Năm 2020, Bộ Công Thương đã liên tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, qua đó, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp từ Trung ương đến địa phương, tăng cường quan hệ chỉ đạo, phối hợp giữa Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thông qua việc tổ chức thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy phép đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm pháp luật; chỉ đạo sát sao công tác cấp, sửa đổi bổ sung Giấy chứng nhận bán hàng đa cấp đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Bộ đã ban hành quyết định xử phạt đối với 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 2 tỷ 435 triệu đồng trong năm 2020.

Nhìn lại cả giai đoạn 2016-2020, công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã được đẩy mạnh, công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, hạn chế tối đa nguy cơ doanh nghiệp lợi dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện các hoạt động thu lợi bất chính. 

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2020, đã có 14 doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị song đến hết năm chỉ có 1 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Trong 5 năm gần nhất, đã điều tra và xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh đối với gần 20 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt hơn 11 tỷ đồng; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 24 doanh nghiệp. 

Song song với hoạt động điều tra và xử lý vi phạm theo thủ tục tố tụng cạnh tranh, Bộ cũng thực hiện hiệu quả việc xử phạt doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm theo chức năng thanh tra chuyên ngành được giao. So với con số 67 doanh nghiệp năm 2016, đến nay chỉ còn 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp trên thị trường; 46 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc tự chấm dứt hoạt động vì kém hiệu quả, giảm 68%, theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp cũng đã giảm từ 1,3 triệu người tại thời điểm năm 2016 xuống còn khoảng hơn 644.996 người ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp hiện nay, trong đó có chưa đến 311.668 người có hoạt động bán hàng và phát sinh hoa hồng, còn lại chủ yếu là ký hợp đồng để được mua hàng với giá chiết khấu mà không tham gia bán hàng.

Đặc biệt, dù số lượng doanh nghiệp và số lượng người tham gia giảm, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp lại có xu hướng gia tăng. Giai đoạn 2016-2017 doanh toàn ngành đạt khoảng 8.000 tỷ đồng/năm; năm 2018 đạt hơn 10.000 tỷ đồng/năm.

Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017.

Bộ Công Thương cho biết đang rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Đồng thời, tổ chức, triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quản công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025.