TÓM TẮT:

Ngày nay, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong ngành công nghệ thông tin với sự ra đời của internet đã tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực lưu thông tiền tệ, nhu cầu thanh toán giao dịch không sử dụng tiền mặt xuất hiện bên cạnh các hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa trực tuyến. Mobile Money (tiền di động) và E-Money (ví điện tử) là những hình thức thanh toán điện tử cho phép thực hiện các dịch vụ tài chính mà không sử dụng tiền mặt.

Bài viết đề cập đến những hình thức thanh toán điện tử như Mobile Money và E-Money, khả năng thực hiện, điều kiện để phát triển cùng với những giải pháp trước mắt nhằm đưa những hình thức thanh toán này vào trong thực tế cuộc sống. Điều này đáp ứng với yêu cầu mà Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển tài chính toàn diện đã được ban hành tháng 1/2020.

Từ khóa: Thanh toán điện tử, Mobile Money, E-Money, giao dịch trực tuyến.

1. Đặt vấn đề

Thanh toán điện tử là hình thức thanh toán mới, nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế của tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, thanh toán điện tử ở Việt Nam cũng đang từng bước hình thành và tăng trưởng mạnh mẽ. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực còn tương đối mới mẻ này. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thanh toán điện tử ở Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Các chuyên gia nhận định, thanh toán điện tử ở nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển khi số người dùng internet và điện thoại thông minh đang ngày càng tăng. Thế nhưng, do thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến và trình độ hiểu biết về lĩnh vực tài chính của người dân còn hạn chế nên thực tế thanh toán điện tử ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển.

Hai trong những hình thức của thanh toán điện tử đang hình thành và được khuyến khích áp dụng, đó là Mobile Money (tiền di động) và E-Money (ví điện tử). Đặc điểm chính của các hình thức thanh toán này là thông qua đường truyền internet có thể thực hiện nhanh chóng các giao dịch tài chính như nạp tiền, rút tiền, chuyển tiền, thanh toán,… với những người khác ở trong nước cũng như nước ngoài.

Bài viết sẽ tìm hiểu khả năng và điều kiện áp dụng những hình thức thanh toán điện tử mới này. Qua đó, đề xuất các giải pháp thích hợp để thúc đẩy chúng phát triển hơn nữa nhằm đáp ứng với các mô hình kinh tế mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. 

Phương pháp nghiên cứu: Bài viết dựa trên các lý thuyết kinh tế, thanh toán điện tử để mô tả, giải thích và phân tích định tính.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là các hình thức thanh toán điện tử hiện nay tại Việt Nam, cụ thể là Mobile Money và E-Money. Phạm vi nghiên cứu của bài viết giới hạn về những khả năng, điều kiện áp dụng thanh toán điện tử. Từ đó, đề xuất các giải pháp thực hiện và phát triển 2 hình thức thanh toán này.

2. Thanh toán điện tử

2.1. Khái niệm

Thanh toán điện tử hay thanh toán trực tuyến là hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt, đã phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây. Có thể hiểu, thanh toán điện tử là việc giao dịch qua mạng internet, thông qua đó người sử dụng thực hiện các hoạt động thanh toán; chuyển, nạp hay rút tiền,… 

Hiện nay, ở Việt Nam, các hình thức thanh toán điện tử được sử dụng phổ biến nhất, bao gồm: Thanh toán bằng thẻ, thanh toán qua cổng thanh toán, thanh toán bằng ví điện tử (E- Money) và thanh toán bằng thiết bị điện thoại thông minh (Mobile Money). Thực tế, mỗi hình thức đều có những ưu điểm vượt trội riêng và tùy vào nhu cầu, người dùng có thể lựa chọn cho mình một hay nhiều hình thức thanh toán phù hợp để sử dụng.

Mobile Money (tiền di động) là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Bản chất của dịch vụ Mobile Money là chuyển đổi hình thức tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Cần phân biệt giữa E-Money và Mobile Money.

E-Money cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi, tương ứng với giá trị tài khoản thanh toán của khách hàng gửi vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo tỷ lệ 1:1.

