Chợ đêm trên đường Cao Thắng, TP. Vinh
Chợ đêm trên đường Cao Thắng, TP. Vinh

Theo Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, thì mục tiêu cụ thể đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân đạt khoảng 10-11%/năm giai đoạn 2020-2023.

Tổng giá trị gia tăng chiếm khoảng 25-30% tổng GDP của tỉnh; giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt khoảng 141,7 triệu đồng.

Cho đến nay, Vinh là đầu mối giao thông quan trọng, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Thành phố nắm giữ vị trí trọng yếu trên con đường vận chuyển trong nước, hệ thống bến xe kết nối hầu khắp các địa bàn cả nước, ga đường sắt hạng I, sân bay Vinh được quy hoạch và đầu tư mở rộng thành sân bay quốc tế, bến cảng Cửa Lò dần được hoàn thiện, mở rộng thành cụm cảng biển trong đó có cảng nước sâu.

Vì thế Đề án vạch ra nhiệm vụ phát triển thương mại, xây dựng thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò trở thành trung tâm thương mại của vùng Bắc Trung bộ với chức năng đầu mối xuất, nhập khẩu, tập kết, trung chuyển, phân phối, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ; là trung tâm xúc tiến, giao dịch thương mại và các dịch vụ khác theo quy hoạch.

Để đạt mục tiêu này, Đề án yêu cầu huy động tối đa nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng các công trình quan trọng, thiết yếu, trong đó chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp;

Một nhiệm hết sức quan trọng là tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các dự án thương mại trọng điểm như: Trung tâm hội chợ triển lãm khu vực Bắc Trung bộ; trung tâm logistics khu vực cảng Cửa Lò; tổng kho trung chuyển và phân phối khu vực Bắc Trung bộ; các trung tâm thương mại lớn theo Quy hoạch đã được phê duyệt; xây dựng và phát triển hệ thống siêu thị bán buôn bán lẻ.

Thành phố xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các dự án thương mại trọng điểm
Thành phố xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các dự án thương mại trọng điểm

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư, xã hội hóa chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh chợ, nâng cấp chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển các tuyến phố chuyên doanh, xây dựng và quản lý hiệu quả các tuyến phố đêm, phố đi bộ và mô hình mới để thu hút khách du lịch.

Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, nghiên cứu thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại.

Thời gian tới, Nghệ An sẽ ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển TP Vinh toàn diện, hiện đại, sớm trở thành đô thị thông minh, đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ;

Phát triển TP. Vinh trở thành trung tâm vùng trên 10 lĩnh vực, trong đó tập trung vào những lĩnh vực trở thành trung tâm vùng có tính khả thi bao gồm: Thương mại, Du lịch, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, công nghệ thông tin.

Trong đó, ưu tiên rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù một cách rõ ràng, thiết thực để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của TP Vinh.

Tập trung triển khai xây dựng quy hoạch không gian đô thị theo tinh thần QĐ số 52/QĐ-TTg và QĐ số 2468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phát triển TP Vinh trong mối quan hệ tổng thể, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các huyện, thị trong tỉnh, các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, minh bạch, công khai, nhất là các lĩnh vực: đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế...