Thang đo lường kết quả kinh doanh theo cách tiếp cận dữ liệu sơ cấp: trường hợp nghiên cứu doanh nghiệp cổ phần hóa

HỒ XUÂN TIẾN (Khoa Thương mại Du lịch, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:                       

Sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích nội dung kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính, kết quả của nghiên cứu đã đóng góp về mặt lý thuyết trong việc xây dựng thang đo lường kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tiếp cận dữ liệu sơ cấp (Subjective performance), một phương pháp đo lường khác biệt và mới so với phương pháp đo lường kết quả kinh doanh dựa trên các chỉ số tài chính (Objective performance). Ngoài ra, cách tiếp cận phương pháp đo lường này đã mở ra một hướng mới khi nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Từ khóa: Kết quả kinh doanh, cổ phần hóa, phương pháp đo lường khách quan, phương pháp đo lường mức độ cảm nhận.

1. Giới thiệu

Khi đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa, các nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam thường đo lường kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa trong mối quan hệ giữa các loại hình chủ sở hữu với kết quả kinh doanh theo phương pháp đo lường khách quan (Objective performance) bằng các chỉ số tài chính truyền thống dựa trên nguồn dữ liệu thu thập từ dữ liệu tài chính thứ cấp qua các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên nên thường giới hạn trong mối quan hệ ảnh hưởng của các loại hình chủ sở hữu và kết quả kinh doanh. Cách đo lường này chưa giải thích được sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn với đặc trưng của cổ phần hóa tại Việt Nam. Với việc đánh giá kết quả kinh doanh bằng phương pháp đo lường theo mức độ cảm nhận (Subjective performance) dựa trên nguồn dữ liệu sơ cấp được xem là đối lập với phương pháp đo lường khách quan (Objective performance), nghiên cứu đã mở ra một hướng đo lường rộng hơn để có thể mở rộng phạm vi đánh giá kết quả kinh doanh trong mối quan hệ với các nhân tố phi sở hữu.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu phân tích nội dung và phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng trong nghiên cứu. Cụ thể, với phương pháp nghiên nghiên cứu phân tích nội dung, 60 công trình nghiên cứu khoa học được chọn lọc để tổng hợp các kết luận được rút ra từ các quả nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu định tính sử dụng phương pháp thảo luận và phỏng vấn sâu để xây dựng thang đo lường nhân tố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa.

3. Cơ sở lý thuyết

3.1. Định nghĩa kết quả kinh doanh (Performance)

Cyert & March (1992) cho rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là mức độ đạt được mục tiêu của doanh nghiệp, thể hiện bằng lợi nhuận, tăng trưởng thị phần, doanh thu và các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Theo Kaplan & Norton (1993), kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được xác định hỗn hợp từ các chỉ số tài chinh truyền thống thể hiện bằng các con số cụ thể và các nhân tố phi tài chính như sự hài lòng của khách hàng, nỗ lực học tập và phát triển của nhân viên.

3.2. Đo lường kết quả kinh doanh của doanh nghiệp

Các định nghĩa này hoàn toàn không có sự thống nhất và không có tính kế thừa, vì vậy, hệ thống đo lường kết quả hoạt động của doanh nghiệp cũng chưa nhất quán nên việc sử dụng công cụ đo lường nào hoàn toàn là do mục tiêu quản trị (Monica et al., 2007). Sau những năm 1980, các tác giả không còn đo lường kết quả chỉ bằng những tiêu chí tài chính đơn thuần nữa như: tỷ lệ sinh lời trên vốn đầu tư (ROI), tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản (ROA), tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận thuần (net earnings)... mà còn chú trọng đến các tiêu chí phi tài chính khác như: thị phần (market share), sự thỏa mãn của khách hàng, chất lượng sản phẩm, chính sách nội bộ, thỏa mãn của người lao động... Chính những tiêu chí phi tài chính này khi xét về lâu dài mới là nhân tố cốt lõi để giúp cho các nhà quản trị có thể điều chỉnh và đánh giá sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

Theo Dawes (1999), đo lường kết quả kinh doanh bằng cách sử dụng dữ liệu tài chính thứ cấp dựa trên các chỉ số tài chính với các con số tỷ lệ cụ thể như tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận, gọi tắt là phương pháp đo lường khách quan (Objective performance measure). Đối lập với phương pháp này là phương pháp đo lường kết quả kinh doanh bằng cách sử dụng dữ liệu sơ cấp dựa trên mức độ cảm nhận của người được hỏi về kết quả kinh doanh với các thang đo chỉ mức độ từ rất xấu đến rất tốt hay rất ít đến rất nhiều, gọi tắt là phương pháp đo lường theo mức độ cảm nhận (Subjective performance measure).

Với phương pháp đo lường khách quan, dữ liệu tài chính thứ cấp là những dữ liệu trong quá khứ. Mặc dù thể hiện bên ngoài là những số liệu rõ ràng với những con số cụ thể nhưng có nhược điểm là các nhà quản lý của các công ty đại chúng có xu hướng làm đẹp số liệu để làm hài lòng cổ đông và công chúng (Kaplan & Norton, 1993). Hơn nữa, việc thu thập dữ liệu tài chính thứ cấp (objective secondary data) bằng các chỉ số tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận trên tổng tài sản, lợi nhuận trên tổng nguồn vốn… với các con số cụ thể thường là một công việc khó, bởi vì các doanh nghiệp thường không muốn công khai tình hình tài chính thật sự của họ và họ cũng không có động lực để làm việc đó (Dess & Robinson, 1984). Kết quả là các dữ liệu thứ cấp thu thập được khó có thể cung cấp thông tin xác thực để hiểu sâu sắc về tình hình hoạt động của doanh nghiệp (Murphy & Callaway, 2004). Vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nếu dữ liệu thứ cấp trên được thu thập thông qua cách hỏi trực tiếp đối tượng được hỏi như cách thu thập dữ liệu sơ cấp, bởi tỷ lệ trả lời sẽ rất thấp (Dillman et al., 1993).

Để vượt qua các rắc rối này, các nhà nghiên cứu đề nghị sử dụng phương pháp đo lường theo mức độ cảm nhận như là một phương pháp có thể thay thế cho phương pháp đo lường khách quan (Dess & Robinson, 1984; Gupta & Govindarajan, 1984). Sự tương đương và thích hợp của việc sử dụng cách đo lường theo mức độ cảm nhận được xem như là đối lập với cách đo lường dựa trên các số liệu khách quan đã được nhiều nhà nghiên cứu thảo luận (Murphy & Callaway, 2004). Hai công trình nghiên cứu của Dess & Robinson (1984); Gupta & Govindarajan (1984) được xem là những tác giả ủng hộ mạnh mẽ nhất việc sử dụng phương pháp đo lường theo mức độ cảm nhận để thay thế cho phương pháp đo lường khách quan (Murphy & Callaway, 2004). Mặc dù có nhược điểm là tiềm ẩn sai số trong đo lường (Keh et al., 2007) nhưng Dess & Robinson (1984); Gupta & Govindarajan (1984) cho rằng với sự thiếu vắng các dữ liệu thứ cấp bằng các chỉ số tài chính thể hiện khách quan và chính xác tình hình hoạt động của doanh nghiệp, thì có thể đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bằng cách tiếp cận khác qua cách thu thập dữ liệu sơ cấp, bằng phương pháp hỏi trực tiếp về tình hình kinh doanh theo mức độ cảm nhận của doanh nghiệp hoặc có so sánh với các đối thủ cạnh tranh.