Điểm giống nhau: Thứ nhất, E-Money và Mobile Money đều là tài khoản điện tử định danh. Thứ hai, E-Money và Mobile Money không được làm phát sinh lượng tiền tệ.

Tuy nhiên, hai dịch vụ này có những điểm khác biệt:

- Dịch vụ E-Money có liên kết với tài khoản ngân hàng cụ thể, còn Mobile Money không liên kết với tài khoản ngân hàng.

- Với E-Money, việc định danh khách hàng được thực hiện bởi các ngân hàng. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất khi việc định danh của Mobile Money được thực hiện bởi chính các nhà mạng. Thách thức với các nhà mạng là kho dữ liệu khách hàng phải chính xác, tránh mạo danh và xác thực được như ở các ngân hàng.

- Mobile Money là một tài khoản điện tử định danh được thực hiện thông qua thiết bị di động, trong khi tài khoản định danh của E-Money phải được lưu trữ trên hệ thống. Điều này đòi hỏi nhà mạng phải có một hệ thống công nghệ thông tin lưu trữ toàn bộ dữ liệu này.

2.2. Lợi ích của thanh toán điện tử

Mục tiêu chung của dịch vụ thanh toán điện tử là hoàn thiện hệ thống tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và khoảng cách về giới trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính chính thống trong khi vẫn bảo đảm các quy định về an toàn, bảo mật, phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố song song với bảo vệ người dùng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2018, thế giới đã có 90 nước chấp nhận Mobile Money, gần 900 triệu người dùng, giao dịch mỗi ngày là 1,3 tỷ USD, tăng trưởng 20%, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Có nhiều nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money lên tới trên 50%.

Đối với Việt Nam, ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 84, trong đó “Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý triển khai thí điểm loại hình Mobile Money, tức dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ giá trị nhỏ”. (Hình 1)

Hình 1: Mô tả sử dụng Mobile Money

Hình 1: Mô tả sử dụng Mobile Money

- Lợi ích đầu tiên của thanh toán điện tử là giúp quá trình thanh toán dễ dàng và đơn giản hơn. Giờ đây, khách hàng có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị di động được kết nối internet mà không phải chuyển tiền mặt hoặc quẹt thẻ. Người tiêu dùng mong muốn trải nghiệm mua sắm nhanh chóng.

- Hơn nữa, thanh toán điện tử thậm chí còn an toàn hơn là thanh toán qua ngân hàng. Thông tin cá nhân của người sử dụng không được lưu trữ trực tiếp trên smartphone mà là trên điện toán đám mây.

- Thanh toán điện tử sẽ giúp người dân nghèo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội.

- Việc phát triển thanh toán điện tử sẽ tạo nên nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số, các công ty khởi nghiệp công nghệ. Không chỉ kích thích các doanh nghiệp kinh doanh kỹ thuật số mà thanh toán điện tử còn thúc đẩy tiếp cận các dịch vụ tài chính. Đây sẽ là phương thức thanh toán phổ biến nhất được chấp nhận bởi các công ty khởi nghiệp, nhất là đổi mới sáng tạo.

- Cuối cùng, góp phần tăng trưởng kinh tế. Được biết, các quốc gia cho phép thanh toán điện tử hoạt động (Mobile Money) đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5% (theo Bộ Thông tin và Truyền thông).

Thông thường, giao dịch thanh toán qua mạng dễ thu hút sự chú ý của tội phạm công nghệ cao. Việc áp dụng hệ thống thanh toán điện tử cần hết sức cẩn trọng. Những biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần phải được tăng cường, hoàn thiện liên tục và thường xuyên cập nhật.

3. Khả năng và điều kiện phát triển thanh toán điện tử

3.1. Khả năng phát triển thanh toán điện tử

Tại Việt Nam, thanh toán điện tử là dịch vụ tương đối mới, tuy nhiên có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, xét về cả phía cung và cầu.

Về phía cung, Việt Nam có lượng lớn thuê bao điện thoại, khoảng 129,5 triệu thuê bao (theo TCTK, 2019); trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao, mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với 43,7 triệu người dùng smartphones, chiếm tỷ lệ gần 45% dân số (2019), Việt Nam đang ở mức trung bình khu vực, cao hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Thái Lan (Hình 2)

Hình 2: Tình hình sử dụng Internet tại một số quốc gia (tháng 6/2019)

Hình 2: Tình hình sử dụng Internet tại một số quốc gia (tháng 6/2019)

                                                                Nguồn: Internetworldstats (2019)

Về phía cầu, còn rất nhiều cơ hội để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Hiện nay, mới có khoảng 63% người lớn (trên 15 tuổi) có tài khoản ngân hàng (theo Ngân hàng Nhà nước, tháng 11/2019), thấp hơn so với Trung Quốc (80%) và châu Á - Thái Bình Dương (70%) (theo Ngân hàng Thế giới). Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam năm 2019 là 11,33% (giảm 0,45% so 2018), phải phấn đấu quyết liệt mới có thể đạt mục tiêu khoảng 10% cuối năm 2020 theo định hướng Chính phủ. Tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông/GDP của Việt Nam năm 2019 là 20,2%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (theo Financial Inclusion). Vì vậy, Việt Nam còn dư địa và có khả năng phát triển thanh toán điện tử trong tương lai gần, đó cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong Chiến lược phát triển tài chính toàn diện đã được ban hành tháng 1/2020.

3.2. Điều kiện để phát triển thanh toán điện tử

Thứ nhất, Hoàn thiện khung pháp lý

Xu hướng phát triển cùng với những lợi ích mang lại của thanh toán điện tử đòi hỏi có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ để thể chế hoá chủ trương được Chính phủ đặt ra. Một văn bản pháp lý đủ sức mạnh sẽ tạo nền tảng thúc đẩy loại hình dịch vụ này, vừa kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung cấp dịch vụ, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh; vừa phòng ngừa tính rủi ro của một phương thức mới trong loại hoạt động có tính nhạy cảm cao là lưu thông tiền tệ.

Khi xây dựng khung pháp lý liên quan đến thanh toán di động nói chung và Mobile Money, E- Money nói riêng, nhà quản lý chính sách có thể tập trung vào các nội dung chính về tính pháp lý được Tổ chức Hiệp hội Thông tin Di động Thế giới (GSMA) đưa ra liên quan đến các vấn đề: Định danh khách hàng, phân loại khách hàng, phát triển mạng lưới đại lý giao dịch tại quầy, tính minh bạch, phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, Xây dựng các quy định thanh toán thống nhất

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khung pháp lý cho thanh toán thường liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành. Ngân hàng Nhà nước cần rà soát, xem xét lại các quy định liên quan đến thanh toán để đánh giá sự phù hợp của khung pháp lý đối với những rủi ro của các hoạt động thanh toán, bao gồm cả phân tầng các công ty cung cấp dịch vụ để đảm bảo giám sát hiệu quả chuỗi giá trị tổng thể của hoạt động thanh toán; Nâng cao vai trò của việc chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng và các công ty thanh toán; Hạn chế tối đa sự phân mảnh cùng với các quy định phức tạp như ở một số nước trên thế giới.

Thứ ba, Xây dựng lộ trình cho các lựa chọn thanh toán

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các thanh toán bằng tiền mặt hoặc kỹ thuật số; thanh toán dựa trên các công nghệ như băng thông rộng và di động. Khung pháp lý hiện hành cho hoạt động thanh toán ít bị phân mảnh hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, để gia tăng hiệu quả quản lý, Ngân hàng Nhà nước nên xây dựng một lộ trình chung cho các thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán số phù hợp với nhu cầu thanh toán của xã hội.

Lộ trình chung cho hoạt động thanh toán cần bao gồm các nội dung: Thúc đẩy hiệu quả và giảm chi phí cho các hoạt động thanh toán; Cơ sở hạ tầng cho thanh toán như tốc độ kết nối và độ phủ di động; Đảm bảo người dân đều được tiếp cận, không ai bị “loại trừ kỹ thuật số.” Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu và xác định các trở ngại có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn thanh toán ngang hàng với chi phí thấp và nhanh chóng, đặc biệt là các tùy chọn được cung cấp bởi ứng dụng di động mà dự báo có thể xuất hiện tại Việt Nam.   

Thứ tư, Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật

Nghiên cứu của McKinsey & Company cho thấy, xử lý một khoản thanh toán xuyên biên giới, trung bình tốn kém gấp 10 lần so với xử lý khoản thanh toán trong nước. Mỗi khoản thanh toán phải qua nhiều khu vực pháp lý và cơ sở hạ tầng thông qua mạng lưới ngân hàng đại lý, điều này khiến việc thanh toán chậm, tốn kém và thiếu minh bạch. Sự ra đời của các mô hình ngân hàng mới như Ngân hàng Mở sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán xuyên biên giới trong tương lai.

Hiện tại, các hoạt động ứng dụng công nghệ cho thanh toán quốc tế đã được một số ngân hàng triển khai như đã đề cập ở trên. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý tại Việt Nam cần lưu ý trong thời gian tới. Theo đó, các cơ quan quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước cần đa dạng hóa các chuẩn và định danh chung để tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế; Mở tiếp cận cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán xuyên biên giới; Tiếp tục làm việc với các cơ quan quốc tế như Ủy ban về Thanh toán và cơ sở hạ tầng thị trường nhằm hỗ trợ việc thanh toán xuyên biên giới hiệu quả và chi phí hơn; Hợp tác với ngân hàng trung ương các nước để cải thiện thanh toán cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. 

4. Giải pháp thực hiện

- Thứ nhất, Chính phủ và các ban, ngành có liên quan sớm hoàn thiện khung pháp lý để Mobile Money và E-Money ra đời, theo hướng khuyến khích nhưng phải đảm bảo an toàn, khả thi và hiệu quả. Khung pháp lý phải bao trùm các hoạt động từ định danh khách hàng, phân loại khách hàng, phát triển mạng lưới đại lý giao dịch tại quầy, tính minh bạch, phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, cần quy định rõ thời gian thí điểm và cách thức đánh giá, tổng kết thí điểm kịp thời, chuẩn xác, để có thể quyết định bước phát triển tiếp theo.

- Thứ hai, cần hạn chế rủi ro về thông tin, dữ liệu. Các quy định pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở bảo mật, an toàn thông tin - dữ liệu, trong đó cần có quy định về chia sẻ thông tin - dữ liệu giữa cá nhân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với đối tác, trong nội bộ doanh nghiệp và giữa các cơ quan quản lý. Cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp Mobile Money và E-Money cần chia sẻ các tài khoản định danh của khách hàng với các tổ chức tín dụng, bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng đăng ký tài khoản định danh tại các doanh nghiệp.

- Thứ ba, giảm thiểu rủi ro liên quan đến hệ thống xử lý, đại lý và khách hàng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money và E-Money cần làm chủ hệ thống xử lý giao dịch, trung tâm thanh toán; xây dựng quy trình, kịch bản ứng phó để kiểm soát, hạn chế các rủi ro hệ thống có thể làm gián đoạn hoặc ngừng giao dịch; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và quy trình quản lý rủi ro hoạt động, nhất là rủi ro trong công nghệ thông tin. Riêng Mobile Money, cơ quan quản lý cần ban hành các khung tiêu chuẩn hệ thống đại lý (về đối tượng, trình độ, năng lực, vốn tối thiểu,…) để định hướng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money có thể thiết lập các tiêu chí nội bộ trong lựa chọn đại lý.

Quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp Mobile Money và đại lý cần quy định rõ kèm theo yêu cầu về đào tạo, chuẩn hóa quy trình, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống đại lý,… Đối với khách hàng, quy định phải luôn có mã xác thực, mã pin hoặc mật khẩu khi thực hiện giao dịch trên điện thoại nhằm xác minh danh tính người dùng; cho phép giám sát khách hàng thực hiện giao dịch thông qua hệ thống định vị. Ngoài ra, khách hàng cần nâng cao ý thức và hành động để bảo mật, cần nắm rõ quyền và thủ tục khiếu nại khi rủi ro xảy ra.

