Thâm hụt ngân sách của Mỹ sắp cán mốc 3 ngàn tỷ USD trước sức ép chi tiêu phục hồi kinh tế hậu Covid

Nền kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi từ cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 nhanh hơn dự kiến ​​và đang trên đà phục hồi lại số lượng việc làm đã mất trong thời kỳ dịch bệnh vào giữa năm tới.

Kết quả này có được một phần do mức chi tiêu khổng lồ từ ngân sách liên bang, nhưng cũng sẽ đẩy mức thâm hụt lên 3 nghìn tỷ đô la cho năm tài chính 2021, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội  Mỹ cho biết.

Những dự báo mới đã tính đến gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Biden đã ký thành luật hồi tháng 3 không tỏ ra lo lắng nhiều trước những cảnh báo của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và một số nhà kinh tế, cho rằng  nguy cơlạm phát có thể làm tê liệt nền kinh tế. Thay vào đó, văn phòng ngân sách dự đoán rằng mức tăng đột biến gần đây đối với giá ô tô, vé máy bay và các sản phẩm khác sẽ chỉ là tạm thời và sẽ bắt đầu giảm trong năm nay.

USA economic

Các quan chức chính quyền đã hạ thấp các dự báo thâm hụt, thay vào đó tập trung vào các dự đoán về tăng trưởng kinh tế, nói rằng những con số đã xác nhận mạnh mẽ những nỗ lực của ông Biden trong việc kích thích nền kinh tế và củng cố quan điểm rằng lạm phát không mấy đe dọa đến sự phục hồi.

Văn phòng ngân sách dự đoán nền kinh tế sẽ tăng đến 6,7% trong năm nay, sau khi điều chỉnh lạm phát. Đó sẽ là mức tăng trưởng hàng năm nhanh nhất tại Mỹ kể từ năm 1984. Mức tăng trưởng này cũng nhanh hơn đáng kể so với dự kiến trước đó của chính văn phòng ngân sách và chính quyền Tổng thống Biden.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng được ước tính sẽ giảm xuống mức dưới 4% trong năm tới và sẽ giữ mức thấp lịch sử đó trong nhiều năm kế tiếp, báo hiệu sự gia tăng đáng kể về việc làmso với dự báo hồi tháng Hai. Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết tỷ lệ thất nghiệp sẽ không giảm xuống dưới 4% cho đến năm 2026.

Các quan chức văn phòng ngân sách cho biết những dự báo tăng trưởng tích cực một phần lớn đến từ các biện pháp kích thích mạnh tay của chính phủ. Nhưng nền kinh tế cũng đang được hưởng lợi từ người tiêu dùng, những người đang nhanh chóng chi tiêu các khoản tiết kiệm mà họ tích cóp được trong thời kỳ đại dịch. Các hộ gia đình đã bị thúc đẩy chi tiêu từ nhiều đợt kích thích, bao gồm cả chính sách tặng tiền trực tiếp, được thông qua dưới thời Tổng thống Donald J. Trump, và bởi sự  bình thường hóa nhanh hơn dự kiến ​​của nền kinh tế khi tiến trình tiêm chủng được mở rộng.

Nội các của Tổng thống Biden đã nhận lấy công lao cho những tiến triển đó. Họ cho biết những nỗ lực của Tổng thống nhằm tăng tốc sản xuất và phân phối vắc xin đã thúc đẩy sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế. David Kamin, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, cho biết rằng gói kích thích của ông Biden, Kế hoạch Giải cứu Mỹ, nhằm thúc đẩy  nhanh hơn sự phục hồi của tầng lớp lao động thu nhập thấp, và các dự báo của văn phòng ngân sách chính là bằng chứng rằng chính sách đó đã thành công.

 “Báo cáo này đã thực sự đi vào lý giải  tại sao chúng tôi lại theo đuổi kế hoạch giải cứu,” ông David Kamin nói.

covid 19 usa

Chính phủ của ông Biden cũng cập nhật dự báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, được công bố vào chiều thứ Năm, dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 7% vào năm 2021 sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Vào tháng 4, I.M.F. từng  dự báo tăng trưởng của Mỹ năm nay sẽ chỉ vào khoảng 4,6%.

Kế hoạch kích thích của ông Biden sẽ đẩy thâm hụt ngân sách liên bang lên gần mức cao kỷ lục trong năm tài chính 2021, nhưng cuối cùng cũng sẽ cải thiện được tình hình tài khóa.