Đo lường kết quả kinh doanh có tầm quan trọng rất lớn, tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là sự tương đương giữa đo lường kết quả kinh doanh bằng phương pháp đo lường khách quan và phương pháp đo lường theo mức độ cảm nhận (Murphy & Callaway, 2004). Sử dụng hai cách thu thập dữ liệu khác nhau để so sánh cách đo lường kết quả kinh doanh của hai phương pháp này, nhiều nghiên cứu trước đã chỉ ra rằng có mối quan hệ dương giữa hai phương pháp đo lường (Keh et al., 2007). (Bảng 3.1)

Bảng 3.1. Mối quan hệ giữa phương pháp đo lường mức độ cảm nhận

và phương pháp đo lường khách quan

STT

Tác giả

Mẫu

Hệ số tương quan

1

Dess & Robinson
(1984)

26 doanh nghiệp công nghiệp tại Hoa Kỳ

R = 0,48 đến 0,61

2

Pearce et al., (1987)

97 doanh nghiệp công nghiệp tại Hoa Kỳ

R= 0,74 đến 0,77

3

Covin et al., (1994)

91 doanh nghiệp công nghiệp tại Hoa Kỳ

R= 0,44 (chỉ một biến được sử dụng là tốc độ tăng trưởng doanh thu)

4

Hart & Banbury (1994)

720 doanh nghiệp Hoa Kỳ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau

R= 0,44 đến 0,55 cho chung toàn bộ, khi phân ngành thì R= 0,99

5

Dawes (1999).

180 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Úc

R = 0,48 đến 0,51

Nguồn: Dawes, 1999

3.3. Các tiêu chí đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa tại Việt Nam

Có nhiều chỉ tiêu để đánh giá kết quả kinh doanh, tùy thuộc vào mục tiêu, ý nghĩa của từng nghiên cứu (Monica et al., 2007). Để đánh giá kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân hóa tại các nước đang phát triển, D’Souza & Megginson (1999) đã đề xuất các tiêu chí đo lường bằng các chỉ số tài chính phổ biến nhằm đánh giá kết quả kinh doanh cho phù hợp với sự thay đổi cấu trúc mới của doanh nghiệp tư nhân hóa, bao gồm lợi nhuận tài chính (profitability) đo lường bằng lợi nhuận trên tổng doanh thu (ROS), lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn (ROE) và hiệu quả hoạt động (efficiency) đo lường bằng doanh thu (sales) và thu nhập ròng của người lao động (net income). Tuy nhiên, Sun & Tong (2003); Zhibin, 2004) cho rằng tiêu chí lợi nhuận tài chính, hai chỉ số ROA và ROE không phù hợp khi đo lường kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa tại Trung Quốc. Vì khi cổ phần hóa tổng tài sản và vốn cổ phần sẽ có xu hướng tự động tăng lên, do đó lợi nhuận tài chính chỉ nên đo lường bằng chỉ số lợi nhuận trên doanh thu (ROS) sẽ công bằng hơn.

Shirley (1992) cho rằng tư nhân hóa dưới bất kỳ hình thức nào cũng đem lại hai mặt hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp là hiệu quả tĩnh (static efficiency) và hiệu quả động (dynamic efficiency). Trong đó, hiệu quả tĩnh đạt được thể hiện qua việc thu được lợi nhuận mong muốn do động lực tìm kiếm lợi nhuận từ sự thay đổi sở hữu từ nhà nước sang tư nhân, hiệu quả động đạt được là những cải thiện quản trị doanh nghiệp giúp nhà quản lý năng động hơn, dám chấp nhận rủi ro với các dự án mới, đổi mới (Innovativeness) và chủ động trong các quyết định kinh doanh đem lại sức sống mới cho doanh nghiệp. Hiệu quả động này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển về tốc độ tăng trưởng, phát triển thị trường và sản phẩm mới. Cyert & March (1992), cho rằng kết quả kinh doanh được thể hiện qua các mục tiêu đạt được của doanh nghiệp như lợi nhuận mong muốn, tốc độ tăng trưởng, phát triển thị trường mới, sản phẩm mới và khả năng chiếm lĩnh thị phần của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, các tiêu chí đo lường kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm lợi nhuận tài chính (đo lường bằng chỉ số ROS), tốc độ tăng trưởng, phát triển thị trường mới, phát triển sản phẩm mới, thu nhập người lao động.