- Thứ tư, Chính phủ phải có giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng thanh toán điện tử để thực hiện các giao dịch phục vụ cho các mục đích xấu như rửa tiền, đánh bạc, tài trợ khủng bố. Muốn vậy, cần có quy định về giới hạn số tài khoản khách hàng có thể nắm giữ, hạn mức mỗi lần giao dịch hay mỗi tháng giao dịch, số dư tối đa trên tài khoản, có hệ thống giám sát các luồng giao dịch, có khả năng cảnh báo cho nhà cung cấp dịch vụ về các giao dịch đáng ngờ.

- Thứ năm, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giao dịch thanh toán điện tử, giải thích cho họ thấy được lợi ích khi sử dụng, tăng cường giáo dục tài chính trong cộng đồng dân cư nhằm trang bị kiến thức và cách thức sử dụng giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt.

- Thứ sáu, cần xây dựng quy trình và phân định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, giám sát, vận hành dịch vụ thanh toán điện tử. Đây là một dịch vụ thanh toán, cơ quan đầu mối quản lý nên là Ngân hàng Trung ương và cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tài chính,… Đồng thời, cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, tổ chức tín dụng và đại lý cũng cần được quy định cụ thể.

5. Kết luận

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, hàng loạt các ngành, các loại hình kinh doanh cùng với các hình thức thanh toán giao dịch mới ra đời. Mobile Money và E-Money là hai trong những hình thức thanh toán mới đang và sẽ xuất hiện trong thời gian gần đây, tồn tại bên cạnh các hình thức thanh toán truyền thống. Đây là hình thức thanh toán ứng dụng khoa học công nghệ vào trong lĩnh vực tiền tệ, các khách hàng có thể thực hiện giao dịch thanh toán tài chính thông qua mạng viễn thông mà không cần phải thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Vì vậy, hình thức thanh toán này tác động nhiều mặt đến nền kinh tế, xã hội Việt Nam: Giúp quá trình thanh toán dễ dàng, đơn giản và an toàn hơn là thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt; Giúp người dân nghèo ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội; Tạo nên nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số; Góp phần tăng trưởng kinh tế.

Song, việc nghiên cứu Mobile Money và E-Money nói riêng cũng như các hình thức thanh toán điện tử nói chung tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là một vấn đề lớn và lâu dài, cần nghiên cứu cụ thể hơn. Bài viết gợi mở cho các nghiên cứu sau nhằm đi sâu hơn vào các hình thức giao dịch thanh toán mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), https://www.sbv.gov.vn/
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), https://www.mic.gov.vn/.
  3. Tổng cục Thống kê (2020), https://www.gso.gov.vn/ .
  4. World Bank (2020), https://www.worldbank.org/.
  5. H (2020). Mười giải pháp triển khai Mobile Money trong đại dịch Covid-19. <http://thitruongtaichinhtiente.vn/10-giai-phap-trien-khai-mobile-money-trong-dai-dich-covid-19-27091.html> Truy cập ngày 5/6/2020.
  6. Minh Đức, (2019). Những điều cần biết về mobile money sắp được thí điểm tại Việt Nam. <https://vtv.vn/kinh-te/nhung-dieu-can-biet-ve-mobile-money-sap-duoc-thi-diem-tai-viet-nam-2020051110251439.htm> Truy cập ngày 4/6/2020.
  7. Trần Hùng Sơn, Nguyễn Thanh Liêm, (2019). Các điều kiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. <https://tinnhanhchungkhoan.vn/fin-tech/cac-dieu-kien-phat-trien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tai-viet-nam-308788.html> truy cập ngày 4/6/2020.

ELECTRONIC PAYMENTS - DEVELOPMENT CONDITIONS AND SOLUTIONS

Master. Le Trung Cang

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The scientific and technological breakthroughs, especially in the information technology industry, and the rapid growth of the Internet have strong impacts on socio-economic activities. In the field of monetary circulation, the demand for non-cash payment have grown thanks to the increase in online transactions. Mobile Money and E-Money are electronic payment methods that enable financial services happen without cash. This article presents electronic payments such as Mobile Money and E-Money, the possibilities of electronic payments and conditions for the development of electronic payments, thereby proposing solutions to promote the electronic payments in accordance with requirements set by the Government of Vietnam in the Comprehensive Financial Development Strategy which was enacted in January 2020.

Keywords: Electronic payment, mobile money, e-money, online transaction.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 5 năm 2020]