếp nhận và là nguồn thực hành ngôn ngữ diễn ra trong lớp học”. Thực tế, nhiều trường hợp, giáo viên và sinh viên chủ yếu dựa vào tài liệu và tài liệu sẽ quyết định thành phần cũng như phương pháp học tập, người học học những gì được trình bày trong tài liệu. Theo Nunan (1992), tài liệu giảng dạy tốt không những giúp ích nhiều cho các giáo viên ít kinh nghiệm và chưa được đào tạo bài bản mà còn hữu ích với cả các giáo viên có kinh nghiệm.

Theo Alderson (1985), đánh giá là phát hiện ra giá trị của điều gì đó với mục đích nào đó. Richards, Platt và Weber (1992) cho rằng, đánh giá là việc thu thập thông tin có hệ thống nhằm đưa ra các quyết định. Hutchinson và Waters (1993, trang 96) khẳng định “đánh giá là vấn đề quyết định sự phù hợp của điều gì đó với một mục đích cụ thể nào đó”. Tomlinson (1998) định nghĩa đánh giá giáo trình là “một quá trình cố gắng để đo lường giá trị của tài liệu hay thẩm định hệ thống các giá trị của tài liệu liên quan đến mục tiêu của nó cũng như mục tiêu của người sử dụng nó”. Như vậy, có thể kết luận rằng, đánh giá giáo trình là đánh giá giá trị của giáo trình theo mục tiêu và yêu cầu đã được đề ra trước đó.

Đánh giá giáo trình thường được chia thành 3 loại: Đánh giá sơ bộ (được thực hiện trước khi khóa học bắt đầu), Đánh giá hình thành (được tiến hành trong khi khóa học đang diễn ra) và Đánh giá tổng kết (được thực hiện vào cuối khóa học hoặc cuối dự án).

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Thực trạng việc sử dụng giáo trình Collin English for Business - Listening áp dụng cho sinh viên K53, K54 học kỳ II tại chương trình CLC

Giáo trình Collin English for Business - Listening đã được đưa vào sử dụng trong 8 lớp khóa 53 (A1, A2, B1, B2, B3, C1, C2 và C3) và 10 lớp khóa 54 (1-10). Có 5 giáo viên tham gia giảng dạy khóa 53, 6 giáo viên giảng dạy khóa 54, trong đó có 3 giáo viên giảng cả hai khóa 53 và 54. Trong tổng số 8 giáo viên này, có 2 giáo viên hiện không còn tham gia giảng dạy tại Khoa Ngoại ngữ Kinh tế nữa, vì vậy việc khảo sát sẽ tiến hành với 6 giáo viên còn lại.

Khi được hỏi về mức độ hài lòng khi sử dụng giáo trình Nghe trên lớp, 62 sinh viên chiếm 48,4% hài lòng với cuốn giáo trình; đồng quan điểm này là ý kiến của 50% giáo viên. Trong tổng 62 sinh viên nêu quan điểm hài lòng về giáo trình, có 20/48 sinh viên khóa 53 và 42/80 sinh viên khóa 54 rơi chủ yếu vào các lớp A1, A2, B1, B2 và các lớp 1 đến 6.

Như vậy, giáo trình được các lớp khá giỏi - khá đón nhận, tuy nhiên các lớp kém hơn không đáp ứng được yêu cầu trong sách. Các giáo viên cũng cảm thấy chưa thật sự hài lòng về cuốn giáo trình này.

4.1.1. Sự phù hợp của giáo trình đối với mục tiêu của khóa học

Bảng 1. Sự phù hợp của giáo trình đối với mục tiêu khóa học

Sự phù hợp của giáo trình đối với mục tiêu khóa học

Bảng 1 cho thấy:

Về phần từ vựng trong giáo trình: Một số giảng viên cho rằng, lượng từ về kinh doanh, kinh tế trong giáo trình không nhiều, một số bài không có từ/cụm từ nào như bài 1 - Giao tiếp rõ ràng, bài 2 - Hiểu các chất giọng khác nhau.

Về việc nghe đa dạng các giọng nói: Toàn bộ giảng viên đều đồng tình giáo trình đã tạo cơ hội cho các sinh viên được tiếp cận với nhiều giọng nói khác nhau (gồm người bản địa và không phải người bản địa), trong khi đó có 89,8% sinh viên đồng ý với điều này.

Tóm lại, cuốn giáo trình đã đáp ứng phần nào mục tiêu của khóa học trong việc giúp sinh viên luyện tập các kỹ năng nghe, cung cấp các cấu trúc ngữ pháp hỗ trợ cho quá trình nghe và làm quen với các giọng nói đa dạng và thực tế. Các mục tiêu khác như giáo trình cung cấp các hoạt động bổ trợ cho nghe và trang bị vốn từ vựng liên quan đến kinh doanh đạt được sự đồng ý rất thấp của sinh viên cũng như giảng viên.

4.1.2. Sự phù hợp của giáo trình đối với yêu cầu về nội dung của khóa học

Bảng 2. Sự phù hợp của giáo trình đối với nội dung khóa học

Sự phù hợp của giáo trình đối với nội dung khóa học

Bảng 2 cho thấy, có sự khác biệt trong đánh giá giáo trình giữa giảng viên và sinh viên ở phần cấu trúc. Trong khi, có 83% giảng viên cho rằng giáo trình đã cung cấp đủ phục vụ cho việc nghe của sinh viên thì chỉ có 40% sinh viên nghĩ lượng cấu trúc trong giáo trình đáp ứng đủ nhu cầu này.

Về độ khó: 78% sinh viên và 100% giáo viên đồng ý giáo trình đã cung cấp vốn từ mới cho các em so với kỳ học trước đó. 75% sinh viên và 50% giảng viên cho rằng, sau khi học xong các em cải thiện được vốn từ vựng về kinh doanh, bởi lượng từ vựng trong giáo trình đề cập khá nhiều nhưng lại không nhiều về các chủ đề kinh doanh.

Về kỹ năng lớn: Dù toàn bộ sinh viên đồng tình cho rằng giáo trình đáp ứng về kỹ năng nghe, nhưng trong đó chỉ có 41% sinh viên nói rằng các em nâng cao được kỹ năng này.

Nguyên nhân:

Thứ nhất là độ khó của phần âm thanh. 72% sinh viên cho rằng, âm thanh nghe là rất khó do được thu trực tiếp và không qua lọc tiếng ồn trong studio cũng như có nhiều giọng nói, phát âm khác nhau. Sinh viên dường như chưa quen với cách nghe này nên cảm thấy rất khó khăn trong việc lĩnh hội kỹ năng;

Thứ hai, giáo trình là cuốn sách chuyên về kỹ năng nghe, các bài nghe được trình bày xuyên suốt mỗi bài học và hầu như không có các hoạt động trước và sau nghe nhằm giúp sinh viên hiểu và ghi nhớ bài học tốt hơn. Các hoạt động này chủ yếu phụ thuộc vào sự khai thác sách và chuẩn bị bài giảng của giáo viên. 

Về các bài khóa: Theo Kadagidze (2006), ở trình độ cao của ngôn ngữ Anh và tiếng Anh chuyên ngành, vai trò của độc thoại sẽ ngày càng tăng. Điều này có nghĩa là, nhiều bài nghe độc thoại đã góp phần làm tăng độ khó của giáo trình. Theo đó, 100% sinh viên và giáo viên đều khẳng định giáo trình có các bài độc thoại và đối thoại, tuy nhiên bài độc thoại và đối thoại là không dài.

Tóm lại, giáo trình đáp ứng được yêu cầu nội dung của khóa học về đặc điểm ngôn ngữ, kỹ năng nhỏ và chủ đề. Riêng về kỹ năng lớn và dạng văn bản thì cần có sự bổ sung, điều chỉnh.

4.1.3. Sự phù hợp của giáo trình liên quan đến yêu cầu về phương pháp của khóa học

Kết quả từ phân tích giáo trình và bảng hỏi: Phân tích giáo trình nhóm nghiên cứu nhận thấy, giáo trình không nói rõ lý thuyết dạy và học nào. Tuy nhiên, giáo trình phần nào đáp ứng yêu cầu của khóa học về các dạng bài tập nghe và lượng ngôn ngữ. Mỗi bài học đều có ít nhất 4 đến 6 bài tập giúp sinh viên luyện tập kỹ năng nghe như: Trả lời câu hỏi, điền từ, đúng/sai, sắp xếp thứ tự. Bài tập về phát âm, yêu cầu sinh viên đọc to những từ/cụm từ/câu sau đó nghe lại để so sánh với phần phát âm trong bài nghe cũng giúp sinh viên chỉnh sửa lại các lỗi phát âm, nhận ra cách phát âm của người nói, tăng cường khả năng nghe hiểu cho sinh viên. Kết quả đánh giá thu được từ bảng hỏi cho thấy, sinh viên có cơ hội luyện tập kỹ năng nghe thông qua các dạng bài tập. Điều này nhận được sự đồng tình của 83% giáo viên và 88% sinh viên.