4. Kết quả nghiên cứu

Dựa trên quan điểm đo lường của Shirley (1992) về hiệu quả tĩnh và hiệu quả động của doanh nghiệp cổ phần hóa; phương pháp đo lường theo mức độ cảm nhận của Murphy & et al., 1996; tiêu chí đo lường của Keh et al., (2007), Boubakri & Cosset (2004); Megginson, Nash & Randenborgh (1994); D’Souza & Megginson (1999); cách phát biểu của Tho & Trang (2011) về thang đo mức độ cảm nhận, tác giả đề xuất thang đo kết quả kinh doanh gồm 5 biến quan sát. (Bảng 4.1)

Thông qua thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu, các đối tượng tham gia thống nhất thang đo kết quả kinh doanh gồm 5 biến quan sát. Tuy nhiên, có điều chỉnh về cách phát biểu cho phù hợp với môi trường cổ phần hóa tại Việt Nam, cụ thể như sau:

- Phát biểu “Chúng tôi đạt được thành tựu về lợi nhuận như mong muốn” được chuyển thành “Khi chuyển thành công ty cổ phần, công ty chúng tôi đạt được lợi nhuận (ROS) mong muốn”. Trong phát biểu này, các chuyên gia đều đồng ý với quan điểm của Sun & Tong (2003), lợi nhuận được xác định rõ hơn trên cơ sở đo lường chỉ số ROS, do chỉ số ROS phản ánh thực chất hơn kết quả hoạt động kinh doanh của công ty cổ phần hóa so với chỉ số ROA và ROE. Vì khi cổ phần hóa tài sản và vốn cổ phần trong doanh nghiệp thường có xu hướng tăng lên nhanh.

- Phát biểu “Chúng tôi đạt được thành tựu về tăng trưởng” được chuyển thành “Khi chuyển thành công ty cổ phần, công ty chúng tôi đạt được tốc độ tăng trưởng tốt”.

- Phát biểu “Chúng tôi đạt được thành tựu về chiếm lĩnh thị trường” được chuyển thành “Khi chuyển thành công ty cổ phần, công ty chúng tôi có thêm thị trường mới”.

- Phát biểu “Chúng tôi đã và đang phát triển thị trường như mong muốn” được chuyển thành “Khi chuyển thành công ty cổ phần, công ty chúng tôi phát triển thêm sản phẩm mới”.

- Phát biểu “Chúng tôi đã và đang phát triển sản phẩm và dịch vụ mới” được chuyển thành “Khi chuyển thành công ty cổ phần, công ty chúng tôi thu nhập người lao động tăng”. Riêng biến quan sát này, các chuyên gia đều đồng ý rằng lấy nội dung thu nhập người lao động để đánh giá kết quả kinh doanh của DN cổ phần hóa theo tiêu chí đo lường của Megginson, Nash & Randenborgh (1994) sẽ tốt hơn so với nội dung đo lường tính mới về phát triển sản phẩm và dịch vụ.

Bảng 4.1. Thang đo kết quả kinh doanh

Items

Kết quả kinh doanh

(Performance)

Tham khảo (Adopted)

Khi chuyển thành công ty cổ phần, công ty chúng tôi:

§ Keh et al., (2007);   

§ Murphy & et al., 1996;

§ Gupta & Govindarajan (1984).