Khoản chi được ông Biden phê duyệt dự kiến ​​sẽ làm tăng thâm hụt thêm 1,1 nghìn tỷ USD cho năm tài chính, kết thúc vào tháng 9. Tổng thâm hụt 3 nghìn tỷ USD sẽ là mức thâm hụt lớn thứ hai kể từ năm 1945, tính theo tỷ trọng của nền kinh tế, sau năm tài chính 2020.

Nhưng tăng trưởng kinh tế đi kèm với thâm hụt lớn hơn trong năm nay sẽ giúp cải thiện triển vọng tài khóa trong thập kỷ tới, với tổng thâm hụt giảm khoảng 1%, văn phòng ngân sách cho biết.

"Thu ngân sách dự kiến ​​trong thập kỷ tới sẽ cao hơn do nền kinh tế mạnh hơn và do đó có nguồn thu nhập chịu thuế cao hơn,"  được viết trong báo cáo.

Kế hoạch giải cứu của ông Biden bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp khoảng 1.400 đô la cho mỗi người có thu nhập thấp và trung bình, 350 tỷ đô la cho các bang và thành phố bổ sung khoản ​thiếu hụt ngân sách và hàng trăm tỷ đô la để đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin và xét nghiệm trên diện rộng. Kế hoạch này cũng bao gồm khoản thanh toán liên bang bổ sung 300 đô la mỗi tuần cho những người lao động thất nghiệp đến hết tháng 9, một khoản trợ cấp mà các thống đốc Đảng Cộng hòa đã chấm dứt sớm khi các chủ doanh nghiệp phàn nàn về khó khăn trong việc tìm nhân công.

Văn phòng ngân sách đã trích dẫn những lợi ích như "giảm nguồn cung lao động" cùng với những lo ngại về sức khỏe của người lao động. Cho biết việc hết hạn phúc lợi, cùng sự an tâm về việc miễn nhiễm virus, sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong nửa cuối năm nay.

Lạm phát, một chủ đề lớn ở Washington, được dự báo sẽ dừng ở mức vừa phải trong những tháng tới. Văn phòng dự báo xu hướng lạm phát sẽ tăng và đạt 2,6% trong năm, mạnh hơn so với dự báo hồi tháng 2. Tuy nhiên, các dự báo cho thấy những áp lực đó sẽ giảm xuống trong nửa năm cuối do một loạt các căng thẳng về nguồn cung trong các lĩnh vực như gỗ và ô tô được cải thiện.

Các báo kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục với tốc độ mạnh mẽ trong năm 2022, đạt 5% theo giá trị thực. Nhưng dự báo cũng cho thấy tăng trưởng sẽ giảm nhanh chóng trong những năm tiếp theo, do lực lượng lao động tăng trưởng chậm hơn mức trung bình. Các quan chức văn phòng ngân sách cho rằng điều đó phản ánh một phần tác động của chính sách hạn chế  nhập cư được áp dụng dưới thời ông Trump. Văn phòng dự đoán đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại còn 1,1%.

Dự báo đó không tính đến bất kỳ chính sách kinh tế bổ sung nào ông Biden có thể ban hành trong thời gian tới. Ông hiện đang thúc đẩy Quốc hội thông qua 4 nghìn tỷ đô cho la chi tiêu và cắt giảm thuế nhằm tạo việc làm và hỗ trợ tăng trưởng bằng cách cải thiện năng suất lao động và nền kinh tế nói chung, như sửa chữa các cây cầu và trợ cấp phí chăm sóc trẻ em để giúp đỡ các phụ huynh, đặc biệt là người mẹ, có thể làm thêm giờ.

Những quan điểm bảo thủ hơn thì cho rằng dự báo thâm hụt dài hạn của báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết rằng những khoản đầu tư vào kinh tế phải được thanh toán đầy đủ và không được tài trợ bởi khoản vay liên bang. Văn phòng ngân sách dự đoán rằng khoản vay từ người dân sẽ tăng lên gần 36 nghìn tỷ đô la vào năm 2031. Con số đó sẽ lớn hơn một chút - chỉ hơn 6% - so với quy mô của tổng nền kinh tế Mỹ trong năm đó.

Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang ở Washington, cho biết: “Việc vay mượn để vượt qua đại dịch và khởi động quá trình phục hồi là hợp lý. Dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ C.B.O cho thấy rằng đã đến lúc chấm dứt việc gia tăng thâm hụt tài khóa,  hướng tới việc thanh toán và cuối cùng là giảm nguồn nợ quốc gia. "

Hoàng Nguyên (Theo The New York Times)