Nhà tôi ở Hà Nội nhưng cũng thuộc khu vực ven ven trung tâm nên nhiều đất đai cây cối, đã bao nhiêu năm bà tôi trồng cây sắn dây. Năm nào cũng thế, cứ tết ra độ vài tuần là bà tôi lại thu hoạch sắn dây. Bốn chị em chúng tôi lít nha lít nhít cùng bà “quần thảo” cả một góc vườn. Những nhát cuốc nhẹ nhàng, thăm dò được bà cuốc đầu tiên cho đến khi nhìn thấy những củ sắn dây trắng nõn ẩn sâu trong lớp đất đen sì thì bà bắt đầu phát lệnh cho chúng tôi đào bới. Đến bây giờ mùi đất và mùi của những củ sắn dây không may bị đứt tứa ra thứ nhựa tinh khôi mùi ngai ngái vẫn còn nguyên vẹn trong cảm thức của tôi. Mãi về sau này tôi mới định ra được cái cảm giác khó gọi tên khi đứng trên mảnh sân góc vườn bổ những nhát cuốc, xúc từng xẻng đất giống như cảm giác được khai sơn phá thạch, cày sâu cuốc bẫm sơ khai như thuở hồng hoang. Lúc đó thì chỉ biết mê mải cả ngày không biết chán. Thật ra có cả một thế giới ở dưới đất khi bạn đào nó lên. Tôi đã gặp lại vài món đồ chơi bị thất lạc từ nhiều năm trước ở đó, thích thú vô cùng. Nhiều nhất là những chú giun đất đen bóng và mập mạp… “Tổng chỉ huy” bà luôn tay luôn chân thúc giục chúng tôi đào cẩn thận và đừng để đứt củ. Mấy bà cháu cứ hì hục như thế cả ngày thì hết cả khóm. Nhìn lại thành quả một sân la liệt những củ sắn dây dài ngắn, lớn bé lẫn trong đất đen bà cháu quần xắn móng lợn nhìn nhau nở nụ cười “thu hoạch”.

Lớn hơn nữa việc học của chúng tôi cũng bận hơn nên không cùng bà làm từ đầu đến cuối nữa, nhưng dù thế nào vẫn luôn cùng bà khai nhát cuốc đầu như một nghi lễ đầy yêu thích, rồi đào bới đến sát giờ học mới thôi. Tôi thì hay ngại tham gia công đoạn rửa và cạo vỏ bởi vì trời rét, ngồi giữa sân nhà ngập đầy sắn dây gió lùa lạnh lưng, cóng hết cả tay. Đào sắn là khâu tôi thích hơn cả, chắc có lẽ vì lao động nóng người quên đi cái rét của mùa đông, hơn nữa, trí tưởng tượng trẻ thơ luôn hy vọng biết đâu đào được… vàng thì sao. Ngày đó tôi cứ mong mãi được có cảm giác nhìn thấy cục vàng trong lòng đất mà đến giờ vẫn chưa được toại nguyện.


Rồi sau đó là rất nhiều công đoạn, nhưng tôi sợ nhất và khâm phục bà nhất ở khâu lọc sắn. Sắn được xát thành bã, qua nhiều lần vắt bỏ bã lọc đi lọc lại, chỉ còn lại là những chậu bột sắn lắng dưới nước được để trong những cái chậu thau trên vỉa hè và luôn được đậy điệm cẩn thận. Không hiểu là theo công thức hay vì bà thích làm như thế, nhưng ngày nào bà cũng lọc chỉ 1 lần, vào buổi sáng, khi bố mẹ tôi vừa đi làm, là bà rửa tay sạch sẽ ở vòi nước rồi bắt đầu lọc sắn. Nước bột sắn ngâm trong chậu thau từ hôm trước trong mùa đông sao mà lạnh buốt đến tận óc. Đó là một cảm giác mạnh đến mức sau này, khi tôi đảm nhiệm việc này thay bà, tôi không thể quên, nó buốt ngay từ cái lùa đầu tiên và sau đó là tê dại. Sau khi đã đổ bớt phần nước trong đi, bà lấy chiếc thìa inox Liên Xô sáng loáng, sạch bóng chuyên dùng làm nhiệm vụ này lùa tay xuống đáy chậu cậy từng lớp bột lắng vừa đặc vừa dẻo quánh. Tỉ mẩn từng cục một, từng chậu một, rồi lại đổ nước sạch mới vào. Cứ thế, những mẻ bột sắn được lọc ngày càng trắng dần ra, những chiếc chậu cũng được xếp dần ra thành 2 chỗ để phân biệt sắn loại một và bột sắn thô hơn, là bã lọc đi lọc lại.

Khi bột đủ trắng, bà bắt đầu phơi bột cho khô. Đến lúc này trời đã sang tháng 3 dương lịch, tháng 2 âm lịch. Lạ một cái, cứ khi bà bắt đầu phơi bột thì trời đổ mưa xuân, nồm khắp cả không gian, bột ẩm mãi không thể khô được. Tôi cứ mãi băn khoăn không hiểu sao dẫu biết điều này mà bà không tránh bằng cách thu hoạch sớm hơn hoặc muộn hơn. Có lẽ vì bột sắn một năm thu hoạch có một lần mà đầu óc trẻ con chóng quên nên thắc mắc này tôi vẫn chưa hỏi được bà. Và vì bột chậm khô nên bà thường sấy bột bằng phương pháp cách thủy. Đây lại là một công đoạn tỉ mỉ và sạch sẽ vô cùng. Hoa bưởi bắt đầu xuất hiện!

Bà thường ướp với những cánh trắng muốt của hoa bưởi. Cho chúng vào bột và cứ thế bà hong sấy trên nồi nước cách thủy. Mùi ngai ngải của bột sắn dây còn ẩm quyện với hương hoa bưởi cùng sự chậm rãi, kiên nhẫn, tinh tươm của bà cùng làn hơi nước bốc lên đã in sâu vào khứu giác của tôi. Khi những cánh hoa bưởi nhỏ biến đi chỉ còn là cái vẩy mầu vàng nhạt cũng là khi bột khô ron, thơm ngát, dịu dàng không chịu nổi, bà cười tươi tắn đảo nhanh tay những lần đảo cuối cùng để hoàn tất mẻ bột…


Bà mất cuối năm, khi khóm sắn dây đang hoàn tất quá trình phát triển của mình để chờ người đến bứng lên khỏi đất rồi đi vào mỗi nồi chè, bát súp trong mỗi gia đình. Hai chị tôi đã lấy chồng, bố mẹ vẫn đi làm, em tôi đã trở thành một chàng trai sôi nổi, đam mê những thú vui hiện đại, tôi lúc này đã thành một sinh viên năm thứ 3 đã tự giành lấy cho mình việc dỡ khóm sắn dây cuối cùng, cứ vừa làm vừa chảy nước mắt vì nhớ bà. Cứ thế tôi nhẩn nha lọc bột, sấy bột, mua hoa bưởi để ướp bột một cách cần mẫn, khéo léo như đã làm thuần thục tự bao giờ. Tôi làm như đang có bà đang ngồi đó chỉ bảo tôi từng ly từng tí. Ôi mẻ bột đầu tiên của tôi cũng là mẻ bột cuối cùng của bà!

Thế nên tháng ba, hoa bưởi, tôi lại nhớ bà!