1

Đạt được lợi nhuận (ROS) mong muốn

2

Đạt được tốc độ tăng trưởng tốt

3

Có thêm thị trường mới

4

Phát triển thêm sản phẩm mới

5

Thu nhập người lao động tăng

Nguồn: Điều chỉnh từ nghiên cứu định tính của tác giả

5. Kết luận

Sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích nội dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính, nghiên cứu đã đề xuất thang đo lường kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp cận theo hướng đo lường mức độ cảm nhận từ việc sử dụng dữ liệu sơ cấp. Kết quả của nghiên cứu đã đóng góp vào lý thuyết thang đo lường kết quả kinh doanh nói chung và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa nói riêng tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Covin, J.G., Slevin, D.P., & Schultz, R.L. (1994). Implementing strategic missions: Effective strategic, structural and tactical choices. Journal of Management Studies, 31(4), 481 - 505.
  2. Cyert, R.M. & March, J.G. (1992). A Behavioral Theory of the Firm. 2nd ed. Oxford: Basil Blackwell Publishing.
  3. Dawes, J. (1999). The Relationship between Subjective and Objective Company Performance Measures in Market Orientation Research: Further Empirical Evidence. Marketing Bulletin, 10(Research Note 3), 65-75.
  4. Dess, G.G., & Robinson, R.B. (1984). Measuring organizational performance in the absence of objective measures. Strategic Management Journal, 5, 274-286.
  5. Dillman, D.A., Sinclair, M.D., & Clark, J.R. (1993). Effects of questionnaire length, respondent-friendly design, and a difficult question on response rates for occupant-addressed census mail surveys. Public Opinion Quarterly, 57, 289-304.
  6. D’Souza, Juliet and William L. Megginson, (1999). The Financial and Operating Performance of Newly Privatized Firms in the 1990s. J. Fin. 54, pp. 1397-438.
  7. Gupta, A.K., & Govindarajan, V. (1984). Business unit strategy, managerial characteristics, and business unit effectiveness at strategy implementation. Academy of Management Journal, 27, 25-41.
  8. Hart, S., & Banbury, C. (1994). How strategy-making processes can make a difference. Strategic Management Journal, 15, 251-269.
  9. Monica, F.S., Mike Kennerley, Pietro Micheli, Veronica Martinez, Steve Mason, Bernard Marr, Dina Gray & Andrew Neely. (2007). Towards a definition of a business performance measurement system. International Journal of Operations Production Management, 27(8), 784-801.
  10. Murphy, G. & Callaway, S. (2004). Doing Well and Happy About It? Explaining Variance in Entrepreneurs’ Stated Satisfaction with Performance. New England Journal of Entrepreneurship, (issue), pages?. 7(2), 15-26.
  11. Kaplan, R. S., & D. P. Norton. (1993). Putting the balanced scorecard to work. Harvard Business Review, September/October, 134-147.
  12. Keh, H.T., Nguyen Thi Tuyet Mai & Nguyen H.P. (2007). The effects of entrepreneurial orientation and marketing information on the performance of SEMs. Journal of Business Venturing, 22, 952-611.
  13. Pearce, J.A.I., Robbins, D.K. & Robinson, R.B. (1987). The impact of grand strategy and planning formality on financial performance. Strategic Management Journal, 8,125- 134.
  14. Sun, Q. & Tong, W. H. S. (2003). China share issue privatization: the extent of its success. Journal of Financial Economics, 70, 183-222.
  15. Shirley, M.M. (1992). The What, Why, and How of Privatization. Fordham Law Review, 60(3), 23 - 36.
  16. Tho, D. Nguyen & Trang, T.M. Nguyen. (2011). The WTO, Marketing and Innovativeness Capabilities of Vietnamese Firms. Management Research Review, 3(6), 712-726.
  17. Zhibin, Z. (2004). Ownership, Competition, Organizational Change, and Firm Performance: China’s Experience in Privatization). PhD thesis, George Washington University. Trích dẫn theo quy định về tài liệu luận án

Business performance measurement by using the primary data approach: Case study of privatized enterprises

Ph.D Ho Xuan Tien

Faculty of Commerce and Toursim, Industrial University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Using the content analysis research method combined with qualitative research methods, the results of the research have theoretically contributed to building the the business performance scale of privatized enterprises towards the primary data approach (Subjective performance). This approcah is a new measurement method and it is different to the method of measuring business performance based on financial indicators (Objective performance). In addition, this new measurement approach has opened up a new direction when studying the factors affecting the business performance of privatized enterprises.

Keywords: Performance, privatization, subjective performance, objective performance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]