Về kỹ thuật dạy và học: Giáo trình chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật dạy và học do không có các chỉ dẫn cụ thể về làm việc theo nhóm, cặp hay cá nhân. Chính điều này đã góp phần gây ra sự phiền phức cho giảng viên khi chuẩn bị bài giảng, do thiếu các chỉ dẫn cụ thể trong giáo trình đã buộc họ phải tự thiết kế chương trình dạy. Tuy nhiên, đa số giảng viên cho rằng, các kỹ thuật như làm việc theo cặp, theo nhóm hay cá nhân đều được áp dụng trong lớp học của mình trong quá trình giảng dạy. 45% sinh viên cũng cho rằng, họ có cơ hội làm việc theo nhóm, cặp và cá nhân.

Tóm lại, phân tích giáo trình, dữ liệu từ bảng hỏi của giáo viên cho thấy, giáo trình đã đáp ứng được yêu cầu về phương pháp của khóa học liên quan đến bài tập nghe. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng thể hiện rằng, giáo trình chưa thỏa mãn yêu cầu về bài tập nói, đọc hay viết. 

4.2. Điểm mạnh và hạn chế của giáo trình

4.2.1. Điểm mạnh của giáo trình

- Giúp sinh viên luyện tập kỹ năng nghe, cung cấp các cấu trúc ngữ pháp hỗ trợ cho phần nghe của sinh viên, đồng thời giúp các em làm quen với nhiều giọng nói khác nhau được thu âm trực tiếp. Các cấu trúc được chỉ ra khá rõ, giúp sinh viên nhận biết những thông tin liên quan đến văn hóa, ngữ cảnh bài nói, qua đó hỗ trợ cho việc nghe hiểu. Phần ngữ pháp cũng được đề cập khá chi tiết giúp sinh viên nhận biết không chỉ cách dùng mà còn các lỗi ngữ pháp người nói có thể mắc hoặc cách sử dụng ngữ pháp trong văn nói. Lượng ngữ pháp, cấu trúc và từ vựng khá phù hợp với yêu cầu của khóa học và phù hợp với trình độ tiếng Anh của sinh viên.

- Giáo trình có sự đa dạng trong các giọng nói thực tế với khẩu âm nhiều quốc gia và các chất giọng khác nhau được thu âm trực tiếp không qua xử lý trong phòng thu, không theo kịch bản có sẵn. Điều này giúp sinh viên tiếp xúc và làm quen với môi trường tiếng Anh thực tế.

- Các kỹ năng nhỏ cũng giúp sinh viên luyện tập việc nghe, hiểu khá nhiều. Bên cạnh đó, chủ đề mới mẻ và thông tin cập nhật trong giáo trình cung là phần thu hút sinh viên học tập.

4.2.2. Điểm hạn chế của giáo trình

- Giáo trình chú trọng hoàn toàn vào kỹ năng nghe mà chưa tận dụng tích hợp các kỹ năng lĩnh hội cũng như các hoạt động khác như đọc, nói hay viết để hỗ trợ thêm.

- Người nói vẫn mắc lỗi sai về phát âm, ngữ pháp hay dùng từ. Phần âm thanh không qua xử lý tiếng ồn, các đoạn ê a như trong ngôn ngữ thực tế hàng ngày khiến sinh viên cảm thấy rất khó nghe, không nghe được gì hoặc không hiểu được ý cũng như nội dung của bài học.

- Dạng bài khóa trong giáo trình có nhiều bài độc thoại cho thấy độ khó của cuốn giáo trình. Bên cạnh đó, hình ảnh minh họa hầu như không có nên không thu hút được sự hứng thú cho sinh viên khi học.

- Về phương pháp, giáo trình không nêu rõ giáo viên áp dụng các hoạt động làm việc nhóm, cặp hay cá nhân trong giảng dạy của họ, mặc dù trên thực tế giáo viên vẫn sử dụng các hoạt động này trên lớp. Thêm vào đó, không có tài liệu bổ trợ hay sách giáo viên nhằm hỗ trợ cho sinh viên luyện tập thêm cũng giúp giáo viên dễ dàng khi khai thác giáo trình. Một cuốn sách bổ trợ có thể sẽ phù hợp với nhu cầu của sinh viên ở mọi trình độ. Ngoài ra, giáo trình cũng không có một bài kiểm tra nào. Thực tế, bài kiểm tra sẽ giúp giáo viên và sinh viên đánh giá được việc học cuốn sách cũng như phương pháp giảng dạy có hiệu quả hay không.

5. Một số giải pháp đề xuất

Một là, bổ sung các hoạt động nói, đọc trước và sau khi nghe nhằm giúp sinh viên làm quen với chủ đề, có kiến thức cơ bản và từ vựng liên quan, giúp việc nghe dễ dàng hơn. Những chỉ dẫn dành cho giáo viên trong các phần này là vô cùng quan trọng.

Hai là, bổ sung các bài tập nghe liên quan đến chủ đề với giọng nói chuẩn của người bản địa như Anh, Mỹ, Úc được thu âm trong studio giúp sinh viên tiếp tục phát triển các kỹ năng nghe.

Ba là, cần bổ sung các từ vựng và bài tập liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cho sinh viên xuyên suốt tất cả các bài học. Việc có được vốn từ kinh doanh, kinh tế cơ bản sẽ là bàn đạp chuẩn bị cho các em bước vào những năm học chuyên ngành sau này.

Bốn là, nên bổ sung sách hướng dẫn cho giáo viên. Cách đơn giản là thêm vào một số chú ý cho giảng viên, như mục tiêu của mỗi bài học và gợi ý những ý tưởng về một hay hai hoạt động, bài tập bổ trợ thêm. Cách khác, có thể là đưa ra các chỉ dẫn chi tiết cho giáo viên đi theo các bước của mỗi phần trong bài học.

Năm là, bổ sung bài kiểm tra sự tiến bộ và mức độ hoàn thành trong sách hướng dẫn giáo viên. Điều này giúp giáo viên có thể kiểm tra khả năng của sinh viên trong cả học kỳ cũng như đảm bảo sự đồng đều trong đánh giá sinh viên.

Sáu là, bỏ đi 2 bài học không liên quan đến chủ đề kinh doanh là bài 1 và 2. Đưa 2 bài này vào phần sách bài tập về nhà cho sinh viên tham khảo, luyện tập thêm.

6. Kết luận

Đánh giá tài liệu giảng dạy rõ ràng là một công việc quan trọng trong tiến trình học tập và giảng dạy ngôn ngữ. Kết quả từ đánh giá tài liệu giúp ta không những lựa chọn ra tài liệu phù hợp nhất cho việc giảng dạy mà còn đưa ra quyết định liệu tài liệu đó có được sử dụng hiệu quả trong một thời gian nhất định với một tình huống cụ thể hay không. Kết quả cho thấy, giáo trình đã thỏa mãn tương đối yêu cầu của khóa học liên quan đến mục tiêu và nội dung, tuy nhiên chưa thực sự phù hợp về phương pháp.

Do đó, giáo trình có thể tiếp tục áp dụng cho sinh viên nhưng cần có một số thay đổi, điều chỉnh như: Có thêm các hoạt động khác bổ trợ cho hoạt động nghe; Bổ sung các bài tập nghe với giọng nói chuẩn; Cung cấp sách tham khảo cho giáo viên; và Chỉ dẫn rõ ràng đối với các phương pháp giảng dạy/học tập trong giáo trình. Các kỹ thuật được sử dụng để điều chỉnh giáo trình bao gồm bổ sung và loại bỏ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alderson, J.C. (1985). Evaluation. Lancaster Practical Papers in English Language Education. Oxford: Pergamon Press.
  2. Bacon, S. M. (1989). Listening for real in the foreign-language classroom. Foreign Language Annals, 22, 543-551.
  3. Gabrielatos, C. (2002). Shopping at the ELT Supermarket: Principled Decisions and Practices, from http://www.gabrielatos.com/ELTSupermarket.htm
  4. Hutchinson, T. & Waters, A. (1993). English for Specific Purposes: A Learning - Centered Approach. Cambridge: Cambridge University Press.
  5. Ian Badger (2011). Collins English for Business - Listening. UK: HarperCollins.
  6. McDonough, J. & Shaw, C. (1993). Materials and Methods in ELT: A Teachers’ Guide. Oxford: Blackwell Publishers.
  7. Richards, J. C. (2001). Curriculum Development in Language Teaching. Cambridge: Cambridge University Press.
  8. Richards, J. C; Platt, J. & Weber, H. (1992). Longman Dictionary of Applied Linguistics. London: Longman.
  9. Tomlinson, B. (1998). Materials Development in Language Teaching. Cambridge: Cambridge University Press.

ASSESSING THE MATERIALS FOR TEACHING ENGLISH

LISTENING SKILL OF HIGH-QUALITY PROGRAMS

AT NATIONAL ECONOMICS UNIVERSITY

• NGUYEN THI HANG

Faculty of Foreign Languages for Economics

 National Economics University

ABSTRACT:

This paper is to assess the lesson plans for the Listening skill of Collin English for Business which are used to teach sudents of K53 and K54 high-quality programs at the National Economics University (NEU). This paper’s findings are expected to improve the teaching and learning English quality of the NEU’s high-quality programs and help the Department of Unspecialized Foregin Languages of the NEU make the best decision on choosing its Listening curriculum.

Keywords: Lesson plan, listening skills, high-quality programs, National Economics University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2